Quantcast
Channel: Books-Hoi Ky.
Viewing all articles
Browse latest Browse all 674

Hoàng Sa nổi sóng

$
0
0

Hoàng Sa nổi sóng
Thiếu tá Phạm Văn Hồng - Trưởng toán công binh ở Hoàng Sa


Việt  Nam Cộng Hòa bỏ mặc Hoàng Sa cho Trung Cộng thoải mái chiếm đóng. Không có nỗ lực quân sự nào nhằm khôi phục lãnh hải. Không có nỗ lực ngoại giao nào đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc, đưa kiến nghị tới SEATO và các quốc gia ký kết Định Ước Ba Lê...

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (trái) đãi tiệc Tổng thống Mỹ Richard Nixon (giữa) trong chuyến thăm lịch sử năm 1972 - Ảnh: Corbis

 

Biến cố Hoàng Sa xảy ra cách nay đã tròn 40 năm (1974-2014). Trong biến cố này, người viết đã bị sa cơ vào tay Trung Cộng và bị giữ tại Trại Thu Dung Tù Binh huyện Huyền Hóa, tỉnh Quảng Đông, thành phố Quảng Châu đúng 4 tuần lễ (bị bắt ngày thứ bảy và trả về cũng ngày thứ bảy 4 tuần sau) sau khi lênh đênh trên biển trong vùng lãnh hải Hoàng sa chỉ có 4 ngày.

Tuy đã 40 năm nhưng mọi sự kiện vẫn như in, tưởng như đang diễn tiến từng giây từng phút, mặc dầu vài chi tiết nhỏ nhặt về thời gian có thể không chính xác, vì tuổi tác gặm nhấm trí nhớ khiến đôi lúc cũng hay lang thang đâu đó.

Viết lại biến cố Hoàng sa với tiêu đề HOÀNG SA NỔi SÓNG là vì sau trận hải chiến, khi trở về, người viết có ghi lại từng chi tiết trận đánh trong một cuốn hồi ký hơn 300 trang đặt tựa đề là HOÀNG SA NỔI SÓNG, nhưng tiếc thay tập hồi ký đã bị hẩm hiu nằm trong xó tủ vì Bộ Thông Tin Dân Vận Chiêu hồi thời điểm đó không chấp nhận cho xuất bản với văn thư trả lời là: “Hồi ký HOÀNG SA NỔI SÓNG của Thiếu tá Phạm Văn Hồng chưa thích hợp trong giai đoạn này!”

Hôm nay, tóm lược lại sự kiện, người viết không muốn tường thuật lại trận đánh, bởi việc này, theo thiển ý, đó là nhiệm vụ của bên Hải quân, và thực sự họ cũng đã làm. Những con số tổn thất đôi bên phải dựa vào nhật ký hành quân thì may ra mới có những con số tạm chấp nhận được.

Người viết chỉ xin được tự trả lời cho câu hỏi của chính mình là tại sao lại xảy ra trận hải chiến Hoàng sa dù rằng câu trả lời có thể là chủ quan và sự hiểu biết quá hạn hẹp.
Trận Hải chiến Hoàng sa, không phải là một trận tao ngộ chiến, tình cờ Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 có nhiệm vụ chở phái đoàn chúng tôi có 6 người gồm tôi, Trưởng đoàn, ông Gerald Kosh, nhân viên toà lãnh sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, Trung uý công binh Vũ Hà thuộc liên đoàn 8 công binh kiến tạo, Trung uý Lê văn Đá thuộc liên đoàn 10 công binh chiến đấu và hai Hạ sĩ Quan công binh đi theo hai trung uý kể trên, gặp phải lực lượng Trung Cộng rôì dẫn đến trận chiến. Trái lại, tất cả đều được sắp xếp kỹ lưỡng từ trước mà phía Việt Nam Cộng Hoà chúng ta không lường được.
Theo lệnh được thượng cấp trao phó thì tôi có nhiệm vụ hướng dẫn phái đoàn ra Hoàng Sa để thám sát và thiết lập một phi trường cho phi cơ cỡ C123, C119 hoặc DC 3, DC 4 đáp được. Đảo Hoàng Sa là một đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa gồm 10 đảo, chia làm hai nhóm: Nhóm Tuyên Đức phía Bắc gồm 5 đảo, nhóm Nguyệt Thiềm phía Nam gồm 5 đảo là Quang Hòa, Duy Mộng, Kim Ngân, Cam Tuyền và Hoàng Sa. Bốn đảo trên không có người ở, duy chỉ có Hoàng Sa là có nhóm khí tượng thường là 4 người để ngày ngày ghi những yếu tố thời tiết gởi về Nha khí tượng, và một trung đội Điạ Phương Quân ở chung với nhóm khí tượng để bảo vệ đảo.
Sự liên lạc giữa đảo và đất liền rất nhiêu khê, cứ 3 tháng mới có một lần thay quân và toán khí tượng cũng theo lịch trình này mà thay đổi nhân sự.
Chính vì vậy mà thiết lập một phi trường trên đảo Hoàng Sa là cần thiết và hữu lý nhất là, nếu củng cố lực lượng đủ mạnh để kiểm soát được toàn vùng lãnh hải Hoàng sa là 1 ưu điểm chiến lược, chúng ta có thể kiểm soát được toàn bộ hải trình quốc tế trong vùng lãnh hải Đông Nam á.
Phái đoàn chúng tôi có nhiệm vụ nghiên cưú để thiết lập phi trường là thế. Nhân vật G. Kosh là điều rất đáng chú ý.
Nếu ở trong nội địa, một phi trường cỡ nhỏ xử dụng cho C 123 trở xuống thì công binh của VNCH họ thực hiện dễ dàng như lấy kẹo trong túi. Nhưng thực hiện ở giữa hải đảo cách đất liền (Đà Nẵng) 230 hải lý là việc không đơn giản.

