Trạch Gầm, Thơ Với Gót Chân Người Lính Chiến
Vương Trùng Dương
Văn nghệ sĩ cầm bút trong QLVNCH trước năm 1975 và sau nầy ở hải ngoại, nhà thơ Trạch Gầm tuy xuất hiện gần đây nhưng hơn một thập niên qua của đầu thế kỷ XXI, thơ của anh được phổ biến rộng rãi, được phổ nhạc nhiều nhất và nhiều bài viết của thân hữu đã đề cập vì những bài thơ của anh đã theo gót chân người lính chiến trong thời binh lửa trong đơn vị Quân Báo trên bước quân hành ở Vùng 3 Chiến Thuật… trong chốn lao tù và tình “huynh đệ chi binh” qua tháng ngày lưu lạc nơi hải ngoại.
Tôi đọc thơ Trạch Gầm từ khi gởi cho trên tuần báo Trách Nhiệm của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Nam Cali (tôi phụ trách layout) và sau đó, năm 2005 trên tờ Cali Weekly của tôi. Có những bài thơ đã sáng tác từ lâu nhưng anh chưa phổ biến.
Lúc đó, anh và tôi, mỗi buổi sáng thường uống café với nhau ở quán Lily, Little Saigon, bạn bè biết anh và người em kế là nhà văn Nguyễn Đức Lập, con nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy và nhà văn Bà Tùng Long nhưng anh không đề cập đến thơ văn mà chỉ nhắc đến thời chinh chiến đã qua (Trong thập niên 40, song thân anh di chuyển nhiều nơi nên anh chị em có sinh quán khác nhau, anh sinh năm 1942 tại Sài Gòn, gốc Quảng Ngãi, năm 1965 nhập ngũ Khóa 21 Trường BB Thủ Đức, sau tháng tư năm 1975, bị 9 năm tù)… Cho đến một hôm, buổi sáng anh ngồi trầm ngâm bên ly café, hỏi thăm thì anh nói thân mẫu vừa qua đời, đêm đó tôi viết bài “Thiên Chức Nhà Giáo, Tâm Hồn Nhà Văn: Bà Tùng Long” sau đó in trong cuốn Văn Nhân & Tình Sử năm 2015 của tôi.
Mở đầu bài viết: “Nhà văn nữ Bà Tùng Long đã từ trần vào chiều ngày 26 tháng Tư năm 2006 (29 tháng 3 năm Bính Tuất) tại Sài Gòn, Việt Nam, hưởng thọ 92 tuổi. Ngày 29 tháng Tư, bà yên nghỉ tại nghĩa trang Trung Việt ái hữu ở Thủ Đức. Bà là nhà giáo, nhà báo rồi trở thành nhà văn có nhiều tác phẩm nhất trong nữ giới…”. Với anh, tháng Tư là tháng bất hạnh nhất trong cuộc đời; mất nước & mất mẹ!
Đoạn kết: “Mỗi buổi sáng, anh Nguyễn Đức Trạch, làm thơ với bút hiệu Trạch Gầm, cùng tôi ngồi uống café với nhau. Sáng Thứ Tư, 26 tháng 4, năm 2006, vắng bóng anh, khi hỏi thăm, thân mẫu anh qua đời. Anh không về được để tiễn đưa người mẹ hiền về cõi thiên thu! Hôm sau, tôi gặp anh và chia sẻ nỗi đau của anh cũng giống tôi nhưng anh ở cách xa vạn dặm, còn tôi, trên cùng một mảnh đất quê hương mà không được nhìn người mẹ yêu thương nhất trên cõi đời lần cuối! Anh gởi tôi bài thơ Lời Gởi Mẹ, 32 câu, xin trích 4 câu cuối:
“Bây giờ trong cõi hư vô ấy
Mẹ thảnh thơi rồi có phải không?
Giọt sầu mất nước giờ hóa đá
Mây nước quê hương cũng lạc dòng!”
Vào lúc Bà Tùng Long yên nghỉ ở mộ phần, tôi viết xong để thắp nén hương lòng tưởng nhớ người quá cố!”.
