Điệp Mỹ Linh
Tài liệu về Quân nhân Hải quân V.N.C.H. lập nhiều chiến công Trong Cuộc Chiến Giữa Chính Thể Quốc Gia và Cộng Sản Việt Nam, 1954-1975
LỜI TRẦN TÌNH
Kính thưa quý độc giả và đại gia đình Hải Quân,
Đầu năm 2016, ông Trúc Lâm Yên Tử thuộc Hội Sử Học Việt Nam và cũng là chủ nhân hai websites truclamyentu và quansuvn.info, cho tôi hay rằng: Hội Sử Học Việt Nam cùng quý vị phụ trách hai websites này có ý định thực hiện một dự án quan trọng để ghi lại một cách tóm lược – nhưng đầy đủ – công trạng của tất cả quân, cán, chính trong cuộc chiến Quốc Cộng từ 1954 đến 1975; và xa hơn nữa là các bậc danh nhân trong lịch sử Việt Nam.
Nhận thấy, từ năm 1975 đến nay, phía Cộng Sản Việt Nam đã không ngượng ngùng khi “vẽ rắn thêm chân” trong khi phía Việt Nam Cộng Hòa chưa có được một đồ án nào tìm cách ghi lại một cách trung thực sự hy sinh vô bờ của quân, cán, chính miền Nam, tôi rất vui mừng và thán phục ý kiến của Hội Sử Học.
Ông Trúc Lâm Yên Tử nhờ tôi viết về những vị có nhiều công trạng trong quân chủng Hải Quân V.N.C.H.
Từ khi trở thành “Thủy Thủ không số quân của ông Hồ Quang Minh”, tôi tự hứa sẽ dùng ngòi bút của tôi để gửi đến độc giả những nét đẹp, nét lịch lãm và hào hùng có thật của Hải Quân.
Lời tự hứa của tôi được thể hiện qua những tác phẩm của tôi và rõ nét nhất là cuốn tài liệu lịch sử Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975, được xuất bản năm 1990.
Năm 2004, trong cuốn Hải Sử Tuyển Tập – trang 563 – cựu Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng đã viết: “Đã gần 25 năm, từ ngày chúng ta phải rời Quê Hương và bỏ tàu, chúng ta chưa có một tác phẩm nào kể lại một cách tổng thể về tổ chức, thi hành nhiệm vụ và sự bành trướng Hải Quân để bảo vệ Quê Hương {…} Có lẽ tác phẩm độc nhất có tính cách tổng quát nhưng chỉ giới hạn vào giai đoạn chót của Hải Quân là cuốn Hải Quân V.N.CH. Ra Khơi, 1975 của nhà văn Điệp Mỹ Linh”.
Khi thực hiện cuốn tài liệu lịch sử Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975, tôi gặp rất nhiều khó khăn và cản trở; vì computer chưa được thông dụng và tôi còn đi làm. Nhưng nhờ sự giúp đỡ cũng như sự hợp tác và khích lệ rất lớn lao của đại gia đình Hải Quân, tôi đã hoàn tất cuốn tài liệu một cách đầy đủ.
Từ khi nhận lời hợp tác với Hội Sử Học Việt Nam và ông Trúc Lâm Yên Tử để viết về quân nhân Hải Quân có nhiều chiến công, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ vô điều kiện của quý vị Hải Quân. Nhưng trở ngại lớn của tôi là: Tôi không còn trẻ nữa mà quân nhân có công trạng trong Hải Quân thì quá nhiều; do đó, tạm thời, tôi xin được giới hạn chỉ viết về những vị được ân thưởng Bảo Quốc Huân Chương. Khi nào viết xong về những vị này, tôi sẽ tiếp tục viết về những vị được ân thưởng những huy chương cao quý khác.
Hiện nay tôi đã liên lạc được với khá nhiều vị, nhưng tôi biết còn rất nhiều vị ở xa hoặc đã qua đời, tôi không thể liên lạc. Vì vậy, nếu vị Hải Quân nào có Bảo Quốc Huân Chương – hoặc vị Hải Quân nào có mỹ ý muốn giúp tư liệu về những nhân vật mà tôi không thể liên lạc – khi đọc được “Lời Trần Tình” này, xin vui lòng liên lạc về diepmylinh@rocketmail.comhoặc Điệp Mỹ Linh – P.O. BOX 401 – ALIEF, TX. 77411 – U.S.A.
Tôi sẽ ghi chú cẩn thận tên họ của vị nào cung cấp tư liệu trong bài viết của tôi.
Sau khi hoàn tất tài liệu về những vị lập nhiều chiến công trong Hải Quân V.N.C.H., tôi sẽ chuyển đến Hội Sử Học Việt Nam, hai websites truclamyentu, quansuvn.info và tôi cũng sẽ nhờ phổ biến rộng rãi trên Internet. Phần tài liệu này cũng sẽ được thêm vào cuốn Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975, khi tái bản.
Phần biên khảo của tôi còn thiếu Tư Lệnh Trần Văn Phấn và Cố Hải Quân Trung Tá Trịnh Hòa Hiệp, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Người Nhái – một trong những đơn vị không thể thiếu của Hải Quân V.N.C.H. Tôi hoàn toàn không có bất cứ chi tiết nào về hai vị này.
Xin quý vị Hải Quân hãy vì màu áo, vì truyền thống cao đẹp của Hải Quân V.N.C.H., giúp tôi ghi lại những giá trị vững chắc và có thật do chính quý vị cùng bạn hữu hoặc cấp chỉ huy hay là thuộc cấp của quý vị đã tạo nên trong cuộc chiến 1954-1975.
Sáu vị Phó Đề Đốc sau đây tôi phải dùng Wikipedia; nhưng Wikipedia thiếu rất nhiều chi tiết quan trọng.
- Cựu Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào.
- Cố Phó Đề Đốc Nguyễn Hữu Chí.
- Cố Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu.
- Cố Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú.
- Cố Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy.
- Cố Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng.
Tôi nghĩ, Hải Quân V.N.C.H. không còn, nhưng, với truyền thống cao đẹp vẫn nồng nàn trong tâm, thì quý vị sẽ không nỡ lòng nào để những chiến công của chính quý vị, của cấp chỉ huy hoặc thuộc cấp của quý vị bị chìm vào quên lãng!
Tôi tha thiết kêu gọi sự giúp đỡ tích cực hơn nữa của quý vị Hải Quân; vì đây là cơ hội duy nhất để đại gia đình Hải Quân lưu lại những gì cụ thể và cần thiết trên những trang sử Việt Nam cận đại.
Trân trọng,
Điệp Mỹ Linh
__._,_.___