Cứ theo nguyên tắc mà nói, thì 2 sĩ quan Công binh sẽ lo về đất đai địa thế và đo đạc kích thước để thực hiện. Yếu tố thời tiết thì đã có nhóm khí tượng cung cấp cho đủ chu kỳ 1 năm. Còn G.Kosh thì sẽ nghiên cưú, giám định để mở hầu bao. Phần tôi, vì là Sĩ quan lãnh thổ Quân Đòan nên tôi có nhiệm vụ đúc kết tất cả phúc trình của mỗi thành phần để trình thượng cấp xét duyệt và thực hiện. Không nói thì ai cũng hiểu là yếu tố hầu bao là yếu tố quyết định, vì thực hiện 1 phi trường ngoài hải đảo xa xôi thì chi phí không phải là ít. Từ một giọt nước cho đến một hạt cát cũng phải chở từ đất liền ra, rồi cơ giới của công binh chuyển vận ra, rồi lại còn phải thiết lập đầu cầu cho cơ giới công binh có thể từ tầu vận chuyển lên đảo (Tầu thủy không thể cập vào sát bờ vì vướng san hô, còn cầu tầu để tầu thủy có thể cập bến xưa kia vận chuyển phân chim nay đã hư hỏng hoàn toàn).
Cả ngàn lẻ một dữ kiện ấy đủ chứng tỏ rằng sự quyết định mở hầu bao của phía Mỹ là quan trọng, nhất là vào thời điểm đó, ngân sách quốc gia của VNCH đang ở trong tình trạng cạn kiệt (300 triệu đô la cũng không xong ).Tất cả dữ kiện hữu lý ấy chỉ là bề ngoài. Sự thực phi trường Hoàng sa chỉ là phi trường ẢO nghĩa là không có thực, mà đây chỉ là một dàn cảnh tuyệt vời của người bạn “đồng minh” của chúng ta! Họ đã phối hợp với kẻ xâm lăng bành trướng từ lâu rồi.
Tôi xin được tường trình cùng quý độc giả những dữ kiện mà tôi biết được sau khi biến cố đã xảy ra và mọi bí ẩn sau 40 năm ngày nay đã được bạch hóa.
Trước hết, thời điểm 1974 là thích hợp nhất cho bọn cướp nước vì những toan tính rút lui, nhường miền Nam lại cho Cộng Sản Bắc Việt đã gần kề (1975). Nếu để cho miền Bắc xâm chiếm toàn miền Nam rồi, bọn Trung Cộng mới chiếm đánh thì anh em “ môi hở răng lạnh” của bọn chúng sẽ trở thành” há miệng mắc quai”.
Ngoài ra, theo lời Trung uý Phạm Hy là trung đội trưởng Địa Phương Quân có nhiệm vụ giữ đảo đã kể lại với tôi thì khoảng hồi tháng 10 vừa qua là tháng thường có mưa bão ở miền Trung, có 1 thương thuyền không rõ của nước nào đã tấp vào đảo và xin tránh bão (Đơn vị ĐPQ này có gởi công điện về Tiểu khu Quảng Nam và tôi với trách nhiệm Sĩ quan lãnh thổ Quân Đoàn I tôi cũng nhận được thông báo này của Tiểu khu Quảng Nam)
Khi lên đảo, những thương nhân này đã tỏ ra rất thân thiện, họ đem lên đảo tặng các chiến sĩ canh phòng những bộ bài cào “36 kiểu” để làm qùa. Rồi họ lại giả đò chơi những trò chơi trốn tìm, cút bắt, thì ra đó là tầu do thám của tụi Trung Cộng chúng giả làm thương lái để lên thám sát đảo.Từ căn cứ phòng ngự cho đến vũ khí, quân số trên đaỏ chúng nắm rõ từng chi tiết, nhất là vũ khí thì tất cả đều được khóa cẩn thận trên giá súng, bởi lẽ, theo Trung uý Phạm Hy, nếu giao súng cho binh sĩ giữ, có thể họ sẽ bắn nhau mỗi khi có sự xích mích vì lính ở đây tất cả đều là những quân nhân bị kỷ luật; đơn vị nào của Tiểu khu Quảng Nam có quân nhân bị kỷ luật sẽ gom lại thành một trung đội để gửi ra Hoàng Sa. Chính Trung uý Phạm Hy cũng là 1 Sĩ quan bị 15 ngày trọng cấm!
Phải thành thực mà nhìn nhận, quan niệm gửi quân ra Hoàng Sa giữ đảo xem ra rất nhẹ vì nào có bao giờ phải chiến đấu để bảo vệ đảo đâu. Chiến sĩ ra đảo chỉ là để cho có mặt. Công sự phòng thủ nào có ai dòm ngó tới bao giờ. Nói một cách trung thực là chẳng có phòng thủ gì hết. Chiến sĩ ở đây hằng ngày giết thời gian bằng cách đi câu cá, bắt hải sâm hoặc mò ốc tiên (một loài ốc có hoa văn rất đẹp) cho hết nhiệm kỳ 3 tháng là trở về đất liền vì có toán khác ra thay thế!
Xem thế thì đủ biết địch biết rất rõ ta còn ta thì không biết gì về địch đã quá rõ ràng.
Trở lại với phái đoàn chúng tôi, chúng tôi rời quân cảng Tiên sa – Đà nẵng khoảng 5-6 giờ chiều ngày 15-1-1974. Sau một cơn vật vã ói mửa mật xanh mật vàng, sáng hôm sau tỉnh dậy, mặt trời đã lên cao, tôi cố gượng dậy ra boong tầu ngắm trời ngắm biển thì ra tôi đã ở Hoàng sa lúc nào tôi không hay biết. Toán chúng tôi được Hải Quân Trung tá Lê văn Thự, hạm trưởng cho lệnh hạ 2 xuồng cao su đưa 6 người chúng tôi vào đảo. Tôi bị một cơn say đất còn tàn bạo hơn cơn say sóng. Ông trưởng đài khí tượng có nhã ý nhường chiếc ghế bố của ông cho tôi nằm nghỉ, nhưng sao chiếc ghế bố cứ chồm lên nhảy xuống chứ không chịu nằm yên.Tôi đang bị say đất là thế.
