From:"Tran Marie hangiangletuyen@gmail.com
Ông Mã Tuyên và câu Sấm ký về
già Hồ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Phạm Thắng Vũ
Ông Mã Tuyên thời 1963 Ông Mã Tuyên sau 30-4-1975
Hàng năm, cứ đến ngày 1 tháng 11 thì người dân Việt miền Nam VN đều nhớ lại ngày này trong năm 1963 mà ngày hôm sau, dẫn đến cái chết của Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và người em ruột là Cố Vấn Ngô Đình Nhu.
Có quá nhiều bài viết, tài liệu và sách báo đã nói về cái chết của hai người nầy. Ai là kẻ ra lệnh giết và tại sao họ bị giết chết khi (anh em tổng thống) đã chấp nhận đầu hàng (với đám tướng lãnh cầm đầu phe đảo chánh) thì sách báo (trong và ngoài nước) đã viết rất nhiều nên không cần phải viết lại vì sẽ nhàm. Tác giả xin viết khang khác một chút để quý anh chị trong diễn đàn VietLandnews đọc chơi.
Một người không chút dính dáng gì đến quân đội miền Nam VNCH, cũng không phải dân Bắc kỳ di cư 1954 mà chỉ vì một chút tình cảm riêng với cố Tổng thống Ngô Đình Diệm mà gánh hoạ vào thân ngay sau khi đám tướng lãnh đảo chánh thành công. Đó là ông Mã Tuyên, một thương gia Việt gốc Hoa Triều Châu. Ông chuốc hoạ là vì đã… chứa chấp anh em cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu trong cái đêm 1-11-1963. Khi đó ông Mã Tuyên tuổi độ trên 50, là tổng bang trưởng của 10 bang người Hoa tại vùng Chợ Lớn (thuộc quận 5 nội thành Sài Gòn). Thực sự, nhiều người biết chuyện anh em tổng thống Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu trong đêm lẩn trốn (từ dinh Gia Long) đã đến tá túc tại nhà ông Mã Tuyên nhưng hầu như không biết gì về nhân thân ông. Mặt mũi, gia cảnh? Ông Mã Tuyên đã kể lại giờ phút rồng đến nhà tôm như sau:
- Khi đó độ 5 giờ chiều, tôi và gia đình đang nghe tin tức radio tại nhà thì chuông điện thoại reo. Tôi bắt máy, đầu giây xưng là ông Đô trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn ngỏ ý muốn gặp tôi gấp tại trụ sở Thanh Niên Cộng Hòa quận 5 (khi trước là khu cờ bạc Đại Thế Giới của Bẩy Viễn, cầm đầu lực lượng vũ trang Bình Xuyên). Tôi bảo tài xế đánh xe chạy đến đó, chờ đến 6 giờ 30 thì ông Đô trưởng mới đến và ông ta nói với tôi là:“Tổng thống muốn đến nhà Nị lánh nạn”, tôi nhận lời ngay và đi về nhà chuẩn bị.
Khoảng 7 giờ 30, hai xe Citroen chạy đến nhà tôi (số 34 đường Đốc Phủ Thoại) với tổng cộng 8 người gồm Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu cùng các ông Đỗ Thọ, ông Đô trưởng và 4 nhân viên bảo vệ.
Ông Mã Tuyên cho biết, nghỉ ngơi tại nhà ông cho đến sau nửa đêm thì tổng thống Ngô Đình Diệm đưa cho ông một số giấy tờ và nhờ ông đốt đi. Tổng thống nhờ ông canh chừng máy điện thoại dưới nhà và tổng thống liên tục sử dụng điện thoại trên lầu để gọi đi nhiều nơi và cả các nơi khác gọi đến cho tổng thống nữa (nhà ông Mã Tuyên cả thẩy là 3 căn phố liền nhau gồm một tầng trệt và 2 tầng lầu. Ông gắn điện thoại trong các tầng lầu). Chuông điện thoại reo liên tiếp từ nửa đêm cho đến sáng. Tổng thống xuống tầng trệt khi trời đã sáng khi đó tiếng súng chỉ còn nổ thưa thớt trong đô thành, ông nhìn sắc diện của tổng thống Ngô Đình Diệm cho thấy tình thế đã trở nên tuyệt vọng.
