Nhà văn Huy Phương ra mắt ‘Nước Non Nghìn Dặm’ và ‘Quê Hương Khuất Bóng’
Đằng-Giao/Người Việt
June 19, 2017
“Nước Non Nghìn Dặm” và “Quê Hương Khuất Bóng”, hai tuyển tập tạp ghi mới nhất của nhà văn Huy Phương (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Tác giả Huy Phương đang nỗ lực chuẩn bị cho hai buổi ra mắt hai tác phẩm “Nước Non Nghìn Dặm” và “Quê Hương Khuất Bóng,” hai tuyển tập tạp ghi xuất bản gần đây nhất của ông.
Buổi ra mắt tại San Jose sẽ tổ chức vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy, 24 Tháng Sáu, tại Phòng Hội Học Khu Franklin – McKinley, 645 Wool Creek Drive, San Jose, CA 95112.
Điều hợp chương trình là nhà văn Chinh Nguyên, diễn giả là nhà văn Phan Nhật Nam và nhà văn Võ Hương An. Có giải khát và thức ăn nhẹ. Điện thoại liên lạc (949) 241-0488, (408) 318-7075.
Buổi ra mắt tại Little Saigon là lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 9 Tháng Bảy, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683.
Chương trình sẽ được ông Đinh Sinh Long điều hợp, với sự hỗ trợ của nhà văn Đỗ Quý Toàn và nhà văn Phan Tấn Hải trong vai trò diễn giả.
Cả hai tuyển tập này gồm nhiều bài viết đã được đăng báo, nay sàng lọc lại, tuyển chọn lại, và hiệu đính lại.
“Nước Non Nghìn Dặm”
Tựa đề “Nước Non Ngàn Dặm”, khi đọc thành lời, người ta sẽ mơ hồ thấy nó như có một âm hưởng nhặt khoan, một trầm bổng nhịp nhàng như một ca từ. “Thì đó, nó từ bài trường ca của Phạm Duy ‘Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi’ đó,” tác giả nói.
“Nước Non Nghìn Dặm” gồm 61 bài và một phụ lục về những ngày cuối cùng của Hoàng Ðế Bảo Ðại.
Lối viết súc tích của ông rất thích hợp cho đời sống hối hả của thời đại mới. Mỗi bài chỉ vỏn vẹn vài trang giấy, vừa để người đọc chưa kịp bị phân tâm vì chuyện áo ơm thường nhật. Mỗi bài chỉ vừa vặn cho người đọc nắm bắt được ý ông. Thế thôi, không dông dài, không sướt mướt, lê thê.
Đọc ông, qua “Buổi điểm danh cuối cùng,” “Bữa ăn một mình,” “Những đêm mất ngủ,” “Một thế giới lạnh lùng,” chúng ta như thấy đó là những câu chuyện viết về chính mình. Tác giả như cầm tấm gương, đưa lên để mình thấy mình và một nỗi buồn biệt xứ sao mà chua xót. Qua “Xây chùa, đúc tượng,” “Về quê ăn Tết,” “Bia rượu, chuyện phong lưu hay nỗi ô nhục,” “Danh xưng,” người ta thấy thấm thía nỗi buồn bực bất lực trước nỗi thống khổ của một đất nước quằn cong dưới gót giày đô hộ của cộng sản, trước thống khổ ngập trời của dân mình sao quá trầm luân.
Nhà thơ Phan Tấn Hải viết, “Tạp ghi của Huy Phương lúc nào cũng buồn, và lúc nào cũng hay. Ðọc như ngấm nỗi buồn vào xương, vào thịt.”
Ông thêm: “Tuy viết từ một giọng văn rất buồn, tuyển tập tạp bút ‘Nước Non Nghìn Dặm’ của Huy Phương vẫn nồng thắm tình yêu thương con người và quê hương, đầy sức mạnh thu hút sự chú ý của người đọc.”
Nhà báo Bùi Bảo Trúc, người chuyên viết phiếm vừa qua đời, cũng đã đặt Huy Phương vào một vị trí đáng kể, và cảm nhận được từ Huy Phương những “nét nhân bản, hiền lành và tử tế trong cách viết.”
“Nước Non Nghìn Dặm” là nỗi buồn ray rứt suốt năm canh, là tiếng thét vang cho phọt ra sự phẫn nộ của tác giả, với những điều ông cho là không thể chấp nhận được, như “Phải biết xấu hổ!,” “Văn hóa khinh khỉnh và những cái mặt mo,” “Phải biết đỏ mặt”…
“Quê Hương Khuất Bóng”
“Quê Hương Khuất Bóng” dầy hơn 300 trang với gần 70 bài viết ngắn với nội dung đầy trăn trở cho phận mình, phận đồng bào như “Ai cần ai giải phóng?”, “Cái ác lộng hành,” “Ô nhục này dành cho ai?”, “Nhớ nhớ, quên quên”, “Mắt đền mắt, răng đền răng,” “Tháng Tư thắng hay thua?”, “Ân nghĩa hay nợ nần?”, “Mồm loa mép vải,” “Dị ứng với chữ nghĩa,” “Nỗi vinh nhục của tượng đài,”…
Tựa đề này được lấy từ câu thơ trong bài Hoàng Hạc Lâu, bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu, một thi sĩ đời Đường, qua Bản dịch của Tản Đà.
“… Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non/Quê hương khuất bóng hoàng hôn/Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai…”
Chỉ qua vài dòng thôi, người đọc cảm nhận ngay được rằng sự khuất bóng của quê hương, đối với tác giả, chỉ là về địa lý mà thôi. “Làm sao mà cách lòng được khi từng hơi thở của tôi là hơi thở Việt Nam. Nỗi nhớ nhà cứ canh cánh trong tôi trong từng nhịp tim, thì làm sao mà khuất được lòng,” tác giả Huy Phương chia sẻ.
Qua “Sài Gòn, còn hay mất?” viết về việc thương xá Tax bị xóa sổ để xây cao ốc, ông nhỏ những giọt lệ hết sức Việt Nam, giọt lệ khắc khoải cho một quê hương suốt bốn ngàn năm chưa có được một phút yên bình: “Phải chăng những cái gì mất đi chúng ta mới thấy tiếc nuối. Có người bỏ Sài Gòn ra đi vội vã, đẫm những dòng nước mắt, trên không phận hay trong dòng sông giữa hai bờ dừa nước. Cũng có người trở lại Sài Gòn lần đầu, con mắt đỏ hoe.”
Nhưng có phải chăng bây giờ tất cả đã xóa mờ như vết thương đã thành sẹo, cát bụi đã chôn vùi, xóa hết vết tích của Sài Gòn ngày cũ.”
Rồi ông kết: “Trong tâm trạng thương nhớ Sài Gòn, trân trọng gọi Sài Gòn bằng ‘Người,’ ông Nguyễn Ðình Toàn đã viết, ‘Ta mất Người như Người đã mất tên!’ Ông tin tôi đi. Tên Sài Gòn vẫn còn, và Sài Gòn sẽ mãi mãi của chúng ta, không mất đâu!” (Sài Gòn, còn hay mất?, trang 200)
Đọc “Cái ác lộng hành” để nghe tiếng thở não lòng của ông đọc những bản tin trong nước liên quan đến việc các cô giáo bảo mẫu hành hạ những đứa trẻ mà có nhiệm vụ chăm sóc, những tin liên quan đến việc con giết cha, chồng giết vợ, vợ chồng đánh đập con, để thấy nỗi ray rứt đến bức bối của một người nhìn thấy rõ đạo đức xã hội ngày trở nên suy đồi mà mình thì… bất lực, chỉ có thể thốt lên “Ai nói cái Thiện luôn luôn thắng cái Ác? Có, nhưng không phải dưới chế độ cộng sản!”
Thân phận vợ chồng thời cộng sản được ông xé lòng chia sẻ qua bài “Nhà hạnh phúc,” ngôi nhà một gian bằng toàn tre nứa được dựng lên tạm bợ làm chỗ cho những người tù cải tạo “đạt thành tích tốt” được ngủ với vợ những khi họ ra thăm.
Trớ trêu thay khi người tù cộng sản vào “nhà hạnh phúc” chỉ để nhìn những nỗi đau xé ruột trên cánh tay khẳng khiu của người vợ thân yêu, chỉ để chế độ cộng sản đã hút cạn kiệt sinh khí của vợ chồng anh, để ái ân chỉ còn là một giao tiếp vụng về. Đọc đi, đọc để thấy sự thật tàn nhẫn. ”Hai cánh tay chị khẳng khiu, xương vai nhô cao. Hai bầu vú đầy đặn năm xưa không còn nữa, hai núm vú như muốn lặn sâu vào lồng ngực.”
Như những tác phẩm khác của ông, đây là một nỗi nghẹn ngào rách ruột của tác giả để cùng đồng hương khắp nơi mà thương cho tất cả những gì Việt Nam.
Nhà báo Huy Phương nguyên là một sĩ quan thông tin, báo chí VNCH, một người tù trong các trại tập trung của Cộng Sản bảy năm sau 1975, sang Mỹ thập niên 1990.
Tại Hoa Kỳ, ông là tác giả 12 tác phẩm văn thơ, hiện cộng tác với đài truyền hình SBTN trong chương trình Huynh Đệ Chi Binh, viết mục thường xuyên cho Người Việt, Hệ Thống Saigon Nhỏ và BTrẻ, Thời Báo (Canada,) đài Phát thanh Việt Nam (Oklahoma) và viết blog cho đài VOA (tiếng nói Hoa Kỳ)
Huy Phương sở trường với thể loại tạp ghi, viết về sinh hoạt và tâm tình người Việt Nam trên đất Mỹ.
Mọi chi tiết, xin liên lạc tác giả Huy Phương: huyphuong37@gmail.com
——————–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com.
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com.
__._,_.___