Đến chiều hôm đó, anh em đã tạm phục hồi sức khỏe, 2 sĩ quan công binh lo đo đạc và thu thập các yếu tố về điạ chất.Thời tiết thì khỏi lo.Còn anh G.Kosh thì không động tĩnh gì cả. Đi theo tôi là chỉ để cho có mặt. Trong lúc trò truyện với nhau, tôi được biết anh này vốn là Trung uý thuộc lực lượng mũ xanh, nay sang làm tại tòa Lãnh sự.Về phong tục tập quán của người Việt nam thì anh rất quen thuộc với nước mắm, mắm tôm và cả … thịt chó. Nói thế là quí độc giả sẽ biết ngay anh là thành phần nào rồi. Vì đi cạnh tôi nên anh ta cũng ăn cơm gạo sấy và thịt hộp với tôi.
Bất giác trong một lúc anh ta mở túi xách của anh ra, tình cờ tôi thấy anh mang tới 2 cây thuốc lá (20 gói) rồi một túi nhỏ đựng rất nhiều đồ mưu sinh thoát hiểm như lưới, bẫy sập,lưỡi câu v..v.. Tôi lại tự hỏi: đi công tác vài ngày mà làm chi phải mang tới vài chục gói thuốc? Dù có hết thuốc thì trên chiến hạm thiếu gì, mua bao nhiêu mà chẳng có. Mãi sau này tôi mới vỡ lẽ.
Nhiệm vụ đã xong, chúng tôi được anh em Địa Phương Quân tặng cho một ít vỏ ốc tiên cũng như hải sâm khô mang về làm quà. Tôi nói anh hiệu thính viên của Công binh gọi C 25 liên lạc với chiến hạm đón chúng tôi về, nhưng sao ở thêm một ngày nữa mà không thấy tầu cho xuồng cao su vào đón. Mãi đến ngày 17-01 chúng tôi mới lên lại HQ 16, nhưng mặt biển lúc này đã nóng bỏng một cách khác thường, bây giờ trên biển có thêm HQ 5 cũng là 1 Tuần Dương Hạm giống hệt như HQ 16 và 1 khu trục hạm HQ 4, chiếc này nhỏ hơn HQ5 và HQ 16 nhưng hỏa lực thì mạnh hơn nhiều, xa xa lại còn một chiếc nữa mà sau này tôi mới được biết đó là HQ 10 vì tầm nhìn quá xa.
Trước mũi tầu HQ 16 của chúng tôi luôn luôn có 1 tầu nhỏ của Trung Cộng lấy danh nghĩa là tầu đánh cá đậu chặn ngang trước mũi tầu, rõ rằng là có ý định khiêu khích.Trung tá hạm trưởng chỉ thị cho chiến sĩ người Việt gốc Hoa lấy máy phóng thanh gọi loa yêu cầu họ đi nơi khác vì đây là haỉ phận của Việt Nam. Họ cũng dùng máy gọi lại y như vậy mà nói rằng yêu cầu các anh đi nơi khác vì đây là hải phận của Cộng Hòa nhân dân Trung Quốc! Mà tầu đánh cá laị sơn mầu ô- liu và có trang bị thượng liên, không có lưới mà chỉ có cần câu. Các ngư phủ chỉ dùng cần câu để câu cá. Đi đánh cá xa bờ mà laị dùng cần câu để câu từng con cá sao? Biển rộng mênh mông thiếu gì chỗ câu sao lại chỉ đậu trước 1 chiến hạm khoảng cách chỉ vài chục mét? Rõ ràng là để chọc giận.
Đến chiều ngày 18-01, khoảng 4,5 giờ, tôi đang nằm nghỉ trong phòng thì nghe tiếng loa gọi “mời Thiếu tá Hồng lên gặp Hạm trưởng” Tôi lên phòng chỉ huy thì thấy không khí vô cùng ngột ngạt. Các Sĩ quan người nào cũng mang vẻ mặt hết sức căng thẳng.
Trung tá Hạm trưởng cho tôi biết là Hải đội trưởng (sau này tôi mới biết là Hải quân Đại Tá Hà văn Ngạc) bên HQ5 yêu cầu phái đoàn chúng tôi chuyển qua bên đó cho an toàn. Thế là chúng laị xuống xuồng cao su để chuyển sang HQ 5,nơi có HQ Đại tá Ngạc đặt bộ chỉ huy ở bên đó.
Mới được có mấy tiếng đồng hồ thì khỏang 10 giờ đêm lại nghe tiếng loa phóng thanh “Mời Thiếu Tá Hồng lên đài chỉ huy gặp Hải độ trưởng. Đây là giây phút đầu tiên tôi gặp trực tiếp Hải đội trưởng HQ Đại tá Hà văn Ngạc, ông đã ôn tồn vỗ vai tôi và nói: “Toa à, anh Kosh này là bạn của moa, anh ta muốn xuống lại đảo vì anh sợ ở trên này không được an toàn, thôi toa cùng anh em cảm phiền vui lòng chuẩn bị xuống đảo”.
Chúng tôi xuống đảo đã nửa đêm 18-01 anh em Điạ Phương Quân và toán khí tượng tất cả đều ngon giấc. Chúng tôi vào tận chỗ ngủ của anh em mà không ai hay biết gì hết thì đủ biết rằng việc phòng thủ gác sách như thế nào.
Tôi choàng tỉnh dậy vì tiếng heo kêu quá lớn…Thì ra anh em Địa Phương Quân họ mổ heo (đem theo từ khi họ thay phiên ra giữ đảo) cúng ông Táo. Lúc này khoảng 10 giờ sáng. Đang đánh răng thì Trung uý Hy chạy đến tôi và nói: “Không xong rồi Thiếu Tá ơi. Tầu chiến đôi bên gờm nhau dầy đặc trên biển rồi”
Tôi vội vàng leo lên sân thượng để quan sát. Quả thật đôi bên đang ở thế cài răng lược. Và rồi súng nổ.
Tôi vào phòng truyền tin cùa đài khí tượng, anh hiệu thính viên của Công Binh cũng theo tôi vào đây, chỉ ít phút sau thì HQ 16 liên lạc được với chúng tôi và trên máy HQ 16 đã nhờ chúng tôi liên lạc với Bộ Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên hải là HQ 16 đã bị hư mắt thần, tầu nghiêng 30 độ, hệ thống viễn liên đã bất khiển dụng!
Trời đất! tôi gọi từ Hoàng Sa về Đà Nẵng bằng… C 25.Tôi chỉ còn trông cậy vào máy Motorola của khí tượng, nhưng khốn nỗi, khí tượng họ chỉ liên lạc với nhau vào mỗi đầu giờ, mà bây giờ đã khoảng 10 giờ 20 rồi. Nhưng may sao họ mò mẫm lại bắt được liên lạc với Phú Quốc còn trên máy.