Tôi viết bài nầy để cùng chia sẻ với nhau nỗi đau tột cùng khi mất đi hình ảnh người mẹ cao quý, thiêng liêng nhất của cuộc đời khi vĩnh biệt mà không được nhìn mặt nhau lần cuối. Nhưng hai hoàn cảnh khác nhau, anh ở hải ngoại xa xôi còn tôi lúc đó đang sống trong nước!.
*
Khi định cư tại Hoa Kỳ, Nguyễn Đức Trạch mang nhiều căn bệnh, theo lời anh thì “lục phủ ngũ tạng bị te tua” nhiều lần nhập viện nhưng có lẽ tính gan lì của người lính tác chiến nên phó mặc cho bệnh tình, đầu óc còn minh mẫn để sáng tác. Trong thập niên qua (2007-2018), Trạch Gầm đã ấn hành 5 tác phẩm: 3 tập thơ Vụn Vặt (2007, tôi layout), Ráng Chịu (2009), Dấu Giày Chinh Chíến (2013), 2 tập truyện Dấu Giày Chinh Chiến (2013) và Nhốt Vòng Thương Nhớ (2015).
Tập thơ Vụn Vặt dày 230 trang, lấy tựa đề từ bài thơ cùng tên.
“Một thoáng theo mây ta về ký ức
Gõ cửa Trường Sơn ta hát giữa rừng
Hôn dấu giày sô vạt đời chinh chiến
Thương nhớ bạn bè súng đạn đâu lưng.
… Một thoáng theo mây rơi dài nước mắt
Khóc nỗi bạn bè… lưu lạc bốn phương
Thắng mất thằng còn – Nổi trôi vậ nước
Giọt ngắn giọt dài ướt đẫm quê hương”
Lời Bạt trong tác phẩm Vụn Vặt, nhà văn Đỗ Tiến Đức viết:
“Tập thơ của Trạch Gầm có thể nói là một cuốn sử thi viết về người lính Việt Nam Cộng Hòa, viết bằng máu khi chiến đấu và viết bằng nước mắt khi phải buông súng. Tôi rất cảm thương người lính Trạch Gầm vì tôi hiểu rằng anh không làm thơ để đi vào lịch sử văn học mà làm thơ chỉ để giãi bầy những tâm sự u uất, phẫn hận và đã trở thành thuốc nổ đang ngày đêm đốt phá tim gan anh. Những dòng thơ của anh là những giòng nước mắt cần được trào ra ướt mặt để con người anh không bị dìm xuống trong lòng biển chất chứa một dĩ vãng bi thảm của đất nước…”.
Tập thơ Ráng Chịu lấy từ tựa đề bài thơ cùng tên:
“Cứ ráng chịu. Tin có ngày mai đẹp
Bỏ nụ cười người vào túi rong chơi
… Ráng chịu te tua, ráng chịu tận cùng
Bọn ta sống, sao quê hương lại mất
Xót xa nầy... còn ráng chịu nổi không”
Lời Bạt của nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh trong tập thơ nầy viết:
“Tôi cũng đã ‘khóc tang hoang, khóc hết sức thật thà’ ngày ông Dương Văn Minh lải nhải đầu hàng, và tôi tin rằng không một người lính nào không khóc trong thất vọng, khóc trong tủi nhục ngày miền Nam bị bức tử, ngày chiến tranh ngã ngủ hết sức vô lý đó.
Viết về thơ Trạch Gầm, tôi viết không bao giờ hết, hoặc chỉ cần viết một chữ ‘thích’, tôi thích thơ anh vì những vần thơ đó đã nói giúp tôi và những người bạn đồng đội khác của tôi, của anh, nói lên những điều chúng tôi không đủ can đảm nói thật như anh…”.
Tập thơ Dấu Giày Chinh Chiến, ngoài những bài thơ của tác giả, có nhiều bài viết của thân hữu và những ca khúc được phổ từ thơ của Trạch Gầm.
