Quantcast
Channel: Books-Hoi Ky.
Viewing all 674 articles
Browse latest View live

Richard Nixon, Henry Kissinger và Sự Sụp Đổ Của Miền Nam

$
0
0
 

Richard Nixon, Henry Kissinger và Sự Sụp Đổ Của Miền Nam

26/04/2016
“Không ai biết rõ còn bao lâu nữa và phải làm gì cụ thể để thay đổi. Có còn chăng là sự tỉnh thức trong chúng ta. Đó là một khả năng tự soi sáng và tự quyết định về vận mệnh của đất nước mà toàn dân Đông Âu là một thí dụ. Tỉnh thức thân phận là vấn đề kiến thức; xác định ý muốn để thay đổi là vấn đề quyết tâm… Không ai có phép lạ để chuyển hoá đất nước thay cho chúng ta. Vấn đề là sự chọn lựa. Chúng ta cùng giúp nhau tỉnh thức trong tình tự dân tộc là một hy vọng khởi đầu: Đất nước đang nguy cơ hơn bao giờ hết, sức mạnh của toàn dân sẽ đem lại giải pháp và quyền dân tộc tự quyết là phương tiện. May ra một phép lạ nào đó cho đất nước sẽ đến sau”.
____
Đỗ Kim Thêm*
25-4-2016
Vấn đề
Henry Kissinger và Richard Nixon. Nguồn: internet
Henry Kissinger và Richard Nixon. Nguồn: internet
Mỹ không thể bỏ Việt Nam” đó là một niềm tin son sắt của chính giới và người dân miền Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hơn nữa, VNCH với 1 triệu 1 quân nhân, một không lực đứng hàng thứ tư trên thế giới, kiểm soát trên 50% dân chúng và 75% lãnh thổ, không ai tin là có thể đầu hàng. Cuối cùng, chuyện không muốn đã đến khi Đồng Minh tháo chạy. Cho đến nay, vẫn còn có câu hỏi đặt ra là tại sao VNCH sụp đổ, vì trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, đã chưa có một trường hợp nào tương tự như vây đã xảy ra và các lý giải vẫn chưa thoả đáng.

Lý do thật dễ hiểu: Việt Nam không còn các sử gia chân chính; nhiều cán bộ sử học của phe thắng cuộc đang tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền; các sử gia khả tín của phe thua cuộc không còn cơ hội lên tiếng; sử gia ngoại quốc cũng chẳng soi sáng được nội tình nhiều hơn vì là người ngoại cuộc. Thế hệ tham chiến không thể kể hết tiếng lòng của nạn nhân chiến cuộc; các tự sự qua ký ức cá nhân và ký ức tập thể mờ nhạt qua bụi thời gian. Vì không có một chương trình giáo dục khách quan cho thế hệ hậu chiến, nên các mờ ảo của lịch sử cận đại còn đó.

Tổng Thống Richard Nixon và Cố vấn Henny Kissinger là hai chính khách  trực tiếp can dự vào sự sụp đổ của VNCH. Richard Nixon đã thú nhận những sai lầm qua danh tác “No More Vietnam“. Henry Kissinger, vốn là nhà sử học và có nhiều trước tác liên quan; nhưng gần đây ông cũng cho là chưa có một tác phẩm nào về chiến tranh Việt Nam là khách quan và thuyết phục.

Trước đống tro tàn của lịch sử, một câu hỏi được đặt lại là Richard Nixon và Henry Kissinger đã làm gì trong tiến trình Việt Nam Hoá chiến tranh và ai thắng ai thua trong sự sup đổ của VNCH; đó là nội dung của vấn đề ở đây và bài viết này là một thử nghiệm khiêm tốn.

Nhậm chức Tổng Thống và bổ nhiệm Cố Vấn
Sau bao năm thăng trầm trong chính trường, Nixon thắng cử và trở thành  Tổng Thống thứ 37 của Hoa Kỳ. Ông là một luật sư có tài hùng biện, văn tài diễn đạt trong sáng, mà tác phẩm “No More Vietnam” là một thí dụ điển hình, nhưng thái độ kiên quyết chống Cộng làm ông nổi danh.

Trước đây, trong trận Điện Biên Phủ, ông đã từng kêu gọi Hoa Kỳ phải oanh tạc Bắc Việt, rồi đến việc xây dựng miền Nam, ông ủng hộ Tổng Thống Diệm không điều kiện và sau này ông còn cáo giác Johnson là không có đủ biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề.
Sau khi nhậm chức, ông nhận ra rằng cần phải có một chính sách ngoại giao mới, mà khó khăn nhân sự là hàng đầu. Ngoại Trưởng William Rogers vốn là một người bạn vong niên mà ông tín cẩn, lại thiếu nhạy bén trong các vấn đề ngoại giao, trong khi William Laird, Bộ Trưởng Quốc phòng, luôn tỏ ra là người thừa lịnh hơn là đề xuất sáng kiến.

Để làm việc hiệu năng hơn, ông quyết định bổ nhiệm Henry Kissinger, Giáo sư Đại học Harvard, vào chức vụ Cố Vấn An ninh Quốc gia, mà ý kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định liên quan với chiến cuộc Việt Nam đang leo thang.

Chiến cuộc leo thang
Nixon đồng quan điểm với các bậc tiền nhiệm về học thuyết Domino: Việt Nam lọt vào tay Cộng sản là một tai hoạ chung cho các nước Đông Nam Á. Tham chiến là một trò chơi quá nguy hiểm cho uy tín quốc tế của Hoa Kỳ và chiến thắng bằng giải pháp quân sự là khó; vì có nhiều lý do: quân đội cần hiện đại hoá các trang bị để gia tăng hiệu năng tác chiến mà ngân sách đang thâm thủng; kinh phí quốc phòng hằng năm đã lên đến gần 30 tỷ Đô la, chiếm dụng 40% ngân sách. Nếu rút quân để tránh tiếp tục sa lầy, tình hình sẽ nghiêm trọng. Áp lực chính trị quốc nội ngày càng nặng nề. Phe Bồ câu kêu gọi thương thuyết, trong khi phe Diều Hâu chủ trương không kích, nhưng cả hai cùng có một đòi hỏi chung là 543.000 quân nhân Hoa Kỳ phải hồi hương, nhất là khi số lượng tử vong của binh lính lên tới 14.600. 

Nixon và Kissinger tin là phải chấm dứt chiến tranh bằng cách thông qua Moscow và Bắc Kinh; nhưng không phải các vấn đề dị biệt ý thức hệ là chính, mà là quyền lợi cụ thể sẽ thuyết phục Moscow và Bắc Kinh quan tâm giải quyết. Nhưng tìm cách nối kết các quyền lợi dị biệt này thành quan điểm chung về ngoại giao đó là mục tiêu, một giải pháp lý tưởng mà Hoa Kỳ chấp nhận được là Moscow và Bắc Kinh phải ngưng viện trợ vũ khí cho Bắc Việt. Dù bang giao với Moscow đã có nhiều cải thiện sau thời kỳ giảm căng thẳng, nhưng Hoa Kỳ vẫn còn trở ngại với Bắc Kinh. Hai giải pháp tương lai của chiến trường và đàm phán đều còn mờ mịt.
Để thực hiện, ông dựa theo học thuyết Nixon 1969 là tiếp tục ủng hộ VNCH và Đồng Minh, nhưng chính phủ VNCH phải chịu trách nhiệm chính trong công cuộc chiến đấu. Hoa Kỳ sẽ trang bị tối đa vũ khí cho QLVNCH cùng lúc với việc rút quân theo lịch trình dự định và can thiệp quân sự chỉ là trường hợp ngoại lệ.

Khác với các luận điểm trong chiến dịch tranh cử, Nixon đề ra một kế hoạch tuyệt mật và hy vọng là sẽ kết thúc chiến tranh trong vòng một năm. Ông theo đuổi ba mục tiêu chính: Một là gây ý thức trong công luận về triển vọng kết thúc chiến cuộc, nhưng không nhất thiết phải là chiến thắng quân sự thuần túy. Hai là Hoa Kỳ không bỏ rơi VNCH và từ bỏ mục tiêu cao cả đã cam kết. Ba là kết thúc chiến cuộc là một giải pháp khả thi, nhưng đầy danh dự cho Hoa Kỳ.   

Ông đề ra các giải pháp cụ thể: Để phá vỡ hậu cần tại miền Bắc, cần tiếp tục oanh tạc các đường tiếp vận và phong toả hải cảng nơi nhận các quân dụng viện trợ. Để làm suy yếu tiềm lực chiến đấu tại miền Nam, cần tăng cường chiến dịch Bình Định Nông Thôn mà Johnson đã thành công.
Để gây chuyển biến nhanh hơn, Nixon muốn quyết định táo bạo mà ông gọi là lý thuyết của người điên (Madman Theory). Dù không có trên văn bản, nhưng qua các cuộc hội luận với H. R. Haldeman, một công sự viên thân tín, ông nêu các lập luận qua trích thuật “Tôi sẽ chứng tỏ cho Hà Nội biết rằng khi nổi điên lên đến cực điểm, tôi sẽ làm tất cả những gì để kết thúc chiến cuộc. Chúng ta sẽ cho Hà Nội thấy là khi Nixon căm ghét Hà Nội biết chừng nào, khi Nixon nổi điên, thì không ai kiềm chế được“.

Việc Hoàng thân Norodom Shihanouk thuận cho CSBV sử dụng lãnh thổ Campuchia làm cơ sở hậu cần để cho QĐNDVN xâm nhập miền Nam là vấn đề mà Nixon thấy cần phải giải quyết trước. Từ tháng 2 năm 1969, qua cuộc hành quân Operation Menu, Nixon ra lịnh cho Không Quân Hoa Kỳ ném bom xuống các căn cứ của CSBV trên lãnh thổ Campuchia. Công luận và các giới chức cao cấp không được thông báo về diễn tiến này. Trong 14 tháng liên tục Hoa Kỳ đã ném 100.000 tấn bom làm cho Hà Nội bị tổn thất nặng nề, nhưng không hề công bố về con số thương vong và tiềm lực suy giảm.

Vào tháng sáu 1969, Nixon đề nghị Hoa Kỳ và CSBV rút quân khỏi Nam Việt Nam và mọi hình thức hoà đàm sẽ do hai phiá Bắc và Nam quyết định. So với Johnson, Nixon và Kissinger mềm dẻo hơn. Ông đề nghị là đến tháng 11 năm 1969, nếu Hà Nội không chấp thuận thì ông sẽ tăng cường các giải pháp quân sự. Nhưng Hà Nội bác bỏ, nên hoà đàm không khả thi.

Thoạt đầu, áp lực của giới phản chiến xuống thấp, khi Nixon tuyên bố rút 25.000 quân vào tháng 6 năm 1969 và tiếp tục rút thêm 60.000 vào tháng 9. Lịnh nhập ngủ được thay thế bằng hình thức rút thăm và giới trẻ cũng như sinh viên ít khi gặp phải. Đến tháng 10 phong trào phản chiến gây sôi động khi Quốc Hội thông qua đạo luật cấm đóng quân Hoa Kỳ tại Thái và Lào vào tháng 9. Chống đối lên đến cao điểm khi có 4 triệu người  biểu tình trên 200 thành phố. Bài hát của John Lenon “Give Peace a Chance“ và việc trưng bài danh sách các binh sĩ nằm xuống tại bậc thềm Quốc Hội là hai biểu tượng chính. 

Trước áp lực của công luận, Nixon không có phản ứng thích hợp và ra lịnh cho 300 quân nhân phong toả Toà Bạch Ốc. Trong diễn văn truyền hình ngày 3 tháng mười một, ông cảnh báo giới phản chiến là một hiện tượng tắm máu sẽ xảy ra khi miền Nam thất thủ và phong trào phản chiến gây khó khăn cho thiện chí đem lại hoà bình của Hoa Kỳ. Chính Hoa Kỳ có thể làm suy yếu CSBV, và không có trường hợp ngược lại. Tài hùng biện trong diễn văn này đem lại thành công đáng kể cho Nixon khi gần 70% dân chúng đồng thuận với chính sách. Phong trào phản chiến suy giảm khi tiến trình Việt Nam Hoá chiến tranh bắt đầu.

Việt Nam Hoá Chiến Tranh
Khi công luận Hoa Kỳ hoan nghênh việc Việt Nam Hoá chiến tranh và hồi hương các binh sĩ, thì các giới chức tại Ngũ Giác Đài và Bộ Quốc Phòng VNCH bi quan cho rằng sách lược này chỉ là để miền Nam đầu hàng CSBV theo thời gian. Chính quyền VNCH, mặc dù triệt để chống kế hoạch, nhưng không còn cách nào khác hơn là tỏ ra ủng hộ giải pháp này.

Giữa tháng 6 năm 1970 QLVNCH gia tăng quân số từ 850.000 lên đến một triệu, do lịnh Tổng Động Viên ban hành, thanh niên trong tuổi từ 18 đến 35 phải nhập ngủ. Hoa Kỳ trang bị cho QLVNCH vũ khí, quân xa va trực thăng hiện đại. Chiến dịch Bình Định Nông Thôn thành công đem lại an ninh cho các vùng xôi đậu trước đây. Cuối năm 1971, chính phủ đã kiểm soát nông thôn nhiều hơn; không khí bình yên trở lại xóm làng và các cuộc bầu của Hội Đồng Xã là có tự do thật sự. Luật Người Cày Có Ruộng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đem lại ưu thế chính trị hơn cho ông, khi số lượng đất cấp phát từ 29% lên đến 56% trong năm 1972, cụ thể là 800.000 nông dân vô sản có được đất để canh tác. Thành phố sung túc hơn với các mặt hàng tiêu dùng do viện trợ Hoa Kỳ bán ra. Tất cả biểu hiện cho một sự thành công đáng kể của miền Nam trong việc xây dựng một quốc gia dân chủ trong bước khởi đầu.

Dù an ninh vãn hồi, nhưng chiến tranh thay đổi bộ mặt nông thôn, dân chúng bỏ làng ra thành phố mưu sinh, người ở lại cũng không thể sống bằng canh nông, chương trình cấp đất không tạo thu hút dân chúng hồi cư vì không hứa hẹn sẽ đem lại một cuộc sống sung túc. Binh lính VNCH vẫn chưa quen sử dụng vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ nên hiệu năng tác chiến vẫn chưa đạt được, trong khi tỷ lệ đào ngủ còn cao. Sự tàn bạo của chiến dịch Phượng Hoàng tạo thuận lợi cho MTGPMN chiêu phục thêm được nhiều du kích quân.

Tháng Ba năm 1970, Nixon công bố đã có nhiều diễn tiến tốt đẹp trong chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh và rút thêm 15.000 quân nhân để tìm hậu thuẩn nơi phe phản chiến. Thực ra, hoà đàm không chuyển biến làm Nixon lo âu nhiều hơn. Trong khi phong trào phản chiến ngày càng mạnh, nên tháng 4 Thượng Viện ra cảnh báo về tình hình nghiêm trọng và yêu cầu Tổng Thống kết thúc chiến tranh. Một cơ hội vãn hồi hoà bình cho Việt Nam đến, không phải xảy ra tại Việt Nam mà tại Campuchia.

Tấn công Campuchia.
Thủ tướng Lon Nol đảo chính Hoàng thân Norodom Sihanouk vào ngày 18 tháng 3 năm 1970. Đến nay vẫn chưa xác định được là có CIA nhúng tay trong vụ này không. Hoa Kỳ thấy có thuận lợi để tấn công các cơ sở hậu cần của CSBV nằm trong lãnh thổ Campuchia. Không theo quan điểm của Bộ Quốc Phòng và Ngoại Giao, Nixon quyết định dùng bộ binh hành quân vào các khu vực biên giới Tây Nam Campuchia, không phải chỉ cách Sài gòn 70 cây số mà là toàn bộ các khu vực của MTGPMN chưa hề được phát hiện trước đây. Mục tiêu của đợt tấn công này là giúp cho VNCH đủ thời gian tập trung lực lượng cho chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh.

Ngày 1 tháng năm Hoa Kỳ mang 31.000 quân và VNCH mang 43.000 quân tấn công Campuchia. Do có mật tin tình báo mà các bản doanh của MTGPMN di chuyển trước, nên QLVNCH không thể nào tìm ra. Thành công của đợt hành quân này quá giới hạn; mức tử vong của Cộng quân là 2.000 và một số kho vũ khí căn cứ bị huỷ diệt. Phản ứng đầu tiên của CSBV là phải rút sâu hơn trong nội địa của Campuchia. Với vũ khí của CSBV và Trung Quốc cung cấp, lực lượng Khmer Đỏ có thêm phương tiện gia tăng kiểm soát nhiều các khu vực khác. Dĩ nhiên, các cuộc hành quân hỗn hợp này làm cho xung đột vốn dĩ lâu đời của Khmer Đỏ và chính quyền Campuchia  trầm trọng hơn.

Thoạt đầu, dân chúng Hoa Kỳ tỏ ra đồng ý dè dặt về việc tấn công Campuchia. Trong một cuộc biểu tình của giới phản chiến tại khuôn viên Đại học Kent State, Ohio, Vệ Binh Quốc Gia đã nổ súng làm chết 4 và bị thương 15 sinh viên vào ngày 4 tháng năm 1970. Tình hình căng thẳng hơn khi 100.000 sinh viên liên tục biểu tình trước Toà Bạch Ốc. Trước áp lực nặng nề, Nixon  tuyên bố sẽ chấm dứt tấn công Campuchia vào tháng 6. Nixon khó xử hơn bao giờ hết vì thấy rằng Hoa Kỳ không thể thắng, nhưng lại không muốn kết thúc và cũng không dám công khai thú nhận là thua.
Sau cuộc xâm lăng Campuchia, tinh thần dân chúng mệt mỏi và cho là một sai lầm đạo đức, nhất là khi các cơ quan truyền thông đồng loạt khai thác vụ tàn sát Mỹ Lai và Bí Mật Ngũ Giác Đài.
Pentagon Papers
Muà hè 1971, The New York Times phổ biến tài liệu gọi là Bí Mật Ngũ Giác Đài, Pentagon Papers, làm hoang mang dư luận. Tài liệu này do Daniel Ellsberg tổng hợp theo yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng MacNamara. Ông cáo giác chánh sách tham chiến dựa trên quan điểm là do bị đe doạ nhiều hơn trên các nhận định quyền lợi thực tế. Các chính quyền Kennedy và Johnson thông báo tin tức sai lạc cho dân chúng và lý tưởng hoá về tầm vóc tham chiến tại Việt Nam.
Để đối phó với mặt trận truyền thông ngày càng gay gắt, Nixon phải xin lịnh Toà án ngưng công bố các tài liệu này, nhưng gặp thất bại. Nixon yêu cầu các giới chức an ninh hỗ trợ để chận đứng tình hình. Một mặt, ông cáo buộc Daniel Ellsberg bị bịnh tâm thần; mặt khác, ông dùng các thủ thuật bất hợp pháp như tổ chức đánh cắp tài liệu mật, nghe lén, theo dõi thư tín và đời tư các người liên quan.
Quốc Hội ý thức hơn về tầm vóc vấn đề và theo dõi các hoạt động của Tổng Thống. Tháng tư và năm có hàng trăm ngàn dân phản chiến tham gia biểu tình và có vài thành quả nhất định. Dù các đài truyền hình ít đưa tin về các hoạt động phản chiến hơn, nhưng các bất ổn tâm lý lan tràn.
Bất ổn tâm lý
Từ khi phát động chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh, từ Tướng Tư lệnh Abhrams cho đến binh sĩ có cảm tưởng chung là mục tiêu cao cả của cuộc chiến đấu vì tự do đã mất đi. Vì chỉ còn chờ ngày hồi hương, nên họ mang tâm trạng phòng thủ và bất ổn tinh thần.

Tinh thần xuống cực thấp qua việc sử dụng ma túy. Theo một ước lượng, có khoảng 40.000 binh sĩ Hoa Kỳ lâm cảnh nghiện ngập. Các vấn đề phân biệt màu da và bất tuân thượng lịnh trở nên nghiêm trọng hơn. Hậu quả chính trị của vấn đề càng nghiêm trọng, khi có tin một số tướng lãnh VNCH cũng tham gia việc mua bán ma túy.

Ngay khi còn ở Việt Nam, binh sĩ Hoa Kỳ không thể suy đoán hết về các diễn biến của các phong trào phản chiến. Lúc hồi hương, họ càng gặp khó khăn trong việc tái hội nhập xã hội và nhận ngay ra các bất ổn tâm lý cá nhân, “họ không thể tập trung, lo sợ trước bóng tối như trẻ con, thường bị mệt mỏi nhanh, ác mộng thường xuyên, phản ứng quá mức trước tiếng động không bình thường, đột qụy trước trong cơn giận dữ hay xung động.” Các chứng bịnh tâm thần kéo dài không thể trị hết làm cho nhiều người thất nghiệp, phạm pháp và vào tù. Trong chiến tranh, họ được ca ngợi là anh hùng, khi hồi hương họ mới nhận ra mình là một phương tiện cho một chính sách thất bại. Chính quyền không quan tâm giải quyết các vấn đề tâm lý cá nhân cũng như gia đình. Họ mang tâm trạng làm điều vô ích cho kẻ vô ơn. 

Tinh thần binh sĩ VNCH cũng sa sút vì mặc cảm bị Hoa Kỳ bỏ rơi và phải tự chiến đấu trong trong hoàn cảnh thiếu yểm trợ. Khi Quốc Hội cấm binh sĩ Hoa Kỳ hành quân trên lãnh thổ Lào, QLVNCH gặp vấn đề trầm trọng hơn, mà thảm bại của Hành quân Lam Sơn 719 là thí dụ chính.

Mục tiêu Hành quân Lam Sơn 719 nhằm phả huỷ các đường hậu cần, buộc CSBV trở lại hoà đàm khi nhận ra được khả năng thiện chiến của QLVNCH. Do mật tin của các cơ quan tình báo mà mọi kế hoạch đều bị CSBV phát hiện và kết quả là QĐNDVN đã gây thảm bại nặng nề cho QLVNCH. Nếu không có các cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ yểm trợ vào giờ chót, thì tầm vóc thiệt hại càng thảm khốc hơn. Con số thương vong của QLVNCH lên tới 8.483 chết, 12.420 bị thương, 691 mất tích. Quân đội Mỹ có 215 chết, 1.149 bị thương, 38 mất tích, 168 trực thăng bị bắn rơi và 618 chiếc khác bị bắn; QĐNDVN bị thương vong là 2.163 chết, 6.176 bị thương; các số liệu đều là ước đoán.

CSBV và MTGPMN trong tiến trình Việt Nam Hoá chiến tranh.

Tổng công kích Tết Mậu Thân mang lại thành công về ngoại vận cho CSBV và MTGPMN, nhưng là một thất bại quân sự nặng nề và hiệu năng tác chiến trở nên cực kỳ suy yếu. Chiến dịch tấn công sang Campuchia và Chương trình Phượng Hoàng của QLVNCH làm cho CSBV chỉ duy trì thế thủ; MTGPMN cần có thời gian để phục hồi và không còn đánh phá mạnh ở mức độ địa phương.
Nhưng tiến trình Việt Nam Hoá làm thay đổi tình hình; Quân lực Hoa Kỳ không thể phát triển được nửa khi quân số đã lên đỉnh điểm và QLVNCH khó khăn hơn khi phải tự đảm nhận các cuộc hành quân. MTGPMN và CSBV nhận ra rằng đã đến lúc phải phản ứng trước tình hình thuận lợi, nghĩa là phải công kích đối phương nhiều hơn, kể cả ngoại vận, cho dù thực lực đang suy giảm.

Thực ra, nỗ lưc kiện toàn cơ sở và tăng cường tiềm lực không gặp trở ngại vì CSBV nhận nhiều viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước thuộc khối Đông Âu trong các lĩnh vực phòng không, xây dựng, kỹ thuật và huấn luyện. Theo một ước lượng, CSBV nhận viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc khoảng 7 tỷ Đô la, và riêng Trung Quốc mỗi năm khoảng 200 triệu Đô la về trang bị vũ khí nhẹ.

Sau khi Hồ Chí Minh chết vào năm 1969, đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống Mỹ xâm lược và thống nhất đất nước là mục tiêu cao cả của CSBV. Để đạt mục tiêu này, Lãnh đạo Đảng Lao Động ý thức được các tác động chuyển biến của Việt Nam Hoá chiến tranh. Vào tháng giêng 1970, họ thay đổi chiến lược bằng cách sử dụng Hoà đàm Paris là một trận tuyến mới, mà trước đây họ xem là một công cụ tuyên truyền.

Vùng châu thổ sông Cửu Long, một khu vực đông dân và nhiều luá gạo, có  ý nghĩa chiến lược, nên MTGPMN đã tăng cường mọi biện pháp để bám khu vực. Hành quân tấn công sang Campuchia của QLVNCH đã làm phân tán sức bảo vệ, nhưng sau đó đành phải rút về để bám đất và giữ dân.
Điểm ngạc nhiên nhất là đến giữa năm 1971, tiềm năng chiến đấu của hai bên đều suy yếu, một tình trạng bất phân thắng bại, không bên nào chứng tỏ có ưu thế quân sự để có thể chiến thắng. Thuận lợi nhất cho CSBV là Hoa Kỳ bắt đầu rút quân theo lịch trình, cứ sáu tháng là có 50.000 binh sĩ hồi hương.

Nga-Hoa đang nỗ lực cải thiện bang giao với Hoa Kỳ để có nhiều thoả ước thương mại và giải giới vũ khí. Để đánh đổi mặc cả này, cả hai sẳn sàng gây áp lực Hà Nội trong việc mưu tìm một giải pháp hoà bình. Dù xung đột có vũ trang tại biên giới Nga – Hoa vào mùa hè 1969 tại vùng Ussuri cũng không làm cho tình hình bang giao của Việt Nam với Trung Quốc và Liên Xô xấu hơn.

Chuyến đi bí mật của Kissinger vào ngày 9 tháng 6 năm 1971 tại Bắc Kinh là để mở đường cho chuyến thăm viếng chính thức của Nixon vào ngày 21 đến 28 tháng 2 năm 1972. Triển vọng tái lập bang giao Hoa – Mỹ tạo bất lợi cho Hà Nội, vì một trong những điều kiện tiên quyết mà Kissinger đặt ra cho Bắc Kinh là tạo áp lực cho Hà Nội phải đàm phán. Lo sợ trước chuyển biến này, Phạm Văn Đồng sang Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông tìm cách ngăn trở.
Mao phản bác yêu cầu của Phạm Văn Đồng bằng một hình ảnh bóng bẩy: “Chổi của Trung Quốc quá ngắn không thể nào quét sạch lính Mỹ tại Đài Loan,  chổi của các Đồng chí ở miền Bắc còn ngắn hơn, thì làm sao quét sạch miền Nam.“ Bắc Kinh chống đề nghị này là một thất bại cho Hà Nội. Nhiều tư liệu giải mật về sau cho thấy, dù viện trợ cho Bắc Việt tối đa, nhưng Trung Quốc không hề tin CSBV sẽ chiến thắng.

Bảng Tuyên bố chung Thượng Hải vào ngày 28 tháng 2 mở đầu giai đoạn bang giao mới giữa hai nuớc, mà mục tiêu chung là xây dựng một cấu trúc về hoà bình và công lý cho thế giới (the goal of building a world structure of peace and justice). Nội dung không đề cập đến các dị biệt ý thức hệ hay giải quyết các vấn đề Đài Loan, Việt Nam và Bắc Hàn, nhưng là một thay đổi quan trọng về thế giới quan về hợp tác.

Từ quan điểm của một vị Tổng Thống chống Cộng cực đoan, Nixon chuyển sang lợi dụng các xung đột Nga-Hoa hầu tìm một cấu trúc mới cho chính trị thế giới, mà cũng không quên quyền lợi chính của Hoa Kỳ. Giải pháp cho vấn đề Việt Nam tất nhiên bị ảnh hưởng trong sự thay đổi này.    

Đợt tấn công muà hè 1972
Bất chấp thành công của Nixon trong chuyến Hoa du và đợt vận động tranh cử tại Hoa Kỳ vừa kết thúc, CSBV mở một đợt tấn công miền Nam vào mùa hẻ năm 1972 với 120.000 quân qua ba ngả phi quân sự, vùng cao nguyên và  biên giới Campuchia, lần này có trang bị nhiều chiến xa tối tân của Liên Xô. Vào thời điểm này, Hoa Kỳ chỉ còn 6.000 binh sĩ chiến đấu trong tổng số 95.000 quân. CSBV tấn công năm tỉnh phiá Bắc, khởi đầu là Quảng Trị, rồi đến Komtum thuộc cao nguyên, với hy vọng là cắt đôi miền này, và điểm cuối cùng là biên giới Tây Nam, cách thủ đô Sài gòn 70 cây số. Tổng Thống Thiệu phải ra lịnh cứu nguy các thành phố và tạo vòng đai an toàn cho dân chúng.

Để làm cơ sở bao vây Sài Gòn, MTGPMN đã bắt đầu kiểm soát vùng châu thổ sông Cửu Long; tấn công này làm cho tinh thần chiến đấu của QLVNCH lung lai vì thiếu yểm trợ.
Nixon kiên quyết không bỏ rơi miền Nam và không thể chịu thất bại trong năm tranh cử khi ông đưa ra cuộc hành quân Linebacker I vào ngày 8 tháng năm. Ông quyết định phong toả hải cảng Hải Phòng và mở các đợt không kích tàn bạo nhất, cho dù các chuyên gia có cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của quyết định “điên khùng” này.
Lập luận chung là ai cũng sợ Hoa Kỳ bị trả đuả; để tỏ tình đoàn kết với CSBV, Trung Quốc sẽ trực tiếp can thiệp và Liên Xô sẽ cắt đứt ngoại giao với Hoa kỳ. Nixon bất chấp cảnh báo này và cho ném 112.000 tấn bom xuống miền Bắc.

Điểm ngạc nhiên là Liên Xô phản ứng yếu kém khi một chiếc hạm của Liên Xô bị phá hủy ở hải cảng Hải Phòng. Sau đó, Leonid Breschnew tiếp Nixon vào tháng năm với nghi lể trang trọng dành cho một quốc khách. Trung Quốc cũng tỏ ra không gay gắt trước những thiệt hại nặng nề của miền Bắc. 

Dù Thượng Viện nổi giận, nhưng công luận Hoa Kỳ tỏ ra đồng thuận với việc ném bom miền Bắc, vì dẫu sao cũng ít gây hậu quả tệ haị hơn là hành quân bằng bộ binh. Nixon nhận nhiều ủng hộ chính trị hơn trong thời gian này.
Cuộc hành quân muà hè 1972 là một thất bại cho Hà Nội; vì mọi hoạt động hậu cần bị tê liệt và với trên 100.000 quân của QĐNDVN bị thiệt mạng cùng 700 xe tăng Liên Xô bị tiêu hủy, trong khi quân của VNCH tử vong khoảng 25.000. 

Chua chát nhất là Liên Xô đã cắt giảm viện trợ, còn Trung Quốc gây sức ép để buộc ngừng chiến đấu. Hà Nội đang trong tình trạng hoàn toàn kiệt quệ mọi mặt và nhận ra rằng không thể kéo dài chiến lược vưà đánh vừa đàm, vì thiệt hại nhiều hơn trong khi Hoa Kỳ còn tiếp tục oanh tạc; dù Đảng Dân Chủ của McGovern có thắng cử, thì tình hình cũng không thể thuận lợi hơn.

Ngược lại, vì đang được dân chúng ủng hộ, nên Nixon và Kissinger nhận ra một lối thoát trong danh dự cho Hoa Kỳ đã đến. Dù Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho miền Nam, nhưng Nixon thấy không thể kéo dài mưa bom và áp lực phản chiến trong nước lên đến đỉnh điểm. Theo công luận thì những thuận lợi về việc xây dựng nền tảng dân chủ của VNCH cũng như triển vọng thành công trong chương trình Việt Nam Hoá không còn nửa.
Cả Hoa Kỳ và CSBV cùng nhận định là phải trở lại hoà hội Paris trong một thái độ nghiêm chỉnh hơn.

Hiệp Định Paris
Các cuộc hoà đàm chính thức tại Paris khởi đầu từ 10.5.1968 trong thời Johnson, nhưng vì có quá nhiều dị biệt nên không đạt kết quả. Từ 4.8.1969 Kissinger đã có nhiều mật đàm với Lê Đức Thọ và cũng không có tiến triển. Thực ra, vị thế đàm phán của Kissinger kém hơn CSBV, khi ông đòi hỏi hai bên cùng rút quân. Lúc này, Hoa Kỳ chỉ còn 27.000 binh sĩ và phương tiện duy nhất là tiếp tục đe doạ không kích.

Cuối cùng, qua hai cuộc thương thảo 26 tháng 9 và 10 tháng 10 năm 1973, cả hai bên đạt đến một thoả hiệp chung: CSBV đồng ý cho chế độ VNCH tồn taị và thành lập một Uỷ Ban Quốc Gia Hoà Giải và Hoà hợp Dân tộc gồm có đại diện VNCH, MTGPMN và các thành phần thứ ba cùng làm việc chung. Mục tiêu của UB là chuẩn bị cho cuộc phổ thông đầu phiếu toàn quốc. Cùng với nỗ lực này là một thoả ước đình chiến và trao trả tù binh cho các bên liên quan. Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến sẽ hỗ trợ cho hai miền trong tiến trình này.

Một bất ngờ trong lúc thương thảo cho Kissinger là gặp phản ứng cực kỳ mãnh liệt của Tổng Thống Thiệu. Ông thấy nguy cơ sống còn cho chế độ nên không thể ký hoà ước. Kissinger nhận ra rằng vấn đề không còn phải là chuyện soạn thảo các điều kiện rút quân hay hoà giải mà sự dị biệt nền tảng trong quan điểm đấu tranh. Miền Nam không muốn mất vào tay Cộng Sản và cần có một phương cách để bảo đảm cho chiến thắng. Qua hinh thức ký kết này Hoa Kỳ cũng sẽ không hỗ trợ gì đặc biệt hơn cho VNCH.

Kissinger nổi giận vì các mật đàm giữa Hà Nội và Washington đều không đạt kết quả, nhất là không làm cho Tồng Thống Thiệu tin tưởng thiện chí của Hoa Kỳ. Dù Kissinger dấu nhẹm mọi tin tức về tiến trình đàm phán, tình báo của Tổng Thống Thiệu cũng tìm ra được nội dung các điều kiện, nhất là Kissinger cũng sẽ không thương thảo với Tổng Thống Thiệu, mà chỉ với MTGPMN; chỉ với lý do này cũng đủ làm cho Tổng Thống Thiệu từ chối ký kết hoà ước.

Tình thế khó khăn hơn, nhưng Kissinger vẫn hy vọng tìm ra một thoả hiệp. Ngày 19 tháng 7 năm 1972 ông gặp lại Lê Đức Thọ để thương thuyết. Đến ngày ngày 31 tháng 10 là ngày trước ngày bầu cử Tổng Thông một tuần, ông tuyên bố: “Hoà bình đang ở trong tầm tay“ (“Peace is at hand”). Đây là một kết luận vội vàng gây nhiều hậu quả tai hại, trong khi ông không tham khảo ý kiến của Tổng Thống Thiệu cũng như Nixon. Nixon thú nhận là những lo âu của Tổng Thống Thiệu là hợp lý và nếu ông thắng cử thì cơ hội cho một hoà ước thuận lợi hơn. Kissinger cũng không thể lưòng được là 61% dân chúng ủng hộ Nixon thằng cử, MacGovern thua đậm là một thành tích hiếm thấy cho Nixon.

Sau khi thắng cử vào ngày 7 tháng 11 năm 1972, Nixon bày tỏ thiện chí ủng hộ miền Nam. Ngay sau cuộc hành quân Enhence Plus, ông quyết định trao cho miền Nam một số lượng vũ khí quan trọng. Đáng kể nhất trong đợt viện trợ này là 600 máy bay, trong đó hơn 200 phản lực chiến đấu và oanh tạc cơ, hơn 300 trực thăng, máy bay vận tải, thám thính. Tổng số máy bay VNCH lên đến 2.075 chiếc và không lực đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng. 
Ngoài ra, trong các mật thư với Tổng Thống Thiệu, Nixon còn cam kết là dù có ngưng bắn, ông sẽ tiếp tục ném bom miền Bắc khi CSBV vi phạm thoả ước. Cả Nixon và Kissinger về sau cũng không hề nhắc đến mật ước này, chỉ có Tổng Thống Thiệu gián tiếp công bố khi lưu vong.

Muốn chứng tỏ không bỏ rơi miền Nam, một lần nửa, Nixon kiên quyết tiếp tục ném bom Hà Nội và Hải Phòng qua cuộc hành quân Linebacker II. Cuộc không kích kéo dài từ 18 cho đến 29 tháng 12 năm 1972, ngoại trừ đêm Giáng Sinh. Mưa bom này làm kinh động công luận thế giới, cả Đức Giáo Hoàng Paul VI cũng lên tiếng phản đối Nixon. Khoảng 2000 thường dân chết và 1500 bị thương, nhưng thiệt hại các khu dân cư quá nặng nề.

Tại Paris, Kissinger buộc Hà Nội trở lại đàm phán. Hà Nội hoảng sợ phải trở lại bàn hội nghi; VNCH lên tinh thần hơn, tin tưởng là mật ước của Nixon sẽ tiếp tục không kích miền Bắc là khả thi và cũng đồng ý thương thuyết. Cuối cùng, Hiệp Định Chấm dứt Chiến tranh và Vãn hồi Hoà bình được ký vào ngày 27 tháng giêng năm 1973 với bốn bên là CSBV, VNCH, MTGPMN và Hoa Kỳ.

Các điểm chính trong Hiệp Định Paris là ngưng mọi cuộc giao tranh, Hoa Kỳ rút quân trong vòng 60 ngày ra khỏi Việt Nam; QĐNDVN được ở lại miền Nam; bù lại Hà Nội trao trả các tù binh Hoa Kỳ. UBQGHGHHDT sẽ làm việc trong khi VNCH và MTGPMN cùng hoạt động trên lãnh thổ của mình. Khu phi quân sự là một lằn ranh tạm thời và không được quốc tế công nhận theo luật quốc tế. Trong một mật ước với Hà Nội, Nixon hứa sẽ viện trợ tái thiết cho CSBV và sẽ không hành quân trên lãnh thổ Lào và Campuchia.
Hiêp Định Paris không phải là một thoả hiệp giữa hai phe thắng và thua,  nhưng CSBV và MTGPMN có ba thắng lợi thuộc loại bất chiến tư nhiên thành: một là toàn bộ binh sĩ Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam; hai là công nhận sự hiện diện của 140.000 quân chính quy QĐNDVN ở miền Nam và chính phủ ”ma” MTGPMN; ba là quy chế khu phi quân sự sẽ không đuợc luật quốc tế công nhận và không ai sẽ can thiệp khi vi phạm.

Dù VNCH kiểm soát trên 50% dân chúng và 75% lãnh thổ, nhưng là một thất bại nặng nề khi ký kết, vì không có tiếng nói chính thức trong hội nghị. Hai mục tiêu chính của VNCH là duy trì binh sĩ Hoa Kỳ để tiếp tục hỗ trợ QLVNCH chiến đấu và phải trục xuất binh sĩ CSBV ra khỏi miền Nam đều không có kết quả.

Thắng lợi cho Hoa kỳ là mang binh sĩ hồi hương, một lối thoát danh dự, một thành quả của Nixon mà Kennedy và Johnson không đạt được. Nixon còn buộc Hà Nội phải công nhận chính phủ VNCH là một thực thể chính trị để đối thoại, làm cho CSBV phải từ bỏ yêu sách là một chính phủ liên hiệp không có chính quyền Thiệu tham gia. Nixon ý thức về khó khăn của việc thực hiện Hiệp Định Paris vì QĐNDVN còn đóng tại miền Nam và việc tiếp tục ném bom miền Bắc trong tương lai là khó khả thi.

Khi cải thiện bang giao với hai nước Nga-Hoa, Nixon và Kissinger đem lại ưu thế cho Hoa kỳ; vì mở rộng vị thế siêu cường, nên các áp lực quốc tế và quốc nội trong cách giải quyết vấn đề Việt Nam giảm đi.
Nixon vẫn còn lo âu về mật ước với Tổng Thống Thiệu. Kissinger, vốn dĩ không dành thiện cảm cho VNCH, nên cảm thấy nhẹ nhàng hơn và không quan tâm đến vận mệnh tương lai của miền Nam. Ông tiên đoán sẽ có một khoảng cách thích hợp cho việc đình chiến và sự sụp đổ của miền Nam. Khi đuợc hỏi miền Nam sẽ còn sống được bao lâu sau ngày ngưng bắn, ông trả lời: ”Nếu có may mắn chế độ Sài Gòn chỉ sống sót được trong vòng một năm rưởi.” 

Quốc Hội và Watergate
Sau khi người lính cuối cùng rời khỏi Việt Nam và Hà Nội trao trả 580 tù binh thì chính giới Hoa Kỳ không còn lý do để ủng hộ cho VNCH. Dù có nhiều tin tức về vi phạm Hiệp Định Paris nhưng công luận không còn quan tâm. Hai khái niệm chính yếu cho Hoa Kỳ trong gia đoạn này là Hoà Bình và Danh dự.

Cuối tháng 7 năm 1973 Quốc Hội tìm cách hủy bỏ các quân viện cho  chiến trường Đông Dương. Nixon phủ quyết quyết định của Quốc Hội, tình hình căng thẳng và không một thoả hiệp nào đạt được. Ngày 15 tháng 8 năm 1973 các cuộc ném bom trong phạm vi biên giới Campuchia dọc theo Nam Việt Nam kết thúc. Hoa Kỳ đã ném tổng cộng hơn 250.000 tấn bom xuống khu vực này, nhiều hơn số lượng bom trong Thế chiến thứ Hai, làm cho khoảng 7 triệu dân Campuchia phải chạy tỵ nạn. 

Quốc Hội tìm mọi cách gây ảnh hưởng ngăn chận trong mọi tiến trình quyết định của Tổng Thống. Tháng 11 năm 1973 Quốc Hội biểu quyết luật War Power Act, quy định trường hợp can thiệp quân sự trong các xung đột quốc tế; Tổng Thống có quyền điều quân ra nước ngoài trong thời hạn 60 ngày; nếu Quốc hội không cho phép can thiệp, thì trong vỏng 30 ngày sau đó Tổng Thống phải rút quân. Do đó, thẩm quyền can thiệp quân sự của Tổng Thống trong tương lai bị hạn chế.
Biến động Watergate làm cho Nixon hoàn toàn bất lực. Thông tin sai lạc và lạm quyền Tổng Thống quá mức lần lượt bị báo chí phơi bày, nên không còn được tín nhiệm Nixon; Tối Cao Pháp Viện đồng thanh quyết định Nixon phải trao các băng ghi âm các buổi nói chuyện tại văn phòng Bầu dục cho Uỷ viên Điều tra là Jaworski; Uỷ Ban Tư pháp của Hạ Viện truy tố Nixon vi phạm ba tội hình sự; toàn thể Hạ Viện và Thượng Viện đồng thanh chấp thuận tiến hành thủ tục huyền chức (Impeachment)Tổng Thống, một vụ việc chưa có tiền lệ.
Để tránh khỏi thủ tục này, ngày 2 tháng 8 Nixon tuyên bố từ chức và không nhận tội. Người kế nhiệm là Gerald Ford. Ông tuyên bố kế tục chính sách ngoại giao của Nixon và Kissinger vẫn nắm chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia đến cuối tháng 11 năm 1975. Trong thời gian này, các mật ước của Nixon hỗ trợ Tổng Thống Thiệu không ai biết tới, nhưng bất ổn xã hội tại miền Nam càng thể hiện trầm trọng hơn.

Bất ổn xã hội 
Sau khi Hiệp Định Paris ký kết, cả hai phe Nam Bắc liên tục cáo giác nhau về các vi phạm ngưng bắn, cùng ngăn trở hoạt động của UBHG và gia tăng phương tiện kiểm soát lãnh thổ và dân chúng. Trong chiến dịch này QLVNCH chiếm lại được hơn 1000 làng xã. Thành quả này cũng là một thách thức mới vì QLVNCH còn phải đảm nhiệm thêm các công tác hành chánh địa phương và bình định nông thôn, vượt quá khả năng bảo vệ.

Quân số QLVNCH lên đến tên 1,1 triệu trong khi quân số của CSBV và MTGPMN có khoảng 300.000. Ưu thế quân số không tạo thắng lợi hơn cho VNCH vì 2/3 Quân lực phải lo cho việc kiểm soát lãnh thổ, trong khi đối phương chỉ cần có 10% lo chuyện phòng thủ.

Hà Nội kiên quyết kết thúc chiến tranh bằng chiến thắng quân sự. Để chuẩn bị cho đột tấn công mới, CSBV tập trung kiện toàn đường mòn Hồ Chí Minh; nhờ việc tiếp vận từ biên giới Hoa-Việt đến biên giới Miên-Việt hoàn chỉnh, nên chuyển chở vũ khí, nguyên liệu và quân dụng nhanh hơn. Trong năm 1974 CSBV tăng cường hoạt động trong các tỉnh thuộc khu phi quân sự và các tỉnh cao nguyên trong khi MTGPMN chiếm gần phân nửa vùng châu thổ sông Cửu Long.  
Tình hình kinh tế của Miền Nam suy sụp trầm trọng. Viện trợ cắt giảm, khu vực cung ứng dịch vụ cho Quân đội Đồng minh không còn, làm mất đi gần 300.000 công việc và tỷ lệ thất nghiệp lên đến 40%. Đời sống công chức và binh sĩ gặp khó khăn khi giá lương thực tăng. Thực phẩm khan hiếm khi chánh phủ VNCH kiểm soát thị trường luá gạo và MTGPMN tìm cách bóp nghẹt các trục vận chuyển.

Quốc Hội chấp thuận viện trợ 700 triệu cho VNCH trong tài khoá năm 1975, sau khi trừ chi phí vận chuyển chỉ còn lại 300; hậu quả là QLVNCH không thể trang trải mọi quân phí. Chiến lược của QLVNCH là theo kiểu Mỹ, nên cực kỳ tốn kém, sử dụng số lượng vũ khi 17 lần hơn đối phương trong năm 1973, và 12 lần hơn trong năm 1974. Giảm quân viện làm tiêu hao tiềm năng chiến đấu và nhất là khi lương quân nhân không đủ sống. Ảnh hưởng này làm cho tỷ lệ đào ngũ lên cao, 240.000 người trong năm 1974, một kỷ lục chưa từng có.  

Tình hình kinh tế càng khó khăn khiến cho dân thành phố, thành phần trí thức, kể giới làm giàu nhờ chiến tranh tỏ ra chống đối Tổng Thống Thiệu qua chương trình chống tham nhũng. Giới hữu sản bắt đầu chuyển tiền của và tìm cách định cư nước ngoài. Một niềm tin còn lại dành cho tất cả mọi người là: “Mỹ không thể bỏ Việt Nam“, nhưng càng ngày càng mơ hồ hơn vì thiếu cơ sở luận chứng.
Tất cả mọi người dân đều mong muốn có sự thay đổi phù hợp cho miền Nam, nhưng không ai có khả năng để thích nghi khi CSBV khởi động chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975
Hoa Kỳ rút quân và Nixon từ chức sau vụ Watergate là hai món quà vô giá dành cho CSBV. Gerald Ford không đủ tư thế và cũng không chống Cộng cuồng nhiệt như Nixon. Không còn cần Hiệp Định Paris, Hà Nội quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 18 tháng 12 năm 1974 để tiến chiếm miền Nam.

Tháng 12 năm 1974, CS tấn công Đồng Xoài, Phước Long, tháng 3 năm 1975 tấn công Ban Mê Thuột. Tổng thống Thiệu quyết định bỏ ngỏ cao nguyên để cũng cố lực lượng cho vùng duyên hải và miền Tây. Quân đội triệt thoái khỏi Pleiku và Kontum gây hỗn loạn và nhiều người chết. Vì  không còn ai lãnh đạo nên dân chúng và binh sĩ chạy thoát thân trên các “đại lộ kinh hoàng“ để lánh nạn nơi vùng duyên hải. Các trạm giao thông tắc nghẻn, quân nhu và vũ khí đều bỏ lại trên đường tháo chạy. 25 tháng 3 CSBV chiếm Huế và sau đó 30 tháng 3 Đà Nẳng thất thủ. 

Ngày 4 tháng 4 Tướng Frederick Weygand, Tham mưu Trưởng Liên quân, còn đề nghị Gerald Ford nên tăng viện cho Việt Nam 722 triệu. Gerald Ford bác bỏ vì không thể tìm sự đồng thuận của Quốc Hội. Ngày 23 tháng 4 năm 1975 trước các sinh viên Đại học Tulane, New Orleans, đang hân hoan về tình hình thay đổi tại Việt Nam, Gerald Ford tuyên bố là: “Chiến tranh Việt Nam đã qua đi trong mối quan hệ với Hoa Kỳ” (The war is over as far as American is concerned). Hoa Kỳ đã học hỏi những sai lầm của mình; nhưng loại sai lầm nào thì ông không kể tới. 

Thắng thế, Hà Nội quyết định tấn công Sài gòn và các tỉnh miền Tây. Ngày 21 tháng 4 Tổng Thống Thiệu trao quyền cho tướng Dương Văn Minh và lưu vong sang Đài Loan. Hy vọng cuối cùng cho người dân miền Nam là Tướng Minh sẽ có một cơ hội đối thoại với MTGPMN. Vì tương quan lực lượng không còn nửa nên Hà Nội quyết định không đối thoại và ngày 30 tháng 4 tiến chiếm Sài gòn. Ngày 1 tháng 5 tướng Minh tuyên bố đầu hàng.                  
Tình hình chuyển biến quá nhanh ngoài sự dự liệu của Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin. Ông bối rối trong việc tổ chức di tản cho 9000 nhân viên người Mỹ và khoảng 150.000 người Việt. Khi chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi Toà Đại Sứ, trang sử mới cho Việt Nam bắt đầu.    
           
Ai thắng? Ai thua? Tại sao?

Tại sao Hoa Kỳ thua?
Hoa Kỳ thua vì phải trả 167 tỷ Đô la, kinh phí tổng cộng cho chiến cuộc và 58.000 binh sĩ hy sinh. Về đối ngoại, uy tín của Hoa Kỳ như một siêu cường không còn. Hậu quả là phong trào chống Mỹ tại châu Âu, vổn dĩ đã có sẳn, nay lên cực điểm; các nước chậm tiến không còn tin tưởng việc kết ước liên minh quân sự với Mỹ, mà ngược lại, xem là một tai hoạ. Về đối nội, chiến tranh đã đem lại một vết thương tinh thần, không phải chỉ riêng với các cựu chiến binh mà toàn dân tộc. Các giá trị cao cả mà người Hoa Kỳ đề cao và theo đuổi trước đây, nay được đặt lại nghiêm túc hơn để tìm một hướng đi mới làm hồi sinh dân tộc.

Các cuộc thảo luận tại Hoa Kỳ về cuộc chiến hầu hết tập trung vào khiá cạnh quân sự. Họ nêu lên ba luận điểm chính trong ba thời kỳ khác nhau và đi đến kết luận là Hoa Kỳ đã có nhiều cơ hội để thắng CSBV mà Hoa Kỳ không nhận ra hoặc không theo đến cùng.

Một là khái niệm Counterinsurgencycủa Kennedy là một sách lược chống Cộng đúng đắn cho Việt Nam mà kinh nghiệm tại Mã Lai đã chứng minh thành công. Lý do hỗ trợ cho quan điểm này là thoạt đầu chính phủ Ngô Đinh Diệm được hai thành phần nông dân miền Nam và người Bắc di cư ủng hộ. Chính quyền có hiệu năng trong việc xây dựng đất nước, kết hợp các giáo phái và giải quyết xung đột điạ phương là thí dụ điển hình. Kinh tế trên đà phát triển trong một xã hội đang chuyển mình khi MTGPMN chưa có lý do để tuyên truyền là Mỹ xâm lược hay bom Mỹ phá hoại xóm làng. Chính sách gia đình trị cũng như kỳ thị tôn giáo của Tổng Thống Diệm chưa thành hình.

Kennedy không quan tâm kết hợp các thành quả xây dựng của VNCH trong công cuộc đấu tranh toàn diện, kể cả bằng quân sự để tiêu diệt CS còn trong thời kỳ phôi thai, mà chỉ gởi các cố vần quân sự là không đủ mạnh. Trở ngại chính một phần là do phản ứng đầy tự ái dân tộc của Tổng Thống Diệm, một phần do thiếu kiên quyết của Kennedy gây áp lực. Tổng Thống Diệm thực thi Quốc sách Ấp Chiến Lược có nhiều sai lầm, gây bất mãn cho nông dân và MTGPMN bắt đầu có cơ hội phát triển cơ sở.

Hai là Johnson quyết định leo thang chiến tranh, nhưng ông lại áp dụng trong phạm vi giới hạn. Dị biệt quan điểm giữa các cố vấn dân sự và quân sự về sách lược đấu tranh làm cho Johnson thiếu kiên quyết. Ông chủ trương không gài mìn hải cảng Hải Phòng sợ làm chìm tầu Nga, luôn lo sợ là Hoa Kỳ có thể bị Trung Quốc và Nga trả đuả; sai lầm nhất của ông là không theo đánh đuổi VC qua bên kia biên giới cuả Campuchia và Lào, vì sẽ mở rộng cuộc chiến. Các biện pháp này Nixon thấy là đúng đắn và thực hiện về sau.

Giới chức quân sự tin là nếu Johnson oanh tạc các trục tiếp vận và phong toả các hải cảng miền Bắc mạnh hơn và tiến hành Việt Nam Hoá chiến tranh ở miền Nam vào cuối 1966, đó là cơ hội thích hợp nhất để thắng CSBV. Ngược lại, Johnson-McNamara cho là chiến thắng quân sự không là một giải pháp tối ưu như quan niệm cổ điển, mà nghĩ là xây dựng dân chủ miền Nam và không phá hủy miền Bắc là chính. Mục đích oanh tạc và đánh phá các căn cứ hậu cần để giảm mức độ xâm nhập của CSBV.

Năm 1967, mặc dù thực hiện chiến dịch Rolling Thunder và tăng quân lên 425.000 nhưng CSBV không chịu đàm phán, nên không có triển vọng kết thúc chiến tranh.

Sự hiện diện binh sĩ Hoa Kỳ tại miền Nam và các đợt không kích tại miền Bắc giúp cho CSBV có lập luận mạnh hơn để thu phục nhân tâm tại nông thôn cũng như các trí thức cảnh tả phương Tây về việc Hoa Kỳ xâm lăng VN, làm cho đấu tranh ngoại vận của Hoa Kỳ và VNCH thêm khó khăn.

