----- Forwarded Message -----
From: long do
Sent: Wednesday, November 1, 2017, 8:01:58 AM PDT
Subject: Fw: TinCapNhat_October31_2017
On Tuesday, October 31, 2017 11:09 PM, LeMinhNguyen <
Tin Cập Nhật Thứ Ba 31/10
Tin Thế Giới
1.
Mỹ nói Trung Quốc tập oanh kích đảo Guam
Máy bay ném bom của Trung Quốc bay gần Guam và diễn tập ném bom nhắm vào lãnh thổ này của Mỹ là một trong những hành động khiển các lực lượng quân sự của Mỹ tại đây xem Bắc Kinh là mối đe dọa tiềm năng đáng lo ngại nhất ở Thái Bình Dương, trong lúc Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chế tạo vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh những hoạt động công khai bồi đắp biển đảo, xây dựng cơ sở quân sự trên Biển Đông, Trung Quốc còn ra sức phát triển phi đội chiến đấu cơ có khả năng hoạt động hàng ngày trong chiến dịch khiêu khích trong không phận Biển Hoa Đông và Biển Đông và xa hơn nữa, các giới chức quân sự Mỹ trong khu vực cho biết. Ngoài ra Trung Quốc còn có những hoạt động không mang tính quân sự khác trong khu vực được xem là những nỗ lực khiến cho Mỹ khó hoạt động hơn tại đó và để bảo vệ cho các đông minh trong tương lai.
Các giới chức mô tả hoạt động leo thang của Trung Quốc trong thông báo gởi cho các phóng viên báo chí tháp tùng Chủ tịch Ban tham mưu Liên quân, Đại tướng Joseph Dunford.
Các giới chức nói rằng mặc dầu mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên đang ngày càng tăng với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, một cuộc xung đột với Bắc Hàn vẫn được xem là “một cuộc chiến mà chúng tôi có thể thắng.” Còn với Trung Quốc, các giới chức nói họ “lo ngại về cách thức mà mọi việc đang diễn tiến.”
“Trung Quốc là một thách thức lớn dài lâu trong khu vực,” Đại tướng Dunford nói. “Nhìn vào những khả năng và Trung Quốc đang phát triển, chúng tôi phải đảm bảo duy trì khả năng để đáp ứng các cam kết với các đồng minh của chúng tôi ở Thái Bình Dương.”
Trong một năm qua, Nhật Bản đã thực hiện 90 phi tuần để nghênh cản chiến đấu cơ Trung Quốc thách thức Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản. Năm 2013, Bắc Kinh tuyên bố vùng ADIZ của Trung Quốc có ranh giới chồng lấn sang vùng ADIZ của Nhật Bản và bao gồm cả đảo Điếu Ngư/Senkaku trên Biển Hoa Đông. Các giới chức quân sự cho biết, kế từ đó tần số đối đầu giữa máy bay của Nhật và Trung Quốc tăng lên, dẫn đến việc Tokyo quyết định tái triển khai hai phi đội chiến đấu cơ sang căn cứ không quân Naha ở Okinawa để có thể nhanh chóng nghênh cản các máy bay của Trung Quốc bay vào khu vực. Các giới chức nói: “Hiện nay hầu như mỗi ngày chiến đấu cơ Flanker vũ trang của Trung Quốc và máy bay của Nhật Bản bay rất gần nhau” trong khu vực .
Số vụ máy bay Mỹ và Trung Quốc đòi đầu nhau cũng tăng lên. Trang tin quốc phòng Defense News trích lời các giới chức quân sự nói máy bay ném bom K-6K “Badger” của Trung Quốc đang thăm dò các khu vực phòng thủ của Mỹ quanh đảo Guam.
Defense News nói máy bay Badger của Trung Quốc bay thường xuyên hơn vào không phận thuộc lãnh thổ của Mỹ. Các giới chức nói: “Máy bay Trung Quốc thực tập tấn công đảo Guam. Máy bay ném bom của họ còn bay quanh Hawaii.