Trong những lần trò chuyện với nhau, Trạch Gầm có trí nhớ rất tốt khi kể từng mẩu chuyện thời chinh chiến, trong chốn lao tù… bạn bè góp ý nên viết lại, anh nói chỉ làm thơ, không quen viết lách nhưng cũng từ gợi ý nấy, hàng tuần anh viết cho tuần báo Việt Tide, được ba mươi bài viết, anh và tòa soạn ấn hành tập truyện nầy. Những dóng chia sẻ của anh qua Đôi Điều: “Cái ước mơ của người lính VNCH, những người lính thật sự cấm súng bảo vệ Quê Hương mà xuôi tay đành mất Quê Hương hình như là… trên mỗi sợi tóc bạc vẫn cón mang nặng một niềm đau… Chuyện kể là… những mảnh vụn trong tháng ngày cầm súng, gợi nhớ, kể nhau nghe cứ y như những lới nhắc nhở nhắn gởi gió sương…”.
“… Mầy nhắc đi ngày đầu sôi lửa bỏng
Ba tháng trời… An Lộc… phố thành tro
Anh em mình vuốt mặt mọi cam go
Mỗi tấc đất được giữ bằng xương máu.
Thằng bị chôn bị hất lên bởi pháo
Thằng bị thương chưa bó… lại bị thương
Mầy nhắc lại đi tình nghĩa nào hơn
Trong màu áo, dưới màu cờ Tổ Quốc…”
(Dấu Giày Chinh Chiến)
Tập thơ nầy có in thêm các bài viết và sáng tác nhạc phổ từ thơ Trạch Gầm của bạn hữu. Sau 40 năm, những địa danh mà tác giả Dấu Giày Chinh Chíến đã đặt chân vẫn nhớ từng con đường, con lộ, bóng dáng vùng quê, núi đồi mà mười năm cầm súng của người lính "lang bạt kỳ hồ".
Sau khi ấn hành 3 tập thơ, Trạch Gầm ấn hành tập truyện Bên Lề Cuộc Chiến. Trong những lần uống café với nhau, anh kể lại những ngày nơi chiến trường, trong lao tù khá hấp dẫn, bạn bè gợi ý với anh nên viết vì dù sao cũng là chứng nhân trong giai đoạn lịch sử, anh nói không có khiếu viết văn nhưng rồi mỗi tuần anh đóng góp một bài trên tuần báo Việt Tide, hành văn giản dị, câu chuyện có thật, không hư cấu nên lôi cuốn người đọc.
Mở đầu tác phẩm với Đôi Điều, tác giả bày tỏ: "Cái ước mơ của những người lính VNCH, những người lính thật sự cầm súng bảo vệ Quê Hương mà xuôi tay đánh mất Quê Hương hình như là... trên mỗi sợi tóc bạc vẫn còn mang nặng một niềm đau. Ước mơ vẫn là ước mơ. Được đứng dưới cờ, giữa trời lửa đạn để lấy lại một quê hương thanh bình.... Ba mươi chuyện kể, mỗi chuyện chắc là... nó dính chặt với thời gian mà nó hiện diện. Vì là chuyện kể, mỗi chuyện được khởi hứng từ bất chợt, từ Đỗ Bảy, ngồi cùng anh Danh ở Thư Viện Việt Nam nhớ Củ Chi. Gặp Lê Phương Cảnh, Hồ Văn Mẩm nhớ Biên Hòa... Vì thế chữ nghĩa nhảy nhót cùng nỗi nhớ không liên tục cùng thời gian...".