Ba là thành quả cuộc không kích Linebacker II của Nixon, đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Tại sao Nixon không kéo dài oanh tạc trước sự nguy cơ sụp đổ của CSBV? Chiến thắng gần kề mà Nixon lại tạo cho CSBV cơ hội đàm phán và mua thời gian là sai lầm. Có quá nhiều cách giải thích về chuyện ngưng không tập này.

Dư luận thế giới kết án Hoa Kỳ nặng nề về mặt đạo đức và kêu gọi ngưng oanh tạc. Đó không phải là lý do chính mà Hoa Kỳ không tiếp tục không kích, mà là vì đã đạt được các mục tiêu. Oanh tac và phong toả hải cảng thành công làm cho các lực lưọng phòng không BV phải thôi hoạt động.

Một lập luận khác cho rằng CSBV thắng lớn; làm Không Quân Hoa Kỳ thiệt hại nặng nề, nên không thể tiếp tục. Thực ra, chỉ có 15 B-52 và 12 phi cơ chiến đấu bị bắn hạ. Một lập luận khó thuyết phục.
Một nguồn tin khác cho là CSBV đầu hàng sau cuộc oanh tạc này. Ten Gunderson, một nhân viên FBI tiết lộ tin này và xác quyết là CIA nhẹm tin và đổi các nhân viên phụ trách sang các nhiệm sở khác. Theo ông, lý do của CIA là Hoa Kỳ đang trong tiến trình thương thuyết với Bắc kinh, kết quả ngoại giao với Bắc Kinh quan trong hơn là chiến thắng quân sự với Hà Nội. Nguồn tin này khó kiểm chứng và vẫn còn nghi ngờ.

Dù theo lối giải thích nào, thì Nixon cũng tỏ ra kiên quyết chống Cộng và có nỗ lực cuối cùng tạo chiến thắng cho Hoa Kỳ và VNCH.

Ba lập luận này khó thuyết phục vì mang giá trị cảnh báo hoặc giải thích một sự kiện đã rồi. Tại sao Kennedy không tiến hành chiến dịch Bình Đinh Nông Thôn và hành quân bộ binh ngay lừ lúc đầu mà Johnson đã phải làm về sau? Tại sao Johnson không tấn công sang Campuchia và Lào như Nixon? Tại sao Johnson và Nixon luôn lo sợ Trung Quốc và Nga Xô trực tiếp can thiệp? Một kịch bản đã không xảy ra. Tìm các bằng chứng cho các lập luận này là bất khả.
Vấn đề có thể sáng tỏ hơn nếu tìm hiểu tại sao dân tộc Việt Nam và VNCH thua và CSBV thắng. 

Tại sao VNCH thua? 
Việt Nam Hoá chiến tranh đòi hỏi điều kiện đầu tiên là miền Nam phải có  một chính quyền ổn định mọi mặt, nhưng tất cả còn đang trong thời xây dựng ban đầu. Chính trị Việt Nam bất ổn liên tục và tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chương trình Việt Nam Hoá là hai nghịch lý song hành: VNCH sẽ còn nắm quyền cho đến khi nào còn được Hoa Kỳ ủng hộ, nhưng khi VNCH còn tiếp tục nắm quyền thì chương trình Việt Nam Hoá sẽ thất bại.

Ngoài vấn đề an ninh, những vấn đề cấu trúc cơ bản của xã hội miền Nam vẫn chưa giải quyết, đặc biệt nhất là khiá cạnh chính danh cho chế độ. Tổng Thống Thiệu thắng cử độc diễn năm 1971 với 90% số phiếu ủng hộ, nên không tạo uy tín lãnh đạo. Bộ máy hành chánh, cơ cấu quân đội và hệ thống kinh tế chưa tạo ra được một ý thức về quyền lợi quốc gia đủ mạnh.

 Tinh thần của đa số dân chúng là quá mệt mỏi vì chiến tranh và không quan tâm đến chính sự. Nhưng trầm trọng nhất là vấn đề tham nhũng, đa số mong biến thành quyền lợi cá nhân và gia đình khi đóng góp cho chế độ. Khi Việt Nam Hoá chiến tranh cũng có nghiã là dân thành phố không còn tiếp tục làm giàu qua cơ chế viện trợ Mỹ; tinh thần ủng hộ cho chính quyền cũng suy giảm theo

Khả năng và bản lĩnh của chính giới miền Nam là khía cạnh quan trọng nhất. Đa số là được Pháp đào tạo qua hai lĩnh vực quân đội hay hành chánh, nay họ tiếp tục hành sự trong tinh thần lệ thuộc viện trợ Mỹ, nên  không thể suy nghĩ độc lập và đủ bản lĩnh tìm một lối đi tương kế tựu kế cho đất nước trong gọng kiềm của lịch sử. Thiểu số liêm chính, có khả năng, tinh thần quốc gia và kiên cường thì không được chế độ trọng dụng, nhất là có cơ hội hợp tác với Mỹ. Cùng một hoàn cảnh đất nước bị chia cắt mà các chính khách của Tây Đức và Nam Hàn đem lại một số thí dụ khác biệt. Tinh thần chiến đấu của QLVNCH sẽ ra sao khi được tiếp tục quân viện đầy đủ, hoặc không bị lãnh đạo bỏ chạy, vấn đề đến nay còn gây nhiều tranh cải. Nhưng tấm gương bất khuất và hào hùng của các tướng lãnh và chiến sĩ luôn được hậu thế tri ân nhân ngày 30 tháng 4.

Tại sao CSBV thắng?
Bất ổn nội tình và truyền thông hỗn loạn của Hoa Kỳ là các lý giải chính.
CSBV thua nặng trong chiến cuộc Mậu Thân nhưng truyền thông Hoa Kỳ lầm lạc khi đề cao khả năng chiến đấu. Qua màn ảnh truyền hình người dân nghĩ rằng nguy cơ cho miền Nam đã đến khi Công quân vào tận đến Toà Đại Sứ Hoa Kỳ và các thành phố lớn. Phạm vi hành động của Nixon càng thu hẹp khi phải đề ra kế hoạch tuần tự rút quân để thu phục cảm tình của giới phản chiến. 

Thắng lợi trong việc cảị thiện bang giao Nga – Hoa làm cho các lo sợ của Hoa Kỳ phải trực tiếp đối đầu không còn. Áp lực quốc tế giảm đã đem lại một suy nghĩ mới: Thuyết Domino không còn có giá trị thuyết phục cho Hoa Kỳ phải tiếp tục kết ước tại Việt Nam và Đông Nam Á. Cuối cùng, hậu quả của Watergate là một bất hạnh cho định mệnh chính trị của Nixon, nhưng là một đại bất hạnh cho sinh mệnh toàn dân miền Nam.

Sách lược đấu tranh và nội tình của CSBV cũng mang lại các lý giải khác.

Ý chí xâm chiếm miền Nam là động cơ duy nhất. So với các nước cùng cảnh ngộ như Đông Đức và Bắc Hàn, hai nước này không tiến hành đấu tranh giải phóng Tây Đức và Nam Hàn đang bị Hoa Kỳ kiềm kẹp.
Đối với dư luận quốc tế, CSBV đánh Đế quốc Mỹ cho đến xương máu của người Việt Nam cuối cùng thay cho Trung Quốc và Liên Xô, đó là một lý tưởng cao cả như đến nay mà họ còn hãnh diện. Chính sách đu dây ngoại giao của CSBV trong tình huống xung đột Nga – Hoa là một thành công đặc biệt; không có nguồn lực này, chiến thắng của CSBV là chuyện không tưởng. Điểm đặc biệt là, dù lệ thuộc nặng nề về viện trợ vũ khí của khối CS, nhưng CSBV lại hoàn toàn hành sử độc lập trong mọi lĩnh vực hoạt động tác chiến, không như VNCH bị lệ thuộc vào mọi sự chỉ đạo cụ thể của Hoa Kỳ.

Đối với đồng bào, CSVN dùng chiêu bài giải phóng dân tộc qua lý tưởng đấu tranh cách mạng, chống bạo quyền miền Nam và giặc Mỹ xâm lăng. Họ không có các lập luận kinh điển nhằm bảo vệ công nhân bị bóc lột trong một xã hội công nghiệp, mà sách động quần chúng kết hợp đấu tranh chính trị và quân sự như là một chiến lược chung, đôi khi qua các liên hệ với thân nhân, đó cũng là một cách ràng buộc để làm cho người dân đi theo CS. Kết hợp uyển chuyển này làm cho CSBV thành công trong mặt trận tình báo và nội tuyến.

Đối với Đảng viên, nghệ thuật lãnh đạo của Đảng là đồng hoá vận mệnh của ĐCSVN, dân tộc, cá nhân, gia đình, tập thể và xã hội, tất cà hoà nhập trong một lý tưởng đấu tranh chung; nên tất cả phải tuân phục kỷ luật và có tinh thần hy sinh; mà cao cả nhất là được hy sinh cho Đảng và tổ quốc, vì đó là hạnh phúc của con người. Kết quả của sự tuyên truyền này là 1 triệu 1 thanh niên miền Bắc nằm xuống, 300.000 mất tích và 600.000 bị thương và thế hệ thanh niên miền Bắc cho chiến dịch 1975 là thế hệ cuối cùng.

Cơ chế lãnh đạo của ĐCSVN chặt chẽ nên tạo ra một hình ảnh chung là đoàn kết, nghiêm mật và kiên cường. Hồ Chí Minh được thần thánh hoá là hình ảnh cao đẹp của vị cha già dân tộc; sách vở phương Tây cũng phụ hoạ theo lập luận này khi so chiếu với Bảo Đại và Ngô Đình Diệm. Ngày nay, vô số tư liệu cho thấy nội bộ của ĐCSVN thanh toán nhau đẩm máu để tranh giành quyền lực, nên chuyện hèn với giặc và ác với dân không còn gây ngạc nhiên. Thần tượng sụp đổ khi đời tư và công của Bác Hồ được phơi bày. Bác Hồ nào đã chết trong quên lãng vào năm 1932 và còn Bác Hồ nào còn được tiếp tục sùng bái trong lăng Ba Đình, các sử gia thiếu can đảm làm sang tỏ.  

Tại sao dân tộc Việt Nam thua?
Toàn dân phải trả một cái giá quá mắc cho chiến thắng của ĐCSVN là vì có khoảng hơn 1,5 triệu cho đến 2 triệu người chết và 300.000 người mất tích.

Người dân Miền Bắc thua mà không biết, vì lý tưởng cao đẹp bị lừa dối. Đau xót nhất là những người nằm xuống, không còn có cơ hội biết đưọc sự thật về ý nghiã của cuộc chiến tranh giải phóng.
Người dân miền Nam biết mà vẫn thua, vì không tránh khỏi các biện pháp tiến nhanh, tiến mạnh lên XHCN; nông dân thua vì bị tập thể hoá nông nghiệp; doanh nhân thua vì bị cải tạo tư sản; dân thành phố thua vì phải đi xây khu kinh tế mới; trí thức thua vì chiến dịch bài trừ văn hoá Mỹ Ngụy; thảm kịch học tập cải tạo và thuyền nhân là hai thí dụ bi thương của phe thua cuộc.

Binh sĩ thua vì là nạn nhân của một chính sách sai lầm và còn chịu thêm hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và Trung Việt; người nằm xuống không được tưởng niệm và người còn sống không được ghi công.
Thế hệ hậu chiến thua vì không có kiến thức về lịch sử đấu tranh của dân tộc, sách về chiến tranh chống Mỹ bị bóp méo và chiến tranh Trung Việt ghi lại có 11 dòng để truyền lại cho hậu thế. Đa số không được học tập các giá trị dân chủ, nên vô cảm trước các chính sự trong nước và chính biến ngoài nước.  

Cuối cùng, những người thành tâm hoà giải quốc gia và hoà hợp dân tộc cũng thua, vì không có chổ đứng trong lòng dân tộc.
Dân tộc Việt còn thua đến bao giờ và làm gi?  

Không ai biết rõ còn bao lâu nữa và phải làm gì cụ thể để thay đổi. Có còn chăng là sự tỉnh thức trong chúng ta. Đó là một khả năng tự soi sáng và tự quyết định về vận mệnh của đất nước mà toàn dân Đông Âu là một thí dụ. Tỉnh thức thân phận là vấn đề kiến thức; xác định ý muốn để thay đổi là vấn đề quyết tâm. Nếu còn sống trong vô cảm, mang tâm trạng nô lệ tự nguyện hay còn Đảng còn mình và chờ đợi hạnh phúc giả tạo do Đảng, Trung Quốc, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế ban phát, thì người dân sẽ còn tiếp tục thua trong đau khổ. Không ai có phép lạ để chuyển hoá đất nước thay cho chúng ta. Vấn đề là sự chọn lựa.

Chúng ta cùng giúp nhau tỉnh thức trong tình tự dân tộc là một hy vọng khởi đầu: Đất nước đang nguy cơ hơn bao giờ hết, sức mạnh của toàn dân sẽ đem lại giải pháp và quyền dân tộc tự quyết là phương tiện. May ra một phép lạ nào đó cho đất nước sẽ đến sau.

* Dr. Đỗ Kim Thêm: Non Governmental Advisor of International Competition Network (ICN), Research Associate at United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD). Bài viết là ý kiến cá nhân và không phải là quan điểm của ICN và UNCTAD.
__._,_.___

Posted by: truc nguyen <

NGÀY ANZAC TẠI BRISBANE

$
0
0

On Tuesday, 26 April 2016, 18:03, Phuong B T Nguyen <> wrote:

NGÀY ANZAC TẠI BRISBANE
Bạch Phượng ̣(Phóng Viên Không Biên... Lai)
Ngày ANZAC, người Úc vinh danh và tưởng nhớ những chiến sĩ đã bỏ mình trong chiến tranh cũng như trong công tác bảo vệ hòa bình trong lịch sử nước Úc.
Khắp nơi trên nước Úc đều có tổ chức những lễ tưởng niệm lúc hừng đông và những cuộc diễn hành.
Xin gởi đến các bạn vài hình ảnh về ̣Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà - Queensland và các toán quân đội đồng minh trong cuộc diễn hành Ngày ANZAC tại Brisbane hôm 25/04/16.
Chuẩn bị xuất phát
Các cô gái mặc áo dài cầm cờ Úc và Việt Nam Cộng Hòa đi đầu
Ông Huỳnh Bá Phụng, Chủ tịch Hội CQN-Qld và hai cựu quân nhân mặc quân phục Hải quân - 1
Ông Huỳnh Bá Phụng, Chủ tịch Hội CQN-Qld và hai cựu quân nhân mặc quân phục Hải quân - 2
Bảng tên của Hội CQN QLVNCH-Queensland - 1
Toán quốc kỳ và quân kỳ - 1
Toán quốc kỳ và quân kỳ - 2
Toán diễn hành ̣-1
Toán diễn hành - 2
Toán diễn hành - 3
Toán diễn hành - 4
Diễn hành Ngày ANZAC năm nay có tất cả 156 toán. Các toán quân đội đồng minh được xếp cùng một nhóm và tập trung tại cùng một địa điểm.
Sáng nay khi tới địa điểm tập trung của Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH-Queensland, thì tôi thấy có một nhóm lính trung niên tướng tá cao lớn, mặc đồ rằn ri, trông rất phong độ. Tôi nghĩ thầm chắc các anh này ở tiểu bang khác lên đây và sẵn dịp cùng đi diễn hành với Hội CQN-Qld.
Nhưng nhìn kỹ thì không phải. Đó là những cựu quân nhân Nam Hàn. Năm nay là năm đầu tiên họ đi diễn hành Ngày ANZAC. Vì là năm đầu tiên cho nên họ chưa có kinh nghiệm nên không có mang theo bản hiệu và cờ quạt quy mô như các anh CQN Việt Nam.
Toán cựu quân nhân Nam Hàn tập trung tại địa điểm xuất phát
Toán cựu quân nhân Nam Hàn đang diễn hành
Ngược lại toán cựu quân nhân Hy Lạp thì năm nay có thêm một số hậu duệ mặc quốc phục Hy Lạp đi trước cầm cờ và đi trong toán diễn hành. Tôi nghĩ chắc là họ bắt chước theo mô thức của Hội CQN - Qld.
Đoàn diễn hành của cựu quân nhân Hy Lạp - 1
Đoàn diễn hành của cựu quân nhân Hy Lạp - 2
Đoàn diễn hành của cựu quân nhân Pháp
Đoàn diễn hành của cựu quân nhân Ba Lan
-------------------------------

__._,_.___

Posted by: loc huong 

Fw: MU DO TRUONG VAN UT :SÂN KHẤU CHÍNH TRỊ - Viết Tưởng Niệm Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975.

$
0
0

 

.Thành Kính Tưởng Niệm Anh Linh Tử Sĩ Đã Vị Quốc Vong Thân.
.Thành Kính Tưởng Niệm Hương Linh Đồng Bào Tử Nạn Trên Đường Vượt Biển, Vượt Biên Tìm Tự Do.
.Trân Trọng  Tri Ơn Tất Cả Những Chiến Sĩ Vì Đại Nghĩa Chống Cộng, Quang Phục Nước Nhà Đã Khó Nhọc Với Những Công Tác Truyền Thông, Báo Chí Tạo Diễn Đàn Chuyển Tải Văn Hoá – Tư Tưởng Đấu Tranh Tới Quảng Đại Quần Chúng Trong Và Ngoài Nước Việt Nam.
SÂNKHẤU CHÍNH TRỊ - Viết Tưởng Niệm Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975.
MũđỏTrương Văn Út(Útbạchlan)
   Sau khi cánh màn nhung sân khấu của hí viện khép lại, ngoài hí trường không phải là cánh cổng thiên đường đẹp lung linh bởi nhiều ánh đèn màu sắc chiếu rọi xanh đỏ tím vàng lên khuôn mặt phấn son với xiêm y loè loẹt, người nghệ sĩ  là đào kép hát đã đóng trọn vai tuồng trở về với thực tại đời thường …Hay thời thượng như Arthur Rimbaud với trường phái thi ca trữ tình, lãng mạn trộn  lẫn với máu mủ tanh hôi và chất phế thải của thân xác con người, hoặc như Genet kêu gào thân phận trần truồng, đau khổ, đói khát của kiếp người như một hiến chương cách mạng tranh đấu cho Đời Thật, Thơ Thật, Văn Chương -Thi Ca Thật thoát khỏi viễn mơ, ảo tưỏng xa rời đời thường với  tình yêu trăng sao, chàng và nàng bước vào thiên đường cõi mộng lơ lửng giữa hư không mà thực tế loài người  đang sinh sống khắp trên trái đất nầy còn thói tánh ăn thịt và hành hạ, tàn hại lẫn nhau vì tiền bạc, của cải, vật chất thật tang thương…! Hay như  Broken Wings (Uyên Ương Gẫy Cánh) của  Kahlil Gibran minh thuyết cho:  "Tình yêu cho tôi tiếng nói và nước mắt... là sự tự do độc nhất trên thế giới này vì nó làm thăng hoa tinh thần tới độ luật lệ của loài người và các hiện tượng thiên nhiên không thể nào làm lệch dòng chảy của nó"...? Hay cô động cảnh sắc như:
飛,
Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc
(Đằng Vương Các)
Đọc qua nghe hay thật hay ! Nhưng là cảnh “chết“ tả cánh cò cô lữ bay qua và trường giang cùng với trời xanh một mầu mà không khơi được sự sống động, minh hoạ trạng thái phong cảnh để thưởng cảnh sinh tình ? Thật kém thua cảnh sinh động, lung linh “thấp thoáng cánh buồm xa xa” trong Kim Vân Kiều:
Buồn trông cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
(Kim Vân Kiều - thi hào Nguyễn Du)
Và cảm cảnh sinh tình, khơi dũng khí, tráng  hùng tâm con dân Nước Việt đang mài kiếm dưới trăng, nghe tiếng trống Trường Thành, ngẩng mặt nhìn bóng trăng sáng như lung linh xao động vì chính Tâm thức của chàng cũng đang dâng trào cảm xúc trước hiểm hoạ nước nhà đang hồi nguy biến mà chuẩn bị sẵn sàng nhập ngũ tòng quân ra sức chiến đấu để bảo vệ Sơn Hà:
Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
(Chinh Phụ Ngâm - Đoàn Thị Điểm - Đặng Trần Côn)
Hoặc luyến ái, trữ tình, lãng mạn với dục tính rất sớm trong Thi Ca Việt Nam còn bị quan niệm đạo đức xã hội lên án và che dấu như Bích Câu Kỳ Ngộ:
Lả lơi cười với hoa nhan,
Trải chăn thúy vũ, buông màn phù dung.
Phòng tiên dìu dặt chén đồng,
Rèm tương giủ thấp, trướng hồng treo cao.
Ngẩn ngơ hé cửa động đào,
Mây tuông bể ái, mưa rào sông ân.
( Bích Câu Kỳ Ngộ - Khuyết Danh)
Và ở xa mãi tận trời Tây,  nước Pháp sau thời Phục Hưng cận đại, khynh hướng tr tình, lãng mạn tính đưa thi ca viễn du vượt giới hạn điạ lý bay bổng muôn phương với L'Adieu của  Guillaume Apollinaire người thi sĩ vô nhiễm với tội lỗi thực dân mẫu quốc , đa sầu đa cảm với Mùa Thu Paris và hoài niệm mối tình thổn thức chia lìa:
J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi  
Chúng ta sẽ chẳng còn gặp nhau nữa
Hương thời gian, mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em
(L'Adieu - Guillaume Apollinaire)
Ngôn ngữ của Thi Ca dù là Âu hay Á tự “nó” có tính chung làm rung động, xao xuyến tâm hồn con người  không có biên giới của thói tục phàm nhân phân ranh, cắm mốc  và nhốt tù…  Nếu không có cuộc chiến Quốc - Cộng thì chúng tôi những thanh niên được an hưởng đời sống thanh bình, phong hoa tuyết nguyệt, đàn ca tài tử nơi thôn làng mộc mạc hoặc lên tỉnh học đòi “thói” văn minh của thị dân Sài Thành huê dạng Hòn Ngọc Viễn Đông có biết bao người thanh lịch chẳng kém khách Âu Mỹ đương thời… !  Ôi…”cái” chất Tố vẻ đẹp của Thi Ca, Văn Chương Phong Tình Cổ Lục của nước tôi trải qua hơn “4000 Năm Văn Hiến” là di chỉ căn tính cội nguồn dân tộc Việt là một Nòi Tình, đã lịch lãm du cư và định cư trên 18 bình nguyên lấy sông Dương Tử và núi Ngũ Lĩnh làm căn cứ địa khi mà nòi Hán chưa lập quốc với tên gọi Trung Hoa ngày nay…Và trơ cùng tuế nguyệt qua bao nhiêu lần đá nát vàng phai, thương hải biến vi tang điền …Lịch Sử biến thiên theo dòng thời gian đào thải thật tàn bạo biến trạng thái đầy vơi  và vô tình như nước chảy mây trôi, vô thuỷ vô chung thì  tất cả sự Hành (Sankhara, Hành Uẩn) trong thế gian nầy có khác chi vở tuồng diễn trên Sân Khấu…? Nay trước một thực tế thua bại trên chiến trường bởi “Lệnh Buông Súng Đầu Hàng” từ vị Nguyên Thủ Quốc Gia bị lừa gạt như trẻ thơ trong ván bài Chính Trị khiến cho cả Quân  Dân miền Nam bị đoạ đày chìm đắm trong muôn ngàn máu lệ, bi thương …điển hình qua câu nói của tên Đỗ Mười Bộ uỷ viên BBT/TƯĐCS hắn nhanh nhẩu theo chân Lê Duẫn vào Nam và tuyên bố:” Giải phóng miền Nam, chúng ta có quyền tịch thu tài sản, trưng dụng nhà cửa, hãng xưởng, ruộng đất chúng nó. Xe chúng nó ta đi, vợ chúng nó ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ. Còn chúng nó thì ta đày đi kinh tế mới và nơi rừng sâu nước độc. Chúng nó sẽ chết dần cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất…”!!! Tang thương buồn xơ xác như cảnh đời tạm bợ tựa vở hát về khuya, Ôi… sân khấu trơ trọi, chỉ còn những người phu âm thầm trong đêm khuya thu dọn “bãi hý trường”…! Nhưng chúng tôi Quân -Dân miền Nam Việt Nam thực sự, không phải là diễn viên, đào kép…Chính chúng tôi phải vừa chiến đấu với kẻ thù đồng chủng  xâm phạm Hiệp Định Geneva  1954 đưa quân lén lút cho tới công khai mở những trận địa chiến khốc liệt cấp sư đoàn, quân đoàn như “Trận Tổng Công Kích Mậu Thân 1968”, “ Chiến Dịch Xuân Hè 1972” và “Chiến Dịch Mùa Xuân 1975” trên toàn cõi miền Nam… và Chúng Tôi phải cật lực gian khổ để xây dựng lại những đổ nát của cả gần một thế kỷ thời đất nước bị đô hộ, cai trị bởi người Pháp và chính sách thực dân thuộc địa đại diện cho bản tính “văn minh” civilizacion frances  người da trắng từ phương Tây đã liên quân với  Tây Ban Nha (Spain) đem tàu chiến và súng đạn nã vào thành Đà Nẵng ngày 1-9-1858 đến 1859 là phương cách giải quyết những bế tắt Chính Trị với triều đình Nhà Nguyễn từ những năm 1847 – 1848  cũng là khởi đầu cho giai đoạn mất chủ quyền thực thụ để định đoạt cho số phận Đất Nước và Dân Tộc Việt Nam mãi tới ngày nay…! Chúng ta hãy ôn cố Lịch Sử cận đại vì đấy là diễn biến Chính Trị thời qua đã đưa đến hậu quả hiện tại và tất yếu sẽ là thế Chính Trị tương lai. Từ những sự kiện quá khứ không khó để suy xét và nhận định nếu không phải là người ấu trĩ, hời hợt, thờ ơ dễ tính, nông cạn và cưởi ngựa xem hoa hay chỉ rỗng trí nhàn cư, nhiễu sự múa mõm thanh nhàn đàm trường trên bữa tiệc trà dư tửu hậu…thì chúng ta sẽ hiểu rõ:
Trí ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ
Tội ngã giả kỳ duy Xuân thu hồ

Và khi đã hiểu rõ thấu đáo như soi rọi ánh sáng vào bóng khuất  hiển lộ căn nguyên, rồi ta sẽ phải duy Lý mà dụng Trí chôn cất khối u tình, uất nghẹn, nỗi cô nghiệt của riêng hơn 20 triệu Quân Dân miền Nam Việt Nam  bị những nhà Đại Trí, Đại Lược thượng tầng Quyền Lực Mỹ  thiết kế Chiến Lưọc Toàn Cầu,  thi hành kế sách thâm sâu là hãm nịch, dìm cho chết cả triệu tay súng anh dũng , kiên cường, thiện chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trở thành chiến bại để bàn giao cho Cộng Sản Bắc Việt là kẻ thừa sai Cộng Sản Nga - Tàu điên cuồng “sẵn sàng đánh tới người Việt Nam cuối cùng cho Trung Hoa đắc lợi”(câu nói tâm đắc của Mao Trạch Đông (Mao ZeDong) là một  “Scene” trong cuốn  “Film” Chính Trị  dài còn đang diễn biến chưa đến chung cuộc, và đau xé tâm hồn thương cảm chung cho giống nòi Hồng Lạc với hơn 22 triệu Đồng Bào Miền Bắc bị đồng hiến tế xương máu trên bữa tiệc “Lịch Sử Của Loài Người Là Giống Ăn Thịt Đồng Loại“ chưa thấy có dấu hiệu hồi đầu bỉ ngạn, kéo chuông rao giảng nước trời có một chút nhỏ giọt rơi rớt ân sũng giúp đỡ, đền bù cho một dân tộc bất hạnh vì Địa Lý Chính Trị và Chiến Đấu Tính tuyệt vời đã được hun đúc, ấn chứng kinh qua từ cuộc chiến đấu trường thiên niên kỷ triền miên chống kẻ thù xâm lăng truyền kiếp phương Bắc là Trung Hoa để giữ Nước và Sống Còn Tiếp Nối Tiến Hoá đến ngày nay và đã bị Mỹ lợi dụng, “xử dụng” như thân phận con Chốt thí trên Ván Cờ lừa gạt cả Thế Giới hoàn thiện…?!!!

  Trong buổi bình minh kỹ thuật khoa học thực nghiệm Tây Phương, các quốc gia như England, German, France, Spain, Portugal, Italy…đã phát minh phương tiện cơ giới: phi cơ, tàu chiến, xe tank, thiết vận xa, súng đạn chiếm thượng phong và chiến thắng trên khắp chiến trường với các tiểu quốc có nhiều tài nguyên, nhưng với nền binh bị yếu kém, khí giới thô sơ đã bị đè bẹp, thua trận dẫn tới thảm hoạ bị thực dân đô hộ, cai trị dã man và Việt Nam là một trong số những quốc gia bị France xâm chiếm tàn bạo với “nền” Văn Minh” khai phóng đốt phá xóm làng, nhà cửa ruộng vườn, bố ráp bắt bớ hãm hiếp phụ nữ, đàn áp bắn giết, chặt đầu, cầm tù người yêu nước quật khởi rất dã man, thu tóm của cải, tài nguyên đem về làm sự giàu sang cho mẫu quốc… với mỹ từ:”Chính  Sách Bảo Hộ Thuộc Địa”, chí cho tới nước Tàu rộng lớn, đông dân nhất thế giới cũng phải bị hiểm hoạ “Bát Quốc Liên Minh” chiếm giữ và phân chia Tô Giới. Bấy giờ ở mãi tận bên kia Thái Bình Dương, nước Mỹ đã chiến đấu và tháo gỡ được ách thống trị của mẫu quốc Anh.  Tin lành  từ vùng đất mới (New Land) đã được truyền về lại Âu Châu, làm nao nức biết bao người muốn vượt biển cả để đến vùng đất tân lập sinh sống đầy hứa hẹn những tương lai hạnh phúc đang chờ đón sẽ hiện thực…và cứ như thế nhiều chuyến tầu viễn dương liên tiếp cập bến cảng chở theo những đoàn người tấp nập, đông đảo gồm đủ mọi thành phần đến đất hứa để định cư. Những di dân thông minh ưu hạng đã ý thức Khởi Điểm Chính Trị là Giáo Dục. Nên cùng thời điểm xây dựng tiện nghi vật chất hạ tầng cơ sở như: nhà ở, đường xá, cầu cống, bến cảng cho dòng thủy lưu…họ kiến tạo trường ốc, lớp học và tổ chức hệ thống giáo dục để đào tạo nhân tài cho tân quốc gia và Chung Điểm Chính Trị là thành quả của Xã Hội Nước Mỹ hùng mạnh và phồn thịnh. Cũng chính ở quốc gia tân kỳ nầy, vị Tổng Thống thứ ba của nước Mỹ là Thomas Jefferson  là người sáng lập ra Đảng Democratic-Republican Party, và là một trong những người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành lớn nhất thời đại , Ông cũng là tác giả của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ , đã công bố tư tưởng dân chủ mà dựa vào đó nền tảng  Dân chủ Hoa Kỳ được xây dựng và phát triển như ngọn hải đăng soi sáng làm lý tưởng cho những ai yêu chuộng tự do và hiểu biết, ý thức đến những quyền căn bản của con Người  dụng lấy “nó” như kim chỉ nam mà tranh đấu phá bỏ, tháo cởi  gông xiềng, áp bức, hà hiếp …trói buộc thân phận con người thế cô, yếu đuối bị tước đoạt mất đi những quyền tự do căn bản mưu cầu hạnh phúc…Những nhà lãnh đạo nước Mỹ đã phóng tầm viễn kiến tương lai và định hướng, thiết kế nền Chính Trị chi phối và phương lược Kinh Tế - Thương Mãi,  Quân Sự, Giáo Dục, Xã Hội và y cứ thực dụng thiện xảo theo cách riêng của Mỹ là đãi lọc, điều chỉnh và khai phóng con người thoát qua khỏi những câu nệ, lệ thuộc như trói bị buộc vào những  nền tảng mông muội nguỵ duy tâm, duy vật bản năng, duy sinh quá độ linh lạc nhân văn,  và thực dụng vô nhân tính thống trị và làm trì trệ sức tiến hoá của con người. Do vậy nước Mỹ trở thành tiền phong dẫn đầu cuộc cách mạng son trẻ đụng chạm và xung đột với những nền tảng quyền lực, quyền lợi khối Âu Châu đã thu hoạch biết bao đặc quyền, đặc lợi trên những quốc gia thuộc địa và đại khối Cộng Sản do Nga – Tàu phát động phong trào cách mạng bạo lực đang trên đà phát triển nhân rộng lôi cuốn theo nhiều quốc gia ngã theo và Bắc Việt được “vỗ béo”, được yểm trợ tối đa tài lực, vật lực trong số là những vũ khí tối tân bậc nhất đương thời trội vượt hơn hệ vũ khí do Mỹ quân viện cho quân lực miền Nam, mãi cho tới khi Việt Cộng mở “Trận Tổng Công Kích” Tết Mậu Thân 1968 Chính Phủ Mỹ mới tân trang bị cho Quân Đội VNCH những loại vũ khí tân tiến tương đương. Cộng Sản Bắc Việt trở thành mũi “tên lửa” trên giàn phóng hung hãn lao vào cuộc chiến Đông Dương với mỹ từ “Cách Mạng Thần Thánh” sẵn sàng xẻ dọc Trường Sơn, thực chất “nó” chỉ là sự khai thác mâu thuẩn của đế quốc chủ nghĩa với dân tộc thuộc địa và đánh lừa dân thuộc địa tưởng như đưọc có phần vinh dự ảo tưởng mang “thiên mệnh” giải phóng tầng lớp người lao động, nghèo khổ mà thực là thí thân lao vào chiến tranh để tranh đoạt làm lợi cho Đại Nga bành trướng chỉ là “giấc mộng đế quốc Nga” và Tàu trục lợi trên sinh mệnh của người cán binh Bắc Việt đã bị hy sinh oan uổng tại chiến trường…!
   Vào Thế Chiến Thứ Hai, nước Mỹ được lãnh đạo, chỉ huy bởi những nhân vật tài năng xuất chúng điều hành bộ máy chiến tranh hữu hiệu, ứng dụng thành quả khoa học vũ khí tân tiến mà họ đã đầu tư vào giáo dục từ buổi ban đầu thành lập Quốc Gia. Quân Đội Mỹ vượt đại dương sang Âu Châu, chiến thắng trên khắp chiến trường, đánh bại quân: Đức, Ý, Nhật và kết thúc Thế Chiến Thứ II với hai trái bom nguyên tử thả xuống hai thành phố Nagasaki, Hiroshima của Nhật Bản, giải phóng toàn cõi các quốc gia Âu, Á Châu thoát khỏi sự chiếm đóng của: Đức, Ý, Nhật  và  tiếp nối diễn biến Chính Trị thời hậu chiến:  Mỹ áp lực các quốc gia: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha phải “Giải Thực” trao trả thuộc địa và cũng chính Mỹ đã hào sản chuẩn chi cho chương trình Marshalls viện trợ hơn 80 tỷ Dollars để tái thiết, phục hồi nền kinh tế Âu Châu và Nhật Bản làm lợi ích cho những quốc gia thua trận có cơ hội phát triển tài năng, sinh lực tiến tới   thịnh vượng cho mãi đến ngày nay. Trong năm 2012, chính phủ Nhật Bản đã liệt kê và cám ơn Vị  Ân Nhân đã giúp đỡ cho nước Nhật thành công, phú cường có hạng trên thế giới là Đại Tướng Douglas Mac Arthur. Nạn nhân bị trị, ca ngợi và biết ơn kẻ cai trị…? Có lẽ trên thế giới có rất ít và hiếm chuyện ngược đời như thế ?  Vậy “Mỹ” thật là Mỹ () là tốt đẹp hay xấu xa …?  May mắn cho Âu Châu và Nhật Bản mà lỡ thay cho những quốc gia nhỏ bé Á Châu kém mở mang như Việt Nam, Miến Điện, Lào, Miên,…nếu được Mỹ viện trợ giúp đỡ tương tự như thế, có thể nào không tiến bộ, vượt lên và có cơ may cạnh tranh ngang tầm với Âu Châu, Nhật Bản…và Mỹ vẫn luôn ở thế Siêu Cường với Chính Trị, Kinh Tế, Quân Sự thì có phải là thế giới tốt đẹp hơn không…?  

Từ thời điểm năm 1954, để ngăn chận hiểm họa Cộng Sản bành trướng trên thế giới, Mỹ đã cố vấn và viện trợ cho Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa được bổ sung, huấn luyện và kiện toàn trở thành Quân Lực hùng mạnh, tinh nhuệ, thiện chiến có hạng trên thế giới như một cường quốc quân sự…và chính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nầy đã được tôi luyện gian khổ từ trong những quân trường “luyện thép” có tầm vóc quốc tế, đã chứng tỏ khả năng thiện chiến kinh qua những chiến trường khắp bốn Vùng Chiến Thuật, đã đoạt những chiến thắng oanh liệt vang dội thế giới như: Tết Mậu Thân (1968), Khe Sanh (1969), Quảng Trị, An Lộc, Kontum (1972), …Và bi hùng oanh  liệt thay…có gì để so sánh hơn ở giai đoạn cuối mùa cuộc chiến, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa bị “Đồng Minh” Mỹ cắt đứt quân viện đến nỗi mỗi binh sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ được trang bị cấp số đạn giới hạn, mỗi khẩu trọng pháo chỉ được bắn chưa tới vài chục quả  đạn mỗi ngày, toàn thể chiến đấu cơ Skyraider AH-1 là lực lượng phi pháo, đánh bom rất chính xác bởi những Pilot tài hoa và gan dạ của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà xử dụng tinh nhuệ, thiện xảo hết công xuất loại Khu Trục Cơ do người Mỹ chế tạo hữu dụng trên chiến trường Việt Nam  nay phải bị Ground (cho nằm ụ) vì thiếu nhiên liệu cho loại phi cơ nầy…Nhưng chính Quân Lực khốn cùng đó đã đánh một trận để đời tiêu diệt hơn 2 Trung Đoàn Việt Cộng tại mặt trận Xuân Lộc trước khi nghe lệnh buông súng đầu hàng.

.Nền Đệ Nhất Cộng Hoà:
  Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ tuy là đồng minh với Pháp nhưng lại chống đối gay gắt với nhau vì quyền lợi quốc tế. Mỹ chủ trương giải thực giúp các quốc gia thuộc địa đạt được độc lập. Nhưng Pháp vẫn đeo đuổi đường lối thực dân như cũ với mỹ từ: “Liên Hiệp Pháp”  và De Gaulle nghiêm khắc cảnh  cáo:” Người Pháp nào làm cho nước Pháp mất đi một phần lãnh thổ trong Pháp Quốc Hải Ngoại thì sớm muộn cũng sẽ bị xét xử trước toà án tối cao”. Chính điều nầy đã ảnh hưởng tới những người Việt Quốc Gia Chân Chánh không muốn hợp tác với Chính Phủ thân Pháp do Pháp “bảo hộ” từ trước nữa, và một số đã ngã theo Cộng Sản tranh phần trong nhiệm vụ lãnh đạo công cuộc kháng chiến giành Độc Lập cho Tổ Quốc. Ngày 7 tháng 7 năm 1954 ông Ngô Đình Diệm với sự thoả thuận của Pháp và Bảo Đại, được Thế của Mỹ và Vatican đưa về Việt Nam làm Thủ Tướng chính phủ miền Nam. Nhưng chưa có Lực và cũng nhờ Mỹ giúp để thu phục và tạo Lực cho Ông để kiện toàn Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà.  Đây là lần đầu tiên phía Quốc Gia có được đủ cả 3 điều kiện: Thiên Thời - Địa Lợi - Nhân Hoà:

Thiên Thời: Vì Hiệp Định Geneva đã qui định phân chia rõ 2 nước Việt Nam với 2 chế độ khác nhau : Miền Bắc chịu ảnh hưởng của khối Cộng Sản theo Xã Hội Chủ Nghĩa, miền Nam theo chế độ Cộng Hoà trong khối các quốc gia Tự Do – Dân Chủ và lằn ranh chiến tuyến Quốc - Cộng rõ ràng.
Địa Lợi: Miền Nam có cả một dãy lãnh thổ đủ thiết kế chiến tranh ở thế công cũng như phòng vệ và có đủ cả yếu tố cần thiết để làm kinh tế trở nên thịnh vượng. Tuy nhiên “bán tại sơn hà bán tại nhân” khai thác được tài nguyên đất đai ít hay nhiều là tuỳ ở tài năng giới lãnh đạo và sức lực của dân chúng.

Nhân Hoà: Miền Nam đương thời đưọc sự hổ trợ toàn vẹn của Mỹ và những quốc gia có cảm tình trong khối Tự Do và Chính Phủ được sự tín nhiệm của lực lượng Quân Đội và đại khối đồng bào miền Bắc di cư làm nòng cốt để thực hiện từng giai đoạn vững chắc xây dựng Chế Độ Việt Nam Cộng Hoà. Tuy người Pháp đã cố tình gây rối tạo ra những trở ngại khó khăn cho Chính Phủ lúc ban đầu còn non kém và đang trên đà kiện toàn…Nhưng nền Đệ Nhất Cộng Hoà đã thành công ổn định miền Nam và dân chúng hưởng được giai đoạn thanh bình, trên đà thịnh vượng…Nhưng chỉ được hơn nửa thập niên đầu chế độ rồi bắt đầu suy thoái ! Yếu tố Nhân Hoà bị suy kéo theo yếu tố Địa Lợi bị phân hoá ngay trong guồng máy lãnh đạo thượng tầng… và bấy giờ trên thế giới đang giăng mắc đầy rẩy những quyền lực quốc tế: Những quốc gia Âu Châu bị mất phúc lợi thuộc địa béo bở đang âm mưu phục hồi quyền lực và cố tình phá hoại thế hổ tương Việt - Mỹ, thế quyền Tôn Giáo quốc nội và quốc tế phá rối gây bất lợi cho chính quyền miền Nam, thế lực tập đoàn Tài Chánh-Ngân Hàng có liên quan tới lợi nhuận thu đạt từ Đông Dương minh bạch cho tới dịch vụ rửa tiền đen tối, những trung tâm sản xuất ma tuý Tam Giác Vàng (Burma-Lao-Thailand) của thủ lãnh Khun Sa (gốc Hoa chỉ huy  đám tàn quân của Tưởng Giới Thạch bị Hồng Quân Mao Trạch Đông đánh đuổi chạy Từ  Vân Nam xuống Miến Điện) hắn có quân đội riêng để bảo vệ cơ sở chế biến và trồng trọt cây anh túc, Nam Mỹ với Drug Cocaine Trade Columbia, Panama… , Afghanistan với những cánh đồng á phiện (Opium) trổ hoa bát ngát và lợi nhuận thu hoạch được chia chát và cung ứng cho những quỹ đen của Big Boss quyền lực hắc- bạch, Nga, Tàu, Âu …có ảnh hưởng tới Cuộc Chiến Việt Nam. (Sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ ngang nhiên đưa quân sang Panama bắt tổng thống Noriega đem về Mỹ xử với tội danh Drug Trafficking và Prisoner Of War, (hiểu ngầm) Nga bị mất  mỗi năm cả tỷ Dollar tiền “viện trợ” là một điển hình) Mỹ biết rõ những đường dây liên hệ tinh vi ma quỉ nầy, nhưng vì vướng chân  vào chiến tranh Việt Nam và đang bị nhiều kẻ thù lăm lăm tay đao chờ cho con Voi Mỹ ngã xuống là xẻ thịt và Mỹ đành phải làm ngơ mà cố thi hành cho mau thành tựu giải pháp Lừa Gạt để phân hoá Nga – Tàu tranh lợi Việt Nam rồi xung đột lẫn nhau, phá vỡ thế liên minh chống Mỹ,  quyền lực  tập đoàn tài phiệt Kỹ Nghệ Dân Sự - Quân Sự Mỹ, Âu Châu, nay có thêm  Singapore và khối England Commonwealth, Japan, Taiwan đang trên đà phát triển kinh tế có ảnh hưởng tới Việt Nam,  quyền lực Ngoại Giao-Tình Báo-Gián Điệp-Truyền Thông Quốc Tế của những nước thù Mỹ  nhập cuộc cộng tác với khối Cộng Sản hãm hại Nam Việt Nam…Những tương quan, xung đột có tầm ảnh hưởng Chính Trị quyết liệt tới Việt Nam rất phức tạp mà tổng thống Ngô Đình Diệm và nội các Chính Phủ của ông không bén nhậy để thích ứng, khế hợp, hoặc định hướng giải pháp Chính Trị sao cho được thuận lợi mà không gây thiệt hại tới quyền lợi của Việt Nam và Đồng Minh. Nhưng không phải dễ dàng, vì đòi hỏi rất nhiều yếu tố: trí tuệ, bản lãnh, tài năng thao lược xuất chúng để ứng phó, hoá giải, xây dựng và vượt qua bao nỗi khó khăn giành lấy chiến thắng đ tồn tại …Ông bị mất dần Thế yểm trợ của Mỹ và nguồn Lực bị phân tán, chia rẽ , chính sự rối bời với những phong trào có nhiều tầng lớp dân chúng chống đối chính quyền ít nhiều có thế lực thù địch, “đồng minh” lợi dụng, giật dây điều động khuất lấp từ phía sau… và sự việc Phật Giáo 1963 là một kết thúc của nền Đệ Nhất Cộng Hoà. Theo những tài liệu CIA đã  được giải mật và  những nhân chứng có  dính líu đến vụ  Đảo Chánh ngày 1-11-1963 xác minh là: Đảo Chánh lật đ tổng thống Ngô Đình Diệm là hoàn toàn do Mỹ chỉ đạo. Nhưng Mỹ không chủ trương giết anh em ông Diệm-Nhu mà chính là tướng Dương Văn Minh thân Pháp.
  Tại miền Bắc Việt Nam năm 1954, có gần 1000 000 (một triệu) người dân dứt khoát bỏ lại tất cả gia sản, nhà cửa,  ruộng vườn  di cư vào miền Nam để được sinh sống trong thể chế Tự Do. Nhưng ngược lại từ miền Nam cũng có gần 400 ngàn người ra Bắc tập kết. Đó là chưa kể con số ở lại nằm vùng phá hoại và một thiểu số  người dân có cảm tình với Cộng Sản lỡ lầm ngộ nhận người Cộng Sản là những người yêu nước! Người dân miền Bắc chỉ thực sự phản tỉnh khi sống dưới chế độ Cộng Sản. Nhưng mọi hình thức chống đối đều bị đàn áp không nương tay. Vụ Nhân Văn Giai Phẩm của giới văn nghệ sĩ kháng chiến, vụ Quỳnh Lưu khởi nghĩa của nông dân đều được giải quyết nhanh gọn bằng súng đạn và tù đầy. Người dân miền Nam cũng chỉ thực sự phản tỉnh sau khi họ sống dưới chế độ Cộng Sản.  Tất cả đều bị lừa dối bằng một âm mưu thâm độc có lớp lang hẳn hòi. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam công cụ xâm lược miền Nam của Hà Nội cũng bị giải tán và lãng quên như những con múa rối, sau buổi trình diễn bị vứt vào xó tối như một phương thức  trừng phạt kẻ ngu si mê muội và ảo tưởng…!

.Nền Đệ Nhị Cộng Hoà:

  Vì cần phải chỉ đạo cuộc chiến Việt Nam hữu hiệu, Tổng Thống Lyndon Johnson quyết định đem quân Mỹ vào Việt Nam và chính quyền quân sự Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương do trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ lãnh đạo đã cho về hưu một số các tướng lãnh thân Pháp. Đây cũng là mối tương quan biện chứng Mỹ đang phải tham chiến để chống trả với những thế lực có quyền lợi quốc tế ở Đông Dương và khối Cộng Sản phát động chiến tranh cách mạng khắp thế giới… Ngày 1 tháng 11 năm 1967 chính thể dân sự Việt Nam Cộng Hoà được thành lập trên cơ sở của bản Hiến Pháp tháng 4 năm 1967 và cuộc bầu cử ngày 4 tháng 9 năm 1967, liên danh Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đắc cử với chức vụ Tổng Thống là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Phó Tổng Thống là thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương. Kể từ mốc điểm nầy Nền Đệ Nhị Cộng Hoà được trân trọng thành lập.  Sau lễ nhậm chức Tổng Thống, nhân  ngày họp mặt thân nhân đại gia đình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Nguyễn Văn Kiểu là bào huynh làm Đại Sứ Việt Nam tại Taiwan đã có nói:” Gia tộc chúng ta có Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng Thống nước Việt Nam là Phúc đấy mà Hoạ cũng ở đấy, Hoạ là làm bạn với Mỹ …vì Mỹ rất tinh xảo, nên làm bạn với Mỹ  rất nguy hiểm hơn là làm kẻ thù với Mỹ…”…! Thực ra không phải chỉ có Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ôm Hoạ mà rõ là toàn thể Quân – Dân miền Nam Việt Nam bị “Người Mỹ” chôn sống có khác gì…?!  Nhưng không phải tất cả Chính Trị Gia nước Mỹ  đều có trái tim bằng sắt thép vô tình, khối óc chiết tính con số lời lỗ, bàn tay bom đạn, gươm đao tróc nã thân phận con người thua thiệt lấy làm lợi nhuận, có cái lưỡi của loài lươn trơn tuột xảo thuyết và tuôn đồng Dollar thu hút máu mủ nhân loại …Những kẻ nào có tài năng, bản lãnh, gan dạ dám có âm mưu tiến hành vịệc in ấn lưu hành một loại tiền tệ có giá trị để thay thế đồng Dollar trên thế giới (IMF) thì kẻ “mó dái ngựa” đó đã “phạm Thánh”, y sẽ phải ân hận cho thân phận con ong, cái kiến của mình mà cầu nguyện Kinh Lạy Cha câu cuối :”…xin cứu chúng con ra khỏi sự dữ, Amen” như trường hợp của IMF head Dominique Strauss-Kahn…là một điển hình !!! 