Không nói chuyện trưc tiếp được với khí tượng Đà Nẵng, tôi bắt buôc phải đi đường vòng. Tôi nhờ khí tượng Phú Quốc gọi khí tượng Sài Gòn. Nhờ khí tượng Sài gòn điện thọai ra khí tượng Đà nẵng. Quả nhiên may sao ít phút sau thì khí tượng Đà nẵng lên máy với chúng tôi. Tôi lại nhờ khí tượng Đà nẵng gọi điện thoại cho phi trường Đà nẵng. Phi trường Đà Nẵng liên lạc bằng điện thoại với tổng đài Uy Dũng của Quân Đoàn I và tôi nhắn tin là trung tâm hành quân Quân Đoàn I cử người sang đài khí tượng Đà Nẵng tọa lạc trong phi trường Đà Nẵng để liên lạc trực tiếp với tôi! Đọc đoạn này không thôi, chắc quí vị độc gỉa cũng thấy vã mồ hôi vì trong lúc dầu sôi lửa bỏng thế này mà tôi phải vòng vo tam quốc nhiêu khê vạn dặm đến thế.
Lúc này thì mặt trận trên biển đã im bặt chỉ sau chừng mươi mười lăm phút súng nổ. Mấy chiến hạm của ta đã quay lưng lại với phía đảo Hoàng Sa của chúng tôi và hình bóng của họ mỗi lúc một nhỏ dần cho đến khi mất hút.
Ngược lại thì hàng chục con tầu của Trung Cộng lại đang vây kín chúng tôi, tất cả đều hướng mũi vào đảo và súng bắt đầu nổ. Trung úy Phạm Hy điều động hơn hai chục chiến sĩ dưới tay như thế nào tôi cũng không biết. Rồi phòng truyền tin của khí tượng cũng không còn một bóng người ngoại trừ tôi và anh hiệu thính viên Công binh. Trong máy nghe tiếng súng nổ nên khí tượng Đà Nẵng đã hỏi tôi là trên đảo đang có tiếng súng sao? họ nói với tôi là bên Hải Quân vùng I Duyên Hải nhắn với Thiếu tá Hồng là hãy bình tĩnh sẽ có Không quân ra yểm trợ cho Thiếu tá.
Trong lúc này thì tiếng súng lớn nhỏ đang chát chúa xung quanh chúng tôi, một vài mảnh tường của tòa nhà khí tượng đã bị phá từng mảng lớn. Tôi đành chào vĩnh biệt khí tượng.
Tôi và anh hiệu thính viên lao ra những lùm cây để ẩn thân. Tôi quyết định trốn kỹ im lìm trong lùm cây để chờ chuyện trống mái một phen chứ nhất định không ra đầu hàng. Xung quanh tôi những âm thanh của tiếng Tầu đang như cái chợ. Chúng đã tràn ngập trên đảo. Tôi chờ mong phi cơ chiến đấu của không lực VNCH ra thả bom tại đảo cho dù chúng tôi có chết, thì bọn tầu phù cũng chết banh xác pháo…