Buổi ra mắt thi phẩm nầy có nhiều diễn giả chia sẻ cùng tác giả vì giữa người viết và người đọc đồng cảm, gần gũi với nhau. Tôi có hứa với anh, những tác phẩm của Nguyễn Đức Lập (1945-2016) tôi sẵn sàng viết nhưng với anh vì thân nhau, thường gặp nhau, tôi ngại có người cho rằng “áo thụng vái nhau” nên nhường cho những người khác, tuy nhiên khi đọc tác phẩm nầy tôi cũng có những dòng đề cập đến qua bài viết: Trạch Gầm với "Bên Lề Cuộc Chiến"
“… Là sĩ quan trong ngành Quân Báo, nay đây mai đó cùng các đơn vị bạn xông pha nơi chiến trường, Trạch Gầm có trí nhớ rất tốt vì vậy trong những lần gặp gỡ bạn bè, anh kể lại từng mẩu chuyện mà anh chứng kiến trên từng địa danh, thời điểm xảy ra... vừa bi thương, vừa hào hùng trong tâm thức của người lính. Bạn bè gợi ý anh ghi lại để chia sẻ với độc giả xa gần…
... Tác phẩm Bên Lề Cuộc Chiến dày 234 trang, ngoài ba mươi mẩu chuyện được xen kẻ với mười chín bài thơ mà "Mỗi một địa danh vài thằng bạn chết... Mỗi một địa danh... ấp lẫm ngậm ngùi".
Qua mỗi mẩu chuyện với lối hành văn bình dị, chân chất gói ghém sự chân thật, khi đọc hình dung được nhân vật và sự kiện xảy ra như lời chuyện trò của người trong cuộc.
Khởi đầu với mẩu chuyện Chết Điếng, tác giả cho biết: "Mười năm lính, phục vụ dưới quyền điều động của Phòng 2, Quân Đoàn 3, tôi có mặt gần như hết khi thì âm thầm, khi thì rực lửa trong các địa danh nằm trong lãnh thổ Quân Đoàn.... Gần hai năm trời, tôi mang tâm trạng của một người lính viễn chinh có mặt trên các địa danh không mang tên của quê hương, Chiphu, Prasot, Svayrieng, Krek, St'ưng, Chup, Tonlebet, Dambe".
Xông pha trong lửa đạn, người lính không "chết điếng" mà thời điểm cuối cùng "chết điếng" vì "Cái khốn nạn của thế hệ tôi, quê hương tôi, vận mệnh lại không nằm trong chính đôi tay của mình. Bọn ngoại bang đặt cả dân tộc tôi lên bàn... buôn bán. Vào tù..."!. Than ôi! "Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương" (Cung Oán Ngâm Khúc) mà thế hệ chúng tôi sinh ra trong bối cảnh đất nước như tâm trạng trong dòng thơ của Vũ Hoàng Chương:
"Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh
... Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ..."
Thế hệ chúng tôi mà nhà thơ Trần Hoài Thư - người lính Trinh Sát của Sư Đoàn 22 BB - gọi là thế hệ của bất hạnh. Với Trạch Gầm "Người lính trẻ như bọn tôi, những người mà tuổi đời, tính đến ngày 30 tháng Tư năm 1975, tròm trèm trên dưới 30, sau khi lâm vào tình trạng phải liệng cây súng thì hồn đã hóa đá, đóng băng" (Gánh Gồng Gian Nan). Còn gì bất hạnh hơn hình ảnh "Thằng sống thì te tua thân xác. Thằng chết thì lạc lõng khói nhang, mất cả Trung Nghĩa Đài nương tựa" (Một Vòng Nhớ Thương).
Các mẩu chuyện tác giả đề cập qua các tựa dề: Chuyện Của Nhơn Trạch, Khó Mà Lường, Không Hiểu Nổi, Tròng Qua Tréo Lại, Sương Gió Lạnh Lùng, Dây Mơ Rễ Má, Gỗ Mục, Chuyện Đau Đầu, Vòng Xoắn Y Pha Nho, Vòng Tròn Khói Thuốc, Chung Quanh Thanh Tuyền, Gánh Gồng Gian Nan, Đời Có Thiệt, Như Đùa Như Thật, Thằng Em, Thượng Sách, Nỗi Nhớ Trật Chìa, Trớt Quớt, Suối 12 Ống Cống, Nốc Cạn Gió Sương, Nợ, Trở Lại Cò Mi, Một Vòng Nhớ Thương, Gà Tử Mị, Năm Thạch, Ngô Vững, Chuyện Đáng Buồn, Nếu, Xin Lỗi..