Trong bóng đêm thâm u lương tâm con Người bậc Thượng Đại Nhân có tấm lòng Bồ Tát tổng thống Ronald W. Reagan đã lên tiếng: ”Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho hòa bình là ngàn năm đen tối cho các thế hệ sinh tại Việt Nam về sau”. Và có phải chăng trong cùng với ý niệm của bậc Thượng Phụ Lập Quốc Mỹ tổng thống George Washington đã khai thị :” Khi con người bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận, thì chúng ta như bầy cừu ngu xuẩn sẽ bị dẫn dắt tới lò sát sinh”, có khác gì đâu: Khi người Việt Nam bị Mỹ âm mưu siêu xuất lừa gạt tước đi chủ quyền vận mệnh rồi  bàn giao cho kẻ thù tống cổ vào lò sát sinh ?  Trí thức cho nước Mỹ và đau thương thay cho Việt Nam không nguôi ! Thế của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là Thế Hờ do Mỹ yểm trợ và tạo cho để dễ bề tiện dụng và lừa gạt cho dù nguồn Lực có được từ đại khối Quân Nhân – Cán Chính và với luật số 003/60 Ngưòi Cày Có Ruộng được ban hành cấp đất cho nông dân canh tác được số lớn Dân chúng ủng hộ trong những năm tại vị.   Ông tuyên bố như tâm sự: "Hôm nay là ngày vui sướng nhất của đời tôi". Báo chí Mỹ  đang bài ca ngợi như tờ Washington Evening Star viết:”  Đó là  tin tức tốt đẹp nhất đến từ Việt Nam kể từ khi kết thúc sự chiếm đóng của người Nhật". Tờ Newyork Times:"Có lẽ đây là cuộc cải cách ruộng đất không Cộng Sản mang nhiều tham vọng và tiến bộ nhất của thế kỷ 20", và có nhiều quan sát viên quốc tế nhận xét và lên tiếng khen tặng Nam Việt Nam: “Bộ Luật Người Cày Có Ruộng là một trong những chương trình cải cách điền địa thành công nhất ở các nước chậm  tiến và là thành quả tốt đẹp đáng được trân trọng của nền Đệ Nhị Cộng hòa". Từ sau ngày ban hành luật Người Cày Có Ruộng đời sống tầng lớp nông dân đã khởi sắc tích cực cải thiện với hiệu quả thu hoạch năng xuất lúa gạo, hoa mầu tăng cao đầy triển vọng thúc đẩy kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp phát triển. Nhưng “cái” Lực nầy rồi cũng bị chi phối và hụt hẫng khi Mỹ cắt đứt quân viện dẫn tới sự xụp đổ toàn diện của miền Nam và chấm dứt Chính Thể Đệ Nhị Cộng Hoà ngày 30 tháng Tư năm 1975. Từ năm 1967 – 1968 có hai sự kiện đáng chú ý:

. Trận Chiến Tết Mậu Thân 1968: Nhân dịp Tết Nguyên Đán và cũng như mọi năm trước đó Việt Cộng đề nghị ngưng bắn để dân chúng ăn Tết theo truyền thống lâu đời của người Việt. Trong khi toàn thể nhân dân miền Nam tự do vui mừng khấp khởi cúng lễ Giao Thừa tống cựu nghinh tân chào đón năm mới thì Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) nổ súng phát động “Tổng Công Kích” khắp hầu hết các đô thị, quận, tỉnh lỵ toàn cõi miền Nam gây nhiều thiệt hại nhân mạng và tài sản cho dân chúng…Riêng tại Huế bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1968, và kéo dài tổng cộng 26 ngày, quân Việt Cộng đã hành quyết tàn sát đồng bào vô tội rất ác độc dã man bằng cách bắn giết, đập đầu bằng cuốc xẻng, chày vồ và chôn sống tập thể hằng loạt như ở Bãi Dâu, Khe Đá Mài, Khu Phú thứ, Đụn Cát và ngay cả trong sân chùa chiền…Sau chiến trận Uỷ Ban Truy Tìm Nạn Nhân Chiến Cuộc  phát hiện hàng chục ngôi mộ tập thể chôn xác nạn nhân trong và xung quanh thành phố Huế. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em và trẻ sơ sinh.  trong 22 địa điểm tìm được các mồ chôn tập thể, người ta đếm được 2,326 sọ người. Sau tết, các gia đình kê khai lập danh sách xác định số người chết và mất tích lên tới 4.062 theo các báo cáo thống kê của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa và  báo cáo tổng kết của Douglas Pike là nhân viên cơ quan thông tin Mỹ năm 1970. Nhưng chưa chấm dứt…Theo giới chức Quân Đội và Dân Sự Việt Nam làm việc khảo sát tại Huế thì tổng kết về người chết và mất tích như sau: Tổng số dân sự tử vong: 7.600 nạn nhân chết và mất tích, 1900 thưòng dân bị thương trong chiến cuộc, 944 thường dân chết vì chiến cuộc. Trong sách “Chronicle of History's 100 Worst Atrocities is a book by Matthew White” viết: Cuộc thảm sát nạn nhân thường dân ở Huế do Việt Cộng phát động  nên là một trong 100 sự kiện tử vong cực cao trong lịch sử nhân loại …”! Mark Woodruff trong quyển “The Defeat of the Viet Cong and the North Vietnamese Army, 1961-1973 by Mark Woodruff Foreword by James L. Jones, General, U.S. Marine Corps” ghi rằng: “một bản báo cáo của Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng bắt được ngày 25 tháng 4 năm 1968 ghi chép:đã loại khỏi vòng chiến đấu (giết)1.892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, 790 tên ác ôn, sáu đại uý, 1 trung uý, 20 thiếu uý và nhiều sĩ quan trừ bị… trong trận đánh khởi đầu ở Huế…”. Những thảm cảnh đó tố cáo chính sách dã man tàn bạo của CS, dù với nhân dân vô tội hay với kẻ thù cũng như với ngay đồng chí cũng chỉ là một !
. Sự dũng cảm và hiệu quả của quân đội VNCH trong việc chống giữ và ngăn chặn để rồi tiêu diệt trọn bộ lực lượng quân sự của MTGPMN không được báo chí quốc tế và Mỹ đề cập. Đó là một sự bất công hay phải “nói” cho đúng hơn là thói tánh bất lương, giảo hoạt trong việc truyền thông nhưng hàm chứa những dụng ý đã được chỉ đạo thật chi tiết hoàn “mỹ”…!  Thực chất của cuộc “Tổng Công Kích” Mậu Thân chỉ là sự tái diễn thủ đoạn tàn độc của người Cộng Sản đã từng áp dụng khi xưa đối với những người Quốc Gia theo kháng chiến chống Pháp là : “mượn địch giết thù” và kẻ thù “đồng chí” mà Bắc Việt cần phải trừ khử  là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập với Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ Tịch, và sự tham gia của một số nhân sĩ miền Nam, những người có khuynh hướng chủ trương đường lối Trung Lập theo chủ trương của Tổng Thống De Gaulle - Pháp và Ngoại Trưởng Nehru - Ấn Độ,  có sự hậu thuẩn của thái tử Sihanouk, người công khai tuyên bố: “Tôi theo de Gaulle”. Vì những hứa hẹn của các quyền lực quốc tế nên để cho MTGPMN mượn và xử dụng hải cảng Kampong Som để tiếp nhận quân trang, quân dụng vũ khí đạn dược cũng như để cho Mặt Trận này đóng quân trên đất Miên làm nơi tập trung quân xuất phát tiến đánh phá miền Nam. Bắc Việt tham dự trong âm mưu quốc tế để xẻ thịt “con voi Mỹ” và  biết chắc là sẽ thắng. Vấn đề chỉ còn là thời gian nên đã thâm độc âm mưu phát động “Tổng Công Kích Tết Mậu Thân” để mượn tay Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà triệt tiêu bộ phận quân sự chủ lực của MTGPMN gồm những người đi tập kết khi xưa để trừ hậu họa sau nầy sẽ tiếp thu miền Nam, thống nhất đất nước, đưa toàn dân tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa! Nhiệm vụ làm tiền đạo dẫn đường và tiên phong của Mặt Trận Giải Phóng  đã chấm dứt! Những người tập kết ra Bắc đã phạm vào một trọng tội mà giới lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt không thể tha đó là: biết rõ bản chất tàn độc của Hà Nội và thực tế bi đát của “Thiên Đường Xã  Hội Chủ Nghĩa miền Bắc” ! Ngoài ra họ còn bị nghi ngờ vì bản chất lè phè, quen thói thích hưởng thụ, phóng  túng  của người miền Nam “đất lề quen thói” nên dễ bị hủ hoá vì đã sinh sống, tiếp xúc trong  xã hội miền Nam phồn vinh với văn minh tân tiến Tây phương.  Bắc Việt đã thành công vì Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã tiêu diệt  gần như toàn thể bộ phận quân sự chủ lực của MTGPMN để rồi giai đoạn chuyển tiếp sau đó  Hà Nội đã đưa đại quân chính qui  Bắc Việt vào thay thế và kiềm chế “Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam” đang có khuynh hướng tách rời khỏi trung ương Hà Nội để chịu ảnh hưởng của Trung Cộng và Pháp.  Đứng trên phương diện lãnh đạo Hà Nội tỏ ra khá giỏi tiên liệu và tạo Thế, cài Lực để ngăn ngừa những bất trắc có hại trong mai hậu, nhưng đồng thời cũng gây khó khăn cho chính họ là không ai dám tin và ít ai dám gần vì bản chất phản trắc và lật lọng với cả đồng chí chứ đừng nói gì đến bạn bè, “đồng minh”  trong và ngoài khối Cộng Sản như một vài quốc gia phương Tây ảo tưởng về tính chất Chính Nghĩa Dân Tộc của Việt Cộng .
. Bài học cay đắng của người Quốc Gia Chân Chính trong thân phận cô nghiệt, bị chết đứng giữa hai lằn đạn thù là Cộng Sản và Thực Dân thời kháng chiến 1945-1954 đã không được những “người tập kết” biết đến, học và hiểu…!  Và “Chính Trị của ngày qua” vẫn còn nối tiếp nhau làm nên Lịch Sử: Những trang sử đau thương không riêng cho miền Nam mà chung cho cả nước Việt hai miền, cho toàn thể dân tộc Việt !
. Tổng Thống Lyndon Johnson tuyên bố không tái ứng cử nhiệm kỳ II vì thất bại ở Việt Nam trên mặt trận truyền thông tại Mỹ và quốc tế mặc dù Quân Lực Việt - Mỹ và Đồng Minh đạt được nhiều chiến thắng trên khắp chiến trường miền Nam. Tiếp đến năm 1969, Richard Nixon đắc cử Tổng Thống Mỹ với lời hứa giải quyết vấn đề VN trong danh dự. Nhưng làm sao mang được toàn bộ đại quân trở về Mỹ.  Cái khó nhất của kẻ làm Tướng là lúc triệt thoái bảo tồn được lực lượng trong một hoàn cảnh thua kém mọi mặt và kẻ thù vây quanh chờ xẻ thịt. Do đó giải pháp tốt nhất là bàn hội nghị, tuy có phải hạ mình, khẩn cầu nhục nhã, nhưng với nghệ thuật đi đêm có bóng tối đồng lõa thì mọi chuyện đều có thể ổn thoả deal dễ dàng …?! Kết quả và cũng là hậu quả tai hại cho miền Nam Việt Nam, vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp Định Paris được ký kết giữa bốn bên.  Nhưng cũng trong năm 1973, Tổng Thống  Richard Nixon bắt đầu nhiệm kỳ II được ít tháng thì vụ án Watergate xẩy ra. Báo chí tấn công tới tấp, quần chúng bất mãn và cuối cùng Nixon phải từ nhiệm trong uất ức, đớn đau và tủi nhục …! Trên mặt trận ngoại giao, Mỹ  cũng vấp phải nhiều trở ngại, uy tín chính trị cao vút của thời thập niên 1950 sau Đệ Nhị Thế Chiến bị  sa sút một cách tệ hại trước phong trào “Phản Chiến” do trí thức Âu châu đứng ra tổ chức để chống Mỹ, đề cao Hà Nội, tâng bốc Hồ Chí Minh, đã làm Mỹ  mất uy tín quốc tế và khơi  động phong trào chống đối trong nước.  Ngay khi nhận định được Việt Nam  là vũng lầy được che đậy bằng những âm mưu quốc tế, Mỹ  đã nhanh chóng và khôn khéo đổi chiến thuật, chấp nhận hòa đàm Paris, chịu ngồi ngang với Hà Nội trong phái đoàn 4 bên: Mỹ, Sài Gòn, Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, với thủ đoạn “ngoại giao đi đêm” và thật nhiều hứa hẹn dành cho Hà Nội nhiều quyền lợi và tạo ly gián giữa các thế lực quốc tế đang chống Mỹ. Đã từ lâu nhờ phương tiện máy móc tối tân người Mỹ đã thăm dò đo lường được ở thiềm lục địa Việt Nam có những túi dầu có trữ lượng theo cơ quan US Energy Information Administration gọi tắt là EIA của Hoa Kỳ loan  báo chính thức là trữ lượng dầu hỏa tại Biển Đông lên đến 11 tỷ thùng và 190 ngàn tỷ cubic ft khí đốt (một cubic foot tương đương với 0.28 mét khối). Họ đã cử chuyên viên dầu khí sang Việt Nam giúp tổng thống Thiệu khoan giếng dầu Hoa Hồng và châm lửa khai mạc trong buổi lễ đánh dấu sự thành công có nhiều cơ quan truyền thông, báo chí Việt và Ngoại Quốc tham dự chứng kiến phát tin đi khắp thế giới. Tại Mỹ có bẩy tập đoàn dầu khí: Exxon, Gulf, Texaco, Mobil, Socal, BP, and Shell có nickname Seven Sisters cũng đã biết sự kiện nầy. Nhưng chính phủ Mỹ chưa “bật đèn xanh” để giúp khai thác và họ cũng hiểu được rằng muốn khoan dầu ở ngoài biển khơi hiện tại chỉ có Mỹ  và Anh là trùm vì có kỹ thuật tân tiến để khoan và chỉ có hãng Hughes Oil Tools tại Houston, Texas độc nhất làm được mũi khoan Diamond Head để khoan dưới độ sâu ngoài biển. Dầu khí ở Việt Nam đã khiến cho nhiều quốc gia tân tiến muốn khai thác hoặc chiếm đoạt China, Russia, England, France …và đây cũng là mồi nhử của Mỹ để nhanh chóng “bàn giao” Nam Việt Nam trước hạn kỳ và Việt Cộng đã mau vội xé Hiệp Định Paris tấn chiếm miền Nam bằng võ lực. Kết cuộc Việt Cộng biết đã bị Mỹ lừa gạt và có biện pháp trả thù là sẽ giết hết tất cả “Tù Cải Tạo” đang bị giam cầm ở các trại tù tân lập ở vùng sơn lam chướng khí khắp miền Nam - Bắc Việt Nam. Nhưng Mỹ đã can thiệp ban cho Việt Cộng một số  lợi lộc để giải cứu tù nhân số đông là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và mở chương trình Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program diện HO và thân nhân của họ sang Mỹ định cư. Như vậy  Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa với sự giúp đỡ của Mỹ  đã đặt nền móng đầu tiên cho Nền Kỹ Nghệ Dầu Hỏa của Dân Tộc Việt Nam chúng ta . Cộng Sản Hà Nội phải chậm mất gần 20 năm mới có thể tiếp tục lại những dự án khai thác dầu hỏa và tất cả lợi nhuận tiền bán dầu đã chui vào túi riêng  của những quan chức lãnh đạo trong Đảng và Nhà Nước (chính phủ) Việt Cộng với những chương mục được che dấu kín đáo ở những nhà Bank ngoại quốc và người dân Việt không hưởng được quyền lợi từ mỏ dầu mẫu quốc. Một trong những yếu tố là khối lượng “Vàng Đen” dưới thềm lục địa Việt Nam và con đường vận chuyển số lượng lớn hàng hoá giao thương trị giá hơn 5 ngàn tỷ Dollars ngang qua Biển Đông, nên Mỹ “tự chủ” vùng Biển Đông là “sân sau” nhà mình. Vậy từ năm 1974 Mỹ đã “làm ngơ” để cho Trung Cộng ngang nhiên lấn chiếm quần đảo Hoàng Sa rồi Trường Sa như chỗ không người . Vậy hỏi Ai đã tiếp gắn lắp thêm móng vuốt nhọn sắc bén để cho con quái vật Red Dragon tham lam, ngu xuẩn ăn tạp cấu xé “loài người yếu” và trở thành công địch của thế giới ? Hỏi tức trả lời và như thế có phải số phận của Trung Cộng đã được tính toán trong qui trình soạn sẵn rồi không ?!!!
. Năm 1974, Phó Tổng Thống Ford lên thay.  Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu  bắt đầu gặp những khó khăn với những chống đối của quần chúng: Phong Trào Luật Sư Tranh Đấu, Phong Trào Chống Tham Nhũng, …Mỹ cử một phái đoàn Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ sang Sài Gòn tham quan tình hình, cứu xét vấn đề viện trợ cho Việt Nam và tiếp xúc với các nhóm đối lập, chống đối. Một trong những đề nghị của nhóm đối lập là Mỹ phải chấm dứt ủng hộ Thiệu và cắt viện trợ.  Được thế và còn gì bằng Thượng Viện Mỹ quyết định mau chóng biểu quyết cắt đứt viện trợ. Và sau cùng Tổng Thống Thiệu phải từ chức. Phước Long mất. Quân Đoàn I di tản. Ngày 10-3-75, trận đánh Ban Mê Thuột bắt đầu. Ngày 14-3-75, Quân Đoàn II rút trên đường “Liên Tỉnh Lộ 7” đường lui quân bi thảm với máu nước mắt xác người ngã xuống vì đạn pháo và tấn công của quân chính qui Bắc Việt đầy kinh hoàng...!!! Tiếp đến là những gì đến phải đến, đúng như dự tính của những “Thượng Đại Nhân” tác giả của “vở tuồng” đã hoạch định chương trình và điều động hiệu quả. Bước kế tiếp Tổng Thống  Dương Văn Minh làm nguyên thủ Quốc Gia vỏn vẹn có 3 ngày từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng ông được xem là có công giữ cho thành phố  Saigon  khỏi bị Việt Cộng tàn phá bằng cách kêu gọi binh sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bỏ vũ khí, ngưng bắn và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.  Những tin về giải pháp 3 Thành Phần với  sự can thiệp của người Pháp - Trung Cộng … đã không xẩy ra! Tất cả đã bị lừa! Mỹ thành công đã bàn giao miền Nam cho Bắc Việt trước kỳ hạn!  Cũng như Pháp, Mỹ  “đã thua “ ở Việt Nam và phải ký Hiệp Định Paris  để rút quân về mẫu quốc an toàn. Với  những cái nhìn cục bộ ở tầm mức chiến thuật, nhiều người đã suy luận là: Trên cương vị siêu cường Mỹ  không thể thua Cộng Sản Bắc Việt. Sự kiện Mỹ bỏ miền Nam chỉ là sự đổi chác lấy một quyền lợi nào đó với Nga hoặc Trung Cộng…? Tuy nhiên, nếu xét trên Chính Lược thì sẽ thấy khác: Mỹ đã thua! Thua vì đã nhận định sai lầm về Bạn và Thù, về Ta và Địch, về Bản Chất và Mục Đích của  Chiến Tranh để Thiết Kế một Chính Lược làm trục cho nhiều chu kỳ Chính Trị liên tiếp, tạo thuận lợi cho việc xây dựng một Trật Tự Mới Toàn Cầu (New World Order)  ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến...? Do đó người Mỹ đã chới với trước sự cạnh tranh công khai và ngấm ngầm của những Quyền Lực đang hồi phục ngay trong khối Tự Do mà Mỹ đã giúp đỡ. Những yếu tố không được tiên liệu này đã làm cho cuộc chiến Việt Nam  kéo dài hơn thời gian hoạch định, phải đổvào Việt Nam một số quân lớn hơn dự trù, phải chi tiêu một ngân khoản vượt ngoài khả năng. Kết quả là sự suy giảm kinh tế đưa đến sự chia rẽ nội bộ trầm trọng. Từ sau The American Civil War 1861 to 1865 như bối cảnh Gone With The Wind (1936 Novel ) tan tác, đau khổ, chia ly…Nhưng người dân Mỹ thuần lương vẫn còn niềm tin vào tín ngưỡng Thanh Giáo (Tin Lành, Cơ Đốc) và giá trị nền tảng gia đình, Little House on the Prairie như một khuôn mẫu lý tưởng hạnh phúc: Họ sống quây quần ông bà, cha mẹ, con cháu đoàn tụ dưới  mái gia đình bình yên, giản dị và chân mộc, ngay lành, trong sáng, hồn nhiên với cánh đồng cỏ, đàn bò , trại ngựa, đàn cừu ngoan ngoãn, lũ gà vịt ngan ngỗng đùa giỡn rượt đuổi đám chó nghịch ngợm chạy quanh trong trang trại…có Ông và Cha lao động nhễ nhại mồ hôi gây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc và  trồng trọt hoa mầu…Buổi chiều về  tất cả mọi thành viên trong gia đình tề tựu quanh bàn ăn dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu,  thành tín làm dấu Thánh Giá , đọc Kinh: “Tạ ơn Chúa đã ban cho thực phẩm dùng đủ hằng ngày “ rồi ung dung thưởng thức những món ăn ngon miệng  từ  bàn tay nội trợ Bà và Mẹ đảm đang nấu nướng lấy,  “nội tướng “ hiền lành như tiên, siêng năng cần cù may vá, nấu ăn, làm bánh, vắt sửa và dạy dỗ đám con gái ngây thơ mới lớn hân hoan, rạng rỡ súng sính chiếc áo đầm xinh đẹp bước lên xe ngựa để đến nhà nguyện dự lễ với đám anh em trai bàn không dứt chuyện trò chơi game bao giờ…Nước Mỹ trên đà tiến bộ phát triển thịnh vượng, những cao ốc được xây dựng qui mô trong thành phố, những nhà máy chạy hết công xuất với nhu cầu công nhân, thợ thuyền đã bốc mẽ giới thanh niên nam nữ ra khỏi trang trại hiền hoà mộc mạc bình yên…Giờ đây họ thi đua cật lực làm việc trong những hãng xưởng để sản xuất ra những sản phẩm trội vượt  và tân tiến cung ứng cho thị trường và làm nên sự giàu sang thịnh vượng và hào sản cho nước Mỹ như một phép lạ. Dân Mỹ siêng năng làm việc và hưởng thụ thành quả  để hướng tới American Dream: có nhà, xe, du thuyền …Nhưng rồi khi giới lãnh đạo Mỹ đưa quân vào Cuộc Chiến Việt Nam biến những thanh niên hiền hoà thành những chiến binh chiến đấu trên chiến trường khốc liệt ở một đất nước xa lạ với tất cả những gì hiểu biết ở học đường và quân trường đào tạo, họ cũng không thể nào phân biệt được kẻ thù và dân chúng lương thiện ở nơi thôn làng hay đang sinh sống trong những thành phố nhộn nhịp người xe kia nữa…! Chiến trường mỗi ngày qua khốc liệt hơn, thân thể chiến binh bị đầy thương tật và xác chết được phủ cờ trên quan tài theo những chuyến bay quân sự chở về làm tan nát giấc mơ hoa ! Thế hệ thanh niên Mỹ cảm thấy bản thân họ bị giới lãnh đạo mị dân  và xô vào cuộc chiến tàn bạo không có lối thoát với những biện thuyết lý tưởng mơ hồ  xa rời sự thật,  họ bất bình phản đối với những cuộc bãi khoá  học, xuống đường biểu tình, phong trào Hippie ôn hoà và bạo động  chống lại lực lượng Cảnh Sát, tham dự những buổi ca nhạc Rock N Roll  loạn cuồng, say sưa trong men rượu, miên man bay bổng  ngất ngây với ma tuý, giải phóng tình dục Sexual Revolution với khẩu hiệu: Make Love Not War, Born To Be Wild, The More I Revolt The More I Make Love, Stop The War, …Giới trẻ mất định hướng  tốt đẹp  và mất niềm tin vào giới lãnh đạo Chính Phủ.  Họ đau khổ và hối tiếc thời yên bình, hoa mộng, tốt đẹp thời qua với:
Scarborough Fair:
Are you going to Scarborough Faire?
Parsley, sage, rosemary and thyme.
Remember me to one who lived there.
She once was a true love of mine.

Giàn Thiên Lý Đã Xa
Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa
Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi
Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi

Và:
The Green Fields
Once there were green fields, kissed by the sun
Once there were valleys where rivers used to run
Once there were blue skies with white clouds high above
Once they were part of an everlasting love
We were the lovers who strolled through green fields
Cánh Đồng Xanh
Đồng xanh là chốn đây thiên đàng cỏ cây
Là nơi bầy thú hoang đang vui đùa trong nắng say
Đây những bờ suối vắng im phơi mình bên lùm cây
Đây những giòng nước mát khẽ vươn tay về thung lũng
Và những đôi nhân tình đang thả hồn dưới mây chiều.
Với bối cảnh biến loạn xã hội bên trong,  “mãnh hổ nan địch quần hồ” quần thù đang hồi vây bủa trận ngoài biên , chia rẽ nội bộ và phải cưu mang gánh nặng viện trợ Kinh Tế - Quân Sự bao giàn cho Việt Nam, Korea, Thailand, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi , Phillppines trong chương trình yểm trợ đồng minh tham chiến tại Việt Nam…quá sức chịu đựng thiệt hại và đã có hơn 58 000 (năm mươi tám ngàn) Chiến Sĩ đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam . Sau cuộc chiến đến năm 1982 tên họ những Tử Sĩ được khắc tên trên Bức Tường Đá Đen The Vietnam Veterans Memorial Wall được  an vị như bia mộ chôn trên  nửa ngọn đồi để ghi nhớ và tưởng niệm con em của  bậc Thượng  Phụ Lập Quốc Washington  vì Đại Nghĩa An Định Thiên Hạ Toàn Cầu đã Vị Quốc Vong Thân không bao giờ quên và  Chính Phủ  Mỹ  phải săn sóc, lo an sinh phục hồi cho gần 1000 000 (một triệu) thương binh và thân nhân đang sống với những nỗi đau buồn trầm uất bất mãn, một số lớn  đã tích  cực phấn đấu để tiến thân hoà vào dòng xã hội đời thường.  Để tự cứu, Mỹ đã phải cắn răng, muối mặt làm một việc tổn thương đến uy tín siêu cường lãnh đạo khối Tự Do: Thi hành một chính sách ngoại giao đi đêm, bàn giao miền Nam, một quốc gia đồng minh, tiền đồn của thế giới Tự Do đã được nhiều Tổng Thống cam kết bảo vệ, với toàn vẹn những cơ sở quân sự vũ khí của một quân đội tan rã. Thêm vào đó là lời hứa tái thiết Bắc Việt bằng một ngân khoản nhiều tỷ Mỹ kim và những trợ giúp kỹ thuật căn bản để phát triển kinh tế.  
  Ở Giai đoạn II của Cuộc Chiến Đông Dương với 21 năm trợ giúp của Mỹ được nhiều người xem là cơ hội tốt nhất của người Việt Quốc Gia chân chính để chống Cộng và giải phóng miền Bắc, thống nhất đất nước và xây dựng lại theo đường lối Tự Do-Dân Chủ mà họ đã để lỡ. Đây là một nhận định sai lầm, không sát thực tế!  Thật ra “Người Mỹ” vào VN với một Chính Lược rõ rệt, chỉ đạo cho một Chiến Lược chống Cộng Sản bành trướng đã được vạch sẵn và Mỹ đã điều động thiện xảo ! Người Việt Quốc Gia chân chính vẫn không trực diện chống Cộng với một Sách Lược của riêng mình dù Quân – Dân Việt Nam đã và đang đối đầu chiến đấu với Việt Cộng trên khắp mặt trận. Đó là lý do Đúng nhất để giải thích tại sao miền Nam thiếu những chính khách lãnh đạo có tầm vóc quốc tế ? Tại sao miền Nam chỉ có những Chính Phủ làm chuyên viên thừa hành làm những việc theo chương trình ngắn hạn?. Tại sao miền Nam thiếu những tướng lãnh chiến lược? Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị Mỹ chủ sự lật đổ với “tội danh” kỳ thị tôn giáo, triệt hạ Phật Giáo, gia đình trị ?  Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ đã bị Mỹ tố là tham nhũng, buôn bạch phiến…?  Tuy nhiên dù muốn dù không Họ đã làm xong vai trò mà Mỹ  muốn gần như hoàn hảo ! Vậy nên:
. Huyền thoại “Tình Hữu Nghị Xã Hội Chủ Nghĩa”,  “Môi Hở Răng Lạnh”, “ Việt Nam – Trung Quốc Núi Liền Núi Sông Liền Sông” đã đỗ vỡ khi Trung Cộng xua quân đánh “Dạy Cho Việt Nam Bài Học” đợt thứ nhất, đợt thứ hai 1979 !
. Huyền thoại “Đồng Minh Trong Khối Tự Do” cũng đã tan biến khi Mỹ bỏ rơi và bàn giao miền Nam Việt Nam cho Bắc Việt cũng là bàn giao Dân Tộc - Đất Nước Việt Nam cho Nga – Tàu như thận phận của một con Chốt thí ngày 30 tháng 4 năm 1975.
.Sân Khấu Chính Trị và Hiện Thực:
  Tất cả những diễn biến Chính Trị của thời gian qua tại Việt Nam đã cho chúng ta cái nhìn và hiểu biết về Chính Trị đã ảnh hưởng và chi phối tất cả đời sống của nhân loại trên tiến trình mưu cầu hạnh phúc. Mặc cho ai khước từ hay hợp tác Chính Trị, tham gia bầu cử hay từ chối bầu cử, cất tiếng nói phản kháng, im lặng đồng loã hay tích cực tranh đấu đều là hành vi của Chính Trị, và tất cả đều bị Chính Trị chi phối ở khắp mặt tầng của đời sống…Vậy tốt nhất là phải ý thức được tình trạng Chính Trị có trực tiếp hay gián tiếp đến bản thân, gia đình, xã hội, quốc gia …mà mạnh dạn triệt để dấn bước vì Ta chính là khởi điểm của đấu tranh và cũng là đích điểm của đấu tranh để được sống còn, tiếp nối, tiến hoá trên tiến trình Là Người, Làm Người, Thành Người  chủ yếu Tự Lực để Tự Thắng trong tinh thần Tự Chủ, và nếu quan niệm kinh nghiệm bản thân là điều kiện cần thiết để giác ngộ thì cả một dân tộc đã có điều kiện để phản tỉnh một cách toàn diện và triệt để về kẻ thù Cộng Sản và “Bạn” Mỹ để quyết định phải làm một cái gì trước khi quá muộn…?

Để đánh kẻ thù tôi không được hèn ngu
Để thắng kẻ thù tôi phải sống ngàn thu.

Biết là trục của sự sống và quả thật trước những thực tế khó khăn vì quyền lợi quốc tế tương quan, xung đột giăng mắc… Nên chế độ Việt Cộng còn được “lưu dụng” cho mãi tới ngày nay. Lực để đối kháng với hơn 3 triệu đảng viên Cộng Sản với áp lực của nòng súng và trại tù đã có thời gian quá lâu dài khiến cho đại đa khối quần chúng Việt bị thuần hoá như đàn cừu ngoan hiền và vô cảm ngay với nỗi đau khổ, bất hạnh của đồng bào quanh mình…! Các đảng phái đấu tranh chỉ còn trên mặt nổi truyền thông với những sinh hoạt của hội ái hữu tương tế xuân thu nhị kỳ để “sản sinh” ra những bản văn “nhận định”, tuyên cáo sáo rỗng vô thực và lãnh tụ thì  “bình vôi” lão lai tài tận, linh lạc với thời cuộc và “vô nhiễm” với kiến thức gia tốc toàn cầu hoá…! Trong khi thế giới ngày nay đang trải qua thời kỳ lột xác mới với những liên hệ quyền lực phức tạp hơn, tranh chấp quyền lợi cũng do đó gay gắt và quyết liệt…Vậy Lãnh Tụ cần phải có viễn kiến đại thành, thông suốt và sâu rộng mới có thể hướng dẫn đảng, đoàn viên hữu hiệu trên phương diện đấu tranh…?

. Thế hệ trẻ có năng lực, nhưng chưa tiếp thu được những kinh nghiệm đấu tranh và kiến thức cần thiết của những bậc tiền nhân để đắc dụng trên đường tranh đấu với kẻ nội thù và ngoại thù ở nhiều mặt…mà chỉ cần một thiện chí manh động thiếu hiểu biết sẽ gặt lấy những tai hoạ thật không lường ! Kho hiểu biết thật bao la, kinh nghiệm sống thật vô hạn, mối dây liên kết dân tộc bền vững, tình người trong thế tình hiện tại hời hợt bởi mất niềm tin sâu xa và tiêu cực ! Nhưng những tinh hoa từ Lịch Sử đã hun đúc nên một Việt Nam còn tồn tại cho mãi tới ngày nay, sức sống và sự khắc phục, chịu đựng khó khăn gian khổ và tính quật cường kỳ diệu của giống dân Việt rồi sẽ vươn lên sáng ngời để tranh đoạt lấy quyền được sống hạnh phúc hài hoà trong tình nhân loại và đất trời thiên nhiên… Bởi thế muốn đánh và thắng kẻ thù tôi không được hè ngu và phải học, biết thiên thu trong một kiếp người…? Và:

Trái tim tôi, toà lâu đài cổ kính
Đứng âm thầm soi bóng nước lung linh
Vài kẻ qua hiểu giá trị cúi đầu
Song kết cuộc không một người muốn tậu.
Trái tim tôi khởi thuỷ ngàn dâu
Rồi nó hoá biển sâu dào dạt
Giờ nó chỉ là nơi cồn cát
Mà Dã Tràng thôi việc đã từ lâu
(1965. Vô Đề - Khuyết Danh)

  Trên báo chí Việt ngữ, trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt Hải Ngoại trong những năm gần đây, độc giả và khán thính giả vẫn thường được đọc, được nghe những câu tuyên bố đại loại như: “Hội “Văng Bút” của chúng tôi hoạt động Văn Hóa thuần túy, không làm Chính Trị”?  “ Hội Giáo Dục chúng tôi phi Chính Trị” ? Thậm chí có cả tổ chức Cựu Quân Nhân là những người đã từng chiến đấu trên khắp mặt chiến trường, đem xương máu đổi lấy tự do, thề sống chết cho Lý Tưởng Tổ Quốc trên hết, cũng lên tiếng là không dính đến Chính Trị:” Chúng tôi là hội ái hữu Cựu Quân Nhân  không hoạt động Chính Trị và quyết tâm tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ, tự do, phú cường” ?… Ô hay gì “cái” lạ và khôi hài diễu dỡ thế  ?!!!  Vậy Chính Trị là gì? Chính Trị có  đối tượng là Con Người và Xã Hội, và cũng có chung một mục đích làm cho Con Người và Xã Hội được Hạnh Phúc trong Hòa Bình, Ấm No? Chính Trị như một toàn thể qua thực tế Lịch Sử đầy những kinh nghiệm đau thương dưới thời Pháp thuộc và trong cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa chúng ta, những người Việt Quốc Gia và bọn Việt Cộng phản dân tộc, giết người, cướp của, dâng bán lãnh thổ, biển đảo cho kẻ thù truyền kiếp Tàu Cộng.
.Chính Trị:
Theo nghĩa chữ, Chính là đúng, là phải, như trong chữ  Chính Thức, là ngay thẳng như trong chữ Công Chính. Trị là sửa chữa như trong chữ Trừng Trị. Gồm cả hai chữ Chính Trị có nghĩa là sửa trị làm cho đúng, cho ngay, cho phải, cho tốt như người xưa đã nói: “Chính giả, chính dã!” vậy.
Phân tách sự cấu tạo của chữ () thì chữ Giáo trong Giáo Dục và chữ Chính trong Chính Trị đều thuộc bộ Phộc, có nghĩa là đánh khẽ. Trừng phạt là một hình thức chế tài mà trong Giáo Dục thường biểu lộ bằng roi vọt, rầy la trong Chính Trị thường biểu lộ bằng những tòa án và hình luật. Nghĩa là Giáo Dục và Chính Trị đều mang tính chất chủ động và tích cực, cũng như đã được định hướng nhằm tới một lý tưởng, thực hiện một khuôn mẫu nào đó. Nhưng Phộc có nghĩa là đánh khẽ, tức là luật pháp chế tài được dùng để răn đe, ngăn ngừa trong mục đích hướng thượng đưa nước nòi đến Hạnh Phúc, trong Hòa Bình và Phú Cường. Sự hà khắc trong Chính Trị và sự nghiệt ngã trong Giáo Dục đều là những sai lầm đều phải sửa chữa, vì nó chà đạp nhân phẩm con người chứ không phù trợ con người. Do đó, người xưa đã có câu: “Hà chính mãnh ư hổ giả!”, chính sách hà khắc bạo tàn còn đáng sợ hơn loài cọp dữ.
Con người không thể sống đơn lẻ, trơ trọi mà phải sống trong một tương quan xã hội. Ý nghĩa của cuộc sống con người là: Sống cùng người, sống với người, sống bên người và sống vì người. Con người sống trong một tương quan đa diện với tha nhân, với xã hội nên việc làm cho ngay thẳng, cho chính đáng, cho đúng mức, cho hợp lý mối Nhân Luân Cương Thường là việc quan trọng hàng đầu so với các việc khác trong xã hội. Và Nhân Đạo, Chính vi đại trong Đạo làm người thì việc Chính Trị được coi quan trọng hơn cả là vậy! Mục đích của Chính Trị, là tạo nên sự hòa hài giữa những con người sống trong xã hội, những đoàn thể sống trong quốc gia, và những quốc gia trong cộng đồng nhân loại. Mục đích của Chính Trị là giải quyết ổn thỏa những tranh chấp, xung đột tinh thần và vật chất gây ra do sự mâu thuẫn và hài hoà quyền lợi giữa những cá nhân, tầng lớp, đoàn thể và những quốc gia, tạo được tình trạng ổn định, điều kiện cần thiết để xã hội phồn thịnh. Tạo được sự hòa hài tức là tạo được sự thống nhất trong ý chí của toàn dân, và sức mạnh siêu đẳng của một quốc gia phát sinh từ sự thống nhất ý chí của toàn dân. Nếu Chính Trị như một phương cách bảo tồn và phát huy văn hóa thì Chính Trị với những sai lầm của người có trách nhiệm hoạch định đường lối, chính sách quốc gia cũng có thể đưa đến sự suy thoái trong dòng sinh mệnh văn hóa của một dân tộc. Nó có dấu hiệu rõ rệt là một xã hội thối nát, một tập thể mua quan bán tước, tham nhũng, mâu thuẫn giữa tầng lớp dân chúng, tinh thần sa đọa, trụy lạc, hủ bại và cầu an ở các thế hệ thanh niên, lực lượng chính để bảo vệ Văn Hóa, cơ sở tinh thần của nước nòi. Trong một tình trạng nguy nan như thế thì sự mất chủ quyền quốc gia chỉ là vấn đề thời gian. Khi đã mất chủ quyền Chính Trị tất sẽ mất chủ quyền Văn Hóa. Mất nước là mất tất cả, kể từ mạng sống cá nhân cho đến vận mạng cả một dân tộc được thể hiện trong dòng Sinh Mệnh Văn Hóa.
.Tầm Sư Học Đạo và “cái” Tôi Hiện Thực?
  Ngày xưa khi còn ở trong quân ngũ, tôi thường nghe nhắc nhở hoài câu nói:” Quân Đội không được Làm Chính Trị”?   Trời đất ! Tôi là quân nhân cấp hạng cá kèo với mấy năm được “om” nhào nặn trong Trường Võ Bị Đà Lạt  chuyên nghiệp Nhà Binh và  ra trường khi mái tóc hãy còn xanh  rồi với súng đạn, Balô, giầy Saul, áo lính…dẫn quân xông xáo vào trận mạc khốc liệt “mút mùa lệ thuỷ”… thoát chết là do “hồng phước tề thiên” đạn nó chưa “nỡ” bung phá vào chỗ “đáng chết”, đánh ngày chưa  tống tiễn được hết đám con cháu “bác” về dưới  “xuống hố cả người” còn nguyên vẹn hay banh xác tơi từng mảnh “má nhìn không ra” vì ăn nguyên trái M79 của xạ thủ Nhẩy Dù bắn như thẩy “bi”  vào lỗ thì hỏi các “liệt sĩ” làm sao mà “chịu” thấu !...lại phải đánh “xáp lá cà” bằng báng súng, lưỡi  lê vào ban đêm dưới ánh hoả châu lơ lửng  không đủ sáng để soi rõ mặt địch thù  thì làm gì có huê mộng mà “xuyên lá cành trăng lên lều vải” chứ…? Nên có “quởn” đâu mà sính với  Chính Trị là thứ thời thượng “xa xí phẩm” của mấy viên chức dân sự mặc áo Vest thắt Caravate rắn giọng trịnh  trọng lịch sự ôn hoà lúc đầu, sau sôi nổi vung chân, múa tay, đỏ mặt tía tai bàn cãi sôi bọt mép rồi chữi mắng mạt sát và ban tặng những “món ngon vật lạ” cho  nhau tưng bừng trong nghị trường có máy lạnh chạy rì … rì …nom “sân khấu” rất khỉ và vui hề ra phết…Là quân nhân chúng tôi chỉ có biết tuân hành lệnh cấp trên những “đích thân” khạc ra lửa, mửa ra khói và nếu có “vấy” đến Chính Trị là khi đem quân về thị thành án ngữ “làm” đảo chánh thì có…! Gần 10 năm quân ngũ chỉ biết dẫn quân băng xuyên qua dãy núi rừng thâm u trùng điệp đánh và săn lùng diệt địch thù, nhiều khi bị “kẹt giỏ” phải nằm trong vùng giặc chiếm đôi ba ngày nhịn cơm, khát  nước đói lã,  chúng tôi quan và quân chỉ mơ những hạt cơm gạo sấy với thịt hộp ba lát như là cao lương thượng phẩm thèm chảy nước miếng  khô rát cổ  họng và  …dài …dài… cho đến ngày tan hàng gẫy súng, vào tù, rồi vượt biên…!  Nơi xứ lạ quê người nửa thầy, nửa thợ chẳng biết khế hợp, hội nhập vào đâu cho đúng chỉ số ! Được Anh - Em trong đại gia đình quân đội VNCH thương mến khi xưa giao tình, nay còn giữ thâm tình giúp đỡ mua cho chiếc xe mới với những lời khuyên can, chỉ giáo…tôi mạnh dạn ghi danh vào Đại Học cố lấy được mảnh bằng xong cũng chưa biết phải làm gì với trời bơ vơ, người di tản buồn, lang thang “Nửa Đêm Ngoài Phố “ nghe tiếng kèn Saxophone thổi bài Limelight giai điệu Bluejazz của người nghệ sĩ  da mầu về đâu hỡi người gái giang hồ đêm nay buồn não ruột trong đêm Đông ở Virginia tuyết rơi phủ trắng xoá thấm lạnh nỗi cơ hàn, tôi tự hỏi “mình sẽ phải làm gì khi tuổi đời đang độ giữa tuổi trung niên” ? Rồi thôi, phải tìm Job đi làm an phận thủ thường mặc cho con tạo xoay vần theo định mạng biết có hay không ? Tưởng như vậy là số phận của mình đã được “san định”. Nhưng không, định mệnh khéo trêu người, tôi “hạnh ngộ”  gặp được một Kỳ Nhân-Dị Sĩ mắt không trông nhưng thấy nghìn xa, tai không nghe nhưng thông vạn dặm, lưỡi không nếm nhưng biết vị đắng cay…! Gặp được nhân vật này âu cũng là cơ duyên tiền định chăng ?   Ông chỉ là một người thường sống ẩn danh không màng chi bã vật chất phù hoa, vóc dáng to lớn dõng dạc khỏe mạnh thể hiện tứ uy  nghi đi đứng nằm ngồi, thần thái an nhiên, tác phong đĩnh đạc, tiếng nói sang sảng chắc nịch câu văn không thừa không thiếu, nhưng khi giảng dạy Chính Trị, Văn Hoá, Quân Sự, Kinh Tế, Thương Mãi, Xã Hội (Năm Cánh Kỷ Hà) Sĩ Nông Công Thương Binh, Ngư Tiều Canh Độc, học thuật Bí Phương, Đông Y Lý Số, Phong Thuỷ - Địa Lý, Tôn Giáo: Phật Gia - Đạo Gia - Thiên Chúa - Hồi Giáo …và bất kể là khoa môn gì thì nói thao thao bất tuyệt nhiều giờ và nhiều ngày đêm quên cả thời gian… Trong câu chuyện trên trời dưới đất hằng ngày Ông thường dùng điển tích kim cổ Đông – Tây với nhiều thơ phú Hán Văn…Tôi nghe và thu thập muốn “bung” đầu óc choáng váng và bỗng trở nên ngờ nghệch như đang cơn đồng thiếp hỏi sảng:
- Thưa Ông Chính Trị là gì ?
- Là Lịch Sử ngày nay… Lịch Sử là Chính Trị ngày qua và Chính Trị là Lịch Sử ngày nay. Người không đọc Lịch Sử không có hiểu biết và tư cách nói chuyện Chính Trị. Người có đọc Lịch Sử mà không hiểu được ý nghĩa Lịch Sử và không biết vận dụng ý nghĩa Lịch Sử thì không có tư cách lãnh đạo Quốc Gia. Nghe thoáng qua thì rất mơ hồ, suy ngẫm thật sâu thật sắc thì mới thấy thâm thúy thế nào…!  Nhiều lần Ông hỏi tôi nhiều vấn đề về Lịch Sử, tôi ngọng nghệu ú …ớ…, Ông cười và nói:

Ví biết lửa hương tìm chấp nối
Là hay vàng đá để trao truyền

Người làm Chính Trị là người đang viết Lịch Sử lên những trang giấy trắng, trăm nghìn năm sau sẽ có người phê phán việc làm của mình hiện tại”.
Ngày hôm đó, trước khi từ giả ra về, Ông tặng cho tôi hai quyền sách được gói bọc cẩn thận trong giấy màu đỏ. Tôi hí hửng đem về nhà nghĩ rằng bí kiếp chân truyền gì đây: loại Cửu Âm Chân Kinh, Càn Khôn Đại Nã Di, Lục  Mạch Thần Kiếm, Lăng Ba Vi Bộ, Cáp Mô Công hay Đã Cẩu Bổng...? Nhưng không, đó là hai quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim! Tôi thầm nghĩ: “tưởng gì, chứ ba cái thứ lẻ tẻ này mình học hồi mặc quần thủng đít lớp tiểu học…”? Nhưng tôi cũng bỏ thì giờ đọc đi, đọc lại nhiều lần gần như thuộc lòng. Từ Huyền Sử, Cổ Sử, Sử Cận Đại, từ Đinh Lê Lý Trần, Hậu Lê, Trịnh Nguyễn…và tự nghĩ rằng mình cũng có đọc Lịch Sử như ai bèn đến khoe với Ông. Ông nghe xong rồi “phán”:
- Giỏi ! Nếu tôi là khoa trưởng đại học. Tôi có thể cấp cho anh bằng Tiến Sĩ Sử, nhưng anh không thể làm Chính Trị được !  Vậy tôi hỏi anh, Lê Đại Hành, Trần Thủ Độ, Trần Nguyên Hản, Nguyễn Trải có công hay có tội ? Khôn cũng chết, dại cũng chết ! Vậy trong Hán Sở Tranh Hùng ai khôn, ai dại, Việt Vương và Câu Tiễn ai dại, ai khôn...? Và tại sao Nhật Bản chiếm gần như hầu hết Á Châu năm 1939 mà vẫn để chính quyền Pháp cai trị Đông Dương cho đến 1945 mới đảo chánh Pháp, Mỹ đưa cả triệu quân chỉ để bảo vệ tiền đồn Tự Do miền Nam VN mà phải bỏ của chạy lấy người…?
Lần này tôi không còn ngọng như lần trước...mà mắc cà lăm rồi sau đó câm tịt luôn chỉ biết đành dựa cột mà nghe!
- Thôi được! Trước khi anh lên núi “tìm sư học đạo”, anh phải gánh nước bửa củi cho sư huynh 3 năm rồi mới gặp lại tôi. Thôi anh về đi !
  Thoạt nghe tưởng như chuyện kiếm hiệp, cổ tích nhưng nó lại là chuyện thực hiện hữu trong đời tôi suốt 30 năm dài đăng đẳng trên đất nước Mỹ tân tiến này. Tôi dọn đến tạm trú với người Sư Huynh trong một townhouse bình dân khu Alexandra, Virginia mỗi sáng sớm tôi thức dậy pha cà phê, chuẩn bị ấm trà nhất tống tam quân – thanh trà vương phẩm để sẵn và ngồi đó chờ Huynh tắm rửa xong ra bàn toạ thưởng và trong trí tôi cũng đã chuẩn bị để trả lời “vấn nạn” hằng trăm câu hỏi mỗi ngày cho thông suốt “học thuật”…Vậy  mà khi bị “Sư Huynh” khảo hạch, tôi không trả lời được một câu nào cho ra lý lẽ được …! Tôi cố quên đi và bỏ lại sau lưng tất cả những gì học hỏi ở trường Đại Học BridgePort Connecticut để học những môn tào lao thiên địa như Tôn Ngộ Không đổ ống nhổ vào chỗ không trời không đất…?!!! Sư Huynh “khai trí” Nhập Môn Chính Trị cho tôi là một cựu Sĩ  Quan Không Quân Việt Nam Cộng Hoà tốt nghiệp  Cử Nhân Luật và Cao Học Triết Đại Học Văn Khoa trước khi bị động viên vào trường Võ  Khoa Thủ Đức. “Sư Huynh” sống đơn độc với căn phòng đầy sách và tài liệu quí hiếm, trong số tôi rất thích và tham học như: Chu Dịch của Phan Bội Châu, Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, Dịch Lý Đại Toàn nguyên bản Hán Văn của Ông Ngô Đình Nhu nhờ Thầy Năm ở Hoà Hưng dịch ra Việt Ngữ in roneo đóng tập trang trọng với bìa gáy da rất mỹ thuật là tài liệu riêng được đức Tổng Giám Mục lưu trữ cẩn trọng trước 1975, Binh Thư Yếu Lược - Trần Hưng Đạo, Binh Thư Hàn Tín (cổ thư), Tam Tạng Kinh Theravada, Abhidhammatthasanggaha , Kinh Vệ Đà Hindhu, Sấm Ký Áo Bí – Đông Các Học Sĩ Nguyễn Bĩnh Khiêm…và những bộ sách trên tôi phải “gậm nhắm” như mọt ăn sách nhưng chưa thông…! Trong tâm tình Sư Huynh nói:
- Ông Cụ có căn dặn tôi, anh là người rất thông minh, nói một anh hiểu mười, nói bóng nói gió gì anh cũng cảm nhận được và có một điều lạ là anh như có giác quan thứ sáu rất nhạy bén, người ta nói A anh hiểu B, nói cái đuôi anh suy ra cái đầu…! Anh có tính ngạo mạn tự kiêu, nhưng “Ngọc Bất Trác Bất Thành Khí”! Cho nên Ông Cụ bảo tôi :” không cần phải chỉ dạy anh ta nhiều, mà chỉ cần "Nhất Bản Ứng Vạn Thù", mài dũa nhào nặn để “nó” trở thành hiền hòa như một con bồ câu, hung dữ như con sư tử , độc hiểm  như rắn… ứng biến thích hợp với mọi tình huống…”.  Thời gian đầu, anh nên tìm hiểu khái quát về Triết Học, Ông Cụ chỉ nói đến Lịch Sử, Chính Trị mà Ông Cụ không đề cập đến Triết Học vì sợ anh nuốt không trôi hay tiêu hoá không kịp, rồi bỏ cuộc, mất đi một người cần được trao truyền, vì Triết Học là ngọn đuốc soi rọi đường đi trong tương lai, không có những khái niệm căn bản về Triết Học sau này ngay cả Vua cũng sẽ dễ trở thành kẻ cuồng tín hôn quân vô đạo. Tôi sẽ đưa cho anh quyển sách ngắn Chiến Lược Toàn Cầu (Global Strategy) của Giáo Sư-Linh Mục  Lương Kim Định để anh đọc và tìm hiểu tại sao “Người Mỹ” không có Triết Học mà vẫn trở thành Đệ Nhất Siêu Cường hiện nay. 

 Tất cả những sự kiện xẩy ra trong vũ trụ này đều có những nguyên nhân của nó. Đó là những Lý Tắc căn bản để suy luận qua một tiến trình biến dịch của càn khôn, của vạn vật, của nhân loại và con Người…. Đức Phật Gautama Shakya Muni-Tam Tạng Kinh, Lão Tử-Đạo Đức Kinh, Trang Tử-Nam Hoa Kinh, Khổng Tử-Tứ Thư Ngũ Kinh… mà nước Tàu vẫn chiến tranh triền miên từ thời Đông Chu Liệt Quốc đến Hán Sở Tranh Hùng, Đường-Tống-Nguyên-Minh-Thanh. Chúa Jesus Christ giáng sinh gần 2 thiên niên kỷ qua đem Phúc Âm rao giảng mà đã có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh ở Âu Châu, Trung Á đã xẩy ra khiến nhân loại tương tàn, sinh linh đồ thán, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Bà La Môn có mang lại hoà bình công lý vĩnh cửu cho con người được  chưa…? Chiến tranh cứ mãi tiếp diễn triền miên…cuộc chiến tranh khốc liệt Thế Chiến Thứ Nhất  1917 sản sinh ra một quái thai Chủ Nghĩa Cộng Sản, chỉ hơn 20 năm sau lại xuất hiện thêm một tên đồ tể Hitler xem mạng sống con người như con sâu, cái kiến rẻ rươi, lùa nạn nhân vào lò sát sinh giết Người như giết chuột …! Dẫn đến Thế Chiến Thứ Hai 1945. Tưởng rằng sau những chết chóc tàn phá hủy diệt con người, nhân loại sẽ được sống chung trong yên bình thì lại có hai tên đồ tể mới là Stalin – Mao Ze Dong (Mao Trạch Đông)...chiến tranh lạnh lại tiếp diễn kéo dài cho đến ngày nay và lan rộng tới các quốc gia Trung Đông trong khối Hồi Giáo như là một cuộc Thánh Chiến ! Đấng tối cao thiêng liêng nào dám bảo đảm tuyên bố rằng: "Ta sẽ mang lại hoà bình cho nhân loại" ?!  Vị Thánh Nhân nào đang ở cõi đời tham sân si này mà rao giảng những chuyện cõi trên để mang lại hạnh phúc ấm no bình đẳng cho con người?
Sư Huynh dẫn tôi đi từng bước một vào một khu rừng bao la đầy lao tâm khổ trí:
-  Học có 3 cửa học trình:
. Học để nuôi thân sẽ trở thành nô tài.
. Học để nuôi trí sẽ trở thành nhân tài.
. Học để nuôi tâm sẽ trở thành thiên tài.
Muốn làm nên đại nghiệp đều phải học, rồi qua giai đoạn lập ngôn, lập công, lập đức mới thăng hoa tiến hóa được. Nhưng cái học chỉ là Thể, còn cái Dụng lại là một chuyện khác.
Có lần Huynh hỏi tôi :
- Anh hùng tạo thời thế hay thời thế tạo anh hùng?
Như tôi đã nói, có câu hỏi nào mà tôi trả lời được đâu! Thấy tôi ấp a ấp úng… Huynh hỏi tiếp để giải cho tôi :
- Ai là người tạo thời thế để có anh hùng?

Tôi chợt hiểu ra à thì ra thế ! Nếu Lenin không có cái Thế của Đệ Nhất Thế Chiến thì làm sao thực hiện được học thuyết Maxisms, Mao không có cái Thế của Đệ Nhị Thế Chiến và “cái” Lực của Stalin thì làm sao thống nhất nước Tàu với bàn tay đẩm máu dân lành. Cụ Ngô Đình Diệm không có cái thế "Giải Thực" của Mỹ trở về nước chấp chánh lật đổ Chế Độ Quân Chủ cuối cùng của nhà Nguyễn thì làm sao và thành "Ngô Chí Sĩ" thời đại?  Nhưng Cụ không may mắn để đi hết đoạn đường đại nghiệp Nền Đệ Nhất Cộng Hoà,  Cụ yêu nước, thương dân…Nhưng  vì khi về nước Cụ  không có Lực. Lúc bấy giờ Cụ chỉ dùng được “cái” Lực èo uột của Tây còn sót lại để  đối phó với một thế lực gian manh có tầm vóc quốc tế được đại khối Cộng Sản yểm trợ hùng hậu cho miền Bắc Việt Nam.  

Thế của Hà Nội là từ Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa, các Quốc Gia Đông Âu, Lực thì toàn dân vi phòng, toàn dân vi binh dưới bàn tay sắt máu của Đảng Cộng Sản. “tuân sống chống chết.” Cụ Ngô Đình Diệm, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngay cả Hồ Chí Minh và đám đàn em trong Chính Trị Bộ sau này nữa có biết hay không biết bản thân chỉ là “kịch sĩ” trên “Sân Khấu Chính Trị” bị sự điều khiển của những tay “Đạo Diễn” thực thi "Chính Lược" của những “Ông Bầu Gánh” ?! Chính Lược (Guide Line) cao xa hơn Chiến Lược (Strategy) nhiều bậc, nói chi tới Chiến Thuật (Tactic). Cho nên vì không biết Chính Lược của những Ông Bầu Gánh nên đã có không biết bao nhiêu lãnh đạo các quốc gia nhược tiểu đã trở thành những con Chốt sang sông không bao giờ trở lại đành ôm mối hận nghìn thu nan liễu ngộ …! 
Tôi hỏi Huynh:
-Vậy chứ ai là Ông Bầu Gánh?
-Họ là những bậc Thượng Đại Nhân, không biết tên không biết tuổi có thể đang đánh cờ dưới một chiếc tiềm thủy đỉnh (Submarine) ở dưới  vùng biển sâu nào đó, hay trong một lâu đài hoặc trang trại  trên một hòn đảo xa xôi không có tên gọi niêm yết trên bản đồ thế giới…Nhưng “Họ”đang đánh cờ trên “bàn cờ thế giới” . "Họ" tính toán chi li để giữ con cờ gì hay hy sinh con cờ khác để dự tính ván cờ sẽ thắng trong tương lai năm mười năm tới hoặc dài hơn, có khi cả nhiều thập niên hay trăm năm tới… miễn sao thành đạt được kết quả lợi nhuận hậu hỷ cho gánh hát của họ, “chúng sinh”chết  mặc kệ chúng sinh,  “bây chết mặc bây tiền Thầy bỏ túi”. Họ có mặt khắp nơi trên thế giới, từ những lâu đài tráng lệ của các cường quốc hay siêu cường đến những ổ chuột trong hang động sa thạch của Palestine, hay những làng mạc xa xôi hẻo lánh vùng Á Châu như: Lào, Miên, Miến Điện, và ngay cả Việt Nam chí  đến các bộ lạc còn man khai ở Châu Phi. Họ là những cặp mắt, đôi tai thần thông khảo sát để “Ông Bầu Gánh” quyết định có mang “Gánh Hát” tới đó trình diễn hay không, loại tuồng tích kiếm hiệp hay tình cảm xã hội...là tuỳ !