Mặc dù các giới chức nhấn mạnh rằng không có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột với Trung Quốc, các lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực vẫn tự hỏi một cuộc chiến ở Thái Bình Dương sẽ như thế nào nếu nó xảy ra. - VOA
|
|
2.
Nga nói bị Mỹ bôi bác vô lý
Điện Kremlin ngày 31/10 tuyên bố các cáo buộc của Mỹ đối với cựu quản lý chiến dịch tranh cử cho Tổng thống Donald Trump, ông Paul Manafort, và một phụ tá khác cho thấy Moscow đã bị bôi nhọ bất công về chuyện can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Giới hữu trách liên bang đang điều tra sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ đầu tuần này cáo buộc ông Manafort và ông Gates phạm tội rửa tiền. Moscow phủ nhận nhúng tay vào bầu cử Mỹ.
Dù được phanh phui trong phạm vi cuộc điều tra 5 tháng về những nỗ lực của Nga nhằm nghiêng cuộc bầu cử về hướng có lợi cho ông Trump và về sự thông đồng khả dĩ của các trợ lý của ông Trump, nhưng các cáo buộc đưa ra tuần này lại tập trung vào việc làm của ông Manafort cho chính quyền cũ của Ukraine, không phải cho chính quyền Nga. Một số cáo trạng đề cập đến những chuyện cách đây hơn một thập niên.
Điều này được hoan nghênh ở Nga, nơi mà các quan chức đang theo dõi sát cuộc điều tra ở Mỹ, Reuters cho biết. Những bằng chứng công khai về sự can thiệp của Nga, tới giờ vẫn chưa được trưng ra, có phần chắc sẽ đưa tới những chế tài nghiêm khắc hơn của Washington nhắm vào Moscow.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng trong cáo trạng nhắm vào ông Manafort và phụ tá Rick Gates không có cáo buộc nào liên hệ tới Nga. Ông nói hôm thứ Ba rằng Moscow luôn luôn khẳng định chưa bao giờ can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Khẳng định đó bị các cơ quan tình báo Mỹ bác bỏ và họ đã xác quyết rằng Moscow có can thiệp vào cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2016.
"... Nga không bị nhắc tới trong các cáo buộc dưới bất kỳ hình thức nào. Những nước khác và những người khác bị nêu danh,"ông Peskov nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với truyền thông.
Cuộc điều tra của Mỹ là vấn đề nội bộ của Mỹ, ông Peskov nói, nhưng Moscow đang quan tâm theo dõi.
Ông cũng bình luận về những chi tiết của vụ việc liên quan tới một cựu cố vấn thứ ba của ông Trump, George Papadopoulos, người đã nhận tội nói dối FBI vào đầu tháng 10.
Ông Papadopoulos nói với các nhà điều tra rằng đã tìm cách dàn xếp một cuộc gặp giữa ban vận động của Trump với giới lãnh đạo Nga mà qua đó ông cho biết đã gặp một giáo sư làm việc tại London tự xưng có các mối liên lạc với các quan chức Nga và một phụ nữ Nga không được nêu tên.
Hồ sơ tòa án về Papadopoulos cũng đề cập đến các cuộc tiếp xúc với một người có liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga.
Khi được hỏi Điện Kremlin nghĩ gì về nhân vật có liên hệ tới Bộ Ngoại giao Nga được cho là tìm cách dàn xếp một cuộc gặp gỡ giữa hai ông Putin và Trump, người phát ngôn Peskov nói cáo buộc này vô căn cứ.
"Đó là một cáo buộc hoàn toàn nực cười,"ông nói.
Tin nói nhân vật liên quan đến Bộ Ngoại giao Nga là Ivan Timofeev, làm việc cho một viện nghiên cứu chính sách tại Moscow có tên Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga (RIAC).