32 chiến sĩ trận chiến Hoàng Sa bị Trung cộng bắt, đã trở về

Nhưng rồi sự im lặng vẫn mãi mãi im lặng. Phi cơ đâu chẳng thấy. Tôi nằm im trong bụi rậm suốt 3 tiếng đồng hồ mà chẳng được nghe tiếng gầm thét của các chiến đấu cơ. Trong khi đó tiếng Tầu mỗi lúc một ồn ào hơn, gần sát chỗ tôi ẩn núp. Cuối cùng chúng vạch từng gốc cây và phát hiện ra tôi, chúng chĩa súng vào tôi và hô lên: Thiếu Tá.
Thì ra suốt 2-3 giờ đồng hồ qua chúng đã tràn ngập trên đảo và sau khi khai thác tù binh chúng đã điểm danh đầy đủ và biết chắc rằng còn một Thiếu Tá và 1 anh công binh mang máy truyền tin rồi.
Tôi trở lại hai tòa nhà của khí tượng và anh em Địa Phương Quân thì tất cả đã bị bắt giữ. Anh Kosh thì bọn Trung Cộng đang nói chuyện với anh ta bằng anh ngữ.
Rõ ràng đây là điểm mấu chốt. Họ đã biết rõ trên đảo có một người Mỹ, họ đã cử thông dịch viên ra làm việc. Nếu bình thường; một trận chiến tình cờ trên biển thì đào đâu ra người Tầu biết nói tiếng Anh? nhất là vào thời điểm đó bên kia bức màn sắt và thế giới tự do hoàn toàn cách biệt.
Lại nữa, khi tấn công lên đảo, tất cả họ đã tác xạ không có tính cách sát thương. Đại bác bắn vào những bức tường toàn bắn trên tầm cao.


Càng rõ hơn nữa là cuối ngày 19-01-74 thì kết quả trận đánh đã quá rõ ràng. Bốn năm giờ sáng 20-01 chúng tôi được đưa lên tầu chở về đảo Hải Nam. Đêm 20-01 tôi trưởng đoàn, cùng 2 Trung uý Công Binh, Trung Uý Địa Phương Quân Phạm Hy giữ đảo, 1 Trung Uý Hải Quân bị bắt trên đảo Cam Tuyền (chỉ mới thả xuống đảo vài ngày để giữ đảo) và anh Kosh được chở bằng máy bay từ Hải Nam về Quảng Châu rồi tiếp tục chở bằng xe hơi về trại Thu Dung tù binh huyện Huyền Hóa, tỉnh Quảng Đông thành phố Quảng Châu. Số Hạ sĩ quan, Binh sĩ và 4 người khí tượng còn lại thì mãi 2 ngày sau họ mới nhập về trại với chúng tôi vì họ được chở về bằng tầu thủy.
Sáng sớm ngày 21-01 những cán bộ của trại bắt đầu làm việc với chúng tôi. Chúng tôi được sắp xếp cho ở một dẫy nhà có 5 phòng. Tôi ở 1 phòng, 4 trung úy kia thì 2 người 1 phòng. Một phòng ăn và 1 phòng dành cho việc tọa đàm. Người bị phỏng vấn nhiều nhất là Trung uý HQ Lê văn Dũng để họ lấy ngay những yếu tố kỹ thuật của Hải Quân hầu họ ứng phó kịp thời nếu cuộc chiến sẽ tái diễn. Còn tôi, khai thác sơ khởi trên đảo họ đã biết quá rõ phái đoàn đặc biệt của tôi nên họ không cần khai thác thêm nhiều.
Anh Kosh thì được lưu giữ ở đâu chúng tôi không biết. Anh được đi xe riêng, Khi xuống phi trường Quảng Châu là anh đã được tách rời chúng tôi rồi.
Ngồi trong phòng tọa đàm, họ nói chuyện dưới hình thức thân mật. Họ cho chúng tôi biết là: hiện nay tiến sĩ Kisinger đang ngồi ở Bắc Kinh. Tối nay chúng tôi sẽ mở đài Bắc Kinh cho các anh nghe. Quả vậy, đúng giờ chương trình tiếng Việt của đài Bắc Kinh, họ đã đến và mở cho chúng tôi nghe bản tin đúng như lời họ nói. Lân la mọi chuyện họ mở luôn cả các đài VOA, BBC, Úc Đại Lợi cho chúng tôi theo dõi. Tất cả đều loan tin giống nhau. Dĩ nhiên là các đài đều lấy tin của các hãng thông tấn nên loan tin phải giống nhau rồi.
Trở lại về anh Kosh, khi xuống đảo lần thứ nhất, anh còn ăn chung với tôi, nhưng lần thứ hai thì không. Anh nói là anh bị bệnh. Bệnh đây cũng là bệnh được sắp đặt trước. Quả vậy, chỉ 1 tuần sau khi bị bắt, anh ta là người đầu tiên được thả với lý do bị bệnh mãn tính kinh niên, cần được thả sớm để kịp về điều trị! Ấy thế mà 1 tháng sau, sau khi tôi trở về Quân Đoàn, anh ta có về Mỹ điều trị đâu vẫn làm việc như thường lệ!