   Thập niên cuối Thế Kỷ 20 (1989) Nga đầu hàng, Tàu phải thay đổi, khối Nato càng vững mạnh, Mỹ Châu, Úc Châu chẳng ai dám rờ tới...bây giờ đầu thế kỷ 21 (2014-2015-2016) nhẩy lên sân khấu với bộ ba “tài tử”: Putin,  習近平 Xí Jìnpíng (Tập Cận Bình), Obama kéo theo Anh, Úc, Đức, Nhật vào vòng chiến. Chiến trường Ukraina chưa ngã ngũ, lại tới Syria, lran qua Turkey, IS, Iran “đụng” Saudi Arabia sẽ diễn biến tới đâu nữa nào ai biết…? Có biết chăng là các "Ngài"đang đánh cờ biết rõ như trong lòng bàn tay đang nắm hột mận “Thiên Hạ Thuỳ Tri Tại Chưởng Trung”…!!! Các Ngài đang dùng máy tính, nếu thua thì thua bao nhiêu, nếu thắng thì thắng bao nhiêu và “tính tố” chi thu bằng hằng nghìn tỷ đô la trên hằng triệu triệu sinh mạng của những nạn nhân…! Họ không màng tới những cuộc chiến tranh cục bộ địa phương giữa chủng tộc với chủng tộc, giữa tôn giáo với tôn giáo vì những tranh chấp quyền lợi, danh vị, lãnh thổ hoặc những va chạm trên các lãnh vực khác. 
  Có một lần tôi hỏi Sư Huynh:
- Thưa Huynh, tôi còn nhớ khi học lớp đệ nhất trung học có môn Triết Học và thường thì tôi trốn học hoặc là vào lớp ngủ gục…Vì tôi học ban B, môn Triết không thích hợp nên tôi không đeo đuổi mặn mà cho lắm. Xin Sư Huynh giảng lại Biện Chứng Pháp và Phương Pháp Luận thật tóm tắt dễ hiểu ?
  Huynh với tay lấy cái bật lửa mồi ống pip Havana pập pập hút vài hơi rồi thư thả thư thả luận:
- Phép Biện Chứng chẳng qua là môn Khoa Học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người, và của tư duy... Từ đó sinh ra Phương Pháp Luận là cơ sở khoa học của việc nhận thức để cải tạo xã hội và thế giới, cung cấp những nguyên tắc nhất quán cho quá trình nhận thức cải tạo một cách toàn diện. Chỉ có khái niệm căn bản như vậy thôi, anh không cần đào sâu vào khu rừng phức tạp khó hiểu theo kiểu Hàn Lâm đó làm gì….! Quan trọng cần chú tâm chủ yếu là sự khác biệt Biện Chứng của Duy Tâm và Duy Vật. Duy Tâm thì chủ trương cải tạo xã hội theo phương hướng toàn diện, triệt để và hướng thượng. Còn Duy Vật thì chủ trương toàn diện triệt để theo phương hướng hủy diệt, phá bỏ toàn diện cái cũ kể cả những truyền thống Văn Hoá tinh hoa tốt đẹp của dân tộc để thay thế vào đó cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa và vẽ vời ra cái Thiên Đường Cộng Sản, ru ngủ con người dần đi vào con đường nô lệ cho Đảng Cộng Sản. Cho nên như anh đã thấy Cộng Sản lúc nào cũng kêu gọi Hòa Bình, cái gì cũng Hòa Bình, Phụ Nữ Hòa Bình, Thanh Niên Hòa Bình, Học Sinh Sinh Viên cũng Hòa Bình nốt…?! Đối với Cộng Sản thì hòa bình chỉ có một nghĩa đơn thuần là tuyệt diệt Thế Giới Tự Do và Tư Bản. Các “Ông Bầu Gánh Tự Do Tư Bản” thừa biết như vậy, nên tương kế tựu kế, “Họ” đã từng bước từng bước thầm lừa đối phương vào cái thế chết tiệt … Cộng Sản  đánh Cộng Sản, thằng lớn chèn ép thằng nhỏ gây nên những xung đột "rỉ máu" xuất huyết rồi kiệt quệ…!  Chủ Nghĩa Xã Hội trở thành xã hơi, Chủ Nghĩa Anh Em trở thành thù nghịch, Thiên Đường Cộng Sản trở thành điạ ngục. Có chiến thắng nào vĩ đại hơn chiến thắng này…là  sau khi giả bộ thua trận ở Việt Nam để Nga - Tàu hiềm khích nhau trong việc tranh giành ảnh hưởng vùng Đông Nam Á, Việt Nam đánh Campuchia, Tàu thọi vào mặt Việt Nam... Con Gấu Nga xuất huyết trầm trọng vì phải chi viện cho guồng máy quân sự to lớn và “nuôi báo cô” cho nhiều quốc gia chư hầu sau phỏng tay “cuộc cách mạng vô sản” đã không thu hoạch được lợi nhuận như toan tính trong giấc mơ đại đồng cũng là bành trướng “Đế Quốc Nga”. Sự vỡ lỡ Tổ Tình Báo-Gián Điệp tại Virginia đã cấy từ mấy thập niên qua tại Mỹ: The American media referred to 1985 as theYear of the Spybecause law enforcement arrested many foreign spies operating on American soil. Although 1985 had been referred to as the Year of the Spy, the preceding year 1984 actually had more arrests for espionage in the United States than did 1985.  Mấy tay súng bá vàng Langley CIA “007 James Bond” thứ thiệt  thính mũi, sáng mắt, tinh xảo và tàn bạo theo qui luật thép đã lùng sục, tróc nã, moi móc tận những hành lang đường hầm từ Virginia chạy luồng qua Maryland vào rừng cây sinh thái thiên nhiên "Take Me Home, Country Roads,Almost heaven, West Virginia, Blue Ridge Mountains, Shenandoah River. Life is old there, older than the trees, younger than the mountains, blowing like a breeze”... những “em” chưa bị  “múm” tháo chạy về những tiểu bang miền Nam: Florida, Texas, California… ngõ hầu bung vào Mexico, Cuba, vùng Caribean để thoát hiểm trở về Nga…Nhưng rồi thiên la, địa võng không du du vậy mà một mảnh tơ hồng cũng khó lọt sổ thiên tào Shooting on the freewayđã xử “đẹp” và gọn theo qui luật bất thành văn. Những quân cờ Domino kéo nhau ngã đỗ dẫn đến 110 nhân vật “Bố Già” quyền lực của Viện Duma Quốc Gia Nga từ chức lui vào bóng tối để Mikhail Gorbachev was the first president of the Soviet Union cầu cứu Mỹ giúp tháo bỏ Communist với lời khích tướng của tổng thống  Ronald Reagan: "Mr President Mikhai  Gorbachev tears down this wall"bên bức tường Tây Bá Linh. Sợi giây xích Cộng Sản vỡ ra từng mắc, Liên Bang Sô Viết đã bị xô ngã trong ê chề xấu hổ …Đức Dalai Lama lãnh tụ tinh thần Phật Giáo Tây Tạng lên tiếng cảnh giác: “Cộng Sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng đôc, sinh sôi, nẩy nở, trên rác rưởi của cuộc đời.”và “Chủ nghĩa Cộng sản sinh ra trong sự nghèo đói, ngu dốt; lớn lên trong sự dối trá, hận thù; chết đi trong sự khinh bỉ và nguyền rủa của nhân loại”…! Trong khi mấy Ông Bầu Gánh khối Tự Do đang “tọa sơn quan hổ đấu” đang kiểm điểm tiền bạc trong ngân hàng để bắt đầu cho các “Ông Trùm” buôn bán vũ khí vay mượn, tăng cường sản xuất máy bay, tàu chiến, xe tank, súng đạn tối tân hơn để kịp cung cấp cho khách sộp là những Ông Hoàng Dầu Thô Á Rập trong vòng vài thập niên tới… Và vài thập niên sẽ tới thời điểm xung đột bùng lên cao các Ông Hoàng Dầu Hỏa sẽ “uýnh”  lẫn nhau bằng “kiếm cung”của Mỹ…!!! Trong ván cờ ngoạn mục này, “Ông Bầu Mỹ” đã gạt những tên Cộng Sản Nga-Tàu tham lam muốn bành trướng  đất, mở biển tràn xuống phương Nam để xây dựng lâu đài trên cát chỉ cần “đi” một con chốt Việt Nam Cộng Hoà bị dìm xuống  sông, một “thánh” Quân Lực miền Nam tử vì “đạo”  ! Ông Bầu Gánh đã dùng Miền Nam Việt Nam như một cái Nhân để ngày nay miền Bắc nhận hậu Quả tiền Cát hậu Hung và  sau cùng Mỹ đã cứu Quốc Quân và thân nhân cho qua định cư khắp 50 tiểu bang tự do…!!!

Dần khởi mão lai thìn nguyệt kỳ                  
Tài tận dân hao thế sự suy
Quyết chiến đê đầu quân huyết chiến
Quốc Quân hãm nịch Quốc Quân di
(Sấm Ký - Nguyễn Bĩnh Khiêm)

(T1nh theo Âm Lịch tháng giêng là tháng Dần nên: Từ  tháng giêng Mậu Dần đầu năm Ất Mão cho tới tháng ba Canh Thìn tức từ tháng 2 - 4 – 1975 Dương Lịch. Thế Sự suy, Dân chúng hao tài, tốn của. Quân VNCH đối đầu Tử Chiến với Bắc Quân Việt Cộng. Quân Quốc Gia (QLVNCH) bị dìm xuống nước cho chết. Nhưng Quân Quốc Gia đi thoát được.)

- Thưa Sư Huynh...lúc nãy tôi có nghe nhắc tới Đại,Trung, Tiểu Biện Chứng là cái gì vậy?
- Là Ông Bầu Gánh, Đạo Diễn và Kịch Sĩ. Là Chính Lược, Chiến Lược và Chiến Thuật!

  Sau gần hai năm khổ nhọc gánh nước bửa củi, dốc hết tâm trí dùi đục mài dzũa kinh thư …Vào một ngày đẹp trời Sư Huynh bảo tôi:
- Thay đồ đi với tôi sang thăm Ông Cụ. Ông Cụ đang chờ.

  Tôi vui lên như đứa trẻ con "mình được lên núi rồi"! Chuẩn bị tâm trí để chứng tỏ mình đã thọ giáo Sư Huynh hai năm đèn sách, luyện nội công chịu đựng nhẫn nhục...nay được giải thưởng lên núi gặp Sư Phụ.
  Cũng cái giọng sang sảng và cũng cung cách như hai năm về trước. Những câu chuyện trên trời dưới đất, chuyện không đầu không đuôi, không đâu vào đâu, cuối cùng Cụ nói với tôi:
- Anh có hai con đường để anh “leo”: Một là trở về cái job kỹ sư của anh, hai là theo con đường cách mạng ?
- Thưa Cụ,...tôi đã quyết tâm rồi.
- Như vậy thì hay lắm !... Sư Huynh của anh đã dạy cho anh “Cửu Chương” toán cộng trừ nhân chia rồi, kể từ đây sáu giờ sáng mỗi ngày, anh đến đây một mình, tôi sẽ dạy cho anh lấy đạo hàm và giải tích phân. Như vậy đi nhá !

  Con đường Cách Mạng chông gai thăm thẳm với những thủ đoạn khôn lường. Sư Huynh đã dạy có 3 cửa học, bây giờ lại thêm ba cách học:
.Nhập Nhĩ Xuất Nhĩ là người vô tích sự,
.Nhập Nhĩ Xuất Khẩu là người khoe hoang khoác lác.
.Nhập Nhĩ Xuất Sự là “Thần Điêu Đại Hiệp”…!!!  
Muốn trở thành Thần Điêu Đại Hiệp thì phải Cách Mạng. Cách Mạng là cắt bỏ cái mạng mình đi để tái sinh lại cái thai cốt mới…và phải Cách Mạng bản thân! Cộng Sản Tàu và Việt Nam mắc phải cái lỗi lầm chí tử là: Lúc khởi thủy thì là đồng chí nương tựa chết sống với nhau làm Cách Mạng Đã Phong Bài Thực gọi là Thư Lại Kết Đoàn. Đến năm 1954 sau hiệp định Geneve, Cách Mạng thành công nửa nước thì bước vào giai đoạn Công Thần Chủ Nghĩa thanh trừng thanh toán lẫn nhau để cũng cố quyền lực độc tôn, độc tài theo kiểu Stalin - Mao gieo bao nhiêu oán hận trong nội bộ của kẻ có công, người có tội. Đến năm 1975, Mỹ đã lừa bàn giao cả Miền Nam cho Bắc Việt,  Hà Nội cười vang đắc thắng ngạo nghễ với sinh tử phù của “anh Cả” Nga Sô tha hồ vơ vét đạp, đồng, đài … món nhỏ thì bê về Bắc,  “đại cục” thì  cống tế dâng biếu cha Nga, khiến cho mẹ Ba Tàu tức lộn ruột, bể phèo non…!!! Chẳng qua là vì lãnh đạo Hà Nội chưa làm Cách Mạng Bản Thân chân chính, cho nên dân oán,dân oan, dân than, dân khổ vì tệ nạn tha hoá và nhu nhược của Đảng trước hoạ xâm lăng kiểu mới của Tàu Cộng. Có nói gì thì cũng quá trễ vì Cộng Sản Việt Nam đã rơi vào giai đoạn Ly Chung Tự Hoại, rồi theo chu kỳ đó các nước Cộng Sản  khác còn lại trên thế giới cũng tương tự như vậy…! Có lẽ giờ này Ông Bầu Gánh đặc trách Á Châu - Thái Bình Dương đang ung dung uống trà, hút Cigar  xem bầy khỉ đang đu dây hát xiệc trên sân khấu chờ khi bức màn nhung hạ xuống khép lại thì mới ra lệnh cho các tay “Đạo Diễn” thi hành vở tuồng mới.

.Hai yếu tố quan trọng cần có và đủ để làm Cách Mạng. Thế và Lực:

  Có Lực mà không có Thế là lực "hẩng". Có Thế mà không có Lực là thế "hờ" (nhờ). Thế có thể tạo ra Lực và ngược lại Lực cũng có thể tạo ra Thế. Hồ Chí Minh đi tìm (nhờ) cái Thế của Mạc Tư Khoa, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp...đi tìm (nhờ) cái Thế của Bắc Kinh, trong khi Cụ Ngô Đình Diệm đi tìm để nhờ cái Thế của Mỹ. Miền Bắc có Lực sẵn là Đảng Cộng Sản Đông Dương, hợp thời hợp thế chuyên nhất chỉ có một Đảng  trong ngoài kết hợp dễ dàng với chiêu bài “Đã Thực” giành độc lập cho Việt Nam. Miền Nam có Lực sẵn nhưng là Lực hổn tạp không hợp nhất, bị chi phối từ nhiều thế lực gây nhiều khó khăn phức tạp cho Cụ Ngô và Mỹ lúc ban đầu. Sự khác biệt ý thức hệ giữa đôi bên đưa đến chiến tranh là điều tất yếu. Ai thắng, ai bại chỉ có Ông Bầu Gánh biết mà không bao giờ để lộ  ra, vì còn phải chuẩn bị cho một sân khấu mới với vở tuồng "Giật Xập Bức Tường Berlin". Bức tường này đổ thì sẽ  cuốn Liên Bang Sô Viết theo giòng sông thời thế. Hà Nội mất cái Thế Mạc Tư Khoa thì cái Lực trở thành hụt "hẫng" có cũng như không, bắt đầu đu dây qua Bắc Kinh dù biết trước đại họa Hán Hóa sờ sờ ra đó cũng đành phải ngậm quả bồ hòn đắng chát chua cay thành vị cam ngọt dù phải mất đất, mất biển….! Con khỉ Việt Cộng đu dây trên sân khấu, chỉ đu qua đu lại, đu lui vào sau hậu trường…Vì không có Ông Bầu Gánh thượng lưu nào lại chịu để  cho thằng hủi chúng nó  mó tay nên không bán Insurance thì vãn hát với  số phận cho loài khỉ  đã an bày:  đu tới   phía trước thì bị khán giả đập vỡ đầu… Trót mang thân phận nàng Kiều đành phải liều nhắm mắt đưa chân cho tên "Mỹ Xâm Lược" nắn thân sờ mó. Nhưng lại bị “xôi hỏng bổng không” muốn làm Điêu Thuyền lã lơi cũng không đạt…! Vì làm đĩ chín phương cũng phải chừa một phương để lấy chồng ! Nay tên “Mỹ Xâm Lược”cũng  chẳng thèm sàm sở mua hoa, “Hắn” cứ “ù ơ ví tình bậu chẳng care” nàng “hot” muốn lấy ta thì phải “ôm” điều kiện là phải dứt khoát “đạp” tống một phát đuổi thằng chồng ve chai lông vịt, giò chú quảy, xíu mại, há cảo Chúng Quả dzìa Tàu thì ta sẽ ban cho hôn thú có giá trị ở Las Vegas Casino !!! Nhưng hơn ai hết nàng Kiều biết rằng cất bước sang ngang lấy chồng “Cờ Huê”mới thì chết lẹ và có thể chết tức tưởi, chết đứng như Từ Hải khi chưa xong chuyến đò ngang, thôi thì cứ cù cưa với chồng Thoòng Dành cũ thì chết chậm hơn, còn có thể tấu tán tài sản tiền bạc, cho vợ bé, con cái ra nước ngoài phòng bị định cư “nhỡ một mai” là thượng sách, sống ngày nào hay ngày đó thì cũng may mắn lắm rồi. Rồi mua tậu nhà cửa, bất động sản, hãng xưỡng, cơ sở thương mại khắp các nơi thị tứ trên đất Mỹ, đầu tư vào những dịch vụ hằng trăm triệu Dollars , dzô cổ phần Mc Donalds hằng tỷ Dollars lo cho con cháu…phủ phê vô tư dzui quá là dzui như hội ca cầm:“ chúc cậu, chúc mợ đặc ngu mà giầu sang phú quí, trên thì chuyên cơ, dưới thì mansion, du thuyền, siêu car Ố là la đời dzui quá xá…”…!!!
Ông Bầu Gánh cũng thư thái hả hê rung đùi mở “Program”  thu tóm “chỉ tệ” Dollars chảy ngược về nguồn :”  Welcome...Welcome…Welcome to my jungle sons:

This land is your (new) land
 and this land is my land
From California to the New York island
From the redwood forest to the Gulf Stream waters
This land was made for you and me
  … “…!!!

   Làm Cách Mạng đương nhiên phải làm Chính Trị, phải lập Ngôn đi tìm  Thế, có  Thế vững chắc rồi mới tạo Lực. Vậy đi tìm Thế ở đâu? Ở đâu cũng được mà phải dựa trên Đại Biện Chứng để gõ cửa đúng chỗ. Nhiều chính khách Việt Nam lưu vong, trí thức khoa bảng, công hầu, khanh tướng cũ chỉ cần đóng năm mười ngàn dollars được dự bữa cơm với Tổng Thống Mỹ, hay được bắt tay chụp hình với nguyên thủ Quốc Gia,  thậm chí với Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu, Thị Trưởng...thì đem về mua khung vàng lộng kiếng  khoe với vợ con xong rồi bắt đầu thành lập Mặt Trận, Đảng, Chính Phủ...hay chỉ liên hệ với  vài ông Tướng Mỹ về hưu, vài tên CIA quèn đã vội vàng “hồ bởi” cất tiếng hót vang tuyên bố rằng chúng tôi đã có Mỹ, hay Pháp, Kampuchia, Lào, Kăngguru...ủng hộ và sẵn sàng lật đổ chế độ bạo quyền Ve Chai (sic) !!! Xét cho cùng thì đó là sự lường gạt Chính Trị không hơn không kém, lại mang thêm cái tội làm mất niềm tin làm thui chột tinh thần chống Cộng Sản của toàn dân…! Hạng người này thường có cái tên mỹ miều là “Việt Gian”. Làm Chính Trị đang khi đi tìm Thế điều cốt yếu quan trọng đầu tiên là phải tìm hiểu sâu rộng Cơ Cấu Chính Trị của “cái” Thế đó nhất là đối với Mỹ. Cụ Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị giết chết bi thảm kéo theo vị tổng thống John F. Kennedy trẻ tuổi, đẹp trai có tài hùng biện cũng vì cưỡng chế lại “program” Việt – Nga - Tàu mà  Ông Bầu Gánh đã lên giàn on the traffic…!  Cố tổng thống  Richard  Nixon đã hứa hẹn những gì với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi áp đặt để ký Hiệp Định Paris năm 1973, rồi phải “từ chức”  vì cái tội “Nghe Lén” ! Cựu tổng thống  George W. Bush tài ba như vậy mà chỉ làm được có một nhiệm kỳ bốn năm rồi về vườn nghỉ hưu, để cho “trẻ” Bill Clinton lên thay thế rồi “cất vó” hiking Hà Nội 36 Phố Phường-Xứ Ngàn Năm Văn Vật có phụ nữ và con nít sơ sinh nứt mắt biết nói là trơn mõm chửi thề “địt mẹ”vô tư như bọn du côn xã hội đen đường phố … Nhưng cho đến khi tổng thống Mỹ Quốc Bill Clinton đọc diễn văn: “ Tôi tin tưởng việc bình thường hoá quan hệ và tiếp xúc Mỹ - Việt sẽ thúc đẩy sự nghiệp tự do ở Việt Nam như đã từng diễn ra tại Đông Âu và Liên Sô cũ “ và “ …những người Mỹ đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh tại Việt Nam đều là vì sự Tự Do và Độc Lập của nhân dân Việt Nam”… Và đặc biệt là hình ảnh rất đẹp của đệ nhất phu nhân Hillary Rodham Clinton trong chiếc áo mầu Vàng mang nhiều ẩn nghĩa như ngầm chuyển tới quần chúng Việt Nam một “thông điệp” trong bữa tiệc Quốc Yến do chủ tịch nước Trần Đức Lương khoản đãi .  Đây mới đích thực là Lý Tưởng cao đẹp của Nữ Thần Tự Do mà người Việt nên tìm hiểu để không có nhận định lệch lạc, sai lầm “chết người” và tỏ ra thái độ cao ngạo ra chiều thông thái cũng là bệnh chứng của phường tục nhân viết bài phê bình rủa sả Mỹ không tiếc lời trên phương tiện truyền thông, báo chí thường ngày tại phố nhỏ Bolsa “trung tâm báo chí” của người Việt tỵ nạn đa sự với những nhân viên trong ngành Công An Nghiệp Vụ từ trong nước gởi qua để điều động công tác tuyên truyền và nhả nọc độc như loài rắn rít nhưng hành sự lén lút, thập thò như đám dán  ngày. Bọn chúng gian manh, xảo quyệt và rất thích chơi game với thân không cần đeo phao nổi, nhẩy từ Helicopter xuống  biển sâu vật lộn  với cá  mập vào những đêm không trăng sao ở đại dương vắng vẻ không có bóng dáng người lai vãng khi  tên được lên list phong thần…!!!

 Cơ quan Lập Pháp quanh năm suốt tháng lãnh lương để ký bills , Tư Pháp thì chờ để xử các vụ trốn thuế hằng tỷ dollars, các Tướng biên ải hai ba sao ngoan như cừu non, chỉ sơ tâm cao hứng tuyên bố vung vít vài câu không xuôi là về vườn đuổi gà ngay tức khắc, “Đệ Tứ Quyền” truyền thông báo chí rập theo một khuôn mẫu dưới sự chỉ đạo xét nét của tai mắt Ông Bầu đặc trách lãnh vực này. Tất cả cơ cấu quyền lực này nằm trong tay của một nhóm người mà “người ta” thường gọi là Chính Phủ Vô Hình (Invisible Government) hay Expert, Think Tank, Black Dragon chứ không phải Freemasonry, Illuminati,Skull and Bones, TheCouncil on Foreign Relations (CFR) hay CIA, FBI hay các nhà tài phiệt Tư Bản (Capitalist) và cũng không phải là nhóm con buôn Do Thái…  Nếu “bé cái lầm” và nhầm tưởng  bở  dựa hơi, bỗng nhiên “đại ngộ” độc  nguỵ thư, “tư liệu”, khám phá  xó bếp…rồi  ba hoa, láo lếu  tuyên bố hiểu biết cơ cấu Siêu Quyền Lực (Trung Tâm Quyền Lực) này thì là “xạo hết chỗ nói”…!!! Đã nói là vô hình thì làm sao Thấy và Nghe mà quờ quạng , quơ quào tiếp xúc được ? Vì Ông Bầu ở trên “Giời”  cao  với đôi mắt cú  vọ chiếu xuống  trần thế  soi rõ tới gầm giường  cần xem …Nên “Ổng” biết người  người mà  người không  biết “Ổng” là ai ? “Nếu cần làm một chuyến thăm dân gian cho thấu sự tình, “Thần Nhân” cho  “Cẩm Y Vệ” tâm phúc clear up  để  “Người” ngao du tự tại sơn thuỷ  như:  một gả  ăn xin homeless vô gia cư  đang ngồi trước hang động của lãnh tụ Palestine hay trong tư dinh của tay  trùm khủng bố, hoặc là một gia nô trong lâu đài tráng lệ của  Sadam Hussen, là một thông dịch viên cho các nguyên thủ siêu cường, là một bác sĩ chuyên gia đấm bóp cho Putin, hảo hớn  Xì JinPing, hay một cô đào, một kép hát, một nhiếp ảnh gia chuyên chụp hình mấy con gấu bắc cực, mấy con sư tử no phưỡn đang há  mồm ngủ say, mấy con rồng lộn Air Việt Nam…Mấy  “BlackDragon” cứ lang thang vào những chốn sơn cùng thủy tận xem địa lý chỗ nào có mỏ Uranium, dầu thô ,khí đốt, vàng, bạc, diamond, đá quí, … là “Ổng” cất chòi ở ngay tại chỗ…Tuy mộc và chân quê như thế ! 

Nhưng nếu cần “hộ giá” thì lệnh truyền cho “Cẩm Y Vệ” hạ “chiếu chỉ”  sai khiến cho tất cả Hải Lục Không Quân  có thể “uýnh” tan tành quốc gia lỡ dại “phạm thượng”. Họ đặt cái tên rất ngộ nghĩnh cho “Gánh Hát” của họ là “KIM TỰ THÁP” . Họ ngồi trên đỉnh tháp với bốn nền mống  trụ  vững  chắc như dãy núi rocky mountain đã ăn sâu vào từng thớ đất Dân Mỹ đã trãi qua gần 300 năm lập quốc, 4 nền móng chân trụ: Mỹ Châu, Âu Châu, Úc Châu, Á Châu, với một nền tảng vững chắc là Tư Bản và với Motif  Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền. Nhưng Á Châu vẫn còn dây dưa xáo trộn vì ý thức hệ…Đó là lý do tại sao Tàu và Nga vẫn bị "bao vây", không ra biển, không lên non được, không phát uy tiềm năng quân sự để áp chế các thế lực khác được mà chỉ loanh quanh trong nhà và sau vườn của “mình” thôi ! Nếu muốn vươn mình cạnh tranh thị trường thế giới thì phải chịu lép vế với các siêu cường khác. Đó cũng là lý do các quốc gia Khối Á Rập triền miên xung đột lẫn nhau vì nguồn lợi dầu hỏa, chỉ trừ một số nước nhỏ bé nhưng giàu tài nguyên, tiền bạc  như Qatar,  Dubai - United Arab Emiratesđược  ô dù bao che của “Ông Bầu Gánh”  an toàn trên xa lộ vì có Insurance bảo hiểm hai chiều, luôn có Submarine túc trực nhỡn nhơ “bơi lượn” thao dợt với đoàn cá heo bảo vệ tận răng . Bất cứ tàu bè nào có mang cờ Mỹ không ai dám sờ mó tới, điển hình nhất là chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư với "Flag Chip" 50 ngôi sao, sọc lục bạch thất hồng…!!!.

  Họ mang gánh hát tới đâu là có chiến tranh ở đó. Chiến tranh ngày nay không hẳn là choảng nhau bằng súng đạn mà trên nhiều lãnh vực khác. Cờ Quốc Gia của họ là sáu vạch trắng trên nền đỏ tượng trưng cho Lục Dân: Dân Tộc, Dân Đạo, Dân Sinh, Dân Văn, Dân Trị và Dân Vực. Họ “đâm bị thóc, chọc bị gạo” thọc mạnh vào các Dân này của thế giới Cộng Sản và Hồi Giáo thì đối phương không bị vướng dính vào cái này thì cũng mắc  kẹt vào cái kia…?!!! Đúng như lời Lenin đã nói: "…muốn khống chế một nước khác, việc đầu tiên là phải gây phân hoá rồi đi đến xung đột lẫn nhau...". Chỉ cần nhìn qua nước Tàu thôi, ta cũng thấy rõ được điều đó. Nước Tàu vốn là một quốc gia Ngũ Tộc: Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng và chỉ riêng khía cạnh phức tạp của va chạm Dân Tộc thôi là thùng thuốc súng bùng nổ lúc nào không ai biết…?  Nhưng chưa xẩy ra vì Dân Trị là bàn tay sẽ vấy máu nhiều triệu dân tả pín lù “Trung Quốc” thây chết phơi đầy chiến địa kinh khiếp …khiến “tác giả” vỡ bi kịch dợm ngừng tay, đã vậy vì lãnh đạo tham ngu nên  xây dựng Đập Tam Khẩu để dành cho con dân “đại Hán” bơi trong cơn lũ Hồng Thuỷ tân thời thăm Hà Bá “cỏn mí dzẹ”… đau thương thay tương lai Ba Tàu nào ai biết , nào ai hay, nào ai dám chơi cho banh xác pháo (đập):

Võ thông yên thuỷ  thần kinh
Lúc lâm trận chiến mới rành biến cơ …!!!
(Sấm Ký - Nguyễn Bĩnh Khiêm)

 .Chính Trị Bộ Hà Nội Ơi!

  Sau 1975 “Giải Phóng Miền Nam” ăn no của bở rồi theo tiến trình Sinh Lão Bệnh Tử những “đỉnh cao trí tuệ” xuôi nhị tỳ thăm “bác” như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẫn, Phạm Hùng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, … khi còn sống và đấu tranh “đánh Mỹ cứu Nước” Tàu  ít nhiều cũng có bản lãnh và tính chất cách mạng dù ngu xuẩn sai lầm …Nhưng với đám lãnh đạo hoạn lợn, cạo mủ, vô học, ngu dốt từ chủng tử tiền kiếp tiếp nối như: Lê Đức Anh, Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang …thì thật ôi thôi chỉ rạc là bọn lưu manh, gian tham, điếu đóm, ma cô quen thói giết người, cướp của, dẫy đầy mặc cảm tự ti vốn xuất thân từ  phường vô học, chữ  nghĩa mù  mờ,  tổ tiên mồ mả nhà chúng từ căn cội lực điền, cày thuê, ở mướn…Nếu không nhờ “hồng phúc” giời bỗng ban bàn độc để nhẩy phóc ngang lưng quần thì có nằm mơ giữa lòng tay Phật cũng không có được quan chức khệnh khạng ngày nay …nên mau vội  tậu vài cái bằng cấp từ lò ấp Tiến Sĩ, Phó Tiến Sĩ, Thạc Sĩ ngành Công An học tại chức cho ra vẻ bớt nhà quê một cục, trong khi cổ đang kề dưới hai gọng kềm của hai thế lực ngoại bang, chết chậm hay chết mau thôi…!!!  Thôi…thì để “ta” chỉ đường tăm tối là nên lấy “chỉ tệ” Dollar đốt làm đuốc mà tìm những tay “Đạo Diễn” sẽ link tới “Giời” cao  để hoạ may được gia giảm tội mà thoát được Thiên Đường Cạn Sống hoạ cho chúng bây mà phúc cho Dân lành !!! Chúng tôi là "Bên Thua Cuộc" bị chôn rồi mà chưa chết, còn  đám ve chai “thượng đại nhân bất nhân” có tiên liệu hay không “Bên Thắng Cuộc” bị “xử” chết rồi mà chưa chôn đó thôi ? “Chuyện  Xưa Tích Cũ” chúng tôi do “duyên Nước phước Nhà” mà từ thân phận loài chim se sẻ nhỏ bé bi thương bay tứ phương trốn chạy cơn lửa cháy rừng ngõ hầu tìm được trú xứ bình an sinh sống. Nhưng tâm tư như loài cá hồi (salmond fish) cứ mãi canh cánh tìm về nguồn cội và xa lánh thú phồn hoa, ẩn cư âm thầm học luyện để vượt vũ môn và may thay “Cao Xanh” đã ghé mắt cho bước tới  cửa Thiên Đường và  “mớm” chỉ bày, rèn truyền học thuật nan hành khổ hạnh, ngậm ngãi tìm trầm nơi chốn thâm lâm “giang hồ tịch mịch  vô nhân vấn – Duy hữu ngư ông thức đắc tình”…Chúng tôi cũng phải tự học “Phép” của Thầy là tự phải bắt chước loài Chim Ưng (biểu tượng của nước Mỹ) chúa tể của bầu trời khi cảm thấy lỗi hư thân như lớp già lão cỗi nặng nề thì phải tự tìm nơi núi ghềnh cao vời vợi mà tự bức nhổ lớp lông già để thay lớp lông óng mượt mới, bẻ móng chân còi lụt để thay vuốt sắc bén mới, đập bỏ chiếc mỏ già nua để thay mỏ cứng mới…thay hình đổi dạng khoẻ mạnh, trẻ tinh anh, bén nhạy vỗ cánh lao vào giông bão như “bước” vào “cuộc chơi” …!!! Ông Bầu Gánh bảo chúng tôi:”The Sound Of Silence"đã qua hơn 30 năm dài trong quẻ “Phục” chờ:

Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
Trong đau khổ không lời
Phục sẵn toàn sấm sét
Trong lớp người đói rét
Phục sẵn những đoàn quân
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử
(1976-Vô Đề - Khuyết Danh)

Ý Dân là Mệnh Trời sẽ quật khởi nổi dậy thành Thế, Cơ,  Sức Lực của Dân là sấm sét, bão tố, sóng thần, lửa cháy dậy trời để lật đỗ và thiêu đốt bè lũ hại Dân, bán Nước…

Anh Hùng dậy khắp miền lau lách
Tuấn Nghệ ra đầy chốn giáp lân
(Sấm Ký - Nguyễn Bĩnh Khiêm)

Chúng tôi vô chi địa dụng võ nên thiện tàng và “Phục”:

Bình minh* tới, bình minh sẽ tới…?
Tôi mong mãi một tiếng gì như tiếng ầm vang của biển
Đồng bào của tôi cũng mong như thế
Tôi lắng nghe…
Hình như tiếng ấy đã bắt đầu…
(1972-VôĐề - Khuyết Danh)
(*BìnhMinh-Aurora F117stealth fighter: The Pentagon's Secret Hypersonic Spyplane Mil-Tech Series ).

    Dẫu sao tôi vẫn tạ ơn Thầy, tạ ơn Huynh đã "khai trí, khai nhãn, khai nhĩ, khai tâm” cho tôi để giữ một lòng sắt son không nghiêng ngã với quyết tâm  "Quân Tử Bất Xử Nhị Quân"trong đêm đen ngước nhìn sao trời chập Tâm thức Sátnaở nơi nầy, bây giờ và như nó đang là…rồi xã trở lại đời thường với tâm phàm nhân có vây quanh nhiều tục luỵ, bất chợt tôi nguyện thầm:” tôi chẳng đáng Chúa ngự vào nhà tôi, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn tôi sẽ lành mạnh”…Chính Trị ở Trí và qui luật của “nó” với riêng tôi rất vô tình, tôi vẫn thích Thi Ca vì “nó” là  Tình ở trái Tim và dẫu sao đã “nói” Dân Việt tự xưa đã là một Nòi Tình. Vì vậy trong bài viết Sân Khấu Chính Trị nầy có “bóng dáng” của Thi Ca như là hồn Trinh dâng hiến chút mật ngọt cho đời chưa bước vào cuộc chém giết tử sinh.  Cuối bài viết tôi muốn gởi tới tác giả Trần Đĩnh – Đèn Cù: Năm 2005 khi ông sang Mỹ thăm gia đình cô em gái út ở căn nhà Townhouse đường Stevenson, Fairfax, VA  với thời gian ngắn “tham quan” nước Mỹ có người em rể: Sĩ Quan Không Quân Việt Nam Cộng Hoà ngay trong lễ cưới đã lớn tiếng hạch hỏi thủ tướng Phan Huy Quát:” Tại sao ông bán đất cho Mỹ…”…? Ông đã chạm ngõ “Thiên Đường”.  Ông Trần Đĩnh, cả đời tài hoa oan nghiệt của Ông đã trải qua bách chiết thiên ma như định mệnh thách đố trêu người vượt Vũ Môn …Nay với tác phẩm Đèn Cù bóc mẽ, phơi bày sự thật trần truồng nhân sự Đảng Cộng Sản Bắc Việt  cho Lịch Sử . Đèn Cù rất Sáng. Ý tại ngôn ngoại giữa khoảng không hai hàng chữ.

Mũđỏ Trương Văn Út(Útbạchlan). Viết xong Tháng 4 Năm 2016.

  
    

.


__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

TÔI ÐÃ GIỮ ÐƯỢC AN-NINH* CHO VÙNG I TRƯỚC THÁNG TƯ ÐEN 1975

$
0
0
 
TÔI ÐÃ GIỮ ÐƯỢC AN-NINH* CHO VÙNG I
TRƯỚC THÁNG TƯ ÐEN 1975

   
        Cuối năm 1973 (ngày 26-9), tôi đến Vùng I đảm-trách Ngành Ðặc-Biệt tại đây.

        Ngay lần đầu tiên tôi dự phiên họp hỗn-hợp với các cấp chỉ-huy an-ninh, tình-báo và phản-gián dân-sự và quân-sự tại địa-phương (Đại-Tá Phạm Văn Phô, Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn I; Đại-Tá Lê Quang Nhơn, Chánh Sở I An-Ninh Quân-Ðội; Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng I; v.v...), Thiếu-Tướng Hoàng Lạc (Tư-Lệnh-Phó Quân-Khu I, đại-diện Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân-Đoàn I & Quân-Khu I), cho biết tình-hình chung, nhất là ngay giữa và xung quanh thành-phố Ðà-Nẵng (nơi Quân-Ðoàn I và Quân-Khu I đặt tổng-hành-dinh, nơi bây giờ là thủ-phủ cuả Miền Trung) với các vấn-đề cụ-thể như sau:

        Kho xăng lớn nhất cuả Quân-Khu I ở Liên-Chiểu, sát bên chân đèo Hải-Vân, đã bị Việt-Cộng tấn-công mấy lần rồi;
        Các bồn xăng dự-trữ quan-trọng khác, ở giữa nội-thành, cũng đã bị đặc-công Việt-Cộng cắt rào thép gai dở chừng;
        Xe lửa từ Huế vào khỏi hầm Ðèo Hải-Vân là bị Việt-Cộng giựt mìn đều đều;
        Ðặc-biệt ngay ở phiá nam Núi Ngũ Hành-Sơn, trực-thăng cuả Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng cũng thường bị Việt-Cộng bắn sẻ, nên ông phải tránh vùng đó bằng cách bay vòng ra xa, v.v...

       Tôi không cần thắc-mắc tại sao cả một Quân-Đoàn đóng ở đó, mà các cơ-quan và đơn-vị Quân-Lực và Cảnh-Lực sở-tại đã không thanh-toán được các ung-nhọt kinh-niên này.

       Tôi liền tự-nguyện đảm-trách việc phục-hồi và bảo-đảm an-ninh lâu đài cho các nơi kể trên.

       Tôi còn đề-nghị để cho Cảnh-Lực nói chung, mà thật ra là Ðặc-Cảnh cuả tôi nói riêng, do tôi đích-thân nhập-cuộc, đảm-nhận vai trò chủ-trì trong các hoạt-động cả chìm lẫn nổi, tiễu-trừ cộng-sản và duy-trì an-ninh lãnh-thổ, trên bất cứ vùng đất nào có thường-dân cư-trú và sinh-hoạt, bắt đầu từ các Thị-Xã, Tỉnh-lỵ và Quận-lỵ, trên khắp Quân-Khu.
        Tôi chỉ xin một chữ ký cuả Tư-Lệnh Quân Ðoàn I và Quân-Khu I, thông-báo việc này cho hết thảy các cơ-quan và đơn-vị quân-sự trên toàn Vùng I đều biết để tuân-hành.

        Sau khi Trưởng Phòng 2 và Chánh Sở An-Ninh Quân-Ðội hoan-nghênh, Thiếu-Tướng Tư-Lệnh-Phó Quân-Khu tán-đồng, Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân Ðoàn I và Quân-Khu I, đã chấp-thuận đề-nghị ấy cuả tôi.


Một cuộc hành-quân “gương-mẫu”


         Khi tôi xuống sân thì có thể nói là hầu hết các cấp nam+nữ nhân-viên tại Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng I đều đổ dồn ra mọi cửa lớn và cửa sổ để xem quang-cảnh mới+lạ mới thấy lần đầu.
         Bên này là hai trung-đội Cảnh-Sát Dã-Chiến, khác hẳn trung-đội danh-dự trong lễ thượng-kỳ mỗi sáng đầu tuần, vì có mũ sắt trùm lưới ngụy-trang và mang ba-lô hành-quân, với vẻ mặt nghiêm lạnh khác thường.  Bên kia là hai toán Thám-Sát Ðặc-Biệt, mặc áo quần Cảnh-Sát Dã-Chiến, nhưng đội bê-rê màu xanh lá cây cuả Lực-Lượng Ðăc-Biệt và được trang-bị nhiều loại súng máy lạ mắt.  Phiá trước là một toán Ðặc-Nhiệm cuả Sở Tác-Vụ mặc giả thường-dân:  đồ đen, đồ nâu, mũ vải, nón lá, dép nhựa, giày bố...

         “
Thám-Sát Ðặc-Biệt” là danh-xưng mới cuả “Thám-Sát Tỉnh” (PRU: Provincial Reconnaissance Unit) do cơ-quan CIA trực-tiếp tổ-chức và sử-dụng, bí-mật đột-nhập căn-cứ Việt-Cộng, do-thám, phục-kích, tấn-công, kể cả bắt cóc đối-phương.  Sau Hiệp-Ðịnh Ðình-Chiến Paris 1973, Thám-Sát Tỉnh được chuyển-giao cho các Tỉnh-Trưởng; nhưng các Tỉnh-Trưởng không cầm nắm được họ.  Sau đó, CIA chuyển-giao cho Cảnh-Sát Quốc-Gia; Bộ Tư-Lệnh CSQG giao cho Khối Hành-Quân là nơi điều-hợp Cảnh-Sát Dã-Chiến và Giang-Cảnh; nhưng nơi đây không biết sử dụng PRU cách nào cho phù-hợp với nhau.  Cuối-cùng, PRU được giao cho Ngành Ðặc-Biệt (Cảnh-Sát Đặc-Biệt), và mang tên “Thám-Sát Ðặc-Biệt.  Nhưng Cảnh-Sát Quốc-Gia và Ðặc-Cảnh vẫn để cho Thám-Sát Ðặc-Biệt được bán-tự-trị (quản-trị nhân-số, lương-bổng, v.v...) và hoạt-động riêng, như hồi còn là PRU.
         Nhận thấy đó là lực-lượng hữu-ích mà tôi cần có, như những đơn-vị biệt-kích cuả Công-An ngày xưa, nên tôi đích-thân trực-tiếp sử-dụng, không để phí phạm tiềm-năng cơ-hữu cuả Ngành mình.
        Kể từ dịp này, tôi cho các cấp chỉ-huy Thám-Sát Đặc-Biệt được mang cấp-hiệu giống như Cảnh-Sát Quốc-Gia, để có uy-tín trong cuộc hành-quân phối-hợp, và người dẫn đầu của đơn-vị ấy hôm đó là “Đại-Úy” Trần Văn Phú (2), Chỉ-Huy-Phó của Liên-Đội TSĐB Vùng I dưới quyền tôi.         
        Cảnh-Sát Dã-Chiến thì thỉnh-thoảng cũng có đi hành-quân, nhưng hoặc là dưới quyền Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Sát Sắc-Phục, hoặc là dưới quyền Uỷ-Ban Phụng-Hoàng, tuy có Ðặc-Cảnh tham-gia nhưng không thuộc quyền chỉ-huy cuả Ðặc-Cảnh, nên không khai-dụng được tin-tức tình-báo cấp-thời.  Tôi muốn kiêm phần trực-tiếp điều-động lực-lượng ấy trong các hoạt-động chống Cộng để tận-dụng và phát-huy tiềm-năng cuả mọi người.

        Tôi có thể tập-trung các bộ-phận Biệt-Tác, Ðặc-Nhiệm, và Thám-Sát Ðặc-Biệt, thuộc Ðặc-Cảnh, tại bất-cứ địa-điểm nào khác, để làm nơi xuất-phát; nhưng tôi cố ý trình-diễn như thế là để nói lên cho mọi người biết rằng:  Cảnh-Sát Dã-Chiến cũng phải hành-quân diệt-Cộng; các đơn-vị thuộc các Khối khác nhau cuả Cảnh-Sát Quốc-Gia cũng có thể phối-hợp công-tác với nhau; và từ nay tại Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Lực Vùng I đã có người đứng ra tổ-chức và điều-hợp các hoạt-động chủ-động và tích-cực rồi (điều mà các nơi khác chưa ai làm).  Vì thế, chúng tôi gọi đây là một cuộc hành-quân gương-mẫu.

        Tôi đích-thân đi đến Xã Hoà-Long, thuộc Quận Hoà-Vang, Tỉnh Quảng-Nam, ủy-nhiệm cho Thiếu-Tá Ngô Phi Ðạm (Chánh Sở Tác-Vụ cuả Nha Ðặc-Cảnh) điều-khiển các đơn-vị khác nhau phối-hợp với nhau, bố-trí công-tác cho từng bộ-phận và cả từng cá-nhân tham-gia cuộc hành-quân này.

        Ðây là khu-vực Việt-Cộng nấp lén bắn súng lên trực-thăng cuả Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, bao gồm những rừng cây rậm-rạp, xen lẫn với những tảng đá, ngôi mộ, hào rãnh, lều chòi, từ phiá nam Núi Non Nước vào đến ven làng.  Việt-Cộng không ám-sát, bắt cóc, phục-kích, tuyên-truyền, thu mua; chúng không trực-tiếp nhắm vào đối-tượng trên đất, mà chỉ nhắm vào mục-tiêu trên không:  ấy là nhân-vật quan-trọng số một cuả toàn Quân-Khu.  Muốn làm việc đó, chỉ cần vài tay thiện-xạ, am-thạo ngõ-ngách xung quanh để dễ tháo lui, có chỗ cất giấu súng đạn an-toàn, có thể nấu nướng ăn uống tại chỗ để khỏi về nhà, và hẳn là có những đồng-loã canh gác cảnh-giới mọi sự bất-thường.  Chúng có thể dùng ngụy-thức làm ruộng, làm rẫy, giữ bò, chăn dê, tát cá, bắn chim, câu ếch, bẫy cu...

        Trong cuộc hành-quân này, chúng tôi không tấn-công, đột-nhập, chạm súng; mà chỉ áp-dụng các kỹ-thuật chuyên-môn về mặt chìm cuả Ngành mà thôi.
        Về mặt nổi, chúng tôi đã khám-phá ra được, cuả đặc-công Việt-Cộng, nhiều chốt điểm quan-sát, hang hốc nấp-ẩn, lối nẻo thoát-thân; cũng như lùng tìm, tịch-thu được cuả chúng nhiều vũ-khí, lương-thực, v.v... cất giấu rải-rác xung quanh...

        Ðặc-biệt là tôi chưa nhờ địa-phương, nhất là bên phiá Quân-Lực, tiếp sức, như Bộ Tư-Lệnh Quân Ðoàn I & Quân-Khu I đã chuẩn-y; nhưng khi thấy chúng tôi đến hoạt-động, các nhân-viên Cảnh-Sát Xã và nhiều Nghiã-Quân đồn-trú gần đó đã tự-động đến tham-gia.


Các cuộc hành-quân “gương-mẫu” tiếp theo


        Sau đó, tôi cho học-tập để rút kinh-nghiệm, và hướng-dẫn thêm, để Sở Tác-Vụ của Thiếu-Tá Ngô Phi Đạm (1) tự mình làm theo những gì tôi đã đề ra .
        Tôi đã tổ-chức hành-quân như thế tại Liên Chiểu, thiết-lập màn lưới an-ninh, tình-báo và phản-gián quanh vùng Kho Xăng cuả Quân-Khu.
        Ðặc-Cảnh Vùng I chúng tôi cũng làm một việc tương-tự kéo dài từ bên ngoài Ðèo Hải-Vân, thuộc hoạt-vực cuả Tỉnh Thừa-Thiên, vào quá bên trong Ðèo ấy, thuộc lãnh-thổ cuả TỉnhQuảng-Nam, để phục-hồi an-ninh cho các chuyến xe lửa từ Huế vào trong này.
         Nhiều toán Nghiã-Quân và một số Ðịa-Phương-Quân ngoài này cũng tự-nguyện đến hợp-tác với chúng tôi.
         Về các Kho Xăng phụ, ngay giữa thành-phố 
Ðà-Nẵng, thì công-tác cuả các thuộc-viên cuả tôi được thi-hành dễ-dàng và nhanh-chóng hơn.


Tôi đã giữ được an-ninh cho toàn Quân-Khu I


        Khi các kế-hoạch cuả tôi đã được tiến-hành trôi chảy, nhanh chóng, tại Ðà-Nẵng và các vùng xung quanh, tôi cho áp-dụng tại khắp các Tỉnh khác, từ Quảng-Trị, Thừa-Thiên, vàoQuảng-Nam, Quảng-Tín, Quảng-Ngãi.
        Các Chánh-Sở Ðặc-Cảnh cấp Tỉnh nói trên đều là thành-phần ưu-tú.   Họ có đủ khả-năng nghề-nghiệp, tinh-thần chống Cộng, và quyết-tâm phục-vụ; nhưng vì còn gặp hoàn-cảnh khó-khăn và chưa có đủ phương-tiện làm việc thích-ứng, nhất là không được các giới-chức cao hơn, từ Trung-Ương đến cấp Vùng (đáng lý là có vốn liếng điều-nghiên, có đầu óc sáng-tạo, và có ý hướng tiền-phong) bật đèn xanh cho, nên trước đó đã chỉ đóng khung công-tác hằng ngày, dù là tích-cực, trong lề lối hành-sự thông-thường theo sáng-kiến và nỗ-lực riêng của mình mà thôi.

*
        Tôi nhận-định rằng cộng-sản không phải chỉ là các đơn-vị quân-sự hay các lực-lượng vũ-trang phục-kích, tấn-công, pháo-kích chúng ta mà thôi.
        Do đó, dù không có các lực-lượng chính-quy làm gió bão thì chính các tổ-chức chính-trị và dân-sự cuả chúng cũng vẫn là những ổ ẩn và nôi nuôi cho các loại mối mọt và dịch-khí, đủ sức đục rỗng, xoi mòn, làm sụp đổ nền-móng cuả Quốc-Gia.
        Ði vào thực-tế mới thấy, Quân-Lực chỉ mới đối-phó hữu-hiệu với các đơn-vị quân-sự cuả địch trên các chiến-trường mà thôi; còn thì bỏ trống phần lớn lãnh-thổ cuả ta:  các đại đơn-vị khi hành-quân xong thì về doanh-trại; Ðịa-Phương-Quân cuả Quận, Nghiã-Quân cuả Xã, phần lớn co cụm trong trụ-sở Chi-Khu, trong đồn, cố-thủ trong vòng rào vọng gác, nhất là ban đêm.  
        Mình không hiện diện bên ngoài để bảo-vệ dân, làm sao mong dân bên ngoài tay không mà bảo-vệ cho mình bên trong?
    
        Trong vụ VC "tổng tấn công" Tết Mậu-Thân tại thành-phố Pleiku (nơi trú-đóng của Bộ Tư-Lệnh Quân-Ðoàn II, và là thủ-phủ cuả Vùng II, dưới thời Trung-Tướng Vĩnh Lộc, thời-gian tôi coi Ngành Đặc-Cảnh tại Vùng II), ngót cả tuần-lễ không thấy một người lính Bộ-Binh nào, kể cả Cảnh-Sát địa-phương, ra hoạt-động ban ngày chứ nói gì ban đêm.  Tôi phải tự-nguyện đích-thân xuống phố, điều-động Sở Tác-Vụ cuả Biên-Tập-Viên Nguyễn Văn Ðộ, (sau này là thiếu-tá, Chánh Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Khánh-Hòa) thuộc Ngành Ðặc-Cảnh Vùng II cuả tôi, thức suốt mọi đêm để tuần-tiễu, cứu-cấp đồng-bào bị hoả-tiễn cuả Việt-Cộng liên-tục bắn vào, chữa lửa, cô-lập các nơi có hoả-tiễn chưa nổ, kiểm-chứng tại chỗ để giúp Không-Quân khỏi xạ-kích lầm xuống thường-dân vẫn luôn cuống-quýt kéo nhau di-chuyển chỗ ngủ hỗn-loạn trong đêm khuya...

        Lúc ấy Hoa-Kỳ chưa đề-xuất Kế-Hoạch “Cảnh-Sát-Hoá”, mà tại thủ-phủ cuả Vùng II tôi đã chứng-tỏ được là Cảnh-Lực có thể làm được nhiều việc tiếp tay với Quân-Lực, bảo-vệ an-ninh cho đồng-bào.  
        Nay thì, dù cho Kế-Hoạch ấy đã bị các nhà lãnh-đạo Việt-Nam Cộng-Hoà bức-tử, tôi thấy nó vẫn có giá-trị lớn-lao, nên tôi liều-lĩnh đơn-phương thi-hành trong phạm-vi quyền-hạn cuả tôi.
        Và kết-quả là...
*  
        Ngoài các thành-quả công-tác khác, riêng về vấn-đề phục-hồi và duy-trì an-ninh cho các vùng đất có dân-chúng cư-ngụ và sinh-hoạt trên khắp lãnh-thổ toàn Vùng I, tôi đã đạt được kết-quả:

BÁO-CÁO ĐẶC-BIỆT

A. CỘNG-SẢN VIỆT-NAM: 
         An-Ninh 
        1- Ðã hạ-sát 20+ VC; bắt sống 63+ VC; chiêu-hồi 135+ VC.
        2- Ðã phá vỡ 10+ tổ-chức VC khủng-bố, phá-hoại, trinh-sát, dân/địch-vận, võ-trang tuyên-truyền, v.v...
        3- Ðã khui phá 5+ hầm bí-mật VC; tịch-thu của chúng 20+ hỏa-tiễn 122 ly, 11+ AK-47, 6+ CKC, 10+ súng lục nhiều loại, 32+ lựu đạn, 3+ tấn gạo, v.v...
        4- Ðã bắt giữ 6+ tổ-chức tiếp-tế, 2+ đường dây kinh-tài VC; tịch-thu của chúng 2+ tấn gạo, 1,000+ Mỹ-kim...
        5- Ðã phá vỡ ổ đặc-công VC vùng nam Núi Ngũ-Hành-Sơn, vốn thường-xuyên bắn sẻ lên phi-cơ trực-thăng của Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân-Đoàn I và Quân-Khu I.  
        Kể từ cuối năm 1973, đã tái-lập và duy-trì an-toàn 100% cho đường bay của Tư-Lệnh Quân-Đoàn/Quân-Khu I khắp vùng nói trên.
        6- Ðã thanh-toán xong các phần-tử đặc-công VC nội-thành Ðà-Nẵng
        Kể từ cuối năm 1973, chúng không còn cắt rào thép gai định vào phá-hoại các bồn xăng dự-trữ của ta.
        7- Ðã chận đứng vĩnh-viễn mọi nỗ-lực của đặc-công VC vùng nam Đèo Hải-Vân.  
        Kể từ cuối năm 1973, chúng không còn tấn-công Kho Xăng lớn nhất của Quân-Khu I ởLiên-Chiểu, sát Đèo Hải-Vân.
        8- Ðã chấm dứt tức-thì mọi toan-tính của đặc-công VC vùng bắc Tỉnh Quảng-Nam vốn giật mìn đều đều các chuyến xe lửa, giết hại hành-khách thường-dân, hằng ngày từ Huế vào.
        Kể từ cuối năm 1973, đã tái-lập và duy-trì an-ninh 24/24 giờ trên tuyến thiết-lộ này.
        9- Ðã triệt-tiêu mọi hoạt-động khủng-bố và phá-hoại của biệt-động VC nội-thành, vốn thường-xuyên quấy-rối các phố-phường đông dân.  
        Chỉ trừ một vụ VC xúi-giục trẻ con ném chất nổ gây thương-tích cho Cảnh-Sát Lưu-Thông, còn thì kể từ cuối năm 1973, đã tái-lập và duy-trì an-ninh hoàn-toàn tại khắp các thị-xã và quận-lỵ, xã-lỵ lớn trong toàn Quân-Khu I.
        10- V.v...  
        Thám+Ðiệp:  
        1- Ðã tuyển-dụng:  
        22+ cán-bộ VC điệp-viên nội-tuyến cho ta;  
        36+ cơ-sở VC thám-viên xâm-nhập cho ta.  
        2- Ðang xây-dựng:  
        91+ đầu mối mật-viên để họ hoạt-động cho ta.