Reuters cho hay ông Timofeev đã không hồi đáp yêu cầu bình luận, nhưng từng nói với cổng thông tin trực tuyến gazeta.ru hồi tháng 8 rằng ông Papadopoulos đã gửi email cho ông vào mùa xuân năm 2016 và bàn về khả năng tổ chức một chuyến đi cho ông Trump tới Nga.
Ông Timofeev nói ông Papadopoulos chưa bao giờ đưa ra yêu cầu chính thức cho RIAC hoặc Bộ Ngoại giao Nga về chuyến thăm đó và ông có cảm tưởng ông Papadopoulos đã "hành động theo chủ ý của riêng mình." - VOA
|
|
3.
Chủ tịch TQ và Tổng Thống Hàn Quốc bàn về THAAD tại Việt Nam
Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ đàm phán trực tiếp vào tuần tới, kết thúc một năm căng thẳng ngoại giao về việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn của Hoa Kỳ.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm Thứ Ba 31/10 ra tuyên bố cho biết Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp bên lề Hội nghị Hợp tác Phát triển Kinh tế Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam từ ngày 10-11/11.
Mối quan hệ giữa hai cường quốc trong khu vực trở nên lạnh giá sau khi Seoul triển khai hệ thống Phòng thủ Phi đạn (THAAD) ở thành phố Seongju. Hàn Quốc nói THAAD được triển khai để chống lại nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên, nhưng Trung Quốc phản bác rằng lá chắn tên lửa này ảnh hưởng tới an ninh của chính họ.
Bắc Kinh trả đũa bằng cách hạn chế hoạt động của một số công ty Hàn Quốc ở Trung Quốc, và cấm không cho các đoàn du lịch lớn đến thăm Hàn Quốc.
Quan hệ giữa hai nước dường như đã được cải thiện từ khi Tổng thống Moon và Chủ tịch Tập gặp nhau vào tháng 7 vừa rồi. Hai bên gần đây đồng ý mở rộng trao đổi song phương về tiền tệ.
Trong một tuyên bố hôm thứ Ba 31/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận cuộc đàm phán song phương sẽ diễn ra vào tuần tới tại Việt Nam.
Bộ này cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc phản đối việc triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc, nhưng nói thêm rằng họ ghi nhận quan điểm của Seoul, và hy vọng sẽ giải quyết vấn đề một cách thích hợp. - VOA
|
|
4.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ không can thiệp vào đàm phán Biển Đông --- Trung Quốc tiếp tục đắp đảo mới, xây cơ sở ở Hoàng Sa
Hôm qua, 30/10/2017, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải ( Cui Tiankai ) đã lên tiếng yêu cầu Mỹ không can thiệp vào đàm phán giữa Trung Quốc với các nước láng giềng nhằm đạt đến một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nhà ngoại giao Trung Quốc đưa ra yêu cầu này vào lúc tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị cho chuyến công du châu Á sắp tới.
Tại một cuộc họp báo ở đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, ông Thôi Thiên Khải cho rằng Mỹ không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và nên để các nước trong khu vực tự giải quyết tranh chấp của họ « một cách hiệu quả và thân thiện ». Đại sứ Trung Quốc tuyên bố : « Tôi nghĩ chắc là sẽ tốt hơn nếu những quốc gia khác, kể cả Mỹ, đừng cố.
Khoảng lặng sau cơn bão
Việc xây dựng trên quần đảo Trường Sa thể hiện sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong nhiệm kỳ thứ nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, và sự quả quyết đó được nêu bật trong phát biểu của ông tại Đại hội Ðảng Cộng sản Trung Quốc hồi trước đây trong trong tháng.
Chủ tịch Tập phát biểu: “Xây dựng trên các đảo và bãi cạn trên Biển Nam Trung Hoa tiến triển đều đặn.”