Điểm son trong từng mẩu chuyện của Trạch Gầm với Bên Lề Cuộc Chiến để con cháu chúng ta cảm nhận được tình chiến hữu cao quý của thế hệ cha, ông khi vào sinh ra tử. Trong cơn nguy khốn, bất chấp nguy hiểm, tình đồng đội như sức mạnh thiêng liêng để cùng sát cánh bên nhau lúc thập tử nhất sinh.
Tính nhân bản, điển hình trong người lính VNCH thể hiện trong Chuyện Của Nhơn Trạch. Đặc Công Hai Quyết (Hồ Văn Ngãi) bị thương và bị bắt. Tuy là kẻ địch nhưng khi Hai Quyết bị thương vẫn được đưa vào bệnh viện cứu chữa. "Tôi vào bệnh viện đón Ngãi, tay Ngãi vẫn còn băng bột. Ngồi trên xe tôi nói cho Ngãi biết cơ sở nội tuyến trong kho đạn Thành Tuy Hạ đã bị phá vỡ...".. Và, trong tình nhân bản đó "Trận đầu tiên Ngãi cầm súng đi với bọn tôi là trận phục kính đánh đường dây giao liên của địch ngay sau lưng quân Nhơn Trạch". "Ngãi trở thành một người bạn đắc lực của tôi. Mọi công tác giao cho Ngãi tôi rất yên tâm".
Tác phẩm Bên Lề Cuộc Chiến với những mẩu chuyện ghi lại trong hai thập niên trong thời chinh chiến và chốn lao tù. Mỗi mẩu chuyện, tác giả ghi ngắn gọn trong năm, bảy trang sách.
Blaise Pascal và Albert Camus cho rằng "Cái tôi đáng ghét" (Le moi est haisable). Có vài hồi ký, đáng ghét ở cái tôi khi tự đánh bóng bản thân, vẽ vời những hình ảnh thiếu thực tế, lợi dụng ngòi bút để đả kích những người trong cuộc. Cái tôi của Trạch Gầm trong Bên Lề Cuộc Chiến, ngược lại, "cái tôi đáng thương" vì nói lên thân phận làm người trong hoàn cảnh bi thương, thăng trầm của lịch sử, ca ngợi tình chiến hữu, tình bạn... và nỗi ngậm ngùi của người con mất quê hương…”.
Tập truyện Nhốt Vòng Nhờ Thương dày 228 trang, xen kẻ giữa mẩu chuyện với bài thơ.
Khởi đầu với mẩu chuyện khi “Vác thân trình diện đi tù, cái nơi mà tôi trình diện vác xác váo ấy chính là nơi… đã tùng mở vòng tay ôm trọn quãng đời niên thiếu của tôi. Nơi đã trao cho tôi niềm hãnh điện, niềm khao khát để bước vào cuộc sống”. Đó là nơi khi “bước chân vào cổng trưởng Võ Trường Toản của tôi. Tôi đã mất trường. Sáu, bảy tên nón cối lăm le củng khẩu AK trên tay, tựa vào gốc me trước cổng, những gốc me hình như còn in dấu lưng tôi chờ người Trưng Vương vào giờ tan học, hất mặt chỉ tôi vào trong”. Và, từ đó anh kể cuộc hành trình qua các trại tù khi vào Long Giao rồi chuyển ra Bắc “Lúc mới ra Yên Bái, tôi tôi bị nhốt ở trại 9 thuộc liên trại 1 của đoàn 77” rồi “Chúng chuyển chúng tôi từ trại tù số 1 Lào Cai về trại tù Tân Lập thuộc tỉnh Vĩnh Phú”… “Mùa đông năm 1976 là mùa đông đầu tiên bọn tôi hứng trên đất Bắc… Lạnh qua, gia súc chết vùi, trâu cũng chết thế mà… bọn tôi vẫn sống”.