B. CỘNG-SẢN ĐÔNG-ÂU:  
        Thám+Ðiệp:  
        1- Ðã tuyển-dụng và móc-nối được:  
        3+ sĩ-quan Ba-Lan, và  
        3+ sĩ-quan Hung-Gia-Lợi.  
        Các điệp-viên này đã được tôi chuyển-giao cho Người Bạn Ðồng-Minh, và sau khi hồi-hương họ đã hoạt-động nội-tuyến cho Thế-Giới Tự Do ngay trong hàng-ngũ Ðảng, Nhà Nước và Bộ Ðội của họ, và trong tổ-chức quân-sự cộng-sản quốc-tế “Minh-Ước Vác-Xô-Vi”, tại thủ-đô các nước liên-quan, kể từ cuối năm 1973. 
        2- Ðang khai-triển: 
        3+ sĩ-quan Ba-Lan, và 
        2+ sĩ-quan Hung-Gia-Lợi, để họ hoạt động cho ta*.  
        -------  
        *Các con-số này chỉ là bản thảo trước ngày 29-3-1975 (là ngày Quân-Khu I/Đà-Nẵng thất-thủ), dự-trù sẽ được cập-nhật trước ngày 1-6-1975 (“Ngày Cảnh-Lực”) nên có ghi thêm dấu cộng + (nghĩa là sau đó sẽ tăng nhiều hơn).

C. NỘI-CHÍNH:

        1- Ðã đối-thoại trực-tiếp với Thượng-Nghị-Sĩ Vũ Văn Mẫu, Chủ-Tịch, và Giáo-Sư Võ Ðình Cường, Dân-Biểu Phan Xuân Huy, v.v..., thuộc ban lãnh-đạo trung-ương của “Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc”, được họ hứa chắc (và đã giữ lời) là sẽ không gây xáo-trộn an-ninh trật-tự chung.
        2- Ðã cài-cấy người của ta vào nội-bộ giới “Phật-Tử Tranh-Ðấu” để ngăn-ngừa và đối-phó với mọi mưu-toan bạo-động (cũng như phát-hiện cộng-sản nằm vùng).
        3- Ðã chứng-minh trước công-chúng rằng Việt-Cộng đã xâm-nhập vào Ban Ðại-Diện Tổng-Hội Sinh-Viên Huế và Ban Lãnh-Ðạo “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” bắt đầu từ họ đạo Phú-Cam.
        4- Ðã cải-chính cụ-thể trước công-luận rằng các cơ-quan an-ninh tình-báo Quốc-Gia không hề “bắt cóc” sinh-viên Hoàng Kim Khánh như VC đã dàn cảnh để tuyên-truyền.
        5- Ðã cảnh-tỉnh giới sinh-viên và học-sinh Huế nói chung.  Kể từ đầu năm 1975, họ đã dè-dặt trong các sinh-hoạt tập-thể và từ bỏ hẳn các cuộc hội-thảo có nội-dung sách-động, đòi-hỏi quá đáng, tuyệt-thực, thái-độ cực-đoan.
        6- Ðã khám phá ra việc Việt-Nam Quốc-Dân Ðảng chủ-mưu thủ-tiêu một Phật-Tử cơ-sở VC tại Tỉnh Quảng-Tín.
        7- Ðã xâm-nhập được vào tất cả các chính-hội, giáo-hội, nghiệp-hội, hữu-hội, học-hội, văn-hội, thiện-hội... khắp Miền Trung.
        8- Ðã chận đứng được kế-hoạch toàn-quốc đồng loạt xuống đường, kể từ đầu năm 1975, của “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” (chống Việt-Nam Cộng-Hòa), vốn đòi Tổng-ThốngNguyễn Văn Thiệu phải từ-chức tức-thì.
        9- Ðã phát-hiện ác-ý vu-cáo một số thành-viên Hội-Ðồng Tỉnh Thừa-Thiên và Thị-Xã Huế là cán-bộ VC nằm vùng, để hãm-hại những kẻ có chính-kiến bất-đồng.
        10- V.v...

D. NỘI-BỘ

        Kể từ ngày tôi về Miền Trung, cuối năm 1973
        1- Ðã chấn-chỉnh, thanh-lọc nội-bộ Cảnh-Lực, nhất là Ðặc-Cảnh, Vùng I. 
        2- Ðã được Bộ Tư-Lệnh Quân-Ðoàn I & Quân-Khu I ủy-thác trách-nhiệm chủ-trì hoạt-động chống Cộng tại vùng có dân-cư trên toàn lãnh-thổ Miền Trung. 
        3- Ðã tiên-phong điều-động Cảnh-Sát Dã-Chiến hành-quân diệt-Cộng phối-hợp với Ðặc-Cảnh và Thám-Sát Ðặc-Biệt, tiến tới phối-hợp với Nghĩa-Quân và Ðịa-Phương-Quân. 
        4- Ðã được Bộ Tư-Lệnh Quân-Ðoàn I & Quân-Khu I tín-nhiệm phân-công chính-trách thiết-lập “Trận Liệt Chính-Trị Cộng-Sàn Liên-Khu IV–Liên-Khu V”, dùng trong Quân-Lực, Cảnh-Lực, Tình-Báo, Phản-Gián, Thông-Tin, Chiêu-Hồi, v.v... 
        5- Ðã thực-sự làm chủ Ngành Ðặc-Cảnh, điều-động các cấp nhân-viên thuộc quyền ra ngoài hệ-thống Sắc-Phục, theo hệ-thống quản-trị biệt-lập của mình. 
        6- Ðã được Người Bạn Ðồng Minh tín-cẩn ủy quyền ký phiếu sử dụng phi-cơ “Air America”; tùy-nghi tiêu tiền không cần hội-ý trước.  Trước tôi, chỉ có chưa đầy 4,000 đồng mà họ phàn-nàn; với tôi, tôi tiêu mỗi tháng hơn 400,000 đồng (chưa kể những lần bất-thường), gấp trên trăm lần, mà họ vui lòng...   
        V.v...
*  
        Riêng tại cấp Vùng, tôi chỉ cần có dăm-ba anh+em đồng-tâm, nhất-trí, quyết-chí, tận-tình* là mọi việc trôi tròn.

        Nói chung, Ngành Đặc-Biệt (Cảnh-Sát Đặc-Biệt) Khu I (E6) của tôi (gồm 5 Tỉnh và 2 Thị-Xã địa-đầu Đất Nước), đã giữ được an-ninh cho đồng-bào trong khắp Vùng I trong một năm rưỡi sau cùng tôi đảm-trách cơ-quan Đặc-Cảnh tại Vùng này.

        Tôi đã đáp-ứng được kỳ-vọng mà Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia (qua Thiếu-TướngNguyễn Khắc Bình) và Ngành Ðặc-Biệt Trung-Ương (qua Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây) đã đặt vào tôi, đồng-thời thực-hiện được lời hứa của tôi với Bộ Tư-Lệnh Quân Ðoàn I & Quân-Khu I, nhất là với Trung-Tướng Tư-Lệnh Ngô Quang Trưởng mà tôi mãi hoài kính yêu.

    
*Nhiệm-vụ của Quân-Lực là vệ-quốc (giữ nước: giữ đất, giữ lãnh-thổ quốc-gia).  Nhiệm-vụ của Cảnh-Lực là an-dân (giữ an-ninh cho dân-chúng. VNCH có thời có Phủ Tổng-Ủy An-Ninh, còn VNDCCH và CHXHCNVN thì có Bộ An-Ninh).
(1) Chánh Sở Tác-Vụ, phụ-tá của tôi, là cựu Thiếu-Tá Ngô Phi Đạm, hiện là đại-diện hệ-thống báo-chí “Saigon Nhỏ” tại Thủ-Đô Washington, DC.  Phụ-tá của Đạm là cựu Đại-Úy Phạm Khả, hiện ở Bang Illinois, USA.
(2) Chỉ-Huy-Phó Liên-Đội Thám-Sát Đặc-Biệt Vùng I là cựu Đại-Úy Trần Văn Phú, hiện ở Bang Florida, USA.


Biến-Loạn Miền Trung                     
 



__._,_.___

Posted by: Nhuan Xuan Le 

Quân nhân Mỹ gốc Việt đặt hoa Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ

$
0
0

 
  Quân nhân Mỹ gốc Việt đặt hoa Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ
Sunday, April 24, 2016 6:55:46 PM         

Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) - Gần 30 quân nhân người Mỹ gốc Việt tập trung trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, hôm Chủ Nhật, 24 Tháng Tư, đặt vòng hoa tưởng niệm đến những người đã hy sinh cho sự hiện diện của họ ngày hôm nay.

Quân nhân Mỹ gốc Việt với vòng hoa tưởng niệm trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Trung Tá Hải Quân Nguyễn Tuấn, có chín năm trong quân ngũ, đại diện tập thể quân nhân Mỹ gốc Việt, phát biểu: “Chúng tôi là những quân nhân Mỹ gốc Việt trong một tổ chức được thành lập từ năm 2008. Hôm nay có mặt ở đây chúng tôi xin được bầy tỏ lòng tri ân đến thế hệ đi trước đã nuôi dưỡng hy sinh cho anh chị em chúng tôi có được như ngày nay.”
Ngay sau đó, Trung Tá Nguyễn Tuấn lần lượt giới thiệu từng quân nhân Mỹ gốc Việt đang đứng nghiêm chỉnh trong hàng ngũ trước tượng đài, bên cạnh vòng hoa được kết thành hình quốc kỳ VNCH, màu vàng ba sọc đỏ.
Qua giới thiệu, các quân nhân Mỹ gốc Việt có người là sĩ quan, có người là hạ sĩ quan, có người là binh sĩ, có người là thương binh. Trong số này phân nửa là đang tại ngũ, còn lại là một số đã về hưu hay giải ngũ. Ngoài ra, trong số này cũng có một nữ quân nhân.
Cựu Trung Tá Không Quân Nguyễn Văn Ức, đại diện cựu quân nhân VNCH có mặt trong buổi lễ, cũng giới thiệu các cựu quân nhân trong Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Tây Nam hoa Kỳ, trong Liên hội Cựu Chiến Sĩ và một số trong các hội cựu quân nhân như Biệt Kích 81, Biệt Động Quân, Quân Cảnh, Pháo Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Nhẩy Dù, Nữ Quân Nhân... có mặt chào đón quân nhân Mỹ gốc Việt.
Ông Chris Phan, một cựu quân nhân Mỹ gốc Việt, hiện là nghị viên Garden Grove, phát biểu: “Sinh trưởng trên đất Mỹ, gia nhập quân lực Hoa Kỳ nhưng chúng cháu lúc nào cũng không quên rằng nhờ có những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, những chiến sĩ VNCH, cha anh của chúng cháu mà chúng cháu có được như ngày hôm nay. Chúng cháu cũng không quên ơn các cô chú vẫn hằng theo dõi anh em chúng cháu và vạch cho chúng cháu thấy con đường phải đi để góp sức xây dựng cho quê hương mới.”
Quân nhân Mỹ gốc Việt chụp hình kỷ niệm với cựu quân nhân VNCH. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Đáp lời, ông Nguyễn Văn Ức nói: “Việc làm của các bạn hôm nay là một sự cao cả mang nhiều ý nghĩa. Dù các bạn đã là người Mỹ, những quân nhân ưu tú của quân lực Hoa Kỳ, mà các bạn vẫn luôn nhớ đến cội nguồn, nhớ đến những người đã hy sinh để anh em có mặt trên những đất nước tự do đầy cơ hội thăng tiến. Nên sự kết nối của anh em với cộng đồng người Việt chắc chắn chúng ta sẽ làm được một cái gì cho quê hương đất nước.”
“Như các bạn đã thấy, tại Việt Nam bây giờ là thảm cảnh mà chưa bao giờ có trong lịch sử của chúng ta. Thân phận phụ nữ Việt Nam phải bán thân đi tứ xứ để cứu đói cho gia đình. Trẻ em thì thất học, vô đạo đức... Xin các bạn hãy nhìn tình cảnh đó mà làm một cái gì cho đất nước và quê hương của chúng ta, đồng bào chúng ta. Bất cứ một sự thành công nào mà chưa đóng góp được gì cho quê hương xứ sở đều là những sự thành công không trọn vẹn.”
Cùng chung ý tưởng này, ông Phát Bùi, Nghị Viên Garden Grove, kiêm chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, cũng nhắn gửi các quân nhân Mỹ gốc Việt rằng: “Các bạn đã đóng góp xương máu cho quê hương thứ hai, nay cộng đồng người Việt chúng ta đã có một sức mạnh kinh tế, nếu như chúng ta biết đoàn kết với nhau thì công cuộc tranh đấu chính nghĩa của chúng ta sẽ thành công.”
Sau phần phát biểu, các quân nhân Mỹ gốc Việt đã nghiêm chỉnh rước vòng hoa tưởng niệm lên đặt trước lễ đài và dàn hàng chào kính trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, nơi tượng trưng cho những hy sinh cao cả của các chiến sĩ Việt-Mỹ trong cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam Việt Nam trước sự xâm lăng của Cộng Sản.
Kết thúc buổi lễ, tất cả mọi người cùng chụp chung một tấm hình ghi dấu ngày đoàn kết các thế hệ người Việt trong không khí tưởng niệm Tháng Tư Đen.



--
Lou Bowie
Silverbay Properties
714-554-5400
--

__._,_.___

Posted by: <vneagle_1

Đại Bàng Gảy Cánh Tháng Tư - Mũ Đỏ Nguyễn Văn Lập

$
0
0
 
Đại Bàng Gảy Cánh Tháng Tư - Mũ Đỏ Nguyễn Văn Lập

__,_._,_

Đại Bàng Gảy Cánh Tháng Tư

Mũ Đỏ Nguyễn Văn Lập

(Để kính dâng anh hồn đồng đội tôi đã nằm xuống để bảo vệ Thủ đô Saigon)

Ngựa đang sải vó lưng đồi
Súng gươm bỏ lại cuộc chơi nửa chừng
Một thời ngang dọc kiêu hùng
Tháng tư gảy súng thấm từng nổi đau...

Ta đứng bên nầy, trông núi sông
Một trời thương nhớ ở phương đông
Đường hoa theo dấu chân luân lạc
Một gánh giang san khóc hộ chồng
Một ngày tan nát bao thân phận
Nửa kiếp lưu vong tối mặt mày
Cũng thử đưa cay bằng chiến trận
Ói toàn uất hận lúc xuôi tay
Bạn bè còn lại bao nhiêu đứa
Đứa còn, đứa mất chẳng ai hay
Chí lớn cùng đường, tài bỏ xó
Anh hùng bạt mạng, vợ con lo
Nhớ quê chửi nát mồ ma đỏ
Một nắm xương khô đẫm máu đào
Nhìn nhau bổng thấy quê hương củ
Nghìn trùng rực rở núi sông xưa
Vết đau ngày tháng còn mưng mủ
Giọt lệ bên đường mặc gió mưa
Ví thử xuân xanh còn rực lửa
Cũng đành dâng hiến trọn non sông
Và em, sẻ một đời tựa cửa
Nhìn qua lục địa để ngóng trông.

Sau trận Khánh Dương, Ban Mê Thuột, Tiểu đoàn 2 pháo binh Nhảy Dù về hậu cứ Nguyễn Huệ, Long Bình để tái bổ xung, và được tái trang bị 18 khẩu đại bác 105 ly kiểu củ M2A1 từ thời đệ nhị thế chiến, tôi được chỉ định thành lập lại pháo đội B2 với quân số gần 100 người trong đó khoảng 20 người từ pháo đội chỉ huy đưa sang, còn lại bổ xung toàn là lao công đào binh và quân phạm đủ gốc lính từ quân lao Gò Vấp.
Lệnh trên đưa ra phải huấn luyện tác xạ cấp tốc tại đơn vị và không bắn đạn thật, vì tình thế sôi động có thể hành quân bất cứ lúc nào, không còn sĩ quan huấn luyện, một mình tôi làm tất cả mọi chuyện cho pháo đội. Một tuần sau, ngày 29 tháng 4 năm 1975, lệnh hành quân đưa ra, về Saigon bảo vệ thủ đô. Thông thường một pháo đội Dù đóng quân thì có một đại đội Dù tác chiến bảo vệ, lần này thì không, lệnh trên cho biết phải tự bảo vệ. Cho thấy tình hình quân số trừ bị của Nhảy Dù coi như cạn.

Từ Long Bình theo xa lộ Đại Hàn, pháo đội tôi chiếm đóng sân vận động Cộng Hòa ở đường Nguyễn Kim vào xế trưa, người quãn nhiệm sân vận động ngơ ngác khi thấy pháo đội tôi kéo vào sân. Sau khi hướng bắn đã sẳn sàng một vòng cung về phía Sư Đoàn Nhảy Dù, Bộ Tổng Tham Mưu, và Dinh Độc Lập, tôi cho lệnh đóng cửa sân lại, người quãn nhiệm năn nỉ cần phải ra vào làm nhiệm vụ nên xin giử chìa khóa, và tôi bằng lòng. Thượng sĩ Thọ, thường vụ pháo đội nói đùa với tôi: "Trung úy định tử thủ". Tôi trả lời không vào câu hỏi: " Tình thế lộn xộn, coi chừng địch trà trộn xin vào sân, nên phải đóng cửa, anh cho con cái lên hết trên khán đài, dàn súng cá nhân và lựu đạn sẳn sàng, còn các các khẩu thì trực tại chổ, sẳn sàng tác xạ."

Hơn 2,000 quả đạn pháo tôi cho tháo ra khỏi thùng và gắn đầu nổ. Lúc này tôi cũng hơi lo, phát pháo đầu tiên của pháo đội để bảo vệ Thủ đô sẻ do những pháo thủ trời gầm đất lỡ mới vào nghề như thế này bắn, thiệt đã. Ngoài các khẩu trưởng và ngắm viên là có kinh nghiệm còn lại toàn tay mơ, pháo đội tôi toàn là thứ dữ từ quân lao xá tội vào giờ chót đưa về, tôi cũng không có thì giờ để mà hỏi han, chỉ cho một số anh em mới về đi phép hai ngày với lời dặn dò nếu các anh cãm thấy có bổn phận của một người lính trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng này thì về lại đơn vị đúng ngày giờ, nếu không thì đào ngủ luôn chứ về trể thì đừng trách. Đòn tâm lý có hiệu quả, không có một người nào trể phép, tôi mừng lắm, ít ra giờ chót tôi còn cả trăm tay súng sẳn sàng sống chết với mình. Họ có biết về Dù là đeo tử bài trước ngực hay không tôi không rỏ, chứ biết rỏ họ đã thấm kỷ luật của Nhảy Dù. Gần trưa ngoài cổng có một người xin vào, vị này là Trung úy Nam của Trường Quân Báo Cây Mai, ông dẫn đứa con trai là Trung sĩ nhất Liêng đi phép trể không dám về trình diện đơn vị nên nhờ bố dẫn vào, tôi bằng lòng cho Liêng về lại pháo đội làm khẩu trưởng khẩu 3 tức là khẩu chuẩn, đồng thời nhờ Trung Úy Nam giới thiệu và chở xe Honda đến một tiệm tạp hóa gần đó để mua chịu thực phẩm, vì một khi đụng lớn có hể không tiếp tế được. Người chủ tiệm bằng lòng và nói lúc nào cũng sẳn sàng giúp đở Nhảy Dù. Đến trưa thì có một pháo đội Biệt Động Quân Biên Phòng do một vị Thiếu Tá chỉ huy kéo vào xin đóng quân. Tôi gọi Tiểu đoàn tôi báo cho biết rồi mời vào. Tôi cũng xin lỗi vị chỉ huy này rồi nói thẳng, nếu có gì lộn xộn xin đừng chạy về hướng pháo đội tôi vì tôi sẻ trực xạ nếu Việt cộng đánh vào. Để tránh bị Việt cộng trà trộn, coi như hai vị trí pháo biệt lập, cũng không liên lạc hàng ngang bằng tần số truyền tin.

Đến lúc này thì sân Cộng Hòa đã trở thành một địa điểm tìm đơn vị bị thất lạc. Hàng ngàn nếu không nói là hàng mấy ngàn binh lính, sĩ quan của nhiều quân binh chủng mà nhiều nhất là lính Biệt Khu Thủ Đô bị lạc đơn vị nghe tin Nhảy Dù về sân Cộng Hòa nên họ tự động tìm đến. Họ đến tìm đơn vị không thấy rồi lại đi, không hiểu sao họ biết có chúng tôi ở đây mà tìm đến, có người còn súng có người không, đa số là tay không lặng lẽ đi ngang pháo đội tôi nhìn vào, còn các pháo thủ của tôi thì súng cá nhân đã lên đạn đề phòng Việt cộng giả dạng đánh úp. Lúc này mà tôi yêu cầu những anh em còn súng và thất lạc đơn vị này hảy ở lại bảo vệ cho chúng tôi bắn, chắc chắn họ sẻ bằng lòng, nhưng tình thế hết sức phức tạp hiện nay không tiện yêu cầu điều này. Đến xế trưa, một chiếc trực thăng UH1B bị lạc đơn vị đáp xuống giửa sân hỏi han tin tức rồi lại bay lên ( Sau này đi tù chung gặp mặt kể lại mới biết tên là Đại úy Trần Văn Phước ở gần nhà chúng tôi). Lúc này trên bầu trời bổng có nhiều chiếc trực thăng khác bay từ biển vào hướng tòa đại sứ Hoa Kỳ rồi lại bay ra, tôi biết họ đang di tãn, bỏ của chạy lấy người.

Đến tối tôi cho đóng cửa sân lại rồi leo lên khán đài chính nhìn về phía Saigon lòng buồn vô hạn. Tôi sinh ra và lớn lên giửa lòng Thủ đô, cuộc đời tôi gắn liền với Saigon, từng hàng cây góc phố, từng con đường nhỏ thân quen tiếng gọi mì ban đêm, con đường Lê Thánh Tôn ngập lá me bay buổi sáng vẫn còn đây, dòng sông tuổi thơ của tôi thật êm đềm trôi trên hè phố sau giờ tan học vẫn còn đó, gần hơn chút nửa là ngôi trường trung học Chu Văn An thân yêu, nơi tuổi trẻ tôi ươm biết bao nhiêu mộng mơ, rốt cục cũng chìm vào cơn lốc chiến tranh. Saigon máu thịt quê hương tôi đang hấp hối. Saigon của tôi đang bị bức tử. Giờ này tôi không còn nghe tiếng đại bác ru đêm, tất cả các ngõ vào Saigon đã bị phong kín, cơn hấp hối này sẻ có tôi tham dự như một chứng nhân nếu còn sống sau chinh chiến, hay sẻ nằm xuống tức tưởi nghẹn ngào. Dòng suy nghỉ miên man đưa tôi trở về với gia đình, hai đứa con nhỏ và Thụy Trang yêu dấu của tôi đang ở cách tôi chỉ khoảng mười phút xe, em giờ này chắc đang lo sợ và có thao thức như anh không, chắc em cũng hiểu tại sao đến giờ phút này anh vẫn còn cầm súng, con người ta ai cũng có số phận, và những người lính quốc gia cầm súng đang bảo vệ Thủ đô đã chọn cho mình một số phận, hiên ngang đi nốt con đường khổ nạn của dân tộc, nếu anh có bề gì thì ráng nuôi con, sau này bảo bố nó là lính Nhảy Dù, chết để bảo vệ thủ đô.

Những tràng súng lẽ tẻ từ các nơi dội về, tôi leo xuống khán đài trở về đài tác xạ, giở xấp bản đồ miền Tây ra nhìn không biết bao nhiêu lần, cả Quân khu 4 vẫn còn nguyên, cùng lắm là Tiểu đoàn tôi sẻ rút về đây. Nhưng chuyện này đã không xảy ra, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử. Có nhiều điều đã báo trước sự phản bội của Hoa Kỳ, khi Kissinger thả những quả bóng bàn ngoại giao lăn lốc cốc tại Bắc Kinh năm 1971, sửa soạn cho Tổng Thống Nixon bay qua Thượng Hải ký thông cáo chung bình thường hoá ngoại giao giửa Hoa Kỳ và Trung cộng thì mọi chuyện đã an bài, cộng sản xưa nay ký thông cáo chung bao giờ cũng phải có điều kiện, phải có món quà ra mắt, đó là lý do Hoàng Sa của Việt Nam lọt vào tay của Trung cộng ngày 19 tháng 1 năm 1974 trong khi hải quân Hoa Kỳ nằm bất động tại biển Đông, mặc dù có lời cầu cứu từ hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Từ đó, chúng tôi biết miền nam Việt Nam sẻ bị bỏ rơi, và Saigon không thể mất trừ khi có phép lạ. Anh em Nhảy Dù chúng tôi đều biết sẽ có ngày về bảo vệ Thủ đô và đánh một trận cuối đời thật oanh liệt, có chết cũng cam lòng, nhưng không bao giờ dự trù bị buông súng tại đây, và ngày đó hôm nay, đã đến..

Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiều tiếng nổ lớn như là hoả tiển 122 ly về hướng phi trường Tân Sơn Nhất, bầu trời bổng nhiên thấp xuống thật u ám như sắp để tang cho một chế độ, những người lính lạc đơn vị lại kéo về sân Cộng Hòa rồi lại lủi thủi ra đi, những giờ phút cuối đời lính, họ như những con đại bàng bị tiễn thương, đang cố gắng vỗ đôi cánh gẩy lần chót tìm về cái tổ ấm quân đội khét mùi thuốc súng, vì quân đội là ngôi nhà thứ hai của họ, ở đó họ mới có thể cầm súng để bảo vệ tổ quốc, họ cũng chính là tôi, là lính. Gần 10 giờ sáng, những tràng đại bác đầu tiên của Pháo Đội A và Pháo đội C của Tiểu đoàn tôi ở Trường đua Phú Thọ bắt đầu bắn, điện văn xin tác xạ từ các nơi gọi về Tiểu đoàn tới tấp. Các đơn vị của Lữ đoàn 4 Dù, của Biệt Động Quân đang đụng địch, 6 khẩu đại bác 105 ly của Pháo đội Biệt Động Quân nằm kế bên cũng đã tác xạ, khói bay ngược về phía chúng tôi. Tôi cho cả pháo đội quay nòng về hướng bắn sẳn sàng tác xạ và khẩu chuẩn đặt giửa cột gôn nạp một quả đạn khói đạn khói, một lúc sau Thiếu Tá Nguyễn Kim Việt, Trưởng ban 3 cho điểm tác xạ bắn theo yêu cầu. Lúc này đạn lớn đạn nhỏ nổ ran về phía Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù, hướng Bà Điểm và nhiều nhất là khu Ngả Ba Hàng Xanh, còn Dinh Độc Lập vẫn yên tĩnh. Những chiếc trực thăng Mỹ từ đệ thất hạm đội vẫn còn tiếp tục bay về hướng Toà đại sứ cùng với những chiếc Cobra bay bảo vệ nhưng không nghe tiếng bắn từ phi cơ.

Mặc dầu tôi chưa bắn, nhưng Tiểu đoàn bổng ra lệnh "check fire" (ngưng bắn). Một lúc sau, tôi gọi về Tiểu đoàn nói bằng bạch văn "Hướng bắn của tôi đâu có gần mấy con chuồn chuồn, tôi thấy rỏ bằng mắt thường, bảo đảm bắn không rớt tụi nó đâu, đích thân cho tác xạ đi". Thiếu Tá Việt bảo "Đợi". Tôi buông ống liên hợp xuống, ngao ngán. Đến giờ phút này, chính phủ hai ngày lộ mặt phản quốc, sợ pháo binh Nhảy Dù bắn rơi máy bay Mỹ nên ra lệnh check fire, tiện thể là check fire luôn không cho bắn vào Việt cộng đang đánh vào các đơn vị phòng thủ Saigon. Tôi nhìn vào xạ bảng, những điểm cận phòng mà tôi đã chấm chung quanh Dinh Độc Lập, đã làm yếu tố tác xạ sẳn sàng như đang nhảy múa trước mắt tôi. Tôi ra lệnh cho 5 khẩu còn lại nạp đạn nổ mạnh và chờ đợi, đồng đội tôi đang ngả xuống oanh liệt để bảo vệ thủ đô, còn chúng tôi thì bị khóa họng, không yễm trợ cho họ được, giống hệt như trận Charlie năm tháng 4/1972. Đợi một lúc nửa, tôi bước ra đài tác xạ tiến về pháo đội, các khẩu trưởng hỏi nạp đạn lâu quá sao chưa bắn vậy Trung úy, tôi chỉ tay lên trời chỉ mấy chiếc trực thăng nói tại tụi nó đó.

Vừa lúc đó Hạ sĩ nhất Thạch truyền tin chạy ra gọi tôi: "Trung Úy, ông Minh đầu hàng rồi". Tôi vội chạy vào đài tác xạ, qua radio, tiếng Tổng Thống hai ngày, Dương Văn Minh kêu gọi buông súng như một nhát dao đâm vào tim mọi người. Tôi gọi máy về Tiểu đoàn hỏi có bắn tiếp không, hay tan hàng, hoặc bàn giao? Chừng nào có lệnh trực tiếp từ tiểu đoàn tôi mới thi hành chứ không hạ nòng đâu. Thiếu Tá Việt bảo đợi đấy. Độ 5 phút sau, tôi bước ra cửa đài tác xạ nhìn ra ngoài, các đơn vị bạn trong sân Cộng Hòa tự động tan hàng, sáu khẩu đại bác của Biệt Động Quân vẫn còn cất cao nòng, nhưng toàn thể đã lục tục rời vị trí, những người lính anh dũng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đi ngang qua chúng tôi hết sức buồn bả. Những con đại bàng một thời oanh liệt nam chinh bắc chiến đã thật sự gảy cánh tháng tư, phát súng phát ra không phải từ Hà Nội mà từ Washington DC đã bức tử cả một quân đội anh hùng, 21 năm nay, Việt cộng đâu có làm gì được chúng tôi, chỉ một phản bội của đồng minh thôi đã làm tan nát cả một quốc gia. Từ năm mùa hè đỏ lửa 1972 đến nay, tại Bình Long, Kontum, Trị Thiên, một mình quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chống lại cả một khối cộng sản tế hung hản, đáng tan tành bọn chúng, không anh hùng sao được.

Lúc này, tại đây, chỉ còn pháo đội của tôi, những người lính của giờ thứ 25 của cuộc chiến vẫn không chịu rời đơn vị, trừ hai người xin phép về thăm gia đình rồi kẹt luôn, còn thì hiện diện đầy đủ, hai hôm nay, họ chỉ cần bước ra khỏi sân vận động là về với gia đình, và ngay bây giờ họ cũng đã có quyền này, tại sao lại còn đứng đây? Họ là Nhảy Dù, cũng như tôi, họ đang đợi lệnh. Không ai có thể ra lệnh cho tôi buông súng trừ cấp chỉ huy trực tiếp. Ngay lúc đó, Thiếu Tá Tiểu đoàn phó, Đỗ Tiến Hóa, chạy xe Jeep đến ra lệnh cho tôi tan hàng. Tôi trở vào đài tác xạ, chấm điểm cho pháo đội quay nòng về trại Hoàng Hoa Thám để chào tạm biệt , rồi gọi Liêng vào ra lệnh :" Anh cho tất cả pháo đội, quần áo chĩnh tề, ba lô xếp thẳng hàng như ở quân trường, khi tôi ra, bồng súng chào trình diện quân số, đợi lệnh".

Khi tôi ra trước hàng quân, pháo đội đã sẳn sàng tư thế chào kính, 6 khẩu đại bác vẫn giương cao nòng, những người lính bồng súng chào thật nghiêm trang, nét mặt họ không điểm một chút hốt hoảng hay lo sợ, họ tuân lệnh cấp chỉ huy một cách tuyệt đối. Tôi nhìn anh em và tiếc nếu có lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ lúc này, tôi đã cho cử hành lễ chào quốc kỳ ngay lập tức. Tôi cắn chặt đôi hàm răng để khỏi bật ra tiếng khóc vì trong lòng hết sức thương cãm, những người lính của tôi, có người mới về đơn vị chưa đầy hai tuần, vẫn tuân lệnh cấp chỉ huy dầu cho đứng trước hoàn cảnh tuyệt vọng như thế này. Tôi cho anh em nghỉ và nói: " Tôi thi hành lệnh cấp trên cho pháo đội tan hàng, tôi biết việc này sẻ làm cho anh em rất đau lòng, nhưng là quân đội chúng ta phải thi hành lệnh, sau này chắc chắn là anh em sẻ gặp rất nhiều khó khăn, là chiến sĩ Nhảy Dù anh em hảy noi theo truyền thống binh chủng, cố gắng mà sống". Sau đó tôi cho pháo đội hạ nòng đại bác xuống và tháo đạn ra, súng cá nhân thì xếp thẳng hàng trên ba lô như thể đang nghỉ ngơi sau những giờ huấn luyện tác xạ. Các khẩu trưởng hỏi tôi có dùng lựu đạn lân tinh phá nòng đại bác hay không, tôi lắc đầu. Thạch lại hỏi tôi còn đài tác xạ thì sao, tôi cũng lắc đầu nói để nguyên.

Pháo đội tôi đâu có đầu hàng hay bị tràn ngập, bị địch tràn ngập mới phải phá súng, phá đài tác xạ, chúng tôi đã chiến đấu và đang giờ nghỉ mà, pháo đội tôi chỉ tạm nghỉ cuộc chơi. Lính quốc gia không bao giờ đầu hàng cộng sản, họ chỉ bị bức tử phải buông súng và tạm nghỉ cuộc chơi.

Từng anh em binh sĩ hạ sĩ quan chào từ giả tôi, một đệ tử ruột đòi đi theo tôi trở về nhà, tôi không cho và nói đi theo tôi rất nguy hiểm. Trong khoảng khắc, sân Cộng Hòa không còn một bóng người, chỉ còn mình tôi trở vào nhà viên quãn thủ sân xin một bộ đồ civil, vào đài tác xạ thay đồ trận, xong, tôi trở ra vị trí đứng nghiêm chào. Những khẩu đại bác gióng thẳng hàng bên cạnh súng cá nhân M16 và quân trang của đơn vị tôi còn đó như bật lên một sức sống mãnh liệt, một phần đời tôi ở trong đó đang thức dậy nổi căm phẩn, quê hương tôi rồi đây phải gánh chịu nổi đau mất nước về tay cộng sản khát máu, niềm uất hận này không bao giờ tan. Tôi buồn bả quay gót trở về nhà, không dám quay lại nhìn pháo đội một lần chót, vì nhìn nửa tôi sẻ khóc. Anh em quân đội chúng tôi đã cố gắng làm tròn bổn phận của mình trong giai đoạn đau thương của đất nước, nay đành bó tay, nhưng là lính không thể khóc vào lúc này, vì tôi còn phải cố gắng để sống, để viết sau này, và nhớ đó, trong bộ đồ dân sự, tôi vẫn còn là một người lính nguyên thủy.

Hơn ba mươi năm qua, mổi năm đến ngày này, tôi lại khóc, không phải giọt nước mắt của những con đại bàng gảy cánh tháng tư, vì những người lính quốc gia đã tận lực làm tròn bổn phận đối với tổ quốc, được toàn dân ngưỡng mộ, và không có việc gì phải hối hận phải khóc vì không giữ được nước, vì cuộc chiến này là do quốc tế cộng sản và bàn tay lông lá đạo diễn, dân tộc ta chỉ là con cờ trên một bàn cờ đã xếp sẳn nước đi. Những giọt nước mắt của người lính quốc gia rơi xuống để khóc thương cho đất nước từ nay thống khổ dưới gông cùm cộng sản, chứ không phải than khóc cho số phận của mình, vì một khi vào quân đội dâng hiến đời mình cho tổ quốc là chấp nhận mọi hy sinh mất mát cho bản thân mình, do đó mới bảo vệ được miền nam tự do cho đến ngày bị bức tử.

Cộng sản Bắc Việt được quốc tế dàn xếp để Dương Văn Minh ra lệnh buông súng ngày 30/4/1975, chứ đâu có tài cán gì chiếm được miền nam, 21 năm nhận lệnh của cộng sản quốc tế xâm lược miền nam, lính cộng sản chết gấp chục lần so với lính cộng hòa, nếu tiếp tục cuộc chiến thì tất cả thanh niên miền bắc sẽ đời đời "sinh Bắc tử Nam". Năm 1972, sau những đợt Mỹ không kích miền bắc thật ác liệt, hồ sơ giải mật cho thấy Hà Nội đã gửi điện văn đầu hàng, nhưng Mỹ lờ đi vì nhu cầu giải quyết chiến tranh lạnh toàn cục, Mỹ bắt tay với Trung cộng để ly gián Liên Xô, và đã thành công, cộng sản quốc tế bị tan rả sau khi Nga Sô sụp đổ năm 1989 và khối cộng sản Đông Âu cũng tan rả theo sau đó. Nếu năm 1972 Mỹ chấp nhận cộng sản Bắc Việt đầu hàng, Mỹ tất phải gánh vác cuộc chiến trầm trọng hơn nửa vì Nga Tàu sẽ đoàn kết lại, thúc đẩy cộng sản Bắc Việt tiếp tục cuộc chiến sau đó, và chiến tranh lạnh sẽ tiếp tục. Trung cộng biết được nước cờ của Mỹ và ngăn cản Hà Nội không được chiếm Saigon, nhưng Hà Nội ngả theo Nga quyết đánh đến cùng, Mỹ phụ họa Hà Nội bằng cách ngưng viện trợ cho Saigon, và kết quả đúng như bàn cờ Mỹ đả đi. Miền nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản và khối cộng sản quốc tế bị tan rả sau đó. Đồng bào cả nước ta bị bưng bít nên không nhìn thấy rỏ điều này.

Sau chiến tranh, Việt cộng đã trả thù đồng bào miền nam Việt Nam hết sức khốc liệt vì đã không theo chúng, Việt cộng đã dìm cả một dân tộc vào nghèo nàn, lạc hậu, và mất tự do, gái thì đi làm mãi dâm, trai thì đi làm cu li khắp thế giới, cái tự xưng là đỉnh cao trí tuệ loài người đang ngồi tại Hà Nội đã hèn hạ bán đất dâng biển cho Tàu cộng, quỳ gối làm tôi mọi cho chúng, bảo gì cũng phải nghe, cuộc chiến vừa qua đã không mang lại chiến thắng cho ai, chỉ có dân tộc Việt Nam là thua.
Mũ Đỏ Nguyễn Văn Lập
3 Attachments
View all
Download all
Download
Pháo-binh-Dù-2 .jpg
Download
Nhảy dù 1 .GIF
Download
Nhảy-Dù-11 .png
__
__._,_.___

Posted by: Nang 

"THÁNGTƯ ĐAU BUỒN" gồm hơn 200 bài viết, 100 thơ nhạc và nhiều hình ảnh video Xin mời Qúy Vị thưởng lãm.

$
0
0


 "THÁNGTƯ ĐAU BUỒN" gồm hơn 200 bài viết, 100 thơ nhạc và nhiều hình ảnh video
Xin mời Qúy Vị thưởng lãm.



Tháng Tư Đau Buồn  

VĂN


Lại Nhớ Một Ngày Buồn Tháng Tư...
Việt Cộng! Việt Cộng! - Lê Dinh

Tháng Tư Không Ánh Mặt Trời - Huy Tưởng
Ban Mê Thuột, Ngày Đầu Chiến Cuộc - Hổi Ký Nguyễn Định
Ban Mê Thuột Thất Thủ: Câu Chuyện Bên Lề - Nguyễn Định
Ban Mê Thuột Những Ngày Đầu trong tay Cộng Quân - Nguyễn Định
Bạn Tù Sơn La - Phan Lạc Phúc
A Lament for Viet Nam - Doan Van Toại --- Thổn Thức Cho Việtnam
Lon Guigoz, Hành Trang Của Người Tù Cải Tạo - Hoàng Chương
Những Chuyện Di Tản 1975 - Tiểu Tử
Những Mảng Máu Khô - Trần Mộng Tú
Đêm bên bờ Sông Ba - Trang Y Hạ
Hình Ảnh Chiến tranh Việt Nam nhìn lại
Viết cho Người Nằm Xuống - Linh Chi NTC
Anh Hùng của Những Ngày Tháng Tư
Viên Đạn Cuối Cùng - Trần Như Xuyên
Bí ẩn Ba Mươi Tháng Tư - Phạm Trần Hoàng Việt
Người Đi Non Nước Ở Lại - Chu Lynh
“Đảng Cộng sản Việt Nam, hãy cút đi !” - Phan văn Song
Nén Hương Cho Người Dưới Mộ - Người Lính Già Oregon
Thời Gian Quản Chế
Ngày Cuối Cùng của Cuộc Chiến
Tinh Khôn ở Đâu - Trần Đỗ Cung
Tâm Sự của một Cựu Nữ SV Trường Luật Saigon - Cao Đồng Phước
Chuyện Kể Bên Ly Rượu - Phan Xuân Sinh
Bài Học Đầu Tiên của Thời “Gác Kiếm” - Mai Thanh Truyết
Những Cánh Đại Bàng Sau Cơn Bão Lửa - Phạn Tín An Ninh
Ngày Quốc Hận là Ngày Quốc Hận -Trần Gia Phụng
Xem lại những đau thương ngày tàn cuộc chiến
Qua Cơn Mê - Phan Lạc Phúc
Ngày Tàn Cuộc Chiến I - Vĩnh Hiếu
Ngày Tàn Cuộc Chiến II - Vĩnh Hiếu
Ngày Tàn Cuộc Chiến III- Vĩnh Hiếu
Ngày Tàn Cuộc Chiến IVa- Vĩnh Hiếu
Ngày Tàn Cuộc Chiến IVb- Vĩnh Hiếu
Trận chiến cuối cùng của trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu - Nguyễn Anh Dũng & Lâm A Sáng
Ngày Đó, Tháng Tư Năm 1975 - Tiểu Tử
Nhớ Nhà - BS Nguyễn Sơ Đông
Viết cho Các Con - BS Nguyễn Sơ Đông
Ngụm Cà Phê Tháng Tư - Trần Mộng Tú
Nói về 30 năm Cuộc Chiến Việt Nam - Lê Duy San
Khu Trục Bọc Thây - Trường Sơn Lê Xuân Nhị
Nhớ về Bình Long Anh Dũng - Giao Chỉ San Jose
Ngày 30 Tháng Tư - Nguyễn Thụy Long
Cánh Dù Bay Xa - Nam Thảo
Người Lính Không Có Số Quân - Trần Như Xuyên
Hồn Tử Sĩ - Trần Mộng Tú
Ngày Buồn Nhất Đời Tôi - Huy Vũ
Tiếng Kêu Khẩn Thiết Từ Ngôi Đền Thiêng - Lê Tùng Châu
Người Lính Thủy Quân Lục Chiến bên bờ Bến Hải - Nguyễn Ngọc Ẩn
Điều Ong Tiếng Ve - Cả Ngố họ Trịnh
Số Phận Thương Phế Binh VNCH - Yoshigata Yushi
Em Cũng Muốn Tin Nhưng Không Thể - Lê Vũ Cát Đằng
Tình Saigon - Sa Mạc Hoa
Chuyện Thuở Giao Thời - Tiểu Tử
Ra Khơi - Nguyễn Quý Đại
Những Ngày Không Quên - Nguyễn Quý Đại
Quê Hương Việt Nam không còn là Chùm Khế Ngọt - Nguyễn Quý Đại
Tháng Tư Lại Về ... - Hướng Dương txđ
Tháng Ba Buồn Hiu - MX Tiểu Cần
30 Tháng Tư Ai Thắng Ai - Tôn Thất Bình
Cô Giáo Vân - Thùy Giang
Một Nỗi Niềm Riêng - Mai Hương Trần
Ý Nghĩa của Ngày Quốc Hận - Trần Thủy Tiên ---- Bản tiếng Anh
Viết cho Tháng Tư - Huỳnh Thục Vy
Ai Bán VNCH cho CS Hà Nội - Võ Long Triều
For Younger Generation: The Meaning of Black April 30
Buồn Vui Tháng Tư- Sơn Tùng
Vài Nhận Định về Ngày 30 Tháng Tư - Đông Hải NHC
Không Cho Phép Mình Quên - Nguyễn Khánh Vũ
Đốt Nén Hương Lòng - Nam Thảo
Những Kỷ Niệm Khó Quên - Ngọc Hạnh
Những Khoảnh Khắc Chưa Quên - Trang Y Hạ
Đá Nát Vàng Phai - Kim Thanh
Câu Hỏi Tháng Tư - Trần Trung Đạo
Hồi Tưởng Một Thời Đã Qua - HongNguyen/H.N.T
Bài Học Đắng Cay - Lữ Giang
Ngày Tàn của Cuộc Chiến - Lê Nguyên Bình
Thương Tiếc Không Nguôi - Tôn Thất Tuệ
Những Đồng Minh Anh Hùng - Ngô Kỷ
30-4-1975 Là Ngày Gì? - Lê Phi
Cảm Xúc Ngày 30 Tháng Tư của một Người Hà Nội - Nguyễn Văn Đại
Ký Ức Một Thanh Niên Hà Nội Về Ngày 30-4-1975 - Phạm Thắng Vũ
Tháng Tư Mùa Xuân và Những Tấm Màn - Trần Mộng Tú
Hậu Quả của Khủng Bố và Đức Hạnh của Hy Vọng - Uwe Siemon-Netto
Người Quân Cảnh Cuối Cùng Chết tại Bộ Tổng Tham Mưu
Quốc Hận 30/4 là gì? - tdhoanz
Trại Cải Tạo – Địa Ngục Trần Gian ở VN - BS Nguyễn Ý Đức
30 Tháng Tư, Vì Sao Chưa Thể Quên? - Song Chi
Sàigòn, 30 Tháng Tư, 1975 - Ngô Bắc dịch
30 Tháng Tư: Chuyện Bây Giờ Mới Kể
Đôi Mắt Phượng - Nguyễn Đạt Thịnh
Nụ Cười Người Tử Tội - Nguyễn Thiếu Nhẫn
Thằng Em Kết Nghiã - Trang Y Hạ
Hố Chôn Người Ám Ảnh - Trần Đức Thạch
Danh Mà Chi, Lợi mà Chi - Nhạc Sĩ Lê Dinh
Danh Sách Các Sĩ Quan & Quân Nhân Tuẩn Tiết --- (2)
Tù Cải Tạo: Tội Ác Chống Nhân Lọai của CSVN - Đỗ Ngọc Uyển
Những Trại Tù Cải Tạo đã In Dấu Chân Tôi - Huy Vũ
Chờ Mong Tờ Điện Tín - Nguyễn Thị Thanh Dương
Tháng Tư Nhìn Lại: Chiến Tranh Việt Nam - Nguyễn Cao Quyền
Chuyện Tháng Tư Đen - Lâm Văn Bé
Viêt Nam 39 Năm Đảng Trị: Một Quốc Gia, Hai Quốc Dân - Phan Văn Song
Ngày Trở Về - Trần Nhật Kim
Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về - Hoàng Hải Thủy - Nhạc Duy Trác
Ai Đã Thắng Trong Cuộc Chiến Việt Nam - Michel Chossudovsky - Ngọc Thu
Người Trí Thức Hoa Kỳ và Goulag Việt Nam - Eugène Ionesco
Tìm Sống - Luân Tế
Tại Sao Chưa Đánh Đã Đầu Hàng - Duyên Anh
Quốc Hận 30-4 là gì? - tdhoanz
Saigon Ngày Dài Nhất - Hồi Ký Duyên Anh
Cô Em Gái Nuôi - Trang Y Hạ
Giọt Nước Mắt cho Quê Hương - Uyên Hạnh
Bức Hình 27-4 Năm 1975 ỡ Paris - Phan Văn Song
Hồi Ký của Một Anh Hùng Ngã Ngựa - Vương Mộng Long
Tưởng Niệm Charlie và Đại Tá Nguyễn Đình Bảo Bài 1 --- Bài 2
Saigon 40 năm - Song Lam
Đọc Thơ Đấu Tranh của Ý Nga - Nguyễn Văn Thành
Ngày 30 Tháng Tư: Uất Hận Riêng, Quốc Hận Chung - Phan Văn Song
Tâm Thức Người Lính Nhẩy Dù trong Cõi Vô Sắc - Mũ Đỏ Trương Văn Út
Những Ngày Cuối Cùng tại Quân Y Viện Qui Nhơn - BS Nguyễn Công Trứ
Câu Chuyện Mậu Thân của Nguyễn Thị Thái Hòa
Ai Giải Phóng Ai? - Huy Vũ
Đừng Quên Mối Thù Quốc Hận - Nguyễn Văn Chức
Hồi ức 30/4 của người Việt tại Âu Châu - RFA
Hồi ức 30/4 của người Việt tại Đông Âu - RFA
Những Ngày Cuối VNCH 1 - Vương Hồng Anh
Những Ngày Cuối VNCH 2 - Vương Hồng Anh
Những Ngày Cuối VNCH 3 - Vương Hồng Anh
Hồi Tưởng Tháng 4-1975: 40 Năm Trôi Qua - Hướng Dương txđ
Cảm Tưởng Sau Khi Xem Phim "Ride The Thunder" - Minh Phượng
Miền Nam và Miền Bắc - Nguyễn Hưng Quốc
Lời Sám Hối Muộn Màng - Lê Quốc Trinh
Thư Gửi Về Kbc: Không Biết Số... Tùy bút  của Thiên-Thu 
Những Con Chim Ngực Đỏ - Trần Mộng Tú
Tháng Tư Lại Về - Vương Mộng Long
Suy Nghĩ của Giới Trẻ Trong Nước về Việt Nam Cộng Hòa - RFA
Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần - Nguyễn Khắp Nơi
Cuộc Vượt Thoát Khỏi Việt Nam trước 30-4-75- Lê Xuân Nhị
Bốn Mươi Năm, Nỗi Niềm Ba Thế Hệ - Khôi An
Bé Biển - Nguyễn Trần Diệu Hương
Thòi Thế, Thiện Ác và Con Người - Vương Mộng Long
Một Thời Cái Nổi Ngồi Trên Cái Cốc - Phạm Thắng Vũ
Cuộc Thảm Sát Thường Dân qua một Nhân Chứng - Mặc Lâm (RFA)
Sự Chính Danh của Ngày Quốc Hận 30-4 - Lưu Nguyễn Đạt
30 Tháng Tư và Người Việt Hải Ngoại - Minh Phượng
Văn Tế Vong Hồn Quân, Dân, Cán,Chính VNCH đã Hy Sinh vì Chính Nghĩa Quốc Gia - Kha Lăng Đa
Hồi Ức về Cha - Lê Xuân Mỹ
Cổ Lai Chinh Chiến - Trần Đan Hà
Chuyện Tháng Tư: Ký Ức của Một Bác Sỹ
Mẹ Tôi và Lá Cờ Vàng - Nguyễn Kiến
Nỗi Buồn Khó Quên - Nguyễn Quý Đại
Những Giờ Phút Cuối Cùng của Đồi Tăng Nhơn Phú - Hùng Bi
Giờ Phút Cuối Cùng của Thành Phố Đà Nẵng - Phan Đức Minh
Ngày Quốc Hận Đau Thương - Phan Trọng Minh
Giấc Mộng Kinh Hoàng - Phan Đức Minh
Việt Nam Dưới 40 Năm CS Đô Hộ - BS Nguyễn Lương Tuyền & Thân Trọng An
Chiếm Lại Con Đường, Cửa Sập, Chiếm Lại Kỳ Đài - Tr Tá TQLC Nguyễn Văn Phán
Không Quên Những Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa - Phan Đức Minh


Mời Nghe Lời Tâm Tình của KHG Dương Nguyệt Ánh về người Chiến Sĩ VNCH  New Item
Ba Tôi, Người Lính Việt Nam Cộng Hoà - Hùng BiênNew Item
Tướng VNCH Trần Văn Nhựt Nói Tại Sao Sàigòn Mất Vào Tay CSBVNew Item
Tâm Tình Bên Tách Cà Phê - Giáo Sư Châu Tiến Khương
New Item