Buổi trưa hôm 19-01 sau khi tàn cuộc chiến trên đảo, chỉ một mình anh Kosh là được giữ những trang bị cá nhân sau khi bị bắt, còn chúng tôi thì không. Đến xế trưa, đã quá đói vì từ sáng đến giờ chúng tôi có được ăn uống gì đâu Kosh bèn lấy trong túi xách ra hộp cá, nhỏ hơn bao thuốc lá, anh chia cho tôi một lát mỏng cỡ như thanh kẹo cao su chúng ta thường mua khi đi xem chiếu bóng ở Sài gòn. Tôi nghĩ bụng, một lát cá như thế này thì thấm béo gì. Như hiểu được ý tôi, anh ta nói ngay: Thiếu tá cứ ăn đi sẽ đỡ đói đấy. Mà đỡ đói thật. Thì ra họ đã tiên liệu rôì. Họ trang bị rất kỹ lưỡng từ răng cho đến chân. Còn chúng ta, chúng ta có biết gì đâu!
Hai chục gói thuốc lá, những dụng cụ thoát hiểm mưu sinh, những hộp đồ ăn đặc biệt, những cơn bệnh bất thường là những yếu tố làm tôi suy nghĩ tới những sự kiện… bất thường!

Chưa hết, sau này khi được trả về, qua tìm hiểu, phối kiểm cũng như nghe những chuyện được kể lại, tôi mới được biết, khi trận hải chiến xảy ra, chiến hạm Mỹ cũng ở sát nách với chúng ta mà nào họ có cứu vớt những bè thoát hiểm của anh em Hải quân. Cụ thể nhất là có một bè trôi dạt về tận Qui Nhơn mới được chiếc thương thuyền Kopionella của Hòa Lan cứu thóat. Không cần nói đến tính liên hệ đồng minh, chỉ cần nói đến lòng nhân đạo thôi, họ đã cất giấu tình người đi đâu mất rồi?

Thêm một chi tiết sau này khi được Trung tướng Tư Lệnh tiền phương Quân Đoàn I chỉ thị tôi ra Huế thực hiện 2 cuộc thuyết trình tại Hội trường Phú Văn Lâu, một vào buổi sáng cho các cơ quan hành chánh Thừa thiên Huế và một vào buổi chiều cho các đơn vị quân đội đồn trú quanh Thị xã Huế, mỗi buổi có đến hơn một ngàn người, đứng chật cả hội trường, tràn ra cả phía tiền đường để nghe qua loa phóng thanh. Khi về Bộ Tư lệnh Tiền phương, tôi được gặp Đại Tá Tham mưu trưởng Tiền phương QĐ I, ông đã nói với tôi: “Moa có nói chuyện về biến cố Hoàng sa với tên cố vấn Quân Đoàn, ông ta đã thản nhiên hỏi moa rằng “anh ngạc nhiên về chuyện này sao”. Moa biết là bị hố nên moa đã chữa ngay rằng tôi không ngạc nhiên nhưng tôi chỉ thắc mắc là tại sao bọn Trung Cộng lại chọn đánh chiếm Hoàng Sa vào thời điểm này.” Rõ ràng đây là một màn kịch đã được sắp xếp từ trước.

Trở lại chuyện tôi nhận được tin sẽ có phi cơ ra oanh tạc Hoàng sa sao không thấy thực hiện, tôi đã hỏi Trung tá Lê Lâm, phó trưởng phòng 3 Quân Đoàn I, ông đã giải thích với tôi rằng tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng, một phi đội phản lực từ Biên Hòa đã ra phi trường Đà Nẵng sẵn sàng tham chiến, Quân Đoàn dự trù kế hoạch cho chiến hạm ra giữa đường tiếp đón phi công nhảy dù nếu phi cơ không đủ nhiên liệu trở về, nhưng rồi kế hoạch phải hủy bỏ vì phía Mỹ họ lý luận rằng nếu thực hiện, đối phương có thể trả đũa từ nơi xuất phát, như vậy sẽ rất nguy hiểm cho cư dân thành phố Đà Nẵng.