Tổng thống cho ông Mã Tuyên biết Lữ Đoàn Phòng Vệ (bảo vệ Dinh Gia Long) đã ngưng tiếng súng rồi ông Mã Tuyên kể thêm cả hai ông Diệm, Nhu ngồi cầu nguyện sau đó dùng điểm tâm món bánh bao, xíu mại và uống cà phê chung với ông. Tổng thống hỏi ông Mã Tuyên về nhà thờ lớn nhất vùng Chợ Lớn ở gần đấy là nhà thờ Phanxico (mà người ta gọi là nhà thờ cha Tam) và cho biết hai anh em ông sẽ đến thánh đường đó. Sau khi tổng thống và ông cố vấn thay y phục khác xong thì tổng thống Diệm bảo ông Mã Tuyên đừng lái xe và cũng đừng đi theo bất tiện. Ông Mã Tuyên đã gọi người tài xế của mình, lái chiếc xe Traction mầu đen (thường đưa đón các con ông đi học) chở tổng thống, ông cố vấn cùng người tùy viên Đỗ Thọ đến nhà thờ cha Tam. Những diễn biến kế tiếp ở nhà thờ cha Tam thì báo chí đã đăng đầy nên PTV không kể.
5 ngày sau đó, ông Mã Tuyên bị Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (HĐQNHCM) bắt giam trong 3 năm. Tài sản của ông bị chính quyền tịch thu và đem bán đấu giá nhưng đồng hương (Việt gốc Hoa) mua lại được (trong cuộc đấu giá) và hoàn trả lại cho gia đình ông.
Nhiều nguồn tin đã nói là tư gia của ông Mã Tuyên là một hang ổ của CS và đây cũng là lý do dẫn đến cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu. (…hai ông Diệm-Nhu lại phạm vào một lỗi lầm ngoại giao to lớn là khước từ sự giúp đỡ về an ninh của Đại sứ Mỹ Cabot Lodge, chạy vào nhà Mã Tuyên là Trung Tâm Liên Lạc xưa nay của ông Nhu với MTGPMN (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam). Không phải cuộc binh biến 1-11-63 đã đưa đến cuộc thảm sát hai ông, mà chính quyết định liều lĩnh này, đã làm cho hai ông gánh lấy thảm hoạ! Sao lại đi đến một trung tâm liên lạc với CS mà Mỹ đã biết từ lâu rồi ! Hồi ký của tướng Tôn Thất Đính).
Việc Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu đến nhà ông Mã Tuyên có người đã đặt nghi vấn là hai anh em ông Diệm-Nhu định nhờ ông nầy bắt liên lạc với MTGPMN để họ đưa vào mật khu như kiểu họ suy diễn từ trường hợp Trung tá Vương Văn Đông sau cuộc đảo chánh bất thành ngày 11-11-1960 đã nói ông ta nhờ MTGPMN giúp đưa qua Cam Bốt. Trong số những người đi theo ông Vương Văn Đông khi đó có cả Phan Lạc Tuyên (tác giả bài thơ được phổ thành bài hát Chiếc Đò Vĩ Tuyến), thi sĩ Thủy Thủ-Thái Trần Trọng Nghĩa (sau đó không lâu, thi sĩ Thủy Thủ tự sát trong mật khu của Việt Cộng).
Nếu cho là nhà ông Mã Tuyên là một cơ sở của CS thì tại sao chúng lại bắt ông ngay sau khi vừa chiếm được miền Nam VNCH sau ngày 30-4-1975. Lần đầu là 4 tháng rồi ông được thả nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chúng đã bắt ông lần nữa. Lần bắt thứ hai, chính quyền CS đã giam ông tới 4 năm tù.
Chỉ vì cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu tá túc qua một đêm tại nhà mà ông Mã Tuyên đã bị giam tù trong 3 lần tổng cộng trên 7 năm. Cả hai chính quyền (sau ngày 1-11-1963 và 30-4-1975) đều bắt và tra hỏi ông về… Cái Đêm Hôm Ấy (mượn tựa một bài viết của nhà văn quá cố Phùng Gia Lộc) xẩy ra trong nhà. Tại sao tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu lại đến tá túc ở nhà ông mà không phải nhà người nào khác? Có bí mật gì bên trong hay 2 anh em tổng thống không còn tin cậy một chút nào với người Việt?