Ông Michael Cavey, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói: “Chúng tôi tiếp tục lo ngại về những căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là những mâu thuẫn do hoạt động bồi đắp đảo và quân sự hóa những địa điểm tranh chấp và hành động của một số nước sẵn sàng dùng sức mạnh cưỡng bức để khẳng định chủ quyền.”
“Chúng tôi luôn kêu gọi Trung Quốc cũng như các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo khác cố gắng kiềm chế và ngưng các hoạt động bồi đắp biển đảo, hay xây dựng thêm các cơ sở mới và quân sự hóa những địa điể m tranh chấp.”
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường mới đây tái khẳng định rằng các hải đảo đó là lãnh thổ không thể nào tranh cãi được của Trung Quốc, trong trả lời với các phóng viên báo chí.
Ông Nhậm nói: “Không ai có thể nói việc xây dựng trên các đảo và bãi cạn trên Biển Nam Trung Hoa và việc xây dựng cá cơ sở quốc phòng cần thiết là hoạt động mở rộng triển khai quân sự.”
“Chúng tôi tin rằng hiện trạng của Biển Nam Trung Hoa nhìn chung là tốt, và tất cả các bên liên quan phải tích cực làm việc với nhau để bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Nam Trung Hoa.”
Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải, hôm thứ Hai 30/10, nói rằng Hoa Kỳ chớ nên “can thiệp vào những nỗ lực trong khu vực nhằm giải quyết những tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa.”
Trong một phát biểu tại Singapore trước đây trong tháng này, giới chức quân sự cao cấp nhất của Mỹ trong khu vực nói rằng cho dù Washington kêu gọi Trung Quốc giúp trong vấn đề Bắc Hàn, Mỹ vẫn buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những hành động đi ngược với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói: “Chúng tôi cũng muốn Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt các hành động gây hấn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang phát triển sức mạnh tác chiến và lấn chiếm các vị trí trong nỗ lực khẳng định chủ quyền thực tế đối với các vùng lãnh hải đang trong vòng tranh chấp.”
Chiến thuật chứ không phải sách lược
Một nghiên cứu mới đây của tổ chức RAND Corp có liên hệ với chính phủ Mỹ cân nhắc rủi to của một cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đưa Biển Đông lên hàng đầu trong danh sách các điểm nóng tiềm năng.
Biển Đông được đẩy lên cao hơn cả Ðài Loan, nhưng thấp hơn Bán đảo Triều Tiên. Nghiên cứu ghi nhận rằng hải lộ này đã “trở thành một điểm chú ý ngoài dự đoán trong những mâu thuẫn Mỹ-Trung.”
Mặc dù Ngũ giác đài tiếp tục các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông thường xuyên, gọi tắt là FONOPS, để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, một số nhà phân tích tin rằng Mỹ đang chật vật đối phó với thế áp đảo đang mở rộng dần của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông ở Viện nghiên cứu Yosof Ishak của Singapore, nói: “Trung Quốc hình như đang theo đuổi chiến lược dài hạn và có suy tính kỹ lưỡng để giành quyền thống trị trên Biển Đông, trong khi Mỹ đáp lại bằng những cuộc tuần tra chiến thuật tức thời.”
“FONOS chỉ là hoạt động chiến thuật không phải là chiến lược, và các hoạt động đó không làm Trung Quốc mảy may xem xét lại kế hoạch của họ ở Biển Đông.”
Ông Ni Lexiong một chuyên gia về hải quân đang giảng dạy môn khoa học chính trị và luật tại Đại học Thượng Hải, nói rằng Trung Quốc hiện có rất ít nhu cầu phải tăng triển khai quân sự đáng kể, nhưng phần lớn tùy thuộc vào hành động của các nước khác.
Ông nói tiếp: “Miễn là các nước khác không cố tình có những hành động và khiêu khích, thì mọi sự đều ổn thỏa. Vấn đề là một số nước, như Mỹ lại đến đó khuấy động tình hình.” - VOA
|
|