Trong khi đó, tôi được bên Không quân cho biết là phi công Viêt Nam đã sẵn sàng thi hành những phi vụ vô cùng ngọan mục và can trường chẳng khác nào phi công Nhật khi xưa, nhưng tiếc thay người Mỹ họ chơi trò… (trò gì mà mấy Sĩ quan Không quân nói với tôi nhưng nay tôi đã quên mất vì đây là từ ngữ kỹ thuật chuyên môn đại khái được hiểu là máy bay có gắn bom thì những quả bom này chỉ là những khối sắt vô tri không thể nào kích hỏa được. Tóm lại là đối sách nào cũng bị kỳ đà cản mũi.
Nếu để tất cả những dữ kiện rời rạc nêu trên đứng riêng lẻ một mình thì hẳn qúi độc giả sẽ cảm thấy chúng không nói lên được điều gì trong trận hải chiến Hoàng sa, nhưng nếu ghép chúng lại thành toàn cảnh của một bức tranh thì ngược lại, chúng ta sẽ thấy một thảm kịch cho việc đã được người bạn đồng minh dàn cảnh rất tỉ mỉ từng chi tiết:
Vào thời điểm đó, Tổng thống Hoa Kỳ bắt đầu kết thân vơí Trung Cộng. Dĩ nhiên quyền lợi của Hoa Kỳ và tham vọng của Tầu Cộng vẫn là tối thượng, Tầu cộng đã nghiên cứu kỹ lưỡng sự bố phòng của chúng ta. Lực lượng tham chiến của họ đã chuẩn bị sẵn sàng. Vấn đề chỉ là làm sao họ đánh chiếm chúng ta cho hữu lý và có kết quả. không thể nào tự nhiên họ đem quân ra đánh chiếm một đơn vị giữ đảo mà trên đó chỉ là một đài khí tượng đã hiện diện một cách hợp pháp và chính đáng từ bao lâu nay rồi và lại chưa hề bao giờ có sự hiềm khích với họ. Vậy thì người Mỹ sẽ tạo cho họ một cái cớ.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ này. Hoa Kỳ đã gợi ý giúp chúng ta xây cất một phi trừờng chiến lược để kiểm soát được toàn bộ haỉ trình quốc tế trong vùng Đông Nam Á. Bùi tai quá hữu lý quá. Anh Kosh đi theo để giám định chi tiền lại càng chứng tỏ người Mỹ muốn giúp thực sự, chúng ta đã lọt bẫy điệu hổ ly sơn. Chiến hạm của chúng ta chở phái đoàn ra thám sát để thực hiện kế hoạch, những con mồi nhử đã chờ sẵn. Họ khiêu khích chúng ta đến độ cơn giận của chúng ta không kìm hãm nổi. Là một đơn vị quân đội, chúng ta chỉ có một biện pháp duy nhất để phản ứng: NỔ SÚNG!!!
Họ chỉ chờ có thế. Vài con tầu nhỏ (sau này tôi mới được biết đó là Kronstadt) làm vật tế thần có thấm béo gì so với một nước có tới 7-8 trăm triệu dân vào thời điểm đó. Chiến thuật biển người là ngón sở trường của bọn bành trướng. Lực lượng trên đảo chỉ có hơn hai chục tay súng (mà chúng đã biết rất chính xác) trong khi chúng tràn lên đảo đến một tiểu đoàn thì cục diện sẽ thế nào ai cũng có thể khẳng định được.
Nhân đây, tôi cũng xin kể hầu quí độc giả thêm vài sự kiện đau lòng trong thời gian bị lưu giữ trong trại thu dung tù binh:
Ngày ngày, 5 Sĩ quan chúng tôi gồm tôi và 4 Trung uý (1 Hải quân, 2 Công binh và 1 Điạ phương quân) phải ngồi đồng (tọa đàm) suốt 8 tiếng đồng hồ để goị là học tập chính trị và giải thích về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thực sự thuộc về ai. Tất cả những cán bộ Trung Cộng tiếp xúc với chúng tôi toàn nói bằng tiếng Việt giọng Bắc rất chính xác. Chính xác đến độ mà Trung Uý Công Binh Vũ Hà người Huế nói chữ SỮA Honda họ đã sửa lưng rằng không có SỮA Honda mà chỉ có SỮA Ông Thọ! Phải nói là SỬA Honda mới đúng!
Có một lần, vì cao hứng bất tử, có một tên cán bộ đã nói với Trung Uý Địa Phương Quân Phạm Hy là đi từ Huyện Đại Lộc đến Hội An nên đi lối tắt nào gần nhất. Trung uý Hy thổ lộ với tôi rằng tuy là ngừơi địa phương, từng lội bộ nát nước ở quê hương xứ Quảng của mình nhưng cũng chưa bao giờ biết đi tắt từ Đại Lộc đến Hội An bằng đường nào. Thôi rồi! người anh em môi hở răng lạnh, núi liền núi, sông liền sông đã cõng rắn về cắn gà nhà hay đúng hơn là dẫn voi về dày mả tổ.
Rồi đến ngày chúng tôi được trả về, khi ăn bữa cơm trưa cuối cùng tại tô giới Thẩm Khuyến – Hồng Kông, tiễn tôi ra lằn ranh để bước sang phía tự do, một Sĩ quan cao cấp thuộc Lộ quân bộ đội tỉnh Quảng Đông đã siết chặt tay tôi nói với tôi một câu chắc nịch rằng: “hẹn gặp các anh trong một ngày rầt gần đây TRÊN ĐƯỜNG NGOẠI GIAO”.
Thành thật mà nói, khi thoạt nghe câu nói vừa kể, phản xạ tự nhịên của tôi là tên này quá hão huyền, giữa thế giới tự do của chúng tôi và bên kia bức màn sắt của các anh làm quái gì có bang giao mà gặp nhau trên đường ngọai giao. Nhưng đau lòng thay, chỉ một năm sau; Miền Nam Việt Nam bị tràn ngập làn sóng đỏ tôi mới bừng tỉnh rằng ở nước ngoài thân phận miền Nam đã được an bài; mà chỉ cần những cán bộ cấp trung của họ cũng đã biết rồi.
Nói về nỗi lòng của tôi khi Hoàng Sa bị thất thủ mà tôi hiện diện trong đó, xin được thú nhận rằng, từ tấm bé cho đến khi trưởng thành, bây giờ mới là lúc tôi hiểu thế nào là tình yêu quê hương, thế nào là lòng ái quốc.