Với tựa đề Nhốt Vòng Nhớ Thương cũng nói lên ý nghĩa của cuộc sống trong lao tù. Đoạn cuối của bài viết “Mỗi ngày ngồi trong conex, tới giờ ăn, tôi được các bạn tù của tôi trong tổ nhà bếp mang đến cho tôi hơn nửa chén cơm và lưng ca nước…”. Những người tù nào bị biệt giam đều cam chịu khẩu phần như vậy để sống thoi thóp qua ngày! Có nhiều quyển sách viết về chốn lao tù như Ánh Sáng & Bóng Tối của Hoàng Linh, Đáy Địa Ngục của Tạ Tỵ, Cùm Đỏ của Phạm Quốc Bảo, Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Trại Đá Bàn của Nguyễn Thanh Ty, Trại Cải Tạo của Phạm Quang Giai… viết tuần tự theo dòng thời gian. Các mẩu chuyện trong Nhốt Vòng Nhớ Thương tác giả kể theo trí nhớ và có sự liên tưởng hình ảnh bạn tù trong thời chinh chiến. Từng mẩu chuyện vui, buồn, tình chiến hữu với nhau trong trong cảnh khốn cùng. Lối viết nhẹ nhàng, không hằn học, không lên án nhưng khi đọc thấy thấm thía của thân phận của kẻ chiến bại trong cảnh lao tù.
Đề cập về thơ được phổ nhạc, có lẽ thơ Trạch Gầm được thân hữu ái mộ nên cảm hứng sáng tác.
Những Bài Thơ Của Trạch Gầm Đã Phổ Nhạc
1. Lê Dinh: Từ Trường Xưa, Một Ngày Của Chiến Tranh
2. Song Ngọc: Thiếu Em Một Nụ Cười, Nói Với Người Tình Sau Cuộc Chiến, Gọi Tên Cha, Đốt Trắng Tha Phương, Sáng Gặp Em Trên Phố, Mưa Dài, Tạm Biệt Diệm Song, Chuyện Tình Thế Gian, Nghi Ngút Nỗi Buồn, Hôn Nỗi Nhớ Quên, Một Ngay Của Ta
3. Quốc Anh: Từ Thuở Nào, Anh Phải Sống, Mưa Dài Mưa Dặt, Gồng Gánh Gian Nan
4. Nguyễn Văn Thành (Dân Chủ Ca), Nói Với Bạn Bè, Trở Lại Bình Long, Rạch Giá Tìm Đâu, Lời Trước Nghĩa Trang
5. Quang Lãng: Lời Thơ Tặng Mẹ, Thoáng Xưa, Bất Chợt, Cho Những Ngày Sau, Quanh Thân
6. Phan Ni Tấn: Theo Người Về Sông Buông
7. Mã Đình Sơn: Năm Tên Bảy Họ
8. Yên Ly: Dại Dột Ân Cần, Đường Trần
9. Nguyễn Hữu Tân: Một Ngày Của Ta, Nhật Ký Tháng Tư, Lời Trước Nghĩa Trang, Vụn Vặt, Còn Thân Gió Cát, Bỏ Quên, Hai Năm Trên Đất Mỹ, Ân Tình, Mẹ Kiếp, Dưới Gót Tượng Đài, Cám Ơn Mầy, Cám Ơn Chị, Nói Cùng Buồn, Thiếu Em Một Nụ Cười, Tháng Tư Ngồi Nhớ Một Ngày, Ráng Chịu, Theo Người Về Sông Buông, Đến Cùng Nguyễn Cung Thương, Cho Tao Chưởi Mầy Một Tiếng, Phải Tội Hay Quên, Hồn Như Đá Buồn, Chuyện Tình Thế Gian, Mẹ Tính Sao, Rượu Đắng Thua Đời, Thao Thức Cùng Vũng Áng, Đừng Hỏi Chúng Là Ai, Năm Tên Bảy Họ, Thửơ Ấy (Sau 30 Tháng 4), Quay Về Tây Ninh, Đồng Chiêm, Soi Sáng Sơn Hà, Hôn Nỗi Nhớ Quên, Rong Rủi Nhân Gian, Nói Với Người Tình Sau Cuộc Chiến, Đêm Qua Ta Mơ, Tâm Thật Thà, Gọi Tên Cha, Viết Tặng Những Người Mẹ Miền Nam, Một Nữa Trầm Luân, Cạn Chén Bâng Quơ.