Chiều Cuối Năm Nhớ Chiều Charlie - Đặng Chí HùngNew Item
Con Trâu Đâu Có Cải Tạo - LHNNew Item
Câu Chuyện Người Tù "Cài Tạo" Về từ Yên Bái - Nguyễn Minh Châu
New Item
Bác Sĩ Trong Tù - BS Tôn Thất SangNew Item
Người Không Nhận Tội - Duy NhânNew Item
Ðêm Vĩnh Biệt Sài Gòn - Hoàng Hải ThủyNew Item
Câu Chuyện Hay của Đời Lính - Lâm Viên 20
New Item
Con Người và Cái Chết của Tướng Lê Văn Hưng - Không rõ tác giảNew Item
Bài Tường Trình của Tom Polgar về Những Ngày Tháng TưNew Item
Cải Tạo Trốn Trại - Nguyễn Hữu Chí
New Item
Truyện BS Phùng Văn Hạnh: Mục Lục và Lời Giới Thiệu New Item
Hội nhập - BS. Phùng Văn HạnhNew Item
Quê Hương - BS Phùng Văn HạnhNew Item
Cách Mạng Tháng Tám - BS Phùng Văn Hạnh New Item
Về Thành - BS. Phùng Văn Hạnh New Item
Những Ngày Tháng Dài - BS Phùng Văn Hạnh New Item
Bị Bắt Đi Tù - BS Phùng Văn HạnhNew Item
Lao Động - BS Phùng Văn HạnhNew Item
Thăm Nuôi - B.S. Phùng Văn HạnhNew Item
Một Chuyến Vượt Biên - B.S. Phùng Văn HạnhNew Item
Một Kiếp Người - B.S. Phùng Văn HạnhNew Item
Nhật Ký Một Bạn Tù - B.S. Phùng Văn HạnhNew Item
Tình Cha Vẫn Mãi Theo Con - Hùng BiênNew Item
Mẹ Tôi, Người Vợ Lính Việt Nam Cộng Hoà - Hùng BiênNew Item
Hạ Lào! Nơi Người Lính Không Về... - Phan Nhật NamNew Item
Sau Cơn Giông Bão - Ngân BìnhNew Item
Giọt Nước Mắt của Lính - Tạp Chí Dân VậnNew Item
Tô Cháo Rắn (The Snake Soup) - LS. Nguyễn Hữu Hiệu/ LS. Ngô Tằng GiaoNew Item
Chuyện Buồn Người Vợ Tù  - Trần Thanh MinhNew Item
Lời Dặn Con - Trần Mộng LâmNew Item
Tháng Ba Chôn Súng - MX Lê Khắc Phước
New Item
Tháng Tư Đen Đầy Uất Hận Thứ 42 - Phan Văn SongNew Item
Thư cho Bạn nhân Mùa Quốc Hận 2016 - Phượng VõNew Item
Một Chuyến Ra Bắc Thăm Ba - Hùng BiênNew Item
Người “Lính Già” Đã Trở Về với Vùng Thảo Nguyên Xưa - Trần Đan HàNew Item
Bắc-Nam, Đâu Mới là Thiên Đường?New Item
Tháng Tư Đen - Duy ViệtNew Item
Bạn Hỏi Tôi Có Nhớ Ngày 30 Tháng 4 - Việt Nguyên New Item
Giờ Phút Cuối của Một Đơn Vị QLVNCH tại Sài GònNew Item
Nói với các Người Anh Em Họ Miền Bắc - BS Trần Mộng Lâm




THƠ-NHẠC
Nhạc Tha Hương
Thương Ca Việt Nam
Saigon Trong Tôi - Nhạc và Lời Liên Bình Định - ca: Diệu Hiền
Tháng Tư và những Câu Hỏi - Thơ Ý Nga - Nhạc Nguyễn Văn Thành

Dạ Lan ngợi ca những Anh Hùng Chiến Sĩ VNCH
Chương Trình Nhạc Dạ Lan, Em Gái Hậu Phương
Phận "Con Ghẻ" - Ý Nga
Em Chỉ… Về để Tiễn Anh… Đi! - Ý Nga
Nén Hương cho Tháng Tư - Vương Hồng-Ngọc
Tháng Tư Biển Nhớ - Vương Hồng-Ngọc
Chùm Thơ 30/4/75 -Tô Đình Đài
Tháng Tư 2012 - Tô Đình Đài
Ác Mộng Tháng Tư và Tháng Tư Thương Hận Còn Đầy - Trần Đan Hà
Trên Con Đường B7 - Trang Y Hạ
Thư Viết Trong Tù - Thy Lan Thảo
Mẹ và Anh - Mai Hương
Áo Trắng 1975 - BS Tô Đình Đài
Niệm Khúc -Thérèse Nguyễn/Quách Vĩnh Thiện/Hương Giang
Tháng Tư, Vết Thương Mở - Lương Mỹ Trang
Lại Một Tháng Tư Đen - Thơ Hoàng Song Liêm, Nhạc Anh Bằng
Tháng Tư Nỗi Nhớ - Thơ Miên Thụy Lê Trung Diệu Châu phổ nhạc và trình bày
Lời Trước Nghĩa Trang - Thơ Trạch Gầm, Nguyễn Hữu Tân phổ nhạc và trình bầy
Đêm Ngày - Thơ Nam Thảo
Những Vần Thơ Tháng Tư 2013
Tưởng Như Còn Người Yêu - Lê Thị Ý
Tiếng Buồn Theo Gió - Lòng Đất Mẹ - Thơ Thu Giang
Vì Đâu Mà Buồn - Thơ Nam Thảo
Nỗi Buồn Tháng Tư - Trần Đan Hà
Tháng Tư - Tháng Tư 75, Tháng Tư 77 - Trần Mai Hương
Ngày Cuối Tháng Tư - Đỗ Thị minh Giang
Lời Trước Nghĩa Trang - Thơ Trạch Gầm, Nguyễn Hữu Tân phổ nhạc
Hãy Dậy Mà Đi - Song An Châu
Chiếc Nón Sắt Vẫn Còn - Trang Y Hạ
Đêm Nằm Tiền Đồn Trang Y Hạ
Anh... Nhớ Mang Về Cho EM
Bài Trường Ca Máu - Trần Văn Lương
Sắc Màu Tháng Tư - Hùng Bi
Hồn Thiêng Sông Núi - Song An Châu
Cờ Ta Bay Trên Bầu Trời Bắc Mỹ - Song An Châu
Sao Đành Chẳng Nhớ Về Nhau - Đ T Minh Giang
Phiêu Du - Nam Thảo
Gió Chuyển Từ Tháng Tư - Trang Y Hạ
Lời Nguyện Trong Tù -- Saigon chỉ Vui Khi Các Anh Về
Hồi Đầu Thị Ngạn - Giáo Già
Một Lần Miên Viễn Sót Sa - Elvis Phương hát
Thơ Tháng Tư Đen - Trần Ý Thu
Hỡi Ôi Trăm Mối! Giống Nòi Còn Chi? - Ý Nga
Lòng Tri Ân Chân Thành - Ý Nga
Quốc Hận - Tha Nhân
Anh Hùng Tử, Chí Hùng Nào Tư - Nam Thảo
Mừng Anh Chiến Sĩ - Nam Thảo
Ngày Xưa Đã Mất - Đỗ Thị Minh Giang
Lá Rơi Trên Nghiã Trang - Trang Y Hạ
30 Tháng 4 Đen - 40 Năm Quốc Hận 1975-2015 - Thiên-Thu 
40 Năm Nhìn Lại Cố Hương – Thơ Thiên Thu
40 Năm Quốc Hận - Ý Nga
Vọng Cố Hương - Biển Tình Yêu và Cái Chết - Hồng Nguyên H.N.T.
Tháng Tư - Trần Đan Hà
Cánh Dù - Nam Thảo
May Cho Ba Chết Trước - Minh Phượng
Trưa Phú Túc - Thy Lan Thảo
40 Năm Quốc Hận: Nhớ đến ngày 30-4-1975 - Song An Châu
Tháng Tư Đen Nhắc Nhở - Như Nguyệt
Thơ Cho Ngày 30 Tháng Tư- Như Nguyệt
Saigon... Mưa... 40 Năm Quốc Hận-Thơ Thiên Thu




HÌNH ẢNH -VIDEO

Hình Ảnh những Ngày Cuối Cùng của Miền Nam
Tiếc Thương - pps Ngọc Huệ
Ba Mươi Tháng Tư - pps Hương Kiều Loan
Saigon Vĩnh Biệt - Nam Lộc - Ngọc Lan hát
Xác Nào Là Em Tôi -- Khánh Ly
Ai Trở Về Xứ Việt – Băng Châu
Đêm Chôn Dầu Vượt Biển – Như Qùynh
Chân Dung Người Tị Nạn Việt Nam
34 năm nhìn lại ngày Quốc Hận 30/4/1975 - Phần I
Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà - Quốc Hận 30/4/1975 Phần II
"Người Lính Việt Nam Công Hòa" pps do Lê Ngọc Túy Hương thực hiện
37 Năm Ngày Quốc Hận 30/4, Tri Ân Tử Sĩ VNCH tại Nghiã Trang Biên Hòa
Người ở Lại Charlie - Powerpoint Show Liên Như
Sài Gòn, Ngày 30/04/1975  
Tôi Đã Cố Bám Lấy Đất Nước Tôi - pps NnS
Nhìn Lại Cố Hương

Lính Việt Cộng Tí Hon
Anh ở Đây - Thục Vũ - Video Tù Việt Công - Thiênthuntth
Nhạc Ai Trở Về Xứ Việt...Nhớ về Tù Nhân Lương Tâm  - Video thienthuntth
Nhạc Con Đò Đưa Xác - Nhớ về Thuyền Nhân - Tháng Tư Đen - Video Thienthuntth
Những Vành Khăn Tang Đầu Tiên, Khóc cho Ngày Quốc Hận 30/4 - Hàn Giang Trần Lệ Tuyển
Tướng VNCH Trần Văn Nhựt Nói Tại Sao Sàigòn Mất Vào Tay CSBV
Phỏng-Vấn Thiếu Tướng Lê Minh Đảo SĐ 18 Bộ Binh VNCH - HNC
Lê Minh Đảo - Kiếp Sau Vẫn Là Người Lính Việt Nam Cộng Hoà
General Le Minh Dao, ARVN - Thiếu tướng Lê Minh Đảo
Tạ Ơn Người - Nhạc của Anh Việt Thu với tiếng hát Duy Khánh - Video Thiên Thu
Chinh Phụ Hoài Khúc của nhạc sĩ Lê Xuân Ái với tiếng hát Hoàng Oanh - Video Thiên Thu
Một Lần Nào Cho Tôi Gặp Lại Em của Vũ Thành An với tiếng hát Trần Thái Hòa- Video Thiên Thu
Phim về Việt Nam và “Quốc Hận” cùng những Bình Luận
Hình Ảnh Những Ngày Cuối Cùng Tại Saigon
Xem Hải Quân Mỹ Cứu Người Tỵ Nạn Việt Nam
30 4 1975 - Tuyen Bui
30 Tháng 4 Đen - 41 Năm Quốc Hận - Nỗi Lòng 2016: Thơ và Video ThienthuntthNew Item
Saigon Nhớ: Thơ Hồng Thúy - Nhạc Phan Ni Tấn – Trình bày Lâm Dung – Video Nguyên NgaNew Item



__._,_.___

Posted by: <vneagle_1


Nhà văn, nhà báo Phan Lạc Phúc đã qua đời bên Úc

$
0
0

 





Nhà văn, nhà báo Phan Lạc Phúc đã qua đời bên Úc


Tin buồn loan báo từ ngày thứ hai 25 tháng 4-2016, bác Phan Lạc Phúc bị đột quỵ đã qua đời. Hưởng thọ 88 tuổi.
Thực ra bác đã mất ngay tại nhà, cấp cứu đưa vào nhà thương giữ cho bệnh nhân sống bằng các ống trợ sinh. Chờ các con về đông đủ sẽ rút ra để có thể chính thức giã từ sự sống. Nhiều thân hữu trên thế giới đã biết tin. Chúng tôi gửi đến các bạn trong danh sách riêng để cùng cầu nguyện cho bác Phan Lạc Phúc.
Tìm trên Internet với tên Phan Lạc Phúc các bạn sẽ thấy toàn là những bài bác viết đầy chuyện tử tế, nhân hậu để lại cho chúng ta.. Tôi là độc giả của bác từ Việt Nam. Rồi khi ra tù qua Úc, bác Phúc tiếp tục viết Tạp Ghi chuyện xa gần quanh ta viết cho bạn bè.
Tác giả là con người tử tế. Viết toàn chuyện tử tế về những anh em tử tế trong cuộc đời tử tế. Sự nhân hậu tử tế thể hiện trong văn phong cả chuyện trong tù. Đối với bác Phúc có cả những tay cai tù và ngay cả trưởng trại tù cũng có người tử tế. Bác viết về chuyện người coi trại tù khi nói chuyện với những tù cải tạo gọi là các ông. Chuyện chưa từng có. Bác Phúc đặt tên người tù nhẩy Bắc Nguyễn Hữu Luyện là Người Tù Kiệt Xuất.
Riêng tôi mấy năm sau này bác Phúc nghỉ viết lại trở thành độc giả của Giao Chỉ. Tôi hết sức hân hạnh. Chúng tôi tao ngộ bên Úc nhân dịp được báo Việt Luận mời qua gặp độc giả. Trong đó có vị độc giả thân yêu của tôi là bác Phúc. Sau đó hàng tháng bác Phúc chuyện trò với chúng tôi qua điện thoại. Sự khích lệ của độc giả đặc biệt như nhà văn Phan Lạc Phúc quả thực là niềm hân hạnh cho tác giả Giao Chỉ.
Tôi có khá nhiều độc giả cao niên, nhưng hiểu nhau và nói với nhau những lời tử tế thương yêu, tôi vẫn chờ đợi ở bác Phan Lạc Phúc. 
Lần qua Úc năm xưa, bác Phúc dẫn vợ chồng tôi vào thăm bác gái trong nhà dưỡng lão. Bác trai cầm gói khoai đưa cho bác gái nói rằng: "Hôm nay mình phải đi ăn trưa với ông bà khách từ Mỹ qua. Mẹ nó ăn cơm xong dùng củ khoai nầy tráng miệng". Người vợ thương yêu của bác Phúc cười rất hiền lành mà gật đầu. Khách viễn phương từ Mỹ qua cầm tay bác Phúc gái lắc nhẹ. Hình ảnh này chúng tôi không bao giờ quên được.
Bác Phan Lạc Phúc là người thông thái văn chương kim cổ. Giỏi Pháp văn và cả Hán tự. Nhưng tinh thần hoài cổ vẫn tràn ngập trong lòng. Nói thực ra đời sống của bác vẫn đầy tính chất nông thôn. Chữ dùng cho đúng bác là người nhà quê mà Nguyễn Bính thường dùng chữ CHÂN QUÊ.
Con người chân quê đó tôi hết sức kính trọng và yêu mến. Thôi thế từ nay sẽ không còn tiếng nói viễn liên từ phía dưới địa cầu gọi cho Giao Chỉ với những lời khích lệ chân tình.
Dù tuổi thọ của bác bao nhiêu, tôi cũng không quan tâm. Thật tình, tôi chỉ muốn ông sống mãi để khen ngợi công việc của chúng tôi. Ở cái tuổi nầy tiền tài danh vọng rồi cũng sẽ qua đi. Lời khích lệ của tri kỷ làm ta sống được mỗi tuần. Nhìn đi nhìn lại, bạn bè hiểu nhau lần lượt ra di. Biết ai chia xẻ từ nay đến ngày 30 tháng từ năm tới.
Hai giờ đêm qua tôi trao đổi đôi lời với bác Văn Quang tại Việt Nam có nhắc đến bác Lô Răng Phan Lạc Phúc. Lại sắp làm lễ tưởng niệm cho Nguyễn Ngọc Bích, cũng là một người tử tế đã làm toàn chuyện tử tế suốt 40 năm qua. Còn chuẩn bị lễ phủ cờ vàng cho mũ đỏ Hoàng Tích Hữu Ái. Con người một đời ngang dọc đang nằm chờ nhưng giây phút cuối vẫn còn thắc mắc không biết giờ này tổ quốc ở đâu? Ra đi ở Sacramento, không biết tổ quốc có cử ai đến phủ cho ta một là cờ?...
Nhưng lá cờ tử tế kỳ này phải dành cho Phan Lạc Phúc ở bên Úc. Lá cờ dành cho Giao Chỉ để sẵn tại Viet Museum. Lá cờ nào cho Văn Quang ở Sài Gòn? Có lẽ sẽ phủ trên Internet.
Xin xem tin về bác Phúc dưới đây để biết ông đã ra đi như thế nào
*********************
Nhà báo Phan Lạc Phúc hấp hối trên giường bệnh! 
Di ảnh nhà báo Phan Lạc Phúc

Nhà báo Phan Lạc Phúc, cựu chủ bút Nhật báo Tiền Tuyến (tiếng nói của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa), nổi danh qua bút hiệu “Ký giả Lô Răng” trước 1975 và nay là các bút ký “Bạn Bè Gần Xa” - đã lâm trọng bịnh, khi bị đột qụy tại nhà riêng ở vùng Bonnyrigg NSW. Australia.

Tối thứ Hai 25.4.2016 vừa qua, cháu ngoại thấy điện trong phòng của ông vẫn còn để sáng, dù lúc ấy đã hơn 11 giờ khuya. Bước vào định tắt đèn và phát giác ông đã nằm bất động trên vũng máu, vội gọi mẹ là bà Phan Hồng Hà.
Bởi nhà gần bệnh viện Liverpool nên xe cứu thương đến ngay chỉ sau mươi phút, nhưng vẫn không cứu chữa kịp, bởi cú đột qụy mạnh đã quật ông té ngã, khiến một phần xương hàm bên trái bị bể vỡ và máu tràn ra khắp miệng, mũi, tai và mắt!
Hiện ông đang nằm tại Bệnh viện Liverpool và thở nhờ ống trợ sinh. Bác sĩ cho biết máu đã vỡ tràn trong óc, nếu mổ cũng không cũng cứu chữa được! Với lại thời gian ông bị đột qụy đã quá lâu không ai biết, khiến não không còn hoạt động. Bà Hồng Hà cho biết: “Đúng ra bố đã đi rồi! Nhưng nhà xin để ống trợ thở để chờ chị Cần ở bên Mỹ về”. Bà Phan Tú Cần là trưởng nữ của nhà văn Phan Lạc Phúc, thứ Năm 28.4 này từ California sẽ về đến Sydney và sau đó ống trợ sinh sẽ được rút ra. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào, kể cả trước khi ống trợ sinh được tháo bỏ.

Nhà báo Phan Lạc Phúc sinh năm 1928, năm nay đã 88 tuổi, tuy vậy sức khoẻ của ông vẫn rất sung mãn. Ông vẫn thường tham gia các sinh hoạt Cộng đồng và đến nursing home thăm vợ hàng tuần. Bà Phúc chỉ kém ông một tuổi, nhưng đã phải vào nhà hưu dưỡng ở Cabramatta mấy năm nay và tay chân không còn cử động! Bà HồngHà cho biết: “Tụi cháu không dám báo cho mẹ biết, vì mẹ có thể đi theo bố ngay nếu nghe tin!”
Ông Phan Lạc Phúc trước khi bị đột qụy mấy tiếng còn nói chuyện trên viber với nhà văn Phan Lạc Tiếp, là em ruột của ông hiện định cư ở Mỹ. Gia đình cũng không dám báo tin dữ cho ông Tiếp, bởi sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông chú.

Được biết, cựu Trung tá Phan Lạc Phúc sau 10 năm bị “học tập cải tạo” ở miền Bắc, đã đến Úc đoàn tụ năm 1992 do con cái bảo lãnh. Ngay khi đến Úc ông đã cộng tác với Nhật báo Chiêu Dương do ông Nhất Giang làm chủ bút, bởi ông Nhất Giang đã từng là thuộc cấp của ông Phan Lạc Phúc tại Nhật báo Tiền Tuyến.
Giao Chỉ, San Jose

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
__._,_.___

Posted by: "Nhat Lung" 

Nghỉ về cái gọi là "Hội Nghị Thượng đỉnh Chiến tranh VN" sau 41 năm

$
0
0


Matthew Trần:

Tôi chẵng bao zờ có kãm tình với tên John Kerry, nhất là khi zã được TT Barack Obama chọn làm Bộ Trưỡng Ngoại zao cho Hoa Kỳ.

MT


 From: Phụ Nữ Tự Do - <
Sent: Thursday, April 28, 2016 3:48 AM
Subject: Fwd: FW: danlambao: Nghỉ về cái gọi là "Hội Nghị Thượng đỉnh Chiến tranh VN" sau 41 năm - NguyenVietNu

Date: Tue, 26 Apr 2016 09:49:24 +0200
Subject: danlambao: Nghỉ về cái gọi là "Hội Nghị Thượng đỉnh Chiến tranh VN" sau 41 năm - NguyenVietNu
From: linhquen11
To:
 Nghỉ về cái gọi là "Hội Nghị Thượng đỉnh Chiến tranh VN" sau 41 năm 










The Vietnam War Summit 2016 Hài tội "John và Jane Hà Nội"

Nguyễn Việt Nữ (Danlambao) - “The Vietnam War Summit” là Hội nghị Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam tại Thư Viện Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas từ ngày 26 đến 28 tháng 4, 2016, đúng tháng Tư Đen, đánh dấu 41 năm Quốc hận của Việt Nam Cộng Hòa.

Và cũng là đúng 41 năm tội ác của cặp “John Hà-Nội” và “Jane Hà-Nội” được phơi bày bằng Biên bản của Quốc Hội Hoa Kỳ (Congressional Record) hẳn hoi.

Lý do: Diễn giả chính (keynote) của Hội nghị Thượng đỉnh là Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry, tức “John Hà-Nội” thời Chiến tranh Việt Nam; còn “đỉnh kia” thì có Phạm Quang Vinh, đương kim đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ đã đành; nhưng còn nhiều nhân vật quan trọng tham dự nữa như Tiến sĩ Henry Kissinger, cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ thời TT Nixon, và một số tên tuổi nổi tiếng thân cận với “đỉnh” bên kia như Tom Hayden (chồng cũ thứ nhì của Jane Fonda, tức “Jane Hà- Nội”) và rất hùng hậu những cựu quân nhân, báo chí và các đạo diễn phim người Mỹ.

Một “thượng đỉnh” quan trọng về cuộc chiến tại Việt Nam lại không có một người Việt Nam từng tham dự trong chiến tranh Việt Nam được mời để góp tiếng nói về vận mệnh của đất nước mình, chỉ có Dân Biểu Texas Hubert Vo, nhưng ông chỉ có 4 phút để phát biểu.

Nếu chỉ có vậy thì chẳng làm sao gọi là “Hài tội” của cặp John Jane Hà Nội được?

I. Mục đích của “The Vietnam War Summit”?

Nhưng thật là một trùng hợp lạ lùng của lịch sử, khi đọc phần mục đích của “The Vietnam War Summit”, Giám đốc thư viện Lyndon Baines Johnson, ông Mark K. Updegrove cho biết mục đích cuộc hội thảo nhằm vinh danh các chiến binh Hoa Kỳ đã chiến đấu anh dũng tại Việt Nam, đồng thời nghiên cứu sự phức tạp cuộc chiến và để “soi ánh sáng vào cuộc chiến Việt Nam, bài học và di sản của nó”.

Cho nên Hội nghị Thượng đỉnh còn có triển lãm replica (Chụp lại) phân nửa bức tường đá đen “Vietnam Veterans Memorial Wall” ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn có tên trên 56,000 chiến binh Mỹ đã hi sinh hay còn mất tích, gọi là “The Wall that Heals”. Lễ khai mạc cho công chúng xem là ngày 22 tháng 4, trước ngày khai mạc Hội nghị cả gần tuần lễ.

Còn trong ba ngày hội nghị (26,27,28/4) mỗi ngày sẽ có 2 buổi sáng và chiều để cử hành lễ gắn huy chương và cám ơn cho những cựu chiến binh Mỹ nào đã phục vụ tại Việt Nam từ Nov. 1, 1955 and May 15, 1975.

Chuyện gì đây? Gió đổi chiều?

Chúng tôi đã từng dịch sách “Shrapnel in the Heart” (Mãnh vỡ trong tim) gồm những gì nhà báo Laura Palmer lượm của thân nhân các tử sĩ để lại dưới chân bức tường đá đen Vietnam Veterans Memorial Wall ở Hoa Thịnh Đốn nầy từ sau khi khánh thành năm 1982 rồi đi gặp gia đình nầy và viết lại.

Có những vị nữ Quân Y Mỹ viết “Tôi đến Việt Nam để cứu thương/ Về lại Hoa Kỳ tôi bị thương” vì “đáp xuống mảnh đất quê hương mà tưởng lầm là đất địch…”.

Người ta phun, nhổ nước bọt vào mặt, thậm chí cản đường không cho đi bằng mọi cách. Cô ta phải chạy lẹ vào toilet để thay thường phục thì mới ra khỏi phi trường được! Một sự tuyên truyền khinh bỉ người tham chiến ở Việt Nam kinh khủng như thế. Vậy mà đến tháng Tư Quốc hận năm Con Khỉ 2016 thì được công khai “vinh danh”. Để xem được bao nhiêu người đến? Nhưng rõ ràng là Gió đã xoay chiều.

Đọc thông cáo về “The Vietnam War Summit”, ít ai chú ý đến hiện tượng nầy, người ta chỉ chú ý tới Henry Kissinger, cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ thời TT Nixon thường bị kết tội “Đã bán đứng Việt Nam”. Đến Nick Út với hình Kim Phúc chạy...

Riêng chúng tôi thì nghĩ đến khi chọn Thượng nghị sĩ John Kerry thay cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Tổng thống Obama khen là sự chọn lựa “hoàn hảo” (perfect choice).

Nay để ông Ngoại Trưởng John Kerry hoàn hảo là keynote trong Hội nghị Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam2016 và triển lãm replica bức tường đá đen “Vietnam Veterans Memorial Wall” ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, có long trọng làm lễ khai mạc ngày 22 tháng 4, và sau đó là lễ “vinh danh” mỗi ngày hai lần …thì quả thật là tới “đỉnh” tuyệt hảo.

Tại sao? Vì ngày 22 tháng 4 năm 1971, tức cũng đúng 41 năm ngày Trung úy Hải quân John Kerry, lãnh tụ của những cựu quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam chống chiến tranh (Vietnam Veterans Against the War= VVAW) điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Quốc hội Hoa kỳ, nhục mạ quân đội Mỹ và đòi Mỹ phải ra khỏi Việt Nam thật nhanh.

NHỜ ANH HÙM MẶT NGỌ VÀ CON ĐÀO "HỒ HỞI" JANE F. GÓP BÀN
TAY NÊN VC SỚM "LÊN NGAI" VÀ CHÚNG TA MỚI BIẾT NƯỚC MỸ 
VÀ NGƯỜI MỸ THẾ NÀO ! [ CẦN NÓI THÊM,TRONG HƠN 5 NĂM LÀM
CHỦ TỊCH UB ĐỐI NGOẠI THƯỢNG VIỆN HK, ANH MẶT NGỌ NẦY ĐÃ CHO
"DỰ LUẬT NHÂN QUYỀN VỀ VNCS"ĐI MÒ TÔM -


Đặc biệt là John Kerry “hoàn hảo” lúc ấy còn ước đoán rằng sau khi Mỹ đi rồi, chỉ tối đa là 3,000 người quân đội VNCH bị Cộng sản sát hại thôi! Bởi ông đã tới Paris nơi có hội nghị “Đình chiến Vãng hồi Hòa Bình”, đã gặp Nguyễn Thị Bình, (Chính phủ Lâm Thời Giải Phóng Miền Nam) và CS Bắc Việt nên biết rõ!...

Trước đó, năm 1970, John Kerry và Jane Fonda còn mài miệt tạo những truyền đơn, biểu ngữ cổ động cho các phong trào RITA (Resisters Inside the Army). Chiến dịch Operation RAW (Rapid American Withdrawal” và "FTA” (F*** The Army), để quyên tiền nuôi người trốn lính, khiến quân đội không cần đánh mà tan hàng ngũ.!

II. Biên Bản của Quốc Hội Hoa Kỳ (Congressional Record)

Chúng tôi có nguyên văn bài điều trần trong Biên Bản của Quốc Hội Hoa Kỳ (Congressional Record) ngày 22 tháng 4 năm 1971 mà Thượng Nghi Sĩ J. W. Fulbright làm Chủ tọa (Chairman) với sự hiện diện của các TNS Symington, Pell, Aiken, Case, and Javits. Gồm từ 1 of 40 trang trích từ trang 179-210 của Congressional Record (92nd Congress, 1st Session)

Quá dài, nên chỉ xin trích những đoạn vừa trình bày trên để dẫn chứng thôi:

LEGISLATIVE PROPOSALS RELATING TO THE WAR IN SOUTHEAST ASIA
THURSDAY, APRIL 22, 1971
UNITED STATES SENATE;
COMMITTEE ON FOREIGN RELATIONS,

Washington, D.C.

The committee met, pursuant to notice, at 11:05 a.m., in Room 4221, New Senate Office Building, Senator J. W. Fulbright (Chairman) presiding.

Present: Senators Fulbright, Symington, Pell, Aiken, Case, and Javits.

The CHAIRMAN. The committee will come to order.

STATEMENT OF JOHN KERRY, VIETNAM VETERANS AGAINST THE WAR

A. Nhục mạ toàn hệ thống quân đội Hoa Kỳ

“Tôi hiện diện nơi đây không phải là John Kerry, mà là thành viên của nhóm cả ngàn người, nhóm nhỏ nhưng đại diện cho nhóm lớn hơn của cựu chiến binh trong cả nước, có thể là những người ngồi ở đây, để cùng làm chứng như nhau.

Tôi muốn nói rằng vài tháng trước ở Detroit chúng tôi có một cuộc điều tra trong đó có 150 quân nhân đã được giải ngũ trong danh dự đã làm chứng cho những tội ác chiến tranh phạm ở Đông Nam Á không phải chỉ thỉnh thoảng mới có mà nó xảy ra trên căn bản liên tục ngày nầy sang ngày nọ, với sự hiểu biết của hết các cấp chỉ huy trong quân đội.

Không thể diễn tả những cảm xúc ghê rợn mà họ nói ở Detroit về kinh nghiệm Việt Nam mà xứ nầy [Hoa Kỳ] bảo họ làm! Họ nói những câu chuyện của thời đó là chính họ đã hãm hiếp, cắt tai, chặt đầu, kẹp giây điện từ những bộ máy truyền tin vào nhưng cơ quan sinh dục rồi quay điện, chặt chân tay, làm nổ tan xác, bắn chơi vào các thường dân, triệt hại cả làng theo kiểu của Thành Cát Tư Hãn, bắn trâu bò, chó, làm trò chơi, đầu độc các kho lương thực và hầu như là tàn phá toàn diện miền quê Nam Việt Nam, ngoài sự tàn phá thông thường của chiến tranh và sự tàn phá thông thường và đặc biệt của những cuộc bỏ bom trên đất nước này.” [ANH HÙM MẶT NGỌ NÓI - BÀ CON LÀNG XÓM CÓ AI TIN ĐƯỢC HÔNG ?]

(I am not here as John Kerry. I am here as one member of the group of 1,000, which is a small representation of a very much larger group of veterans in this country, and were it possible for all of them to sit at this table they would be here and have the same kind of testimony.

I would like to talk, representing all those veterans, and say that several months ago in Detroit, we had an investigation at which over 150 honorably discharged and many very highly decorated veterans testified to war crimes committed in Southeast Asia, not isolated incidents but crimes committed on a day-to-day basis with the full awareness of officers at all levels of command.

It is impossible to describe to you exactly what did happen in Detroit, the emotions in the room, the feelings of the men who were reliving their experiences in Vietnam, but they did. They relived the absolute horror of what this country, in a sense, made them do.

They told the stories at times they had personally raped, cut off ears, cut off heads, taped wires from portable telephones to human genitals and turned up the power, cut off limbs, blown up bodies, randomly shot at civilians, razed villages in fashion reminiscent of Genghis Khan, shot cattle and dogs for fun, poisoned food stocks, and generally ravaged the countryside of South Vietnam in addition to the normal ravage of war, and the normal and very particular ravaging which is done by the applied bombing power of this country.)

B. Trả lời bạo ngược, bất nhân như giọng CS với câu hỏi về Thái độ Saigon nếu Mỹ rút quân, và trật lất to lớn về con số bỏ thiên đàng Cộng Sản.

TNS AIKEN hỏi: Thái độ chính phủ Saigon khi chúng ta loan báo việc rút quân, thí dụ, đầu tháng Mười, và sẽ hoàn toàn rút hết --bằng hàng không, hàng hải hay đất liền—để họ tự lo liệu lấy thân. 

Ông nghĩ thái độ Saigon thế nào trong hoàn cảnh đó?

(I was going to ask you next what the attitude of the Saigon government would be if we announced that we were going to withdraw our troops, say, by October lst, and be completely out of there -- air, sea, land -- leaving them on their own. What do you think would be the attitude of the Saigon government under those circumstances?)

KERRY đáp: Nếu ta thay chế độ Thieu-Ky-Khiem và cung cấp chổ lưu trú cho họ thì bổn phận họ phải làm theo vì chúng ta là người tạo ra họ và nuôi sống họ hồi nào tới giờ. Tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì (…) Hỏi Đại sứ Lắm tháng rồi ở Paris: nếu Mỹ rút hết, anh còn sống được bao lâu nữa? Lắm đáp: Một tuần lễ. Tôi biết lắm, chúng ta phải trực diện với câu hỏi nầy. Nhưng chúng ta đã làm những gì phải làm cho xứ đó rồi, và phải có nhiệm vụ lo cho chừng 2,000, 3,000 người có thể bị sát hại vì chính trị. Nhưng tôi có cảm tưởng là số 3,000 người đó sẽ phải rời khỏi xứ họ.

(Well, I think if we were to replace the Thieu-Ky-Khiem regime and offer these men sanctuary somewhere, which I think this Government has an obligation to do since we created that government and supported it all along. I think there would not be any problems. The number two man at the Saigon talks to Ambassador Lam was asked by the Concerned Laymen, who visited with them in Paris last month, how long they felt they could survive if the United States would pull out and his answer was 1 week. So I think clearly we do have to face this question. But I think, having done what we have done to that country, we have an obligation to offer sanctuary to the perhaps 2,000, 3,000 people who might face, and obviously they would, we understand that, might face political assassination or something else. But my feeling is that those 3,000 who may have to leave that country )

TNS AIKEN: Tôi nghĩ con số 3,000 người ông dự đoán hơi thấp vì khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ chúng ta đã phải giúp tới 800,000 miền Bắc tị nạn.

(Senator AIKEN. I think your 3,000 estimate might be a little low because we had to help 800,000 find sanctuary from North Vietnam aFter the French lost at Dienbienphu) [Hết trích]

Đó là kiến thức của John Kerry mà cựu quân nhân Mỹ gọi là Hanoi John

Những cuộc biểu tình ở Detroit của nhóm VVAW mà John Kerry cáo buộc do sự ra lệnh của cả hệ thống chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ trong buổi điều trần ngày 22-4-1971, được chụp hết hình ảnh những người mặc quân phục nhầu nát, rách rưới để cho vào sách “Người lính mới” mà hình bìa là nhóm quân nhân cầm cờ Mỹ trải lá cờ thấp, còn cán cờ chỏng lên trời với tựa là “The New Soldier”.

Đố ai biết tận tim đen của tác giả John Kerry muốn gì? Muốn hòa bình, ghét chiến tranh nên làm mọi sự để bỏ Việt Nam, tiền đồng ngăn cản sự bành trướng của Cộng Sản?

Hay ông muốn xóa bỏ Hoa Kỳ như ý của Sô Viết và Trung Cộng, 2 kẻ thù đều muốn tận diệt USA lúc ấy?

Xin bấm vào WinterSoldier.com sẽ tìm được nhiều tài liệu cho biết rằng Mỹ đi tới đâu là có Sô Viết xì tiền nuôi kẻ phá hoại đến đố--tất nhiên là có người chỉ vô tình chống chiến tranh vì sợ chết, sợ nghèo thôi.

Chẳng hạn ngày 8 tháng 3 năm 1965 là ngày Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đa Nẵng, Việt Nam thì tại StockholmThụy Điển có một hội nghị quốc tế về Việt Nam do cựu mật vụ KGB-Liên Sô (Romesh Chandra và Ion Mihai Pacepa ) lo soạn tài liệu phổ biến quốc tế cách tuyên truyền trốn lính, biểu tình, tẩy chay hay trừng phạt -- cách nào đó-- người liên hệ tới chiến tranh. Còn đảng Cộng Sản lo tiền, $15 triệu Dollars mỗi năm; từ 1966 đến 1972 để in, phát hàng nghìn tài liệu, hình ảnh dã man giết thường dân vô tội của lính Mỹ

(March 8, 1965 -- The first Stockholm Conference on Vietnam is held in Stockholm, Sweden. The conference is the creation of Romesh Chandra, chairman of the KGB-funded World Peace Council. Former Soviet bloc spy chief Ion Mihai Pacepa will later describe it as "a permanent international organization to aid or to conduct operations to help Americans dodge the draft or defect, to demoralize its army with anti-American propaganda, to conduct protests, demonstrations, and boycotts, and to sanction anyone connected with the war." The operation is staffed by undercover intelligence officers and funded to the tune of about $15 million per year by the Communist Party. Between 1966 and 1972 it will generate "thousands of 'documentary' materials printed in all the major Western languages describing the 'abominable crimes' committed by American soldiers against civilians in Vietnam, along with counterfeited pictures.")

Như ngày 2 tháng 5, 1967 cũng tại Stockholm, Thụy Điển, có tòa án Hình sự Quốc Tế Bertrand Russell mà Jean-Paul Sartre là Chủ tịch mà ai cũng biết do Hà Nội và Việt Cộng miền Nam hổ trợ. Tòa tuyên án Quân Đội Mỹ phạm giết người miền Nam hàng loạt và đang phạm tội diệt chủng nữa.”

(May 2, 1967 -- Bertrand Russell's International War Crimes Tribunal opens in Stockholm, Sweden, with Jean-Paul Sartre as executive president. The members of the tribunal are all well-known supporters of North Vietnam, and the "evidence" presented is supplied largely by North Vietnam, the Vietcong, and communist investigators. The Tribunal concludes that American forces are engaged in the "massive extermination" of the people of South Vietnam, and are committing "genocide in the strictest sense.") [Ngưng trích]

III. Còn Jane Fonda không có mặt trong “The Vietnam War Summit” tại sao lại kết tội?

Đúng, nhưng Tom Hayden (chồng cũ của Jane Fonda) còn mưu sĩ hơn Jane nhiều. Chính bà ta thú nhận trong sách”My life, So far” bản thân bà nguyên thủy không hề biết Việt Nam ở đâu nữa. Nhưng từ ngày biết Tom, bà ta từ từ nghe lời đi biểu tình chống Mỹ và chính tức Tom Hayden xúi đi Hà Nội để thành “Jane Hà-Nội” đó. Và chính khi đi làm Opreratiom of RAW (Rapid American Withdrawal) ở Detroit với John Kerry, hai người thay nhau làm thuyết trình viên mà báo chí ở đó ghi xác quyết bất hủ nầy của bà ta:

“Nếu anh hiểu chủ nghĩa Cộng Sản là gì, anh sẽ quì gối van xin được trở thành người Cộng Sản” và “dự án hòa bình của Việt Cộng thật đáng ngưỡng mộ, chỉ theo cách đó là sớm đạt hòa bình ở Việt Nam”

(November 22, 1970 -- Jane Fonda is quoted in the Detroit Free Press as telling a Michigan State University audience, "I would think that if you understood what communism was, you would hope, you would pray on your knees that we would someday become communist," and "The peace proposal of the Viet Cong is the only honorable, just, possible way to achieve peace in Vietnam.")

Có thể vì quen sống trong giàu sang và thắm nhập tư tưởng Cộng Sản từ người chồng đầu tiên là đạo diễn Pháp gốc Nga Roger Vadim từ năm 1965, Jane Fonda từng lui tới Mạc Tư Khoa nên chưa biết gì đến sự thật của thiên đường Cộng Sản.

Khi Hoa Kỳ đang phát động chiến dịch ném bom miền Bắc năm 1972, theo lời dụ dỗ của Tom Hayden, Jane Fonda đã một mình đến Việt Nam, mới có bức hình chụp bà ngồi trên nòng súng phòng không của quân đội Bắc Việt. Khi bị giới cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam công kích và lên án dữ dội, năm 1988 bà ta phải lên tiếng xin lỗi trong một cuộc phỏng vấn truyền hình của bà Barbara Walters rằng: “Tôi muốn xin lỗi họ và gia đình họ (các cựu chiến binh VN).. Tôi sẽ ân hận tới khi xuống mồ với tấm hình tôi bên khẩu súng phòng không, giống như tôi đang bắn các máy bay Mỹ. Nó làm đau lòng các binh sĩ Mỹ. Nó đã khơi dậy lòng hận thù. Đó là điều thật khủng khiếp mà tôi đã làm. Nó thật là thiếu suy nghĩ”.

Từ đó người dễ tánh cứ kết luận bà đã ăn năn, hối hận xin lỗi rồi. Nếu đúng thật lòng như vậy thì rất tốt, nhưng chúng tôi nhiều lần nói rằng bà chưa thật tình “Hối hận”, vì năm 2005, trong chương trình “60 Phút” (60 Minutes), Jane Fonda nói bà không hối hận về chuyến đi đến Hà Nội năm 1972; bà chỉ lấy làm tiếc rằng bà đã để cho chụp ảnh bên khẩu súng phòng không mà bà nói là đã bị bọn cộng sản Bắc Việt lợi dụng sắp đặt trước. Chỉ có vậy.

Nên trong hồi ký “My Life, So Far” xuất bản năm 2005, tác giả Jane Fonda còn in lại những gì bà kêu gọi về Nam cho học sinh miền Nam, phát về Mỹ cho quân nhân Mỹ bỏ hàng ngũ, cho đài phát thanh Hà Nội về dân miền Bắc v.v...

Như vậy đủ tạm thấy Cộng Sản Quốc Tế bỏ tiền bạc công sức phá chiến tranh Việt Nam qui mô từ lâu mà theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Hành Pháp lúc ấy là Tổng thống Richard Nixon không có quyền về tài chánh, mà là Quốc hội.

Mà Quốc Hội như Nghị sĩ Fulbright , sau nầy là John Kerry v.v... họ thắt hầu bao viện trợ từ từ và chấm hết, rồi làm luật trói tay Tổng Thống thì dù Nixon có bao nhiêu lần phủ quyết luật của quốc hội nhưng vẫn thất bại...

Như vậy trách Nixon—Kissinger “bán đứng” Việt Nam là quá khắc khe, gây mất đoàn kết, nếu chưa kể là chính Nixon đã gây được sự chia rẽ giữa hai khối Liên Sô và Trung Cộng, làm chúng yếu di. Nên Liên Sô sụp đổ năm 1991.

Hiện chỉ còn một con khủng long Trung Cộng làm Biển Đông dậy sóng, ta cần mở rộng tầm nhìn để dễ đoàn kết với Mỹ và các quốc gia khác mà đối phó.

*

Xin tạm ngưng nơi đây để phổ biến sớm cho mọi người hướng về Hội nghị Thượng đỉnh tại Thư Viện Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas sắp khai mạc để hi vọng tìm giải pháp cho tương lai, vì “biết người biết ta” mới mong thắng trận chiến tranh chính trị nầy được.

Cộng Sản có cả một bộ Chính trị để trị nước. Còn phe ta thì cứ thờ ơ với chánh trị. Chính vì vậy mà dân ta vẫn tiếp tục sống dưới bàn tay công an toàn trị của CSVN.

Xin hẹn kỳ sau tiếp về Jane Hà Nội và “The Vietnam War Summit”.

Mùa Quốc Hận 2016







BỐN ĐẠI TÁ TRỐN TRẠI của Tác giả Võ Hữu Hạnh

$
0
0
 
Tại Sao vẫn còn hận thù ? Do chính Cộng Sản gây ra đối xử tồi tệ vơi người anh em đầu hàng

---------- Forwarded message ----------
From: Tien Huynh 

 BỐN ĐẠI TÁ TRỐN TRẠI của Tác giả Võ Hữu Hạnh


Chuồng cọp và các cột hành hình, trai tấm, phơi khô và chết đói trong tại Cải tại của csVN
Một trại cải tạo tập trung của csVN để giam giữ và đày ải, giết dần Quân Cán Chính VNCH sau ngày 30-4-1975
VietPress USA (12-4-2016): Hôm nay mục "Thơ - Văn Của Bạn", mời đọc giả đọc bút ký của tác giả Võ Hữu Ha5h về đế tài:

  
BỐN  ĐẠI TÁ TRỐN TRẠI.


Võ-hữu-Hạnh.

Những năm dài  tháng  tận  rồi cũng trôi qua trong nhọc nhằn  khổ sở cả thể xác lẩn tinh thần . Thắm thoát đã hai năm qua ở mảnh đất tận cùng biên giới phía Bắc  Việt Nam này . Hàng ngày chúng tôi phải dậy thật sớm  trước khi tiếng kẻng  rùng rợn  vang lên  giữa đêm giá rét  O độ của miền Bắc rẻo cao này , để xếp  hàng làm vệ sinh  cá nhân ,  vì hể  một khi tiếng kèn  đã nổi lên rồi thì  mình sẽ  không còn là mình nữa ,mà là  một   con trục  quay cuồng trong guồng máy  luyện thép khổng lồ .

Thời gian đó  các cai tù  phân công  chúng tôi   ra từng cặp một trẻ một già , một khoẻ một  yếu để vác một cây bồ đề dài  khoảng 6 thước , chu vi chừng  vài tấc  trở lên  qua đoạn đường rừng  gần 10 cây số , mỗi ngày  cặp tù nhân đó phải  vác  đủ ba  chuyến  như thế  cho đủ chỉ tiêu . Lúc dó khoảng 4 giờ chiều , tôi và một anh bạn trẻ  đang khiêng một cây Bồ Đề to lớn , đã cố sức  vưọt  qua bao nhiêu ngọn đèo ,chỉ còn một đèo chót  là đến nơi đang xây dựng bệnh xá  được xây thêm cho càng ngày càng có thêm bệnh nhân tù .

Trời mưa tầm tã , dưới chân chúng tôi  nước chảy thành dòng như muốn  cuốn trôi mọi thứ , chúng tôi phải hết sức kềm chân cho chặt vừa phải oằn vai chịu sức nặng  đẫm nước của cây tươi vừa đốn hạ. Bỗng nhiên anh bạn  gánh vai sau  trợt chân  té ngửa , buông rơi cả thân cây to , khiến  đầu cây còn lại đập mạnh vào hông phải tôi . Đau đón tôi ngất lịm , chân bị trật cả gân lẫn xương .  Tôi vào bệnh xá dể được một  ông  y sĩ  Trường Sơn , mỗi lần chữa bệnh , vừa xem cuốn sách châm cứu do Miền Nam ấn hành , vừa châm  vào tôi  cây kim dài đã hơ qua ngọn lửa  vừa noí :
_ Tổ chức châm cứu săn sóc anh đây . Chừng nào anh cảm thấy đau buốt thì cứ la lên , tôi sẽ tìm huyệt khác đúng hơn ! .
Nhờ mỗi ngày chịu trận cho ông y sĩ dỏm này thực tập  vài ba tiếng , tôi mới được  ông ký giấy cho ''Miễn lao động '' trong ngày ấy.

Các cách trừng phạt tù trong trại cải tạo của csVN
Ngày hôm trước  ngày tôi  bị cây to đè ngang hông , khi tôi khiêng cây  dến đoạn đường Nghĩa Lộ, vừa đói vừa khát , kiệt sức tôi ngã vật  xuống bên lề đường . Hai cán bộ bảo vệ  trẻ thương hại  mới đỡ tôi dậy , nhưng  ngay lúc đó cán bộ  phó trại , ngưòi mập lùn đi ngang qua , không cho đỡ tôi  lại còn đay ghiến :
''Các đồng chí không  việc gì   mà phải đỡ hộ họ !'' Rồi anh cán bộ phó trại quay sang chúng tôi  sang sảng  : '' Tôi biết rõ ở trong Nam, mỗi tuần các anh hầm thuốc Bắc  một đứa trẻ từ một tuổi  để bồi dưỡng , đúng là quân man di mọi rợ không có tính người ! Vì thế anh nào cũng  béo tốt như ri , lao động một  chút không bằng ai mà cũng giả vờ té xỉu ..nhất là mấy anh tỉnh trưởng ! !!"

Nhìn vẻ mặt anh ta đỏ gay , gân cổ  lên mà nói to ra vẻ   rất hiểu biết , để gây thêm căm thù , chúng tôi bổng thấy thương hại sự ấu trĩ của họ hơn là oán ghét . Còn lạ gì một anh chăn trâu suốt đời không được học hành  giáo dục , chỉ biết lặp lại nhai lại  y khuôn những gì Đảng  nói  và nhồi sọ cho họ , gây căm thù giai cấp càng nhiều càng tốt . Họ có  biết đâu lúc đó tại  các thành phố lớn Hà Nội , Sài Gòn , hàng ngày  các bác sĩ cán bộ được lệnh "Kế Hoạch Hóa  Gia Đình'', để  hợp pháp  giết non  hàng ngàn  thai nhi vô tội .

Chúng tôi vẫn tiếp tục lê gót sống những ngày tù  khoắc khoải , thì một hôm  nọ , trời vừa hửng sáng  là  trại  bị bọn cán bộ , lính bảo vệ  trang bị súng ống  chĩa  vào  các lán trạì tù .  Ngày hôm đó họ kiểm soát rất gắt gao,    nhân dịp tịch thu tất cả những gì chúng tôi  có thể để dành ăn  chống đói như  đường ,sữa , bánh ngọt khô .

Cán bộ phó oang oang cái miệng hò hét om sòm :
_Dzõ dzàng nà các anh  ngoan cố phản động  không chịu học tập cải tạo tốt để sớm  lên ngườì  công dân xã hội chủ nghĩa tốt, nhất là mấy bọn đại tá các anh đã phụ  nòng tin tưởng khoan hồng của Bác , Đảng và Chính phủ , các anh có biết chuyện gì xảy ra sáng nay không ?
Quân cs Bắc Việt bắt anh em Quân Dân chính VNCH
Ai  nấy đều rõ nhưng vẫn  im lặng như không . Các lán trại đã tung tin rất nhanh  về việc  4 ông đại tá  đã trốn trại làm nức lòng  nhũng trại viên còn lại . Họ vừa mừng vừa lo  và van vái  thầm cầu xin cho các  vị đó được mau thoát đến đất Lào  và biết đâu đến bờ Tự Do đất Thái .
Họ đi theo đội hình như sau :
- Đại Tá  Thành ,trung đoàn trưởng , trưởng toán trốn trại , mở đường .
- Kế đó là Đại tá Nguyễn văn Thi , binh chủng Pháo Binh ,  người giữ địa bàn định hướng .
- Người đi  giữa mang thực phẩm cho toán  là Đại tá Đỗ Trọng Huề, cựu giám đốc QuốcGia Nghĩa Tử , cố vấn văn hóa  cho tổng thống Thiệu .
- Và người giữ mặt hậu  là Đại tá Quế , chỉ huy trưởng căn cứ không quân Pleiku.

Mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày củng cố lòng tin cho mọi người Các cán bộ điên cuồng  như ác thú  lùng sục tất cả  núi  đồi . các đội tù đi lấy  cát , đá , vôi  ở Bến Phà Ô Lâu  cũng  như các đội lao động nặng  lên rừng đốn gỗ  đều được lệnh tạm đình chỉ . Chỉ riêng 4 đội  tăng gia  và hái chè  là còn hoạt động cầm chừng  dưới sự giám sát gấp đôi  của những chú bộ đội phúng phính trong bộ đồ '' Cứt Ngựa " .Các giờ  giài lao  10 phút thưòng lệ đều bị cắt bỏ , chỉ tiêu tăng gấp đôi để  mọi người mệt nhoài  không còn  thời giờ nghỉ ngơi  dù là một phút giây nào . Vài anh tù '' nông cạn'' vội chưởi rủa  bốn anh trốn trại , vì họ mà cả bọn chịu  cực khổ thêm . Còn lại đa số đều ''  phấn khởi  hồ hởi '' vì  họ thêm một ngày  hi vọng  cho những ai chuẩn bị trốn trại sau đó .

Trại cho thay đổi ngay những người '' anh nuôi ''. Những người nầy bị an ninh điều tra thô bạo . Anh  đại tá  Võ An  bị gọi lên  xuống mấy chục bận mỗi ngày để điều tra  manh mối xem  ai là người  xếp đặt hậu cần  cho các anh trốn một cách bí mật chu đáo  mà không ai hay biết .

Bốn anh Đại tá  trong đội " Cơ Động " hàng ngày đưọc phân công dùng xe cải tiến đến Bến Phà Ô Lâu  chở vật liệu nặng  về xây cất  cho trại . Các anh lợi dụng những chuyến đưọc  xuất trại xa như thế  đã ngấm ngầm cấu kết  với nhau  âm mưu trốn trại qua  Lào , với sự giúp đỡ  của  anh  Võ Ân , phụ trách nhà bếp trại .

Sau cả tháng mỗi ngày giấu một ít  thực phẩm khô , ngày  N ,giờ G , thừa lúc mấy anh bảo vệ lơ là , các anh ĐT nhà ta lần lượt biến  mất sau mỗi quả đồi , hẹn nhau tại một điểm tập trung và ... chạy  trốn !
Các anh đã đi suông sẻ suốt ngày đầu tiên mà không ai  hay biết cho đến chiều tối lúc điểm danh . Đội cơ động  bị phát hiện  thiếu  mất bốn người khiến cán bộ  quản giáo , bộ đội canh gác  bấn lọan , bắn súng loạn xạ . Lúc đó cả trại mới hay có bốn  ông '' Bò Lục'' trốn thoát ,  ít  nữa là ngày đầu tiên , ai nấy vừa lo  vừa mừng  cho các anh .

Một lớp nghe tuyên truyền đường lối khoan hồng
của csVN trong trại tù cải tạo tập trung tại Tây Ninh
Chúng tôi lo lắng vì noi miền rẻo cao này , mỗi người  dân  đều là Cộng  Sản , là cán bộ tình báo  của chúng  để quan sát theo dõi chúng tôi sít sao , vi 2thế mà họ  không ngại '' thả '' chúng tôi ra  ngoài để lao động  khổ sai  vì vùng này  họ cho là an toàn nhất ,một con ruồi còn khó qua mắt họ .

Nhóm anh Huề , anh Thành , AnhThi  và anh Quế  vớí sự trợ giúp hậu cầncủa anh Võ Ân , tưởng  đã trốn trại  được đến gần biên giới  Lào vẫn bị chúng nó phát hiện  sau năm ngày sát biên giới , mà theo  lời kể của các anh là '' chỉ cần qua bên kia  con sông đang chảy xiết  là đến  đất Lào rồi '', kể thì các anh quá giỏi đã  vạch kế hoạch  , đi đúng hướng  chính  xác  mục tiêu , thất bại chẳng qua là .. số  mệnh  dun rủi  mà thôi !

Chúng họ theo đuổi lùng sục các anh tận  biên giới , nơi chắc chắn các anh sẽ đến ,  quả thật  bọn  chúng đánh giá  không  thấp trình độ của các sĩ quan ta . Khi giải các anh về bọn chúng như bầy quỷ dữ  khát máu  hung hăng , tha hồ đánh đập  hành hạ các  anh  chết đi sống lại cho hả cơn giận của chúng .  Riêng anhThành , trưởng nhóm  vượt ngục ,  bị nhốt riêng  rồi thay nhau đánh đập tra khảo anh từ  suốt  đêm đến sáng . Càng bị hành hạ , anh càng lớn tiếng chưởi bới , cho đến khi gà gáy sáng thì anh không còn có thể   la mằng gì được nữa  vì chúng nó  đã  treo cổ anh rồi .