Quả vậy, từ thuở còn tung tăng chân sáo, ngày ngày cắp sách đến trường, những bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Tâm hồn cao thượng, tôi đã được thầy cô giảng dậy rất kỹ về lòng ái quốc, nhưng thực lòng những chữ lòng ái quốc và tình yêu quê hương là những từ ngữ vô cùng trừu tượng. Tôi chẳng hề có một chút xúc cảm nào. Ấy thế mà khi một mảnh đất thật xa xôi mù mịt của quê hương tôi bị bọn xâm lăng chiếm đoạt, tất cả 5 anh em Sĩ quan chúng tôi khi thổ lộ tâm tình với nhau, ai cũng vô cùng đau xót.
Suốt 4 tuần lễ nằm trong lãnh thổ giặc thù chúng tôi thương nhớ quê hương da diết. Ngày được trả về, khi vừa bước qua vệt sơn ngăn cách giữa Hồng Kông và Thẩm Khuyến; Ông Tổng Lãnh Sự Việt Nam Cộng Hòa muốn chờm tới, ông bị người cảnh sát Anh chặn lại, ông bèn cất tiếng hỏi: “Có anh Hồng ở đây không? Có Thiếu Tá Hồng đó không?” Ông không nhận dạng được tôi vì tôi chưa có quân phục mà tất cả 43 người vừa trở về đều mặc bộ quần áo mầu xanh đậm giống nhau do bọn Trung Cộng phân phát. Chỉ mới nghe một giọng nói Việt Nam dầu tiên, tiếng của quê hương tôi, tôi đã muốn oà khóc. Tôi đã nghẹn họng, cố gắng lắm tôi mới thốt lên được 2 tiếng “tôi đây” rồi tôi cứ ứ lên cổ không nói thêm được một tiếng nào nữa.

Thiếu Tá Phạm văn Hồng, người tù binh trong ngày trở về.

Đến khi ngồi trên phi cơ từ Hồng Kông trở về Sài Gòn, từ trên cao nhìn xuống mặt biển, mỗi khi gặp một hòn đảo nào nhô lên mặt nước dù đó không phải là Hoàng Sa nhưng lòng tôi vẫn thấy đau xót xốn xang. Trong đời quân ngũ, đã hơn một lần tham dự hành quân, không phải là chúng tôi trăm trận trăm thắng, trái lại, lác đác cũng có đôi lần bị đối phương chiếm mất mục tiêu, nhưng lòng tôi vẫn an nhiên tự tại bởi vì chắc chắn chúng tôi sẽ có những cuộc hành quân tái chiếm và nắm chắc thế nào chúng tôi cũng sẽ lấy lại được phần đất đã mất. Hoàng Sa thì không. 43 con người trở về từ đất địch, cả 43 tấm lòng đều cùng có một tâm trạng như nhau: đau lòng đến tột độ!
Phi cơ chạm đất, nhìn vào khu nhà ga hàng không, cờ xí rợp trời , người người như thác lũ. Cánh cửa phi cơ mở ra, tôi là người đầu tiên bước xuống cầu thang, biển người trước mặt quá to lớn đối với đôi tay nhỏ bé của tôi, song tôi vẫn muốn dang ra cho thật rộng để ôm hết làn sóng người vào lòng tôi. Tất cả là của riêng tôi. Đây là đồng bào của tôi. Đây là quê hương của tôi. Đây là ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Và đây mới đích thực là lúc tình yêu quê hương. LÒNG ÁI QUỐC của tôi đang trỗi dậy.
Tôi tiến bước vào khu phòng khách danh dự, rất nhiều phóng viên báo chí vây kín quanh tôi. Đa phần họ hỏi tôi về bên kia bức màn sắt, nhưng bất ngờ cũng có một phóng viên hỏi tôi một câu không biết có phải là anh ta có dụng ý muốn nắn gân, thử phổi tôi không:” Thưa Thiếu Tá, nếu bây giờ Thiếu tá được lệnh phải tái chiếm Hoàng Sa, Thiếu Tá có sẵn sàng trở lại Hoàng Sa hay không?”
Không cần đắn đo suy nghĩ, tôi lập tức trả lời: Tôi là một Sĩ quan hiện dịch, xuất thân trường Võ Bị Quốc Gia, đối với tôi LỆNH LÀ THI HÀNH. Trả lời câu này, tôi thầm nghĩ, tôi đã khóa họng anh ta, không để anh ta đánh gía tôi là hèn yếu, nhưng cũng không thể phê phán tôi là ngạo mạn kiêu căng. Tôi chỉ có một ước muốn khiêm nhường là làm sao nói lên được lòng yêu nước và cố giữ đúng phong thái của một Sĩ quan xuất thân trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Phạm Văn Hồng K 20
__._,_.___

Posted by: Gia Cat <

Viewing all articles
Browse latest Browse all 674

Trending Articles