10.Trần Chương Lương: Nhật Ký Tháng Tư
11. Vũ Hùng Phương: Đừng Hỏi Chúng Là Ai, Nói Chuyện Cùng Đầu Gối, Phải Chi, Nói Cùng Buồn, Sỏi Đá Vẫn Còn, Tận Thế, Hồn Như Đá Buồn, Điếu Thuốc Đầu Năm, Đêm Qua Ta Mơ, Biết Bao Là Nỗi Nhớ, Đường Trần, Em Có Bao Giờ Khóc Cho Quê Hương, Gặp Nhau, Hôn Nỗi Nhớ Quên, Mạng Như Bông Cỏ, Một Ngày Của Chiến Tranh, Mưa Dài, Muốn Quên Vẫn Nhớ, Phả Nụ Cười, Rượu Đắng Thua Đời, Rượu Pha.
(Vũ Hùng Phương qua đời năm 2016, nhạc sĩ chọn 12 ca khúc để thực hiện CD Trạch Gầm, Từ Thơ Đến Nhạc, trình bày bìa Vương Trùng Dương. Ra mắt vào Thứ Bảy ngày 6 tháng 6 năm 2015 tại hội trường Thư Viện Việt Nam ở Little Saigon)
12. Vương Quân: Cho Những Ngày Sau (Trong Trại Z 30 D), Xin Cám Ơn Em (Trong Trại Z 30 D)
13. Vương Thế Sung: Đâu Thuở Trăng Soi (Trong Trại K4 Vĩnh Phú)
14. Hoàng Phương Nguyên: Tháng Tư Ngồi Nhớ Một Ngày, Nốc Cạn Gió Sương, Bao Kẻ Tự Quên Mình, Lời Trước Nghĩa Trang
15. Dzuy Lynh:Trời Thương
16. Hoa Sông Kiên: Một Lần Nhắc Nhở, Hôn Nỗi Nhớ Quên.
Một số ca khúc nầy được ca sĩ thân hữu trình bày và người bạn đời của anh, Yên Ly, đã post trên youtube.
Qua 5 tác phẩm thơ, văn của Trạch Gấm đều mang bóng dáng của người lính VNCH với người nằm xuống, kẻ còn lại từ khi bước chân vào quân ngũ cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Hậu quả bi thảm trong tháng ngày lao tù đã mang vào thân xác anh nhiều căn bệnh, đôi lần nhập viện tưởng bỏ mạng nhưng rồi “tai qua nạn khỏi”. Theo lời anh, chính cô bác sĩ gia đình cũng nói bệnh nhân thoát khỏi căn bệnh ngặt nghèo như một phép lạ và anh tự an ủi có lẽ phép lạ đó là đồng đội sống chết với nhau đã nằm xuống phù hộ cho anh. Trong thơ văn của anh đã nhắc tên từng “thằng”, nếu không có Trạch Gầm đã chìm vào quên lãng.
Bài thơ Nói Với Trạch Gầm như lời tự dặn dò với bản thân:
“Cố gắng nghe mầy… thằng lính trận
Chớ tịt ngòi trên giường bịnh nghe chưa
Khi quê hương đang cần từng hơi thở
Đùng bỏ đi như một kẻ sống thừa
… Những thằng em mầy đã từng đánh đổi
Tuổi hai mươi… cho tình nghĩa Núi Sông”
Vâng, thơ Trạch Gầm vẫn là ngọn lửa trong đêm tối, hơi thở chuyền cho nhau để sưởi ấm, cho trái tim cùng nhịp sống có ý nghĩa trong cuộc đời trước sự thăng trầm của đất nước..
Vương Trùng Dương
Little Saigon, 7/2018
__._,_.___