Sau này khi tôi  bị biệt giam với các anh  Huề , Thi , Võ Ân , Tâm , Huy , Bình , Đức  ở khu F , phòng 7 , trại Hà  Tây , Tỉnh  Hà Sơn Bình , mỗi khi nhắc đến anh Thành  là mọi người yên lặng rơi lệ,  thành kính tưởng niệm  một anh hùng bất khuất , nhất là anh   Huề , Thi ,Võ  Ân .

 Theo lời anh Huề , sau khi chuẩnbị kỷ lưỡng  cà mấy tháng trời những địa điểm  tiếp tế  các anh đã  lần lượt chôn dấu  thực phẩm cho  những ngày đầu  còn ở  gần trại thì các anh  bắt đầu đi suốt  ngày đêm , tránh gặp dânchúng . Đến ngày thứ ba và thứ tư qua , bốn anh emmừng rỡ  tưởng  gần như  thoát  nạn rồi . Đdường càng xa Yên Bái thì nuí non càng cao dần lên , nhiều nơi dốc như thẳng đứng  khiến anh em khốn khổ  vô cùng . Đến sớm ngày thứ tư thì anh Thành  thoáng thấy từ xa  một buôn làng  có nhũng cuộn khói bốc lên từ các mái tranh . Tuy mừng rỡ nhưng  anh em bảo nhau đề cao cảnh giác  đi bọc vòng xa ngôi làng .

Bổng đâu có tiếng rào rào như giông to sắp đến nơi , anh Thi , người định hướng  đi trong rừng giỏi nhất  vì anh là cấp chỉ huy pháo binh , kể chuyện tiếp :

'' Lúc đó mọi người  đều  rã rời  vì  cơn khát nung nấu  dày vò ,nhưng tiếng  động lạ càng lúc càng to dần ,mọi người dều thủ dao  sẳn bên mình ,  sẳn sàng  chiến đấu một mất một còn  với bất cứ ai khám phá  ra bọn người đang quyết tâm đi tìm tự do  với bất cứ giá nào . Tiếng rì rào   càng ph1ut càng to dần trên đầu , bọn ngươì núp vào kẻ đá  trong lùm cây chờ đợi . Thật bất ngờ ! Mọi người há hốc  mồm nhìn lên ... đó là một con kỳ đà khổng lồ  rất dài đang le chiếc lưõi đôi  nhìn bọn người trốn trại nhỏ bé  đang ép mình  vào kẹt đá .

csVN bắt tù cải tạo VNCH đi kéo cày thay trâu
Ngươì ta thuờng nói  '' Ra đường gặp kỳ đà cản mũi , ắt việc không thành tựu được ! ''. Nhưng lúc đó  đối với các anh tù vượt ngục đói khát  suy nhược thì con kỳ đà này là món quà trời  thương ban  , giúp các anh có thêm sức lực .

Họ đã thấy xa xa con sông  to dài tung lên  những bọt trắng xóa chứng tỏ nước chảy rất mạnh .  theo bản đồ và  la bàn thì con sông đó co 1thể là sông Mekong  chảy xuyên qua  Trung Cộng , Lào , Kampuchia  và Việt Nam , vì từ trên đỉnh núi cây lá dày đặc  nhìn xuống  thì nó rất rộng  và dài vô tận  uốn khúc như con rắn khổng lồ .

 Gần bờ sông các làng mạc  mọc nhiều , dân cư hay lên rừng đốn củi  , săn thú  nên anh em quyết định  ngày ngủ dêm đi , di chuyễn dần lên phía Bắc nơi  con sông hẹp hơn  để vượt qua . Ai cũng mừng vì sắp thành công  cuộc vượt ngục hi hữu này , cố làm sao đủ sức vượt sông  đến khu rừng tre dày đặc bên kia xứ Lào .

Khi con người  cố gắng hết sức để đạt mục tiêu , cơ thể có khả năng siêu việt  vượt qua tất cả , để  một khi  đạt  hay gần khi gần tới mục tiêu  , cơ thể  rũ liệt kiệt sức ,các anh em  vượt  trạimấy ngày đêm nay thấy gần thành công thì bỗng dưng bao mệt mõi đổ ụp xuống , tuy nhiên anh em cũng  cố gắng thay phiên nhau trực  canh  , tìm mọi phuơng cách để vượt sông an toàn .

Bổng nhiên có tiếng chó sủa  càng lúc càng gần càng rộ lên . Thì ra , dân  bản xứ  đi rừng khám phá dâu chân lạ  trên con đường mòn , gần bờ suối cây lá bị đạp ngã  , họ thả chó đánh hơi và báo đồn công an , nghi ngở có bọn thổ phỉ buôn lậu thuốc phiện  xuyên biên giới .

Tiếng chó sủa dữ dội cùng tiếng súng bao vây các anh , nhữngtiếng quát tháo  rợn người  vang lên :
_Ai muốn sống  giơ tay khỏi đầu ngay  !
Rồi những gương mặt dữ dẳn của bầy lang sói độc ác  xuất hiện kèm theo những trận mưa đòn tàn bạo , gậy gộc báng súng  đánh tới tấp trên  đầu cổ mặt mũi  mình mẩy những  nạn nhân  tù đày ốm đói run rẩy  không chút tự vệ .

Giữa trận mưa máu , có tiếng một cụ già :
_Thôi cho tôi xin các ông ! Tưởng là bọn thổ phỉ buôn lậu biên giới , hóa  ra là tù cải tạo Miền Nam . Họ không thể  chống cự  , hà tất  phải đánh đập họ dến chết như thế !
Bốn anh em ngất lịm đi trong cơn mưa đòn khủng khiếp nhất trên đời . Mặt mũi mình mẩy họ không còn là con ngườii nữa mà là  những  con vật hình thù  méo mó  tả toi  dươí những trận đòn từ những ác quỷ  đầy hận thù đội lốt người   thắng trận !

Chiều hôm đó tại lán trại , sau khi nhận điện báo  khẩn  ,  trại trưởng huy động  hai đội lao công khẩn trương đục  hang vào sưòn núi sâu , không ai biết để làm gì , tưởng là  nơi để họ cất giấu vũ khí  hay chứa thực phẩm  lưong khô , đến khi  có những tấm vĩ sắt  dựng thành cửa  ngục  lên  thì ai nấy đều hiểu  ra đó là nơi để   giam giữ tù vượt trại . Chúng tôi hoài nghi  có lẽ bốn '' Bò Lục ''đã bị  bắt  và đang trên đường trở về .

Thật đúng như vậy ! Một buổi chiều  u ám , từ  chân trời có tiếng vó ngựa  tung bụi mờ ,  giữa bầy quỷ dữ  đang hò hét trên lưng ngựa  cho chiến thắng vĩ đại  là bốn người  tù  bị  lôi xểnh  theo sau lưng ngựa , hứng chịu những trận đòn , họ té khụy xuống rồi lại bị lôi dậy lúp xúp chạy theo  vó ngựa , rồi loạng choạng té xuống mặc cho những  sợi dây trói chặt quấn lấy thân thể rách bươm  lôi kéo họ như những thanh gổ vô tri giác !

Chúng tôi  chết điếng lặng  ngưòi  nép  bên đường nhìn  họ đi qua  sau giờ  chúng tôi  lao động cải tạo vể ,  vô tình hay cố ý  họ cho chúng tôi thấy hình phạt  khủng khiếp  của những ai  có ý định trốn trại . Chúng tô iđể mặc cho giòng lệ tuôn trào từ những đôi mắt trũng sâu ,  lăn dài  trên đôi  gò má hốc  hác  khắc  khổ  . Anh em chúng tôi đó ! Những NGƯỜI  HÙNG  sau cuộc chiến !  Không thành công đã thành NHÂN !  Dù không còn ai có thể nhận ra  các anh , vì  các gương mặt  đã bị  bầm dập tan nát  sau trận  mưa đòn thù .

Sáng hôm sau , anhThành đã chết  cách anh dũng bất khuất ! Xin dâng anh một nén hương lòng !

Vài  hôm sau  đó , có lẽ để xoa dịu lòng căm phẫn  nhem nhúm trong  tù trại Yên Bái  trại 2 , hoặc  gây chia rẽ nghi ngờ giữa các anh em tù , hoặc muốn tỏ ra rằng  Đảng ta  luôn khoan hồng  nhân đạo ,nên trong một  buổi học tập chính trị  toàn trại , người ta đem anh Quế  trình diện mọi người , đề cao anh là ''thành phần tiến bộ '', biết '' tội lỗi mình làm '', xin  tập thể trại viên  nhận anh lại vào hàng ngũ những người cải tạo  tốt .  Còn hai anh Huề và Thi hãy còn ngoan cố ,chưa xứng đáng được nhân dân tha thứ , còn phải chờ lâu dài . Mọi người  khẽ thở dài , không ai có ý kiến gì , bởi vì    không ai đoán bọn CS thâm độc  mưu mô này sẽ còn dùng chiêu thức gì  nữa .


Ít lâu sau đó ,  ngày 19/07/1977, hàng ngũ tù đại tá  chúng tôi  được lệnh chuyển sang trại  Tám ở thâm sơn cùng cốc  đầy ao tù nước vàng đặc , nếu lỡ  đạp chân xuống  đó sẽ bị  nhiễm  sốt rét  hoặc  sốt rét rừng kinh niên . Ngay ngày đầu tiên  khai hoang vùng hoang địa này  dể trồng  trọt , tôi là  bệnh nhân  sốt rét rừng  đầu tiên . Cứ  khoàng 4, 5 giờ chiều  cơn rét  kéo tới  hành hạ tôi run lập cập , đắp  bao nhiêu mền  vẫn không đủ ấm , cái lạnh từ trong xương lạnh ra , rồi đến 12 giò đêm  thì nóng  sốt như lủa đốt  như có muôn ngàn ngọn lửa châm vào đầu  ngón chân  mình mẩy . Thế mà sáng ra không được nghỉ ngơi , họ cho là tôi bệnh vờ  nên tôi vẫn phải lao động như thường . Như  chưa đủ khốn khổ ,  người  phát thuốc  ở trạm xá , vốn là người '' của ta '', nhưng nhờ ''quen biết '' cán bộ , nên  bắt chẹt anh em , mỗi lần  anh ta bố thí cho vài viên Quinine , đã bị anh ta  liếm hết chất ngọt bọc đường  bao quanh , là đổi lại chúng  tôi  phải  biếu hắn  thuốc lào ba số  hoặc đồ thăm nuôi . Thuốc men  gia đình chúng tôi gửi  nuôi  đều bị trại cất giữ hộ , họ phát  ''Xuyên Tâm Liên ''để trị bá bệnh !

Võ Hữu Hạnh.

************************************************************************************



Sent from my iPad








__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

30 tháng 4 Ngày Quốc Hận của dân tộc Việt Nam

$
0
0









                                                                                                                Click! Click! Click!
 30 tháng 4 
Ngày Quốc Hận của dân tộc Việt Nam







 

Loạt bài tưởng niệm Quốc Hận 30 tháng 4: Niềm Đau Quốc Hận



Loạt bài tưởng niệm Quốc Hận 30 tháng 4: Tháng Tư và giấc mơ màu cờ vàng



30 tháng 4: Tuổi trẻ trong nước nói về hiện tình đất nước và người lính VNCH


 Loạt bài tưởng niệm Quốc Hận 30 tháng 4: Niềm Đau Quốc Hận
 


Loạt bài tưởng niệm Quốc Hận 30 tháng 4: Tháng Tư và giấc mơ màu cờ vàng



30 tháng 4: Tuổi trẻ trong nước nói về hiện tình đất nước và người lính VNCH



Tưởng niệm Quốc Hận 30 tháng 4: Luận thành bại!




  
From:Hoaiviet Nguyen <
Sent: Saturday, April 30, 2016 2:06 PM
Subject: Re: [ChinhNghia] TƯỞNG Niệm Quốc Hận 30/4/2016.   

Quc Hn 2016
xin hãy nghiêm chnh mc nim  quân dân cán chính
“V Quc Vong Thân “
Và hãy thành tht tr li :   

BẠN ĐÃ LÀM GÌ
CHO TỔ QUỐC VIỆT NAM ?
 
 Hởi các bạn thanh sinh viên Phù Đổng
Có nghe chăng thần ngựa rống vang trời .
Có thấy chăng chuông báo động liên hồi ,
Sao vô cảm không đáp lời sông núi ?

Hãy can đảm ra đi không trở lại
Nuôi quật cường chờ cơ hội tương lai.
Mau đứng lên lãnh trách nhiệm tranh tài
Cứu đất nước, kẻo trở tay không kịp .

Hãy  cảnh giác bọn sư gian chuyên nghiệp
mang hai mang (1) rước Cọng sản vào chùa,
Gây tang tóc,  đất Huế trắng tha ma 
Dân chết thảm thật xót xa oan nghiệt     .

Lột mặt nạ phật giáo gian Thống Nhất (2)
Mang áo vàng dễ che mặt dấu tên,
Thiêu sống người (3) nuôi phật tử ác ôn
Lừa thế giới với nguồn tin thất thiệt.

Trang  sử liệu đã  công khai giải mật
 Mỹ rút quân vì quyền lợi con buôn
Chiếm thị trường Trung Cọng miếng mồi ngon,
Giết Tổng Thống, đành thí luôn con tốt (4) .

Cố đô Huế, thí điểm đầu xuất phát
Với chiêu bài tôn giáo diệt Nhà Ngô,
Dùng tay chân phản tướng (5) với mưu đồ
Thay đổi chủ vịn thời cơ tháo chạy.

Mỹ xúi dại các tăng sư đứng dậy
Đòi treo cờ phật giáo phải công bằng.
Gây phong trào đốt cờ Mỹ, Ngụy  hàng
Rước quân Cọng vào sống chung bán nước.

“Kế Hoạch Đỏ ” Việt Nam lui từng bước,
Năm Hai Mươi (6) sẽ lệ thuộc Hán Tàu,
Ải  Nam Quan đến tận mũi Cà Mâu,
Sông núi biển đầy thương đau khổ hải.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
 Giờ chưa muộn các bạn ơi đứng dậy
Đi tiền phong Bắc tiến chống giặc Tàu .
Dầu xương phơi, máu chảy , xác bay đầu
Thề quyết chiến , nắm tay nhau diệt Cọng.

Ta phải chết để cháu con được sống
Một Việt Nam  không có bóng Cọng Tàu .
Cờ Vàng bay phất phới khắp Năm Châu
Cả thế giới vẩy tay chào cảm phục .

Các bạn trẻ, thanh sinh viên Phù Đổng
Có nghe chăng ngựa hý rống vang trời,
Có thấy chăng chuông báo động liên hồi,
Đừng vô cảm hãy đáp lời sông núi .

NGUYỄN ĐÌNH HOÀI VIỆT
(1)       Ho chí Minh là thiếu tá Tàu Cọng .Thích trí Quang,thich quảng Độ, Thích đôn Hậu Huế  thuộc đảng bộ CS Ấn Quang Saigon.
(2)         Phật Giáo VNTN - Ấn Quang là một tổ chức hoạt động ngoại vi của VC
(3)       Lâm văn Tức bí danh Thích Quảng Đức bệnh hoạn nằm vùng hoạt động bí mật bị thiêu.
(4)       NướcVNCH  bị xóa tên  
(5)        Nhóm phản loạn do Mỹ thuê mướn giết Tổng Thống VNCH. (Minh Khiêm Thiệu Đôn , đính )
(6)        Theo thỏa hiệp Thành Đô  thì năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một “ đặc khu VN “ hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cọng




WHAT HAVE YOU DONE
FOR THE VIETNAM COUNTRY ?   

Oh my dear , male and female students are,
The heroes of future generations,
stands up responsibility compete
Save the Viet Nam country,

Please alert professional time
The  VC must  go out from VietNam        
Cause of mourning, ground Hue as graveyard.
Frightened  .

Peel the mask  
 “ Buddhism THONGNHAT “ VC.      (2)
Wearing monk masks in order to see
Burned alive (3) staging film scenes
shifty.

The page histories have publicly declassified
The army withdrawal because the mercantile interests
Occupying the China market "tasty prey “,
Kill the President, Republic  South Viet Nam too..(4)

Hue, the first VC  comes
With the guise of religion  
Using his generals (5) kill Ngo
Change home-rail time fled.

America the cliff rising monks stand up
The Buddhist flag to claim the fair.
Cause burning the American flag movement, Wei found
Military procession "on living in harmony.

"Red Plan" Vietnam retreat step by step,
In twenty (6) will depend on the Communist
From the North to take advantage of the end Ca Mau
People writhing pain forever.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Never too late don't hesitate
concentric stood up against the communist.
Bone exposure, blood flow, determined
For Viet Nam is free.

We must die to save my kid life
Do not have the communist..
The yellow flag waving on the Earth
The whole world bowed are sympathetic.

NGUYEN DINH HOAI VIET
(1)Ho Chi Minh is the major Chinesse. His name HQuang,
(2)Buddhism-Optical VNTN is a peripheral activity organization of VC
(3)Lâm văn Tc is Thích quảng Dức  
(4) no more Việt Nam Cọng Hòa.
(5)Us-led group of hiring to kill the President of the ARVN. (Minh Khiem Thiệu, đôn đính)
(6) according of Thành đô Into It the two sides signed the 2020 Vietnam will become a "special zone" totally dependent on the map of China.






__._,_.___

Posted by: <vneagle_1




__._,_.___

Posted by: "Nhat Lung"

‘Lá Thư Báo Tử Muộn Màng’

$
0
0


‘Lá Thư Báo Tử Muộn Màng’

Sài Gòn, những ngày cuối Tháng Tư, thời tiết khô nóng, nhiệt độ và nhịp sống đầy các vấn nạn có lúc vượt quá sự chịu đựng của con người. Cũng chính trong những ngày trung tuần Tháng Tư này, bà quả phụ cố thiếu tá binh chủng Nhảy Dù quân lực VNCH, bà Nguyễn Thị Hồng, lại rơi vào cơm trầm cảm nặng nề.



alt
Sĩ quan Dù Ðặng Ðình Tựu và người yêu Nguyễn Thị Hồng. (Hình: Gia đình cung cấp)


Người con gái út của cố Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu, cô Ðặng Nguyễn Uyên Quỳnh, sinh năm 1973, kể: “Khi biết tin ba mất, mẹ phát bệnh trầm cảm và mất ngủ suốt từ đó đến bây giờ. Còn khi chưa biết tin, mẹ vẫn đinh đinh ba còn sống, rằng ông chỉ mất tích hay đi tù cải tạo thôi và có ngày ông sẽ về với gia đình.”
Trớ trêu thay, tin tức về người sĩ quan binh chủng Nhảy Dù VNCH làm tròn phận sự với tổ quốc chỉ được đến từ một bài báo, được viết bởi một đồng đội đang định cư ở Hoa Kỳ. Bài báo viết vào năm 1995, tựa đề “Lá Thư Báo Tử Muộn Màng,” như một cách báo tin cho bà Nguyễn Thị Hồng.

Từ khi tiếng súng của trận đánh cuối cùng ở phi trường Thành Sơn, Phan Rang, nơi Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu và đồng đội nằm lại với những ngọn đồi khô cằn sỏi đá, phải 20 năm sau biến cố 1975, người vợ và hai đứa con gái bé nhỏ của ông mới chính thức được biết chồng và cha mình đã hy sinh.
alt
Bà quả phụ Nguyễn Thị Hồng trong những ngày Tháng Tư, 2016. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Người quả phụ và giấc mơ
Trong căn nhà chung cư của cô con gái út nhìn ra hướng cầu Chữ Y, bà quả phụ Nguyễn Thị Hồng tiếp chúng tôi với nụ cười nhân hậu của một người chị lớn. Cảm xúc đầm ấm từ nụ cười của bà dường như có năng lực khiến chúng tôi, hai cô con gái và anh con rể út của bà, như được trở ngược lại quá khứ.
Bà Hồng, nói bằng giọng Bắc: “Năm 1965, tôi quen anh Tựu lúc còn là học sinh ở Quảng Ngãi. Anh ấy cũng là người Bắc di cư, sau đó chúng tôi lại có duyên gặp nhau ở Sài Gòn. Năm 1969 thì cưới. Là vợ quân nhân, anh ấy đi trận suốt, mỗi khi về phép thì về ở nhà bố mẹ tôi, chúng tôi nào đã có nhà riêng gì đâu.”
Những ngày đầu Tháng Tư 1975, bà không còn nhận được tin về chồng. Ôm con nhỏ trên tay bà lên xuống Bộ Tư Lệnh sư đoàn hỏi tin chồng nhưng không ai biết, nhưng chưa bao giờ bà tin chồng mình đã tử trận.
Niềm tin đó mãnh liệt tới mức vào những năm đầu khi Sài Gòn sống dưới chế độ chuyên chế và bao cấp kinh tế, ngày thường bà làm công nhân một hãng dược, ngày nghỉ bà cặm cụi đạp xe đạp xuống tận Long An để mua bán trong cảnh giấu giếm từng ký gạo để có thêm ít tiền nuôi con. Có khi bị xét bắt hết sạch vốn, bà ngồi khóc một mình, rồi bà lại chắt chiu từng đồng lương công nhân để có vốn mà tiếp tục đạp xe mua “gạo lậu” nuôi con. Những năm tháng khắc nghiệt ấy, dù bà con họ hàng có gợi ý nhưng chưa bao giờ bà nghĩ mình sẽ bước thêm bước nữa để có người đỡ đần.
alt
Bà Nguyễn Thị Hồng và cô con gái út, Ðặng Nguyễn Uyên Quỳnh. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ðột nhiên bà hướng về chúng tôi, nói như người mộng du: “Tôi còn giữ tờ báo ấy đấy, bao năm thì tôi không nhớ, nhưng tôi còn giữ bài báo ấy đấy.”
Theo lời cô con gái út, từ ngày nhận được bài báo với sự xác nhận của đồng đội về cái chết của Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu, đêm nào bà Hồng cũng khóc. Sự rõ ràng về cái chết của chồng, có lẽ không phải để cuộc đời bà lật sang trang khác mà khiến bà sống lại những tháng ngày hạnh phúc cũ.
Bà Hồng kể bằng giọng nghẹn ngào: “Trước đấy tôi không nằm mơ thấy anh, nhưng từ ngày đọc bài báo, đêm nào tôi cũng mơ thấy anh về. Anh vẫn mặc đồ lính, anh nói với tôi, anh còn bận hành quân chưa về được, hôn con giúp anh. Rồi anh đi. Ðêm nào tôi cũng thấy cùng giấc mơ ấy.”
Lúc bà Hồng kể, chúng tôi nhìn thấy hai bàn tay gầy guộc của bà run rẩy. Cô Quỳnh, cô con gái út của bà Hồng, không giấu được xúc động, nói với mẹ. “Mẹ ơi! Con chưa bao giờ biết mặt bố, con thèm được gọi một tiếng bố biết bao nhiêu!”
alt
Bản sao tờ báo in ở Hoa Kỳ năm 1995, do đồng đội của Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu viết như một cách báo tin cho bà Hồng biết rằng chồng đã hy sinh. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Nhờ một chân công nhân mà gia đình neo đơn của bà Hồng có được căn nhà 20 mét vuông để đùm bọc nhau tồn tại.
Cô Quỳnh kể, lúc đi học, trong lý lịch học sinh cô khai là bố mất tích và luôn được sự đồng cảm của thầy cô. Lớn lên nghe mẹ và họ hàng kể về bố và tìm hiểu thêm về binh nghiệp của bố, cô rất tự hào về bố mình.
Những thế hệ thanh niên miền Nam sau chiến tranh có thể do sợ hãi và bị tuyên truyền nên những thập niên đầu sau biến cố 1975 họ có phần nào đó mặc cảm, nhưng cái thời ấy đã qua rồi, lý tưởng Tự Do và chính nghĩa Quốc Gia mà những người thân yêu họ phụng sự lại trao cho họ điểm tựa và đức tin.
Khi chúng tôi tạm biệt bà quả phụ của cố Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu thì được biết hàng năm gia đình lấy ngày 16 Tháng Tư làm ngày giỗ ông.
Hơn 40 năm sau chiến tranh, luôn có những ngày giỗ các tử sĩ VNCH trong các gia đình để kính tưởng các anh linh. Không ai lại đi so sánh hơn kém nỗi buồn đau ngay trong thời chiến tranh hay nỗi buồn đau kéo dài suốt thời hậu chiến. Nhưng người ta có thể biết chắc một điều là tình yêu và nghị lực từ nỗi đau mất người thân của các gia đình VNCH đang sống trong nước cứ lớn dần mỗi lần làm giỗ và đó là cách giữ cho người sống hôm nay ký ức về người thân và lý tưởng họ phụng sự, và cây cầu ký ức đó sẽ không bao giờ gãy trong ánh sáng của sự thật lịch sử.

Liên lạc tòa soạn: Editors@nguoi-viet.com


Cái Am Ở Thôn Núi Ngỗng
Nhóm thiện nguyện Nhảy Dù VNCH (thực hiện)

Sau nhiều năm tìm kiếm và dò hỏi, kể cả nhờ nhiều anh em ở địa phương tỉnh Ninh Thuận, kẻ bỏ công, người bỏ của, giúp đỡ tìm kiếm hộ, hôm nay, ngày 17 Tháng Ba, 2013, chúng tôi gồm:
Chị Xa (Vợ anh Tr/Tá Trần Văn Sơn - Lữ Ðoàn Phó LÐ2ND)
Anh Nhân TÐ3PB/ND (em vợ anh Th/Tá Ðặng Ðình Tựu - Sĩ quan Ban 3 TÐ1PB/ND)
Anh Cho, đại diện gia đình anh Ð/Úy Ngô Văn Khiêm, Pháo Ðội Trưởng PÐ A1- TÐ1PB/ND
và Nhóm Thiện Nguyện Mũ Ðỏ.
alt

Chúng tôi đã đến thôn Núi Ngỗng, xã Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trong ngày trên. Nơi đây ngày xưa là sân tập bắn của Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân thuộc Tiểu Khu Ninh Thuận.

Lần mò theo hướng dẫn của một em người Thượng, ngày đấy em 14 tuổi (năm nay đã 52 tuổi), em kể lại: Chính em chứng kiến 2 xe tải nhà binh của phi trường chở những hòm gỗ trong đó đựng xương cốt của những người đã chết ở phi trường Thành Sơn vào ngày 16 tháng 4, 1975. Những anh em này đã được chôn tại chỗ nhưng không biết vì lý do nào đó họ lại đào lên, dùng những thùng gỗ đạn pháo binh và những thùng sắt đựng tất cả những xương cốt nhặt được của những anh em đã hy sinh và họ dùng 2 xe nhà binh chở ra chôn trở lại tại chân Núi Ngỗng (theo lời em Thượng thuật lại) hiện là nơi chúng tôi đang đứng.

Trước mặt chúng tôi là một bãi đất trống dưới chân Núi Ngỗng, khoảng 80 mét vuông. Theo em người Thượng chỉ: Ðây là nơi chôn những hòm gỗ và thùng đạn đó! Em quả quyết rằng: Hàng ngày em thả dê trừu vào chân núi này nên em rất rõ địa điểm nơi đây, không sao lầm lẫn được.
Ðúng vào lúc 9 giờ sáng ngày 17 Tháng Ba, 2013, sau khi chúng tôi và ông thầy cúng thắp nhang khấn vái Thổ Thần, Thổ Ðịa, vong hồn 3 anh và các anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn và cũng nhờ em người Thượng khấn vái tiếng Chàm, chúng tôi cũng cầu mong là tất cả những lời khấn vái của anh em đều hữu hiệu và linh ứng.

Khi bổ những nhát cuốc xuống chỗ em người Thượng đã đánh dấu từ trước khoảng 30 cm thì lộ ra một hòm gỗ đúng như em người Thượng đã tả và nói từ trước. Chúng tôi cào lớp mặt đất và dỡ nắp thùng đạn ra (thùng đạn gỗ đã mục nát) thì nhiều lớp xương cốt đã phân hủy không cầm lên được, tuy nhiên tóc vẫn còn nhiều.
Ðến đây thì ông thầy cúng khuyên chúng tôi nên đậy nắp thùng đạn và lấp đất lại. Và chúng tôi bây giờ khẳng định và chắc chắn rằng dưới chân chúng tôi đang đứng là nơi chôn vùi xương cốt của tất cả những anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang.
alt

Ông thầy cúng nói rằng các anh muốn làm gì thì cũng phải chờ đến ngày Thanh Minh (24 Tháng Hai Âm Lịch) mới tiếp tục được.
Sau khi hội ý cùng 3 gia đình và theo lời chỉ dẫn của ông thầy cúng, chúng tôi dự định đúng vào ngày Thanh Minh nói trên sẽ lập một cái Trang cùng Bia Tưởng Niệm để các anh sau này có nơi trú nắng trú mưa vì nhiều anh em quá không thể lấy cốt được, hơn nữa cho đến bây giờ cũng không còn biết là của ai. Và cũng để cho thân nhân những người đã mất và những người còn lại biết rằng: Nơi đây là nơi an nghỉ của những anh em đã anh dũng hy sinh tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang, đã được chôn cất tại nơi đây.

Trong công việc này nhiều năm nay chúng tôi đã cố gắng hết sức và tự lo chi phí lấy mới được kết quả như ngày hôm nay. Mọi thắc mắc hoặc những chi tiết cần thiết thêm, xin liên lạc với CÀ TẼM: số phone xxxxxx 3011.


Ðể thực hiện theo dự tính như kế hoạch đã dự định trước đây, vào ngày 8 Tháng Tư, 2013, chúng tôi xây dựng một cái am và đặt một tấm bia tại thôn Núi Ngỗng, xã Ninh Sơn, Ninh Thuận, ghi tên những anh em đã bỏ mình trong cuộc chiến tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang, trước hết để anh em tử trận có nơi trú nắng trú mưa, sau nữa để thân nhân của anh em tử trận biết nơi chôn cất sau này hằng năm còn thăm viếng và nhang khói vì nhiều người quá không thể nào lấy cốt được.

Như vậy xin thông báo: Ðây là nơi an nghỉ của 3 anh:
Trần Văn Sơn (Tr/Tá - Lữ Ðoàn Phó/LÐ2ND)
Ðặng Ðình Tựu (Th/Tá - Sĩ quan Ban 3/TÐ1PB/ND)
Ngô Văn Khiêm (Ð/Úy - Pháo Ðội Trưởng/TÐ1PB/ND),
cùng nhiều anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm (phần đông là Mũ Ðỏ) đã được an táng tại đây.







--


__._,_.___

TINH THẦN VNCH Bất Diệt..... PARIS 2 CUỘC BIỂU TÌNH TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN

$
0
0


From: Nguyen bac ninh <
Sent: Sunday, May 1, 2016 12:54 PM
To: CHINH NGHIA VIET; Little-SaiGon;
Subject: Fwd: PARIS 2 CUỘC BIỂU TÌNH TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN


PARIS
2 CUỘC BIỂU TÌNH TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN

30THANG04.jpg

41 Năm Quốc Hận tại Paris Pháp Quốc

do Tập Thể Người Việt Tỵ Nạn cs/Pháp tổ chức gần

Đại sứ quán mới của việt cộng  66 rue de Miromesnil Paris 8ème

 

TINH THẦN VNCH Bất Diệt

 

Hôm nay đúng 41 năm Ngày Quốc Hận 30-4-1975/30-4-2016, tại Paris Tập Thể Người Việt Tỵ Nạn cs tại Pháp đã tổ chức buổi biểu tình tưởng niệm ngày 30-4-1975 gần hang ổ cái gọi là Đại sứ quán csvn tại Paris. Thời tiết chiều 30-4-2016 tại Paris mưa to và gío lạnh, có lẽ Trời đất cũng khóc thương cho quê hương VN đắm chìm trong gọng kềm tàn ác của csvn, nhưng đồng hương người Việt không ngại mưa to gió lạnh đã đứng dưới cơn mưa suốt gần hai tiếng. Thượng Tọa Thích Quảng Đạo Chùa Khánh Anh, đã đứng dưới mưa cầu kinh cho các Anh Linh tử sĩ Quân Cán Chính VNCH, chúng tôi nhận thấy áo cà sa của Thượng Tọa ướt nhèm, TT không muốn che dù để cùng đồng hành với đồng hương người Việt tỵ nạn csvn tại Paris. Đặc biệt thành phần tham dự hôm nay có sư hiện diện của đồng hương đến từ VQB, CHLBĐ, và đồng hương đến từ một Tỉnh cách xa Paris. Vì thời tiết xấu nên BTC đã rút ngắn thời gian bế mạc vào lúc 17 giờ.

Thực hiện video : TTNVTNCS/PHÁP
Hôm nay đúng 41 năm Ngày Quốc Hận 30-4-1975/30-4-2016, tại Paris Tập Thể Người Việt Tỵ Nạn cs tại Pháp đã tổ chức buổi biểu tình tưởng niệm ngày 30-4-1975 gầ...


Hình ảnh : Truyền Thông Cờ Vàng

DSC_0067.jpg
DSC_0138d.jpg

************************************************************************************************************************************************************************************************
BIỂU TÌNH CỦA HỘI CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA TỰ DO TẠI PHÁP

30-4-2016 Hội Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự do tại Pháp đã tổ chức buổi biểu tình 41 Năm Quốc Hận vào lúc 10 giờ trước tòa đại sứ cũ của việt cộng, toạ lạc tại đường Boileau.


HoiCDPKT03.jpg





__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?Q?NGUY=1AN_HO=C3=AF=C2=BF=C2=BDNG

TƯỞNG NIỆM NGÀY QUỐC HẬN LẦN THỨ 41 Tại ÚC CHÂU

THÀNH KINH VINH DANH : NHỮNG ANH HÙNG BÌNH THUẬN ÐÃ TỬ TRẬN VÀ CHẾT TRONG NGỤC TÙ CS SAU THÁNG 5-1975

$
0
0


--
Kính Chuyển
MG


            

THÀNH KINH VINH DANH :
NHỮNG ANH HÙNG BÌNH THUẬN ÐÃ TỬ TRẬN
VÀ CHẾT TRONG NGỤC TÙ CS SAU THÁNG 5-1975
MƯỜNG GIANG
            
            

            Trong cuộc chiến sinh tử của người Việt Quốc Gia chống lại tập đoàn cộng sản bán nước, suốt 30 năm từ 1945 tới ngày 30-4-1975, để gìn giữ quê hương. Có thể nói được là không một miền đất nào tại VNCH có thể so sánh nổi với Bình Thuận về ‘ đống xương vô định đã cao hơn đầu ‘ của đồng bào vô tội và Quân, Cán, Chính.. qua một cuộc chiến tàn khốc bi thảm..

          Người lính Bình Thuận các cấp từ dân mà tới. Họ là những người con thân yêu của bản địa, xuất thân trong đủ mọi thành phần xã hội nhưng mang chung môt lý tưởng duy nhất ‘ chống lại đế quốc cộng sản Nga-Tàu, do VC dẫn giặc về dầy xéo mồ mã tổ tiên và chính quê hương mình ‘.Hai chục năm can trường chiến đấu, bốn lần đánh đuổi giặc ra khỏi phố phường Phan Thiết vào Tết Mậu Thân 1968, giữ vẹn toàn lảnh thổ Bình Thuận trong đêm thi hành hiệp định ngưng bắn 27-1-1973 và sau rốt là hiên ngang chiến đấu cho tới giờ phút cuối cùng khi không còn có thể chiến đấu được nữa, thì đoàn quân của Bình Thuận mới đành rút về Nam bằng tàu thuyền trong trật tự, để lại sát cánh cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu tại Phước Tuy vào những ngày cuối tháng tư 1975.

          Cái tức tưởi và đau đớn nhất của QLVNCH nói chung và quân dân Bình Thuận nóí tiêng : Là Họ đã không đánh được trận đánh cuối cùng với giặc Bắc mà đã phải buông súng qua sự đầu hàng nhục nhã của cá nhân TT hai ngày Dương Văn Minh và bè nhóm. Ðau hơn nữa là họ đã không chết tại những chiến trường kinh khiếp nhất, vào Tết Mậu Thân 1968, tại Kampuchia 1970, Hạ Lào 1971, Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972 và những ngày cuối tháng 4-1975.. mà bị giặc phỉnh gạt lọt vào rọ, để chịu chết tức tưởi oan khiên trong tù ngục vì sự trả thù đê tiện và dã man của rợ Hồ.

          Sau khi cưởng chiếm được lảnh thổ VNCH, tại quân khu II CSBV lập nhiều trại tù để giam giữ quân nhân và công chức miền Nam. Tại các tỉnh Bắc Cao Nguyên Trung Phần, có Tổng Trại 4 và 5. Tổng trại 6 ở Phú-Khánh (Khánh Hòa & Phú Yên), Tổng trại 8 tại Thuận Hải (Bình Thuan – Binh Tuy và Ninh Thuận) gồm trại tù Cà Tót và Sông Mao. Ðầu tháng 6-1975, VC tập trung các sĩ quan trình diện tại Phan Thiết, chở lên trại Cà Tót. Nhưng trước khi anh em tới, ở đây cũng đã giam giữ hàng ngàn quân cán cảnh VNCH, đa số thuộc các Tiểu Khu Quảng Ðức, Tuyên Ðức, Lâm Ðồng chạy về vào đầu tháng 4-1975. Ngoài ra còn có nhiều quân nhân, cán bộ của các quận Nam Hàm Thuận và Thiện Giáo, cũng bị giam giữ tại đây.

          Theo lời kể của các nhân chứng hiện còn sống sót, thì người sĩ quan Bình Thuận đầu tiên gục ngã tại trại tù VC (trại Sông Cái) là Ðại Uý Long, sĩ quan phụ tá cho Ðại Uý Ðặng Vũ Ðàng (Trưởng Phòng 2/TK).Vợ Anh Long đã tới được Hoa Kỳ qua diện HO9. Vì Cà Tót nước độc không thể tả, nên dù là người Thượng địa phương như Koho, Roglai cũng không tránh khỏi bệnh. Ðó là nguyên nhân khiến cho hầu hết tù nhân tới đây đều bị sốt rét rừng, cấp tính, tiêu chảy vì đêm ngủ trần không mùng mền, trong lúc đó muỗi bay đặc sệt khắp trời đêm lẫn ngày. Sự hành hạ trả thù của VC đối với mọi người, đâu có khác gì các tội nhân Do Thái bị Hitler đầy đọa trong các lò hơi ngạt thời Ðệ Nhị Thế Chiến tại Âu Châu hay ở các trại giam trừng giới của Nga-Tàu tại Tây Bá Lợi Á và Thanh Hải...

          Ðể gạt anh em vào rọ, qua cái gọi là ‘đi học tập cải tạo’, VC ra lệnh mọi người chỉ mang theo 21 ký gạo trắng, lương khô, thuốc men, mùng mền.. Nhưng khi tới nơi vào lúc 10 giờ tối, toán đầu tiên gồm 105 người sau khi bị chưởi bới, thì bắt nằm ngủ ngay dưới đất chờ tập họp, trong khi láng trại tại Cà Tót bốn bề không có vách nên gió núi thổi vào lạnh buốt xương. Sáng hôm sau, chúng đã cướp toàn bộ đồ đạc của anh em mang theo kể cả giầy dép, chỉ chừa lại một bộ đồ mỏng manh đang mặc. Sau đó phát lại cho mọi người thứ gạo hư mốc, mọt sạn, đã chôn giấu dưới hầm sâu trong rừng núi lâu năm mới bốc lên. Tóm lại VC không có chế độ ăn uống được qui định cho các tù binh. Ðã thế chúng còn sử dụng bạo lực và thủ đoạn khủng bố tinh thần mọi người, nên hầu hết anh em đều mang bệnh. Vì đói khát lại phải lao động cực nhọc, nên tù nhân phải kiếm măng sống, bắp đá, nấm dại và lá rừng để ăn thêm. Ðêm ngủ không mùng, quần áo chỉ có một bộ không thay đổi nên rất dơ dáy, sinh nhiều chấy rận, gây bệnh sốt rét, buồn ngủ, thương hàn, ngày nào cũng có người chết.

          Tại Cà Tót, sĩ quan từ Thiếu Uý tới Ðại Uý ở hơn 100 ngày thì cùng lúc chuyển trại về Sông Mao. Riêng sĩ quan cấp tá (Thiếu Tá Bình, Thổ Thêm..) bị đầy ra Bắc Việt sau khi đã ở đây được 2 tháng. Ngày rời trại, Thiếu Tá Trịnh Văn Bình (Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ274 ÐP/BT) chỉ còn da bọc lấy xương nên ông không chịu nổi sự hành hạ của VC và đã gục chết thảm khốc tại trại tù Vĩnh Phú (Bắc Việt) vào năm 1977. Vợ anh Bình là bà Trương Ðức Nghi, đã nhiều lần lặn lội ra tận miền thượng du để tìm mộ chồng nhưng mộ phần các tù nhân hầu hết bị mưa gíó bảo tố san bằng, nên không còn để lại một dấu vết gì . Riêng cấp Trung Úy đông nhất nên cũng có nhiều người chết như Trung Uý Nguyễn Văn Nhị (em ruột Nghị Viên Nguyễn Văn Bông), phân chi khu trưởng Phước Thiện Xuân (Hải Long) , Trung Uý Nguyễn Thành Giác (trưởng ban 5 chi khu Thiện Giáo), Trung Uý Nguyễn Văn Biên, Thiếu Uý PB Nguyễn Văn Lợi (Chợ Lầu) .. Tàn độc nhất là VC bắt mọi người đi chân không vào tận rừng sâu để đốn gổ, chật tre, mây.. vác về láng xa hàng chục cây số với chỉ tiêu bắt buộc. Thiếu Uý Nguyễn Văn Bông là người duy nhất tại trại Cà Tót không chết, sau khi được chuyển tới trạm xá hơn một tháng, cả thân mình đều lở loét, mắt khô lại như mắt cá chết/

          Trại tù binh Sông Mao còn được gọi là Tổng Trại 8 , do Trung Ðoàn 482 của VC Bình Thuận quản lý, thuộc Quân Khu 6 với chính trị viên là Trung Tá Loan, được đặt trong doanh trại cũ của Trung Ðoàn 44/SÐ23BB (VNCH). Trại chia thành các Khu A (cấp Ðại Uý), B (Trung Uý) và C (Thiếu Uý). Riêng cấp Chuẩn Uý được về sau một thời gian ở tù.

          Trại A có 4 nhà gồm Nhà 1 (dành cấp Thiếu Tá không đi Bắc), Nhà 2 (Bình Thuận), Nhà 3 (Bình Tuy) và Nhà 4 danh cho các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Ðồng, Tuyên Ðức. Tới giai đoạn Công An thay Bộ Ðội quản lý các trại tù binh, nhiều sĩ quan Bình Thuận bị đầy ra trại tù trừng giới A.30 thuộc xã Thạch Thành trên Liên Tỉnh Lộ 7 (Phú Bổn-Phú Yên). Có hai toán tổ chức vượt ngục : Toán 1 Phan Rang, 2 người bị bắn chết, 2 bị thương nặng. Toán 2 Phan Thiết có Ðại Uý Trường Ðức Tuấn bị bắt lại, VC đánh gảy xương bể đầu mang thương tích trầm trọng, Ðại Uý Dậu cũng bị thương nặng. Ngoài ra còn có Ðại Uý Trần Ðức Thành bị tù nhiều năm tại trại trừng giới Tuy Hòa, vì sau khi mãn tù, anh lại gia nhập Phục Quốc Quân chống lại VC.

          Cũng tại trại trừng giới A-30, Ðại Uý Nguyễn Văn Thức, một sĩ quan ưu tú đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành an ninh tình báo như Trunng Ðôi Trưởng Trung Ðội Tỉnh Báo Tỉnh, Trưởng phòng 2/TK và Chỉ Huy Trưởng Phượng Hoàng Bình Thuận.. đã bị hành hạ dã man, suýt đem ra bắn, cũng chỉ vì sự tố cáo của một đồng đội muốn lập công về sớm. Tên này hiện đang ở Mỹ ! Phó Tỉnh Trưởng Phạm Ngọc Cửu sau nhiều năm bị tù đày trên đất Bắc, khi về Nam lại vào tù tại Hàm Tân và Phú Yên trước khi đưọc phóng thích.

          Riêng những người không đi Phú Yên, Sông Cái.. cũng được chuyển khỏi Sông Mao, cấp Ðại Uý đưa về Giếng Triềng (VC gọi là Hàm Trí). Từ Trung Uý trở xuống vê Công trường Bông Vải Lương Sơn làm lao động. Do đó đã có nhiều anh em bỏ trốn theo Phục Quốc Quân nhưng đa số đều lọt bẩy địch, bị bắn chết hay mất tích như Ðại Uý Then Biết, Nguyễn Văn Thư (Phan Rí Cửa) đợt đầu, Ðại Uý Nguyễn Văn Ba, Ðặng Tuyên, K’Tê, Thông Ngộ, Ðặng Phiên..( đợt 2) . May mắn nhất là đợt ba trốn khỏi, toán này gồm 4 người, trong số này có Ðại uý Trần hữu Thân (ĐĐT/TĐ274/ĐPBT), hiện ở Mỹ và Ðại Uý Nguyễn Văn Ngư (trốn chung với Ðại Uý Ba)..
         
          Trong số tù binh tại Cà Tót có hai nhân vật đặc biệt : Thiếu Tá Thổ Thêm và Trung Uý Sét. Ai cũng biết, VC đã phổ biến bản thông cáo chung gồm 10 điểm, trong đó nhấn mạnh tới việc ‘ những ai đã giải ngủ trước ngày 30-4-1975 được hai năm hay bị thương tật ‘, thì chỉ trình diện học tập tại địa phương mà thôi. Nhưng VC đã làm ngược với chính sách vừa ban hành. Bởi vậy đã có không biết bao nhiêu vụ tắm máu trả thù các quân nhân và viên chức cũ của miền Nam tại Bình Thuận, sau khi chúng cưởng đoạt được chính quyền.

          Ngay trong ngày 17-4-1975 Bắc Bình Thuận mất, Thượng sĩ Thìn (cảnh sát đặc biệt) bị VC địa phương bắt liền và hôm sau chúng trói ông, đem vào động Thái An (mật khu Lê) bỏ chết đói. Ðại Uý Lê Văn Trò, DDT /DD 206 Trinh Sát Tỉnh, bị dụ từ Sài Gòn về và bị hành quyết thảm khốc tại Tân Ðiền.

Thiếu Tá Thổ Thêm từng làm Ðại Ðội Trưởng/ ÐÐ888 ÐPQ sau đó Tiểu Ðoàn Trưởng/ TD230 ÐPQ.Bình Thuận. Ông đã cùng với đơn vị dẫm nát nhiều căn cứ của VC tại quận Thiện Giáo. Vì vậy ông được ân thưởng nhiều huy chương cao quý của QLVNCH, trong đó có hai Bảo quốc huân chương và nhiều lần vinh danh trước quân đội. VC thâm thù ông đến tận xương tủy nhưng vì ông là người Chàm nên chúng sợ đụng chạm, phải để yên chỉ đầy tới chốn rừng thiêng nước độc tận biên giới Bắc Việt, để chết dần mòn. Cũng nói thêm là Thiếu Tá Thêm đã bị bắt ngay khi Bắc Bình Thuật thất thủ vào ngày 17-4-1975 tại quê nhà ở xã Hậu Quách, phía sau quận đường Hòa Ða khoảng 3 km, sát đường rầy xe lửa đi Sông Mao. Ông bị giải về Phan Thiết và nhốt tại Lao Xá một tháng, trước khi đi Cà Tót và ra Bắc. Cuối cùng Thiếu Tá Thêm không chết trong tù như VC mong muốn.

           Còn Trung Uý Sét, nguyên Ðại Ðội Trưởng ÐÐ 118 ÐP/BT (sau giao lại cho Ðại Uý Ngư), có quân số 80% là người Chàm. Ðơn vị này hoạt động tại hai quận Phan Lý Chàm và Hòa Ða. Cuối năm 1969 Ðại Ðội đụng nặng với VC tại Ga Châu Hanh, Trung Uý Sét bị thương nặng đui một mắt, cụt một chân và một tay. Tàn phế như vậy ma VC vẫn không tha thì làm sao mà hòa hợp hòa giải, nối vòng tay lớn dân tộc như chúng luôn tuyên truyền.
                    
          Xin được thắp một nén hương lòng với tất cả sự ngưởng kính và trân trọng của chúng tôi : Những Người Lính Già Bình Thuận, may mắn còn sống sót, thành kính VINH DANH tất cả những Nam Nữ Anh hùng của Miền Biển Mặn, đã hy sinh trong cuộc chiến, tại sa trường cũng như khắp các trại tù man rợ của cộng sản VN sau ngày 1-5-1975.

VINH DANH NHỮNG ANH HÙNG BÌNH THUẬN VỊ QUỐC VONG THÂN :        

- Trung Úy Trần Văn Thân : Học sinh Bạch Vân Bồ Ðề, sinh năm 1942 tại Phú Trinh Phan Thiết, phục vụ trong Binh Chủng Lực Lượng Ðặc Biệt, có đệ nhị đẳng Toikondo. Vào cuối năm 1974, hành quân tại An Khê tỉnh Bình Ðịnh, lúc đó Trần Văn Thân là Trưởng Toán 754 thuộc Ðoàn Công Tác 75. Trong lúc đụng địch, Thân không bị giặc bắt nhưng lúc bơi qua sông bị chết đuối mất xác. Cũng trong binh chủng này, ở Phan Thiết còn có Trung Úy Khuê, Thiếu Uý Hoàng, Chuẩn Uý Sanh, Ðại Uý Mau là SQ.Ðà Lạt và phục vụ trong Chiến Ðoàn 3, Sở Liên Lạc. Riêng Chuẩn Uý Nguyễn Văn Mỹ, Bình Hưng thì chết tại Ðà Nẳng năm 1974 vì nổ lưụ đạn.

- Trung Uý Lê Văn Khen, PBC 55-61, sinh Phú Trinh Phan Thiết, khóa 23 SQ.Ðà Lạt. Là Ðại Ðội Trưởng DD1/TD1/TrD43/SD18BB, tử trận tại Ðịnh Quán, Long Khánh tháng 4-1969.
- Trung Uý Nguyễn Văn Trung, PBC 54-58, khóa 20 SQ.Ðà Lạt, DDT/TD2/43/SD18BB chết Long Khánh 1966.
- Ðặng Hữu Tâm, Sĩ Quan Trợ y của Trung Ðoàn 43/SD18BB, khóa 22 SQ.TB.Thủ Ðức, chết Ðịnh Quán vì bị phục kích.
- Dũng Chinh, nhạc sĩ tên thật là Nguyễn Văn Chính, học sinh Bồ Ðề. Sĩ Quan DDT thuộc TD3/45/SD23BB chết tại Phan Rang vì bị VC phục kích.
- Ðại Uý Nguyễn Trọng Xuân binh chủng Thiết Giáp, bị tù nhiều năm nên khi tới Mỹ qua diện HO bệnh cũ tái phát và qua đời tại San Diego.
- Các vị Tỉnh Trưởng Bình Thuận như Lưu Bá Châm và Ðại Tá Nguyễn Khắc Tuân, cũng như Trung Tá Vương Ðăng Phong, Tiểu Khu Phó TK. Bình Thuận đã chết trong tù Cọng Sản tại biên giới Hoa Việt.
- Ðại Uý Vũ Mạnh Hùng, học sinh Tiến Ðức, sinh quán Ðức Thắng, khóa 13 Thủ Ðức, là DDT của Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến, tử trận tại Cầu Bình Lợi, năm 1968. Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh đã viết ca khúc Rừng Lá Thấp để nhớ bạn hiền.
- Ðại Uý Lê Văn Quế, PBC 55-61, khóa 19 SQ.Ðà Lạt, là DDT của TD44 Biệt Ðộng Quân, thuộc LD4BDQ lừng danh miền tây. Quế tử trận tháng 4-1965. Cùng khóa có Trung Úy Nguyễn Văn Thu, Sĩ Quan QTV của SD23BB, tử trận tại Ban Mê Thuột năm 1968. Ðại Uý Hoàng Xuân Liêu, SD23BB về phép PT bị pháo kích chết.
          - Thiếu Uý Phạm Nguyên An, SD3BB, tử trận năm 1973.
          - Ðại Uý Trần Thanh Bang,PBC 55-61, SD1 BB chết tại Huế.
          - Trung Uý Nguyễn Văn Bảy, DDT/TD202/ÐP/BT chết tại Cây Táo
          - Trung Uý Ðoàn Hữu Bính, PBC 55-61, TK/BT chết tại Cà Tót.
          - Thiếu Uý Lê Văn Bé, PBC 62-69, SQ/KQ tử trận.
          - Phó Quận Trưởng Tuy Phong, Lâm Quang Chân, PBC 62-69 chết trong tù VC.
          - Thiếu Uý Phạm Văn Cung, PBC 62-69, DPQ/BT tử trận tại Thiện Khánh năm 1972.     - Chuẩn uý Ngô văn Chín, PBC 62-69, tử trận
          - Thiếu Uý Huỳnh Văn Ðược, SD7BB, tử trận Gò Công.
          - Thiếu Uý Ðinh Hoàng Ðiểu, PBC 68-75, SQKQ, chết trong tù VC tại Huy Khiêm.  
          - Ðinh văn E., PBC 62-69, SQ/HQ mất tích năm 1975.
          - Trung Uý Nguyễn Bá Hoa, PBC 63-70, SQ/Quân Cụ, tử trận tại Xuân Lộc năm 1973.    
          - Trần Hùng, PBC 55-62, SQ/SD22BB, tử trận Kon Tum.
          - Nguyễn Văn Hồng, tử trận tại Ban Mê Thuột.
          - Hải Quân Trung Úy Trần Thiện Khải, PBC 63-70, tử trận tại Hạ Lào sau năm 1975.
          - Nguyễn Thành Lai, giáo viên, chết vì công vụ tại Thiện Nghiệp năm 1975.
          - Trung Uý Dương Xuân Lang, PBC 62-69, SD18BB, tử trận Bình Long năm 1972.        
          - Trung Uý Nguyễn Văn Ly, PBC 60-67, tử trận tại Long An.
          - Chuẩn Uý Ðổ Kim Lâm, PBC 62-69, SD18BB, tử trận Bình Long.
          -Cao Minh, Học Sinh Bồ Ðề, BDQ, tử trận.
          - Nguyễn văn Nghĩa, Biệt kích, tử trận
          - Nguyễn Ðại ở Ðức Nghĩa, học sinh Bồ Ðề, tử trận
          - Nguyễn Nghĩa, Bồ Ðề, tử trận.
          - Trần văn Soái, Ðức Thắng, BDQ, tử trận.
          - Thiếu Uý Nguyễn văn Nhị, em ruột Nghị viên Nguyễn Văn Bông, PCK trưởng Phước Thiện Xuân, Hải Long, chết trong tù Cà Tót.
          - Trung Uý Lưu Văn Nở, HQ, chết trong tù Cà Tót.
          - Thiếu Uý Nguyễn Bảo Nghĩa, PBC 62-69, SD22BB, tử trận KonTum năm 1972.          
          - Thiếu Uý Bùi Ổi, SD2BB, tử trận Quảng Ngãi,
          - Biên Tập viên Cảnh Sat Võ Phương, PBC 55-61, chết trong tù V1CT năm 1977.
          - Thiếu Uý Võ Minh Phước, PBC 62-69, chết trong tù VC.
          - Thiếu Uý Nguyễn văn Phú, PBC 63-70, SQ/KQ, chết Kon Tum.
          - Thiếu Uý Nguyễn Văn Sơn, PBC 69, BDQ tử trận
          - Thiếu Uý Phạm Văn Sơn, PBC 69, tử trận.
          - Trung Uý Trương Minh Sanh, SQ/KQ, PBC 69, tử trận.
          -Thiếu Uý Phùng Quốc Thành,PBC 69, SQBB, tử trận Quảng Tri năm 1972.
          - Dai Uy Nguyễn Văn Thuận, HQ, mất tích năm 1975.
          -Trung Uý Pháo Binh Nguyễn Văn Thành, PBC 65, chết sau khi mãn tù VC.
          - Thiếu Uý Trần Văn Bào, PBC 69, tử trận.
          - Thiếu Uý Võ Hữu Tòng, PBC 67, SD 7 BB, tử trận tại Mỹ Tho.
          - Ðại Uý Trần Ngọc Châu, PBC 55-61, chết sau khi mãn tù VC.
          - Ðại Uý Nguyễn Văn Châu, PBC 55-61, chết trại tù Cà Tót.
          - Ðinh văn Ngọc, PBC 55-62 tử trận
          - Nguyễn Văn Còn, PBC 55-62, tử trận
          - Le Hiệp, PBC 55-62, tử trận.
          -Ðại Uý Khanh, Yếu khu trưởng Phú-Ðại (tử trận)
          -Trung Uý Duy, ÐÐT tử trận tại Tân Nông.
          - Chuẩn Uý Chung Quốc Mỹ, ÐÐP/ÐÐ445/ÐPQ/BT tử trận tại Hòa Ða.
          - Chuẩn Uý Võ Ngọ (Ban 3/Chi khu Thiện Giáo) tử trận.
          - Chuẩn Uý Cầu, ÐÐP/ÐÐ888/ÐPQ Thiện Giáo tử trận.
          - Nhà thơ Ý Uyên tử trận tai Ðồn Nơra (Thiện Giáo)
          - Trung Uý Lương Cảnh Hùng, PBC 63, SQ.Ðà Lạt, SD23BB, tử trận tại Ban Mê Thuột.
.. và nhiều chiến sĩ vô danh khác trong mọi binh chủng, công chức, dân thường đã gục ngã vì Tổ Quốc VN và quê hương Bình Thuận. Thành kính tri ân.