Chính quyền CS cũng tịch thu cả 3 căn nhà của ông Mã Tuyên (ông Mã Tuyên có tới… 3 vợ và 13 người con theo lời kể của con gái ông là Mã Huệ Phương).
Người ta nói là ông Mã Tuyên đã không than van một lời nào về những tai ương đổ xuống gia đình và bản thân ông sau cái đêm định mệnh đó. Năm 1983, ông Mã Tuyên và gia đình chính thức rời Việt Nam đi định cư tại Đài Bắc-Taiwan rồi đến tháng 2 năm 1992 thì ông Mã Tuyên cùng một phần gia đình đã về lại Việt Nam (vùng Chợ Lớn) và qua đời trong tháng 9-1994.
Đã định cư tại Taiwan rồi nhưng ông còn chọn trở về lại Việt Nam và khi chết, dặn dò người nhà chôn cất tại nhị tì Triều Châu ở vùng Biên Hoà.
Có người nói ngay trong Sấm Trạng (Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm) cũng có tiết lộ về miền Bắc VNDCCH (thời ông Hồ Chí Minh) và miền Nam VNCH (thời tổng thống Ngô Đình Diệm). Câu sấm đó là:
Ta hồ vô phụ vô quân/Đào viên tán lạc ngô dân thủ thành
và họ giải thích: Ta (bộ Khẩu) than ôi; Hồ (bộ Sĩ) họ Hồ; Vô (bộ Hỏa) không có; Phụ (bộ Phụ) cha; Quân (bộ Khẩu) vua; Đào (bộ Mộc) cây đào; Viên (bộ Vi) vườn; Tán (bộ Phác) tan rã; Lạc (bộ Mộc) vui vẻ; Ngô (bộ Khẩu) họ Ngô; dân (bộ Thị) nhân dân; Thủ (bộ Miên) trông nom-gìn giữ; Thành (bộ Miên) kho chứa sách của vua hoặc (bộ Ngôn) sự chân thật và có 2 cách giải thích:
1/ Than ôi! bọn Hồ (chỉ đám CS cai trị) xã hội Việt Nam không còn cha (đấu tố, thoát ly gia đình theo CS nên không nhận gốc gác xuất thân); không còn vua (vua Bảo Đại thoái vị cũng do bọn này) gây cảnh gia đình ly tán, bạn bè ngoảnh mặt không nhìn nhau. Nói rộng là tiên tri về chế độ miền Bắc VNDCCH do bọn CS cai trị. Và, đào viên (từ tích 3 anh em Lưu-Quan-Trương kết nghĩa) tán lạc; Ngô dân (người họ Ngô) thủ thành (giữ được phong hóa (kho sách, sự chân thật)) tức Đệ Nhất Cộng Hòa (miền Nam VNCH).
2/ Than ôi! bọn Hồ cai trị làm đảo lộn phong hóa nước Việt (Ta hồ vô đạo vô quân) -Người họ Ngô bị vây hãm (thủ thành), anh em tan rã (3 anh em tổng thống Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu-Ngô Đình Cẩn bị giết, (anh) giám mục Ngô Đình Thục và em Ngô Đình Luyện phải lưu vong).
Câu Sấm viết bằng tiếng Việt nên không rõ sẽ như thế nào (khác nghĩa) trong bản chữ Nho (Tàu) và vì không chấm không viết hoa (lối chữ Tàu) nên tùy người diễn dịch. Thiển ý của PTV là thật rất khó hiểu được ý nghĩa thực của câu Sấm. Phải là người có căn cơ (nói theo bên đạo Phật) mới lĩnh hội được điều tiên tri (vị lai) của câu Sấm.
Lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm xong, tướng Dương Văn Minh khai tử luôn luật 10-59 (đặt CS ra khỏi vòng pháp luật) và quốc sách Ấp Chiến Lược là 2 điều mà bọn Việt Cộng nằm vùng rất sợ. Khi chính quyền miền Nam VNCH dồn dân vào sống trong các ấp chiến lược (có hàng rào bao chung quanh, cổng ra vào ấp được nghĩa quân miền Nam VNCH kiểm soát), dân lành buổi sáng sớm khi đi ra khỏi cổng ấp chiến lược (làm ruộng, bắt cá…) mỗi người chỉ mang theo được chút ít phần ăn trong ngày (cho bản thân) nên chỉ trong thời gian ngắn, đám Việt Cộng sống lẩn lút ở ngoài rừng-núi, đồng trống… không còn nguồn tiếp tế của người dân nên đành phải ra hồi chánh hoặc liều lĩnh đến gần các ấp để tìm các móc nối (với dân lành) đã bị nghĩa quân phục kích diệt gọn.
Thời gian tạm dung tại trại tị nạn Galang-Indonesia, PTV đã được nghe một cụ già đọc cho nghe một bài toàn chữ T (đứng đầu) về cuộc đảo chánh lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm, tiếc đã quá lâu và không kịp ghi lại nên chỉ nhớ được các đoạn như: … tuân theo toan tính từ Thái Thú, tụi tướng tá tối trí, thiếu tri thức thêm thích tiền, tơ tưởng thăng tước, tụ tập trong thành Tổng Tham, tung thủ túc tấn trận. Tổng thống thấy tình thế tối tăm, tạm trốn tại tư thất Tàu. Tính tới, tính thoái, thấy tẩu thoát thật tuyệt toàn. Tổng thống thông tin tới tụi tướng, thương thảo tùy thế thời thế thế. Thôi thì thôi, thủ túc tặc tướng tới thánh thất tóm trói tổng thống, tống trong thiết tăng tích tắc triệt tiêu thảm thiết…
Năm 1982, chính quyền CS ra lệnh cải táng toàn bộ nghĩa trang trong nội đô Sài Gòn và định một thời hạn để các thân nhân lo liệu. Sau đó, phần mộ còn lại thì chính quyền sẽ giải quyết. Phần mộ 3 anh em tổng thống Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu-Ngô Đình Cẩn được cải táng đưa về nghĩa địa Gò Dưa-Lái Thiêu thuộc tỉnh Bình Dương. Người đứng ra bỏ tiền (25.000 $US) chi phí cho việc cải táng là ông Nguyễn Thanh Hoàng, chủ bút báo Văn Nghệ Tiền Phong chứ không phải từ bà con trong dòng tộc Ngô Đình hoặc giáo dân xứ đạo Công Giáo Hố Nai (được cụ Diệm đưa vào Nam năm 1954) như lời đồn đãi.
Vùng đất nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi (còn có tên gọi khác là Đất Thánh Tây) là một thế đất tốt vì nhiều phần mộ khi nhà hiếu cải táng, thấy thi thể trong áo quan vẫn còn nguyên chưa tiêu hủy. Đám âm công làm việc cải táng tại đây cho biết đất trong nghĩa địa thuộc loại đất 7 màu (khi cuốc từng lát đất, cầm lên xem tay xem, thấy lấp lánh các màu đỏ-xanh-lam-trắng…). Nhưng có người cho là tại đây, địa thế đất cao (so với chung quanh) và có thể do các từ trường trong đất, nguồn điện thiên nhiên qua lại… nên đã bảo vệ thi hài được như vậy. Không biết bọn thực dân Pháp khi chọn nơi đây làm nghĩa địa, họ có biết về thuật phong thủy? Phần mộ của anh em tổng thống Ngô Đình Diệm cũng vậy, thi thể đã khô và khi đám âm công làm việc, đại diện chính quyền có mặt tại chỗ và cho quay phim (không biết để làm gì, chắc lại chiều theo hiếu kỳ của một lãnh tụ CS Hà Nội nào đó muốn biết). Người chủ trương, quyết liệt (làm cho bằng được bất chấp lời khuyên của các người khác) giải tỏa các nghĩa địa trong thời điểm đó chính là Mai Chí Thọ (đại tướng công an CS và là em ruột của Lê Đức Thọ) và Mười Hương (còn có tên là Trần Quốc Hương) cựu trùm an ninh T4 (nội đô Sài Gòn thời còn chính quyền miền Nam VNCH). Lý do cho việc giải tỏa các nghĩa địa, Mai Chí Thọ viện dẫn cần đất làm công viên cho thiếu nhi, vệ sinh môi trường… nhưng thực tế ai cũng biết đây là một hành động trả thù (với cả những người đã chết), thất nhân tâm của y.
Phạm Thắng Vũ
Ngày 01 tháng 11 năm 2010
Ngày 01 tháng 11 năm 2010
_Check out the automatic photo album with 1 photo(s) from this topic.
_._,_.___