          Phạm Ngọc Cửu, Ðốc sự Hành Chánh, từ lúc ra trường cho tới ngày mất nước, mà chức vụ cuối cùng là Phó Tỉnh Trưởng Bình Thuận. Sau tháng 4-1975, ông bị 13 năm tù từ Nam ra Bắc. Năm 1988 được sống sót trở về, đã gặp lại rất nhiều Sĩ Quan Tiểu Khu, dù đã trải qua những đau khổ, hận hờn sau cuộc đổi đời phải sống trong vùng giặc đóng. Nhưng tất cả đã vương vai đứng dậy, hiên ngang ngạo nghễ như lúc còn đang cầm quân giết giặc, vẫn tình chiến hữu, đồng đội không phai nhòa. Cảm động nhất là lời tâm sự của nhiều người ‘ So với những nơi khác, chúng tôi thật nghèo khi làm việc với Ðại Tá Nghĩa.. nhưng nhờ vậy mà ngày nay, gặp lại lính tráng của mình, chúng tôi không phải cúi mặt, quay lưng trốn chạy ‘.

          Nhiều người đã ngả bệnh chết như Trung Uý Nguyễn Văn Biên (Ban 5-Tuy Phong), Trung Uy Ðặng Văn Hai (TÐ229), Trung Uý Bông (Xã Thượng Văn).. tất cả được chôn bằng 7 nệp tre bện với giây mối bò, quấn trong cái mền rách. Ðời lính thê thãm quá chừng nhưng mấy ai biết hết. Còn Trung Sĩ Cảnh Sát Ðặc Biệt tên Tư Búa ở Bình An, lên Cà Tót không bao lâu bị đem bắn. Tóm lại sau ngày 1-5-1975, đã có không biết bao nhiêu chiến sĩ đã ngả gục trước sự trả thù hèn hạ của Việt Cộng Bình Thuận. Nhiều người đã chết tức tưởi oan khiên như Trung Sĩ Lương Cảnh Phú, Trung Ðội Trưởng Nghĩa Quân Huỳnh Nga (Hải Long) , Huỳnh Ðức (Hảng Nước Ðá).. nhiều quá, không thể kể hết được.

- Ðốc Sự Phạm Ngọc Thành

          Sinh quán Ninh Hòa-Khánh Hòa, ÐốcSự Hành Chánh, ra trường năm 1968 : - Phó Quận Trưởng Hàm Thuận (1968-1970) , Phó Quận Trưởng Hòa Ða (1970-4/1975) . Sau tháng 5-1975, đi tù CS và chết lúc 34 tuổi, để lại người vợ trẻ tên Hồ Thị Ngọc Trai, cùng 2 con thơ. Ðáng khen là từ ấy cho tới nay, bà Phạm Ngọc Thành, sau khi được qua Mỹ năm 1985, vẫn thủ tiết nuôi con khôn lớn nên người. Ðây là một trong những tấm gương Hiền Phụ, Hiền Mẫu đáng lưu vào sử sách Bình Thuận, để cho con cháu mai sau đọc biết và làm gương xữ thế.

- Ðại Tá Hồ Ứng Phùng .

          Là thân phụ của Bà quả phụ Phạm Ngọc Thành, nhũ danh Hồ Thị Ngọc Trai. Ông sinh quán tại Quảng Trị . Sau Tết Mậu Thân 1968, là Thiếu Tá Tiểu Khu Phó TK.Bình Thuận (Thời Ðại Tá Ðàng Thiện Ngôn làm Tỉnh trưởng và Ðốc sự Nguyễn Văn Tiên là Phó Tỉnh trưởng Hành Chánh). Từ 1970 -1974 là Quân Trấn trưởng Tiểu Khú Ðịnh Tường và Ban Quân Sự Bốn Bên của Quân Ðoàn 4 tại Châu Ðốc, vối cấp bậc Trung Tá. Ðầu năm 1975 được thuyên chuyển về Ban Quân Sự Hai Bên tại Trại David (Tân Sơn Nhất - Sài Gòn) với chức vụ Trưởng Phòng Biên Bản. Tháng 3/1975 có Nghị Ðịnh vinh thăng Ðại Tá.

          Những ngày sắp mất nước tháng 4-1975, Ðại Tá Phùng lo đưa vợ và các con di tản sang Mỹ. Ông ở lại và bị tù từ Nam ra tới Bắctại Yên Bái, Hà Nam Ninh và Trại Z30 Hàm Tân (Thuận Hải) vào năm 1983. Tại đây vì bệnh quá nặng, nên VC cho về nhà và đã qua đời sau 2 tháng, mới 57 tuổi.

- Thiếu Tá Trịnh Văn Bình:

           sinh ngày 13-7-1935 tại Hà Ðông nhưng lớn lên ở Hà Nội, đã cùng với bố di cư vào Nam năm 1954, còn Mẹ và Anh bị kẹt lại thiên đàng xã nghĩa Bắc Việt. Ðuợc tuyển chọn vào lớp huân luyện phi công học tại Pháp nhưng giữa lúc đang thụ huấn, thì bị trả về nước vì Pháp đoạn giao với Chính phủ VNCH, do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã ra lệnh quốc hữu hóa tất cả những đồn điền cơ xưởng.. của thực dân Phap tại Miền Nam VN. Do đó ông đã tình nguyện theo học khóa sĩ quan trừ bị tại Trường Bộ Binh Thủ Ðức, mãn khóa được ở lại làm Huấn luyện viên từ khóa 13-19. Tuy nhiên vì không thích gò bó, lần nữa ông lại tự nguyện xin đi Sư đoàn 25 bộ binh của Ðại Tá Mã Sinh Nhơn, đóng tại Hậu Nghĩa. Từ tháng 10/1969 ố 8/1970, được cử đi tu nghiệp ở Atlanta (Georgia ố Mỹ) về nước vẫn phục vụ tại đơn vị cũ.

          Năm 1972 được thuyên chuyển về Tiểu Khu Bình Thuận, vì lý do gia cảnh. Giữ chức vụ Ðại Ðội Trưởng/ÐÐ/ÐPQ sau đó được vinh thăng Thiếu Tá làm Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ 274/ÐPQ cho tới ngày mất nước. Tiểu Ðoàn của Thiếu Tá Bình là một trong những đơn vị tác chiến lừng danh của Tiểu Khu Bình Thuận, tham dự hầu hết các trận đánh lớn nhỏ trong liên vùng hai quận Thiện Giáo và Hàm Thuận, từng dẩm nát các mật khu của VC như Nam Sơn (Cà Tót), Tam Giác, Ba Hòn, Mường Mán.. làm rạng danh màu cờ sắc áo của ngưòi lính quê hương Miền Biển Mặn, không thua sút bât cứ một quân binh chũng nào của QLVNCH.

          Ngày 19-6-1975, VC tập trung tất cả sĩ quan Bình Thuận tại Cà Tót hơn 1000 người. Tháng 6/1976 các sĩ quan cấp Tá, trong đó có Thiếu Tá Bình bị đầy ra tận biên giới Hoa-Việt. Cuộc chiến giữa ba đảng Cộng Sản Tàu, Miên và Việt đã bùng nổ, nên Hà Nội lại chuyển cac trại tù về Nghệ An, Thanh Hoá.. Riêng Thiếu Tá Bình về trai tù Vĩnh Quang ở Vĩnh Phú, ở đây ông đã vĩnh viễn ra đi vì không chịu nổ sự hành hạ, đói khát và bệnh tật cưu mang từ sau tháng 5-1975. Theo lời kể của bà Trương Ðức Nghi, thì từ ngày bị giam 5-5-1975 cho tới khi qua đời ngày 27-11-1978, ông không hề thấy được mặt vợ con một lần nào

- Trung Uý Tôn Thất Ái :

          Tôn Thất Ái sinh năm 1941 tại Phú Vang, Thừa Thiên nhưng quê hương thứ hai là Phan Thiết. Ái học Trường Nam Tiểu Học và TH Phan Bội Châu (1955 - ), sau đó lên Ðà Lạt học Kinh doanh Chính Trị. Xuất thân từ Trường Bộ Binh Thủ Ðức, Ái về Tiểu Khu Bình Thuận, làm Phan Chi Khu Trưởng Xã Phú Lâm thuộc Quận Hàm Thuận, cấp bậc cuối cùng là Trung Uý tới ngày mất nước.

          Sau tháng 5-1975, Trung Uý Ái đi tù nhiều năm từ Cà Tót tới Sông Cái (Phan Rang) được thả về, rồi bắt lại và bị Cộng Sản tra tấn tới chết tại trại giam vào năm 1983. Hiện vợ con Ái định cư tại Hoa Kỳ qua diện HO..

- Ðại Uý Nguyễn Văn Ba :

          Niên khóa 1957-1958, lớp đệ lục 2 Phan Bội Phan Thiết, ba dãy bàn cuối cùng về phía sân vận động có Huỳnh Ngọc Ghênh, Hoàng Công Bình, Thân Trọng Nguyên, Võ Văn Phát, Nguyễn Văn Ba (gà), Nguyễn Văn Ba (lân) và Nguyễn Văn Ba (cao), Hồ Như Bang (Hàn Bô), Trần Thanh Bang, Bạch Văn Long, Bích Văn Mười, Ðắc Văn Kiết, Lê văn Hai, Phạm Văn Nhàn.. Sỡ dĩ phải phân biệt để khỏi lộn tên mà còn nhắm đúng vào đặc điểm của các đương sự lúc đó như Ba gà (nhà đường Trân Hưng Ðạo) ốm nhách, Ba lân có mũi giống kỳ lân (Tường Phong, sau là giáo viên) và Ba cao Mũi Né mặt mày luôn cau có nghiêm nghị. Năm đó Huỳnh Ngọc Ghênh làm trưởng lớp, thầy Hồ Thế Viên dạy Việt Văn cũng là giáo sư hướng dẫn. Trong lớp còn có Mai Xuân Cúc, MG, Trần Khánh Thiện, Nguyễn Chánh Trúc, Lê Giao, Võ Kim Ấn.

          Ðại Uý Nguyễn Văn Ba (cao) sinh năm 1943 tai Mũi Né Hải Long Bình Thuận, cựu học sinh PBC 1956-1963, khóa 20 SQ/TB/Thủ Ðức. Ra trường phục vụ tại binh chủng LLDB (các toán Delta). Sau mấy lần bị thương nên được thuyên chuyển về làm huấn luyện viên tại TTHL/LLÐB Ðông Ba Thìn ở Cam Lâm, Khánh Hòa.

          Năm 1972 vì lý do gia cảnh, Ðại Uý Ba xin về phục vụ tại nguyên quán Tiểu Khu Bình Thuận với chức vụ Ðại Ðội Trưởng các ÐÐ 2/510 ÐPQ , ÐÐ2/TÐ249/ÐPQ.. giữ vững xã Phú Long và Tùy Hòa quận Thiện Giáo suốt thời gian CS Bắc Việt lợi dụng hiệp định Ba Lê tháng 1-1973, cắm cờ dành dân chiếm đất. Sau khi Ðại Uý Huỳnh Văn Quý ÐÐT/ÐÐ283 ÐP biệt lập được cử làm Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ249/ÐPQ thì Ðại Uý Nguyễn Văn Ba về làm ÐÐT/ÐÐ283 ÐP biệt lập kiêm Yếu Khu Trưởng Yếu khu Phú Long (thời gian này có sự thay đổi : ÐÐ 283 ÐPQ do Quý chỉ huy trở thành ÐÐ4/TÐ249/ÐP còn ÐÐ4/TÐ249 của Ðại Uý Ba đổi danh hiệu là ÐÐ283).

          Từ đó cho tới ngày tàn cuộc chiến, ÐÐ283 ÐP do Ðại Uý Ba chỉ huy, đã bình định và lập lại an ninh tại Long Hiệp (Long Phú), Tuỳ Hòa và Yếu khu Phú Long. Những ngày cuối tai Bình Thuận, ÐÐ283 đuợc tăng cường cho TÐ249 của Ðại Uý Huỳnh Văn Quý, đã tái chiếm lại Thị Trấn Phú Long cho tới chiều ngày 18-4-1975 trước tăng pháo và binh đoàn CS Bắc Việt từ Phan Rang vào, nên các cánh quân của ta tại Phú Long trong đó có ÐÐ283 của Ðại Uý Ba được lệnh di tản bằng đường biển tới Vũng Tàu và tiếp tục chiến đấu tới ngày 30-4-1975 thì buông súng theo lệnh TT Dương Văn Minh.

          Sau ngày 1-5-1975 như hầu hết quân công cán cảnh VNCH đều lâm cảnh tù ngục của CSVN qua cái gọi là ‘ học tập cải tạo ‘.Tại Bình Thuận, Ðại Uý Nguyễn Văn Ba đã lần lượt qua các tầng địa ngục từ Cà Tót tới Sông Mao. Cuối tháng 12/1975 một số sĩ quan cấp uý trong đó có Ðại Uý Ba, được chuyển tới lao tác tại khu vực Giếng Triềng trong khu Lê Hồng Phong . Tại đây Ba đã vượt trại cùng với Ðại Uý Ðặng Phiên (em cựu dân biểu Thiếu Tá Ðặng Quang Lượng) , khóa 20 B Sĩ Quan/TB/TD Ðại Ðội Trưởng ÐÐP và Ðại Uý Nguyễn Văn Ngư khóa 20 SQ/TB/TÐ Ðại Ðội Trưởng ÐÐ118/ÐPQ thuộc Chi Khu Phan Lý Chàm và Ðại Uý Thông Ngộ. Từ đó tới nay các Ðại Uý Ba, Ngộ và Phiên mất tích không rõ sống chết thế nào. Riêng Ðại Uý Nguyễn Văn Ngư theo nguồn tin từ Trung Uý Cao Hoài Sơn cho biết vào năm 1981, Anh đã gặp Ðại Uý Ngư bị CSVN giam tại một lô cốt ngầm ở Chi khu Hải Ninh cũ. Hiện Ðại Uý Ngư đã định cư tại Washington DC qua diện HO. Tóm lại, qua quá trình chiến đấu chống lại sự xâm lăng của Bắc Việt, các Ðại Uý Ba, Phiên, Ngộ và Ngư đều là những đại đội trưởng tài giỏi, gan dạ , lập đuợc nhiều thành tích, giữ vững an ninh các ấp xã và quốc lộ số 1.

          Suốt thời gian phục vụ, Ðại Uý Ba đã được ân thưởng nhiều huy chương : 1 anh dũng bội tinh ngôi sao vàng + 1 ngôi sao bạc (khi còn trong binh chủng LLÐB) , 1 chiến thương bội tinh + 2 anh dũng bôi tinh ngôi sao vàng và bạc (Tiểu Khu Bình Thuận).

- Ðại Uý Huỳnh Ngọc Ghênh :

          Cựu học sinh TH Phan Bội Châu Phan Thiết niên khóa 1956-1963, khóa 15 SQ/TB/TÐ, sĩ quan Quân Báo tại Quân Ðoàn I, sau đó thuyên chuyển về phục vụ tại Trung Tâm Thẩm Vấn Tù Binh VC ở Suối Máu, Hố Nai Biên Hòa, thuộc Quân Khu III. Sau ngày 1-5-1975, Ðại Uý Ghênh bị giam tại Suối Máu, là một trong những nhà tù lớn của CS Bắc Việt giam cầm Sĩ Quan các cấp của QLVNCH. Suối Máu gồm có 4 trại 1,2,3 và 4.

          Tháng 5/1977 Ðại Uý Ghênh bị chuyển ra Liên Trại Tù 1, Hoàng Liên Sơn tại tỉnh Yên Bái thượng du Bắc Việt (chung với Đại Uý Lê Bá Bình) và bị VC bắn chết vì vưọt ngục..

- Ðại Uý Tống Ngọc Yến :

          Sinh năm 1943 tại Ðức Thắng, thị xã Phan Thiết tỉnh Bình Thuận, cựu học sinh Trung Học Tư Thục Bạch Vân (em ruột Tống Ngọc Nhuận), khóa 24 SQ/TB/TÐ phục vụ tại Phòng 4 và sau cùng là Toán Huấn Luyện Lưu Ðộng thuộc Phòng 3/Tiểu Khu Bình Thuận. Ðại Uý Yến đã chết vì bệnh sốt rét cấp tính tại trại tù Cà Tót (K24) thuộc Thiện Giáo tỉnh Bình Thuận.

- Ðại Uý Nguyễn Văn Biên :

          Khóa 14/SQ/TB/TÐ, sĩ quan tài chánh kiêm phát ngân viên thuộc Tiểu Khu Bình Thuận. Ông đã chết tại trại tù Sông Cái (Ninh Thuận) vào năm 1978.

- Trung Uý Nguyễn Văn Biên :

          Sinh năm 1945 tại Ðức Thắng Phan Thiết, em ruột thầy Nguyễn Văn Thảnh giáo viên trường Nam Tiểu Học. Là cựu học sinh trường TH Phan Bội Châu niên khóa 1957-1964, sĩ quan khóa 3 trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt, Trưởng Ban CTCT thuộc Chi Khu Tuy Phong. Trung Uý Biên sau khi được lệnh đi chôn Trung Uý Hải, hôm sau thì ngả lăn ra chết vì căn bệnh sốt rét cấp tính và dù các bác sĩ của ta lúc đó đang làm việc tại bệnh xá xin chích trụ sinh để cứu Biên nhưng VC không cho.

- Trung Uý Nguyễn Văn Tư :

          Sinh năm 1941 tại Ðức Nghĩa Phan Thiết, cựu học sinh TH Phan Bội Châu 1956-1963, khóa 22 SQ/TB/TÐ, sĩ quan tài chánh của Quân Y Viện Ðoàn Mạnh Hoạch, chết tại trại tù Cà Tót vào tháng 8-1975.

- Trung Uý Tăng Thanh Ðồng :

          Sinh năm 1946 tại Phan Rí Cửa quận Hòa Ða Bình Thuận, cựu học sinh TH Phan Bội Châu 1957-1964, khóa 3 SQ trường Ðại Học CTCT Ðà Lạt, sĩ quan CTCT thuộc Chi Khu Hòa Ða. Ðồng được chuyển từ Lao Xá tới trại tù Cà Lon và chết tại đó (trại tù này còn có Trung Tá Diệp Sắng Cảnh, Quận kiêm Chi Khu trưởng Hải Ninh).

- Thiếu Uý Nguyễn Văn Quang :

          Sinh năm 1946 tại Ðức Thắng Phan Thiết, cựu học sinh trường trung học tư thục Bồ Ðề. Từ năm 1964-1967 là Nghĩa Quân biệt phái cho Phòng 3/Tiểu khu Bình Thuận. Từ 1974-1975 là Thiếu uý Phân chi khu phó phân chi khu Hòa An thuộc quận Thiện Giáo. Chết tại trại tù Cà Tót cuối năm 1975.

- Trung Uý Lữ Tây Tựu :

          Sinh năm 1940 tại Quảng Bình, khóa 12 SQ/TB/TÐ. Ðã tốt nghiệp khóa tình báo tại trường Cây Mai (Sài Gòn) năm 1963 và khóa tình báo tại Okinawa (Nhật) vào năm 1964. Trung Uý Tựu đã phục vụ tại Phòng 2/SÐ23BB từ năm 1963-1965. Sau đó thuyên chuyển về Tiểu khu Bình Thuận, giữ chức Trưởng phòng 2 từ đầu năm 1966.

          Là một sĩ quan can đãm đầy mưu lược, Trung Uý Tựu đã phối hợp chặt chẽ giữa Phòng 2 và Trung Ðội tình Báo tỉnh do Thiếu Uý Nguyễn Văn Thức (cấp bậc sau cùng là Ðại Uý, hiện ở Florida qua diện HO) làm Trung Ðội Trưởng, đã nhiều lần hành quân đột kích, phá vở các cơ sở của Vc tại Phú Hội, Bàu Sẽ, Tường Phong..

          Biến cố Tết Mậu Thân 1968 (đợt 1), nhờ sự chiến đấu can trường của Trung Ðội Tình Báo tại Lao Xá cũ (sau trường Chính Tâm) nên VC đã không tiến chiếm đuợc BCH Tiểu Khu cũng như Tòa Hành Chánh Bình Thuận như kế hoạch. Sau Tết Mậu Thân, Trung Uý Tựu thuyên chuyển về BTL/SÐ23BB. Năm 1969 vinh thăng Ðại Uý về phục vụ tại Trung Ðoàn 45/SÐ23BB. Mùa hè đỏ lửa 1972, Ðại Uý Tựu tử trận tại Kon Tum. Tóm lại trong các vị Trưởng Phòng 2/Tiểu Khu Bình Thuận hai Ðại Uý Lữ Tây Tựu và Nguyễn Văn Thức là xuất sắc nhất.

- Trung Sĩ I Nguyễn Văn Nhọn (Nhuận) :

          Ở năm xã thuộc quận Tuy Phong (Liên Hương, Phước Thể, Bình Long, Tuy Tinh và Vĩnh Hòa), không một người lính NQ hay ÐPQ nào mà không biết tới tên Nguyễn ăn Nhọn tự Nhuận, Liên Ðội Trưởng Nghĩa Quân (gồm các Trung Ðội 67,68,69).

          Suốt cuộc chiến hai mươi năm, sỡ dĩ các xã ấp xôi đâu không bị VC chiếm giữ, phần lớn là nhờ tin tình báo do dồng bào, trong mạng lưới tổ chức của TS Nhọn cung cấp. Nhờ vậy mà ta đã kịp thời phá vở nhiều lần âm mưu của địch, kể chiến dịch ‘ dành dân lấn đất ‘ ngày 27-1-1973. Ðịa bàn hoạt động của Liên Ðội Nghĩa Quân là Xã Phước Thể, cách BCH Chi Khu Tuy Phong khoảng 3 km, cũng là tiền đồn của quận lỵ, tức thị trấn Long Hương. Vì vậy nhiều lần Tiểu Ðoàn 186 cộng sản Bắc Việt mở cuộc tấn công vào Ðồn NQ Phước Thể do LÐ trấn giữ, đều bị TSI Nhọn phản công bằng lựu đạn và súng cối đơn vị. Sau ngày 30-4-1975, TSI Nhọn bị VC cầm tù nhiều năm.

          Hởi ôi ! trong tận cùng của sự đau khổ này, đã không còn giọt nước mắt nào để có thể nói lên được những điều tan vỡ ! không bao giờ ! Chúng tôi xin được làm người ở lại, chia xẽ những đớn đau cho cảnh ly tan, như con xa cha, vợ xa chồng, đầu bạc khóc đầu xanh và hơn hết, là một người bạn, một người em, một chiến hữu, để được đốt nén hương nguyện cầu. Mong rằng vong hồn của những người Anh, những bạn bè, những Anh Hùng Dân Tộc sớm tiêu diêu.

          XIN VINH DANH VÀ TRUY ÐIỆU cho những thế hệ Cha Anh, Bạn Bè Ðã Vì Tổ Quốc Vong Thân. Xin một nén hương lòng, hãy đốt lên, để thơm hương tình người . Rồi nghìn năm sau đó, có ai nghĩ như ta, để viết về nghìn năm trước, đã có những anh hùng, liệt nữ, từng đi qua những con đường Bình Thuận đầy máu lệ suốt cả cuộc đời..

Viết sau khi phỏng vấn Quý Niên Trưởng :
-Phạm Ngọc Cửu,
-Phan Bái
Huỳnh Văn Quý, Cao Hoài Sơn, Ngô Trúc Khánh
-Trần Hữu Thân, Nguyễn Tấn Hợi, Hồ Ngọc Trai
-Trương Đúc Nghi, Mai Xuân Cúc
-Phan Chính, Lê Ngọc Lan..


Xóm Cồn Hạ Uy Di
Tháng 4-2016




__._,_.___


Posted by: Ho Dinh <

VỊ CHUẨN TƯỚNG GỐC VIỆT THỨ HAI TRONG QUÂN LỰC HOA KỲ

$
0
0

 


VỊ CHUẨN TƯỚNG GỐC VIỆT THỨ HAI TRONG QUÂN LỰC HOA KỲ
                                                                                               May 5, 2016

Destiny Nguyen's photo.


Lễ Thăng cấp sẽ tổ chức vào 06/06/2016
===========

Trong năm 2014 vừa qua, cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại đã hân hoan và thán phục trước tin ông Lương Xuân Việt, một Đại Tá Lục Quân Hoa Kỳ được thăng cấp Chuẩn Tướng, trở thành một quân nhân Mỹ gốc Việt đầu tiên mang cấp bậc cao nhất.

Một năm sau một tin vui tương tự đến với cộng đồng người Việt khi Đại Tá Vệ Binh Quốc Gia của Tiểu Bang Virginia, ôngLapthe C. Flora - có tên Việtlà Châu Lập Thể -
 được thăng cấp Chuẩn Tướng. Lễ thăng cấp sẽ diễn ra vào ngày 6 tháng 6 năm 2016.

Giới Thiệu về Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ ( National Guard)

Vệ Binh Quốc Gia là lực lượng dự bị của Lục Quân Hoa Kỳ. Trong khi các binh chủng khác chỉ có một lực lượng trừ bị thì Lục Quân Hoa Kỳ có đến hai lực lượng gọi là Reserve (Trừ Bị) và National Guard (Vệ Binh). Sự khác biệt chính giữa hai lực lượng trừ bị này nằm ở chỗ cấp chính quyền họ nhận lệnh. Trong khi Army Reserve phục vụ chính quyền liên bang thì National Guard nhận lệnh của chính quyền Liên Bang lẫn Tiểu Bang, và nhận kinh phí hoạt động từ chính quyền Tiểu Bang là chính. Vì vậy Vệ Binh Quốc Gia có quy mô lớn hơn, có căn cứ và cơ sở đào tạo riêng, trong khi phần lớn Army Reserve dùng chung căn cứ của Lục Quân trên khắp lãnh thổ của Hoa Kỳ.

Cũng xin giới thiệu sơ qua về Quân Lực Hoa Kỳ. Quân lực Hoa Kỳ bao gồm năm ngành tác chiến là Lục Quân, Thủy Quân Lục Chiến , Hải Quân, Không Quân, và Tuần Duyên. Về mặt hành chánh thì Thủy Quân Lục Chiến là lực lượng tác chiến thuộc Bộ Hải Quân, dù lực lượng này có chương trình huấn luyện và nhiệm vụ chiến lược riêng.

Tuần Duyên trước năm 2001, thuộc Bộ Vận Tải. Tuần Duyên ngày nay đã trở thành một phần của Bộ Nội An. Bộ Nội An là bộ mới thành lập sau sự kiện khủng bố 9-11. Tuy nhiên, trong thời chiến, Tuần Duyên sẽ phối hợp với Hải Quân Hoa Kỳ trong việc bảo vệ nước Mỹ. Hai lực lượng này đã có lịch sử hơn 200 năm hỗ trợ lẫn nhau trong chiến tranh trên biển.

Ngoài ra, có hai ngành cán chính liên quan trực tiếp tới quân đội Hoa Kỳ là Đoàn Uỷ Nhiệm Y Tế Công Cộng (Public Health Service Commissioned Corps) và Đoàn Uỷ Nhiệm Đại Dương và Khí Tượng (National Oceanic Atmospheric Administration Commissioned Corps). Hai ngành này chỉ có Sĩ Quan mà không có lính. Sĩ Quan của hai ngành này có trình độ giáo dục và huấn luyện cao.

Lý Lịch Vị Chuẩn Tướng Tương Lai

Sự kiện sắp có một Chuẩn Tướng Vệ Binh Quốc Gia gốc Việt là một sự hy hữu vì con số người Việt tham gia Vệ Binh Quốc Gia không nhiều bằng ở các binh chủng khác như Lục Quân hay Hải Quân. Chuẩn Tướng tương lai Châu Lập Thể sinh năm 1962 tại Việt Nam. Thân phụ ông là một thủy thủ của Hải Vận Đội (Merchant Marines) của Việt Nam Cộng Hòa. Cha ông hy sinh lúc ông mới lên hai tuổi. Năm 1980 ông vượt biên và được đưa vào trại tị nạn ở Nam Dương. Một năm sau đó ông được ông bà Flora, tại Roanoke, VA, bảo trợ và nhận làm con nuôi. Cũng từ đó ông mang họ Flora bên cạnh cái tên Lập Thể được nhập chung là Lapthe C Flora.
Ông Châu Lập Thể được phong cấp Sĩ Quan Lục Quân năm 1987 từ trường Võ Bị Quân Sự Virginia (Virginia Military Institute, VMI). Tại đây ông hoàn thành văn bằng Cử Nhân khoa học chuyên ngành sinh học. Năm 2011 ông tốt nghiệp bằng Cao Học về nghiên cứu chiến lược tại Đại Học Chiến Tranh Lục Quân ở bang Pennsylvania. Về binh nghiệp, với bề dày 28 năm phục vụ, Đại Tá Châu Lập Thể đã đảm nhận nhiều cương vị khác nhau, và ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Với một Sĩ Quan trừ bị, quá trình thăng chức của ông thật đáng chú ý, thể hiện sự bền bỉ phấn đấu và khả năng lãnh đạo xuất sắc. Những điểm son trong binh nghiệp của ông thể hiện qua nhiệm vụ huấn luyện và điều phối hoạt động ở Bosnia năm 2001, ở Kosovo năm 2006 trong lực lượng gìn giữ hòa bình và chiến trường A Phú Hãn năm 2011 trong cương vị giám đốc Liên Quân Bộ Binh với Lục Quân Quốc Gia A Phú Hãn. Với bảng thành tích xuất sắc cùng với khả năng lãnh đạo đã được thử thách qua nhiều cương vị khác nhau, Đại Tá Châu Lập Thể đã được đề cử và được Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận thành Chuẩn Tướng Vệ Binh Quốc Gia vào năm 2016.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
-
Zana to lead 91st Troop Command, Flora to be promoted to brigadier general - See more at: http://vaguard.dodlive.mil/2016/02/23/8599/#sthash.U8G6NyfC.dpuf
Flora to be promoted to brigadier general
Flora to be promoted to brigadier general
Flora to be promoted to brigadier general
Flora to be promoted to brigadier general

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
__._,_.___

Posted by: "Nhat Lung"

Phi vụ Tống Lệ Chân

$
0
0



---------- Forwarded message ----------
From: Van-Nghe
Phi vụ Tống Lệ Chân 

Nguyễn Văn Ba
(cánh thép)

“Tống Lệ Chân,” mới nghe qua, như tên người con gái Trung Hoa, có nhan sắc đẹp tuyệt vời, tài danh nổi bật, được ghi trong sử sách lưu truyền cho hậu thế! Tôi không biết mỹ danh đó có từ lúc nào, xuất xứ từ đâu? Nhưng nó đã chiếm một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong mùa Hè đỏ lửa 1972.

Nhiều sư đoàn chánh quy Bắc Việt được yểm trợ bởi chiến xa và đại pháo hạng nặng, ồ ạt tiến sang từ biên giới Campuchia và Hạ Lào, theo đường mòn Hồ Chí Minh, với mưu đồ đánh chiếm hai tỉnh Bình Long và Phước Long để thành lập chánh phủ gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam,” gây hậu thuẫn quốc tế và đặt áp lực nặng nề cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Sàigòn.

Tống Lệ Chân là một địa danh, hay đúng hơn là một ngọn đồi chiến lược, khoảng hơn năm dặm về hướng Tây Nam của thành phố An Lộc. Ngọn đồi này nhờ nằm ở một địa thế cao, được trấn giữ bởi một tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân Việt Nam Cộng Hòa rất tinh nhuệ, nên nó chính là tai và mắt, không những cho thành phố An Lộc mà ngay cho chính thủ đô Sàigòn, vì nó kiểm soát được sự vận chuyển của bộ đội Bắc Việt và cơ giới chiến tranh, về hướng Tây Bắc Sàigòn, đưa quân vào Bình Dương, Lái Thiêu và Biên Hòa, nơi đặt Bộ Tư lệnh Vùng III Chiến Thuật. Vì lý do chiến thuật và toàn bộ chiến lược xâm chiếm miền Nam, nên ngọn đồi Tống Lệ Chân là cây gai nhọn nhức nhối trong nách, Cộng Sản phải nhổ nó đi bằng mọi giá.

Từ một ngọn đồi hiền lành, xung quanh bao bọc bởi rừng xanh bát ngát, dưới chân đồi một con suối uốn khúc quanh co, tô đậm nét như một bức tranh thủy mạc. Nếu không có trận chiến vừa qua, cũng chẳng có ai cần biết nó, như Ben Hét, Ðức Cơ, Dakpek, Dakto, v.v...

Những địa danh thật xa lạ với mọi người dân thị thành, nhưng bỗng chốc, nó trở thành những danh xưng được nhắc nhở thường xuyên qua những trận đánh hãi hùng, khiếp đảm, hàng ngày trên báo chí, đài phát thanh, màn ảnh truyền hình, đã làm chấn động lương tâm thế giới.

Ðã lâu lắm rồi, những vết tích tàn phá của chiến tranh trong trí nhớ gần như đi vào quên lãng. Nhưng chiều hôm nay nó được hâm nóng và sống lại trong tôi, vì tình cờ đã gặp lại những chiến hữu cùng một đơn vị sau hơn hai mươi năm dài đằng đẵng cách biệt.

Người hùng “Tống Lệ Chân,” Ðại Úy Lê Văn Cầu, phi tuần trưởng của Phi Ðoàn 237 Chinook, tôi không dùng đại danh hay ca tụng anh để lấy lòng, nhưng sự thật đã xảy ra cách đây trên hai thập niên vừa qua. Vẫn dáng người gầy gầy như ngày nào, nhưng không bao giờ thiếu nụ cười cởi mở, buông thả trên gương mặt để đón chào anh em chiến hữu.

Gặp lại anh trong bữa tiệc họp mặt tại thành phố San Jose, California, với một số anh em cựu Lôi Thanh như: Nguyễn Mai, Trần Duy Tôn, Lưu Thế Ngọc, Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Vũ, Nguyễn Văn Mai (Ðà Nẵng), cùng hai phu nhân của hai anh Vũ và Mai. Thật sung sướng và hãnh diện, tôi được may mắn gặp lại anh em đã có một thời chiến đấu vào sinh ra tử có nhau, chia sẻ từ bịch gạo sấy, lon thịt heo ba lát, cùng ngồi ăn trưa dưới bụng tàu, trong những buổi trưa Hè nắng cháy của vùng hỏa tuyến Tây Ninh.

Bây giờ gặp lại các anh em ở vùng đất xa lạ này, chúng ta tuy có già thêm đôi chút, cuộc sống nhiều thay đổi hơn xưa, tuy vậy tình anh em vẫn nồng nàn, ấm áp như thuở nào.

Tôn vẫn tính nào tật nấy, hào hoa quá mức, Ngọc ăn chơi công tử, Vũ vẫn hoạt bát trẻ trung, Mai cứ ngỡ là tài tử Henry Chúc, Tiên mới sang nên còn nhiều ưu tư bỡ ngỡ. Niên trưởng Mai cựu phi đoàn trưởng Ðà Nẵng, mới về hưu ở hãng IBM, trông đạo mạo như cụ non, cần nhiều chất tươi để để tóc bớt rụng!

Chúng tôi chia nhau chén tới chén lui, chén qua chén lại, từ ba giờ trưa mãi đến gần bảy giờ chiều, vì có nhiều anh em phải đi đám cưới chiều hôm đó nên chúng tôi tạm chia tay nhau, và hẹn sẽ gặp lại ở vũ trường Mini vào lúc chín giờ ba mươi tối. Niên trưởng Mai đưa tôi về để thăm gia đình anh chị. Còn “chú Tư Cầu” về nhà rước vợ con sẽ tới sau.

Thật hạnh phúc và sung sướng không ai bằng, “chú Tư Cầu” được thím Tư vừa trẻ, vừa đẹp, về để giúp chú “nâng cằm sửa mũi...” và tặng cho chú hai cháu thật ngoan hiền, kháu khỉnh dễ thương. Lúc này Niên trưởng Mai, có lẽ muốn dành sức lực để phục vụ bà xã tối nay, nên xin vào nghỉ lưng một tí, cón tôi với “chú Tư Cầu” ngồi lai rai nhậu tiếp dài dài, kể chuyện rên trời dưới biển, rồi đến chuyện hành quân ly kỳ, hấp dẫn của một thời “Dốc Sỏi” Biên Hòa.

Tôi biết Cầu từ ngày thành lập đệ nhất Phi Ðoàn Chinook Lôi Thanh 237, vào giữa khoảng năm 1970-1971, anh thuộc vào nhóm sĩ quan hoa tiêu trẻ, mới ra trường, chưa vợ con, rất hăng say hoạt động trong mọi công tác. Còn chúng tôi, lúc đó không đến nỗi già lắm, tuy nhiên đối với anh em thì được xếp vào lớp “lão làng.”

Vào khoảng mùa Hè năm 1972, chiến trận ở Vùng III Chiến Thuật càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn, thành phố An Lộc chịu đựng hàng ngàn quả đạn pháo ngày đêm, nhà cửa, phố xá nát tan từng mảnh vụn, dân chúng đã bồng bế, dẫn dắt nhau, bỏ hết tài sản theo quốc lộ chạy về hướng Chơn Thành, về gần Sàigòn.

Tiền đồn Tống Lệ Chân được tử thủ bởi khoảng một Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân, đã bị cô lập nhiều tuần bởi cả Trung Ðoàn chính quy Bắc Việt, đang rình rập sát dưới chân đồi, trực thăng tải thương và tiếp tế bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 và súng phòng không đe dọa trầm trọng, không thể đáp được trong ban ngày, phi cơ vận tải C-130 thả dù thực phẩm, thuốc men, phần lớn đều bị gió đưa ra ngoài, vào vùng kiểm soát của địch.

Việt Cộng thường xuyên pháo kích, đại pháo cày nát gần trọc hết ngọn đồi, những chiến sĩ Mũ Nâu gan lì của Việt Nam Cộng Hòa, núp trong những giao thông hào, sâu trong lòng đất như những con rắn độc, đã oai hùng, mãnh liệt đốn ngã những đợt tấn công biển người của Việt Cộng. Trung Tá Ngôn, chỉ huy trưởng tiền đồn kêu gọi Không Quân cho trực thăng đưa quân vào tăng viện và chuyển bớt thương binh về bệnh viện để ông rảnh tay chiến đấu.

Lệnh từ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đưa xuống chuẩn tướng tư lệnh Sư Ðoàn 3 Không Quân, yêu cầu cho trực thăng Chinook CH-47 - Phi đoàn 237 - thi hành phi vụ cảm tử này. Lôi Thanh I, phi đoàn trưởng, Phi Ðoàn 237 nhận được mật lệnh, ông cho mở một cuộc họp kín, với sự có mặt đầy đủ một số anh em phi hành đã có nhiều kinh nghiệm chiến trận, để chọn người tình nguyện. Sau khi Lôi Thanh I tuyên bố lý do và cho biết mật lệnh, không khí trong phòng họp lúc đó trở nên cực kỳ im lặng, nặng nề và khó thở, không ai có một lời thêm bớt hay bình luận gì cả.

Tôi nhìn tất cả các anh em hoa tiêu và anh em hạ sĩ quan phi hành lòng chùng xuống, mắt mờ đi, tâm não hoàn toàn như tê dại, tự nhủ thầm:

“Người ta sắp bắt chúng tôi làm vật tế thần.”

Thật ra tất cả anh em chúng tôi không phải là những người sợ chết hay muốn tránh né những phi vụ hiểm nguy, nhưng cái bực tức không nói lên được lúc đó là cấp chỉ huy đã không hiểu khả năng kỹ thuật cơ giới của một chiếc Chinook, hay vì sợ trách nhiệm nên sử dụng chúng tôi một cách sai lầm?... Cũng không thể dựa vào các yếu tố chiến tranh chính trị hay tâm lý chiến thuật nào khác để bào chữa cho phi vụ, vì nó có thể thực hiện được bằng trực thăng loại nhỏ UH-1, chở mỗi lần mười quân nhân và chọn thời gian đáp trong năm lần khác nhau. Loại trực thăng UH-1 được chế tạo dùng trong chiến thuật đạt yếu tố bất ngờ trong lòng địch, như chiến thuật “Diều Hâu,” nó có khả năng xoay trở rất nhanh nhẹn, chỉ cần một thời gian, trong khảng năm giây đồng hồ, là có thể đổ được quân và đem được thương binh lên dễ dàng.

Ta có thể ước đoán tông số thời gian kể như nguy hiểm nhất, từ lúc vào bãi đáp cho đến khi rời khỏi vị trí một cách tương đối an toàn, chỉ tốn vào khoảng hai mươi giây đồng hồ là tối đa. So với một chiếc Chinook CH-47, thật to lớn kềnh càng, chở năm chục binh sĩ, khi hạ cánh với một tốc độ rất chậm, vào một tiền đồn trên đồi, không chỗ ẩn núp, diện tích bãi đáp không lớn hơn khuôn viên một căn nhà, xung quanh triền đồi toàn là quân chính quy Bắc Việt, núp dưới giao thông hào chằng chịt, với những đại liên phòng không tối tân của Nga Xô và Tiệp Khắc, hỏa tiễn SA-7, súng cối 82 ly, và đại pháo 122 ly, đã lấy tọa độ bãi đáp chính xác.

Tôi giả sử binh lính Việt Cộng có mù mắt, điếc tai, ngủ gục hết cả lũ, tính theo thời gian nhanh nhất, khi tàu giảm tốc độ vào cận tiến để chuẩn bị đáp an toàn cho năm mươi quân nhân chạy ra phía cửa sau đuôi và chờ khiêng thương binh đưa vào, xong xuôi cất cánh, ra tới vị trí tương đối an toàn, ít ra cũng phải mất hết khoảng hai trăm giây đồng hồ. Nếu ta thử so sánh thời gian nguy hiểm trên vùng với chiếc phản lực cơ F-5, khi chúi xuống thả bom, xong kéo lên rời vị trí, chỉ trong tích tắc vài giây đồng hồ mà đôi khi còn bị bắn hạ bởi SA-7 hay đạn phòng không một cách dễ dàng, còn chiếc Chinook, to lớn gấp hai, ba lần, xoay trở rất chậm chạp, hai bên hông tàu mang cả chục ngàn lít xăng JP-4, chỉ cần một phát súng nhỏ, nhạy lửa là nó trở thành một cây đuốc khổng lồ, soi đường cho thần chết, không những thiêu mạng phi hành đoàn mà nó còn đốt cháy năm mươi quân nhân ngồi phía sau nữa.

Trong phạm vi bài này, tôi không có ý gián tiếp chỉ trích cá nhân bất cứ một cấp chỉ huy thừa hành nào cả, vì tôi biết lệnh từ trên tối cao đưa xuống, tôi chỉ đưa ra những dẫn chứng sai lầm về sự sử dụng kỹ thuật tác chiến cơ giới. Nhưng quân đội, lệnh là phải thi hành, nếu may mắn còn sống sót không tật nguyền hoặc sứt tay, gãy gọng là điều đáng mừng, phước đức ông bà để lại.

Một phút im lặng nghẹt thở trôi qua, như dò xét sự phản ứng của tất cả đoàn viên phi hành. Lôi Thanh I cho biết rằng đây là lệnh của thượng cấp đưa xuống, nếu không có người tình nguyện ông sẽ chỉ định người để thi hành phi vụ tối quan trọng này. Thời gian chậm chạp như muốn ngừng lại, tôi lên tiếng hỏi để biết nhiệm vụ chính của phi vụ dùng vào công việc gì?... Mặc dù tôi là trưởng phòng Hành Quân của phi đoàn lúc đó, nhưng ông ta cũng từ chối, cốt ý để bảo toàn bí mật cho bãi đáp. Khi Lôi Thanh I vừa dứt lời, tôi nhận thấy Ðại Úy Lê Văn Cầu, phi đội trưởng Phi Ðội 1 ngồi bên ghế trái của tôi, đưa tay lên xin tình nguyện, tiếp theo là Ðại Úy Huỳnh Bá Hùng, phi đội trưởng Phi Ðội 2 cũng đưa tay tình nguyện. Bây giờ cần một cơ phi, xạ thủ và áp tải. Thượng Sĩ Nguyễn Văn Tranh, Trung Sĩ Nguyễn Văn Hoàng cũng đưa tay tình nguyện. Tôi nhớ cũng còn nhiều anh em sĩ quan và hạ sĩ quan khác nữa cũng xin tình nguyện, nhưng sau cùng chỉ chọn được phi hành đoàn có đầy đủ khả năng như sau: Trưởng phi cơ cho phi vụ Ðại Úy Cầu, hoa tiêu phụ Ðại Úy Hùng, cơ phi Thượng Sĩ Tranh, xạ thủ Trung Sĩ Hoàng và áp tải viên tôi rất tiếc là không còn nhớ rõ tên anh.

Phiên họp kết thúc vào khoảng bốn giờ chiều, để bảo toàn bí mật phi vụ, lệnh phi đoàn cấm trại 100% cho tới khi nào công tác thi hành xong. Tôi đưa các anh em trong phi hành đoàn tình nguyện vào khu quán ăn của cư xá hạ sĩ quan trong căn cứ Không Quân để dùng cơm chiều.

Bảy giờ chiều ngày 26 tháng 12, 1972, phi cơ được lệnh cất cánh từ phi trường Biên Hòa, liên lạc với C&C qua tần số vô tuyến FM, để đáp vào An Lộc nghe thuyết trình và nhận lệnh từ đơn vị bạn.

Trời cuối tháng vào mùa lễ Noel nên có vẻ tối sớm hơn thường lệ, những tia nắng hanh vàng đã bắt đầu nhạt dần, ở phía bên kia đầu phi đạo, sân bay đã vắng người qua lại, chỉ còn mình tôi lẻ loi đang ngồi đây để tiễn đưa anh em.

Trong trận thế chiến vừa qua, phi đội Thần Phong cảm tử của Nhật Hoàng trước khi cất cánh ra trận, được vinh dự đứng trước hàng quân uống cạn ly rượu “Sakê” hâm nóng, trao tặng từ một Tướng lãnh cao cấp để rồi bay vào tử địa. Còn các anh bây giờ được ai tiễn, ai đưa? Hàng quân vinh dự nào đứng dàn chào để tiễn biệt các anh? Tôi biết các anh cũng chẳng cần những thứ rườm rà, màu mè đó, nhưng với ý chí và lòng dạ sắc son nguyện dâng hiến đời mình cho quê mẹ Việt Nam, nên các anh đã hy sinh tình nguyện chấp nhận phi vụ, đáp vào một nơi được gọi là “địa ngục trần gian.”

Phi cơ đã mất hút, chìm vào bóng hoàng hôn về hướng Tây Bắc chân trời. Tôi lặng lẽ lái xe trở về phòng hành quân phi đoàn để theo dõi tin tức phi vụ, lòng lâm râm khấn vái cầu nguyện cho các anh đi được bình an...

Trách nhiệm phi vụ các anh chia đều cho nhau, Ðại Úy Cầu chỉ huy toàn diện, cũng như lo phần bay và điều khiển các cơ phận phi cơ. Ðại Úy Hùng lo phần vô tuyến, truyền tin liên lạc với C&C và đơn vị bạn, cũng như kiểm soát bản đồ, hướng bay và tọa độ hành quân, các anh em cơ phi, xạ thủ và áp tải giữ an ninh phía trong tàu và đồng thời kiểm soát, báo cáo các vị trí phòng không, SA-7 của Việt Cộng từ dưới bắn lên, để phi cơ tránh né cùng lúc sử dụng hỏa lực tối đa của hai khẩu đại liên, gắn hai bên thân tàu để làm áp lực địch.

Kim đồng hồ chỉ hơn tám giờ tối, phi cơ đã đến vùng chỉ định, bên ngoài chỉ còn lại là một màu đen, xung quanh là rừng núi âm u của đêm sau ngày Chúa Giáng sinh. Thành phố An Lộc hoàn toàn như một bóng ma trong đêm, không còn một ngọn đèn đường nào đứng vững hay được cháy sáng để ghi nhận là vị trí của một khu phố. Ngọn đồi Tống Lệ Chân cách đó không xa lắm, nghe tiếng phi cơ bèn chớp đèn hiệu, không liên lạc được với C&C hai anh cứ ngỡ đó là thành phố An Lộc, nên cho phi cơ bay thẳng vào hướng có ánh đèn hiệu.

Một phút sau, những tia chớp sáng không ngừng của đại liên phòng không từ dưới đất bắn lên như pháo bông ngày Tết, các anh mới nhận ra là đang bay hơi chệch về hướng Tống Lệ Chân. Ðại Úy Cầu bình tĩnh kéo nhanh cần lái về phía phải cho con tàu lướt nhanh ra khỏi tầm hỏa lực địch, cũng trong lúc đó Thượng Sĩ Tranh báo cáo nhìn thấy đèn hiệu về hướng một giờ cách đó không xa lắm. Sau khi quan sát thật kỹ và liên lạc được với quân bạn, Ðại Úy Hùng OK, đưa ngón tay cái lên trời đồng ý cho Ðại Úy Cầu chuẩn bị cho phi cơ đáp xuống phía Nam của An Lộc.

Sau khi kiểm soát lại phi cơ, mọi sự đều an toàn, anh em phi hành đoàn được đưa vào Bộ Chỉ Huy Hành Quân tiền phương để nghe thuyết trình phi vụ. Sĩ quan tình báo cho biết quân chính quy Bắc Việt được trang bị với đại liên phòng không đủ loại đang ẩn núp dưới các hầm hố xung quanh chân đồi, tin cũng cho biết thêm là chúng cũng có thể đã được trang bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 để chống lại các loại phi cơ chiến đấu của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhiệm vụ chính của phi vụ là chở năm chục lính Biệt Ðộng Quân để tăng viện và thay thế những người ở quá lâu trong đó, đồng thời rước về một số thương binh, Phi vụ rất giản dị có thế thôi, nếu ở một vị trí nào khác thì công việc không có gì quan trọng hay đáng nói cả.

Giờ hẹn tại bãi đáp là đúng 12 giờ khuya. Trung Tá Ngôn, tiểu đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân phải chuẩn bị sẵn sàng tại bãi đáp, đèn hiệu phải đặt dưới hầm trú ẩn để Việt Cộng khỏi nhìn thấy.

Phi hành đoàn họp nhau để bàn về kỹ thuật đáp và phân chia công việc cho mọi người. Tàu sẽ chở năm chục quân nhân với trang bị vũ khí đầy đủ, là một việc khó khăn cho hoa tiêu điều khiển phi cơ để tránh né đạn phòng không vì quá nặng nề, không xoay xở nhanh chóng được. Nếu bay sát ngọn cây với tốc độ thật nhanh, đột ngột từ phía chân đồi nhảy lên thẳng bãi đáp quá nhỏ, xung quanh là ụ súng của tiền đồn, thì là một chuyện không thể thực hiện được nhất là về ban đêm như tối hôm nay, chỉ có loại phi cơ nhỏ một cánh quạt như UH-1 hay H-34 là có thể thực hiện được lối bay nguy hiểm tránh phòng không này; như vậy chỉ còn lại một giải pháp cuối cùng là kỹ thuật đáp 360 độ. Cầu và Hùng đều đồng ý với lối bay này tuy nó rất là nguy hiểm, vì sẽ làm mồi cho súng phòng không, nhưng còn có cơ hội sống sót nhiều hơn là kỹ thuật bay “nhảy bổ” vào lúc ban đêm.

Ðúng 11 giờ 45 khuya, trời bên ngoài tối om như mực, năm mươi quân nhân Biệt Ðộng đã ngồi yên lặng trong lòng tàu. Ðại Úy Cầu cho quay máy chuẩn bị cất cánh, âm thanh phản lực của hai động cơ gắn phía sau hòa lẫn với tiếng cánh quạt quay đều trong gió, nghe như tiếng rống phẫn nộ của rừng xanh vang lên trong đêm khuya tĩnh mịch. Ðại Úy Hùng kiểm soát lại các tần số liên lạc với C&C và các danh hiệu đơn vị lần cuối, Thượng Sĩ Tranh báo cáo cho Trưởng phi cơ tình trạng tàu tốt sẵn sàng cất cánh.

Hơn 11 giờ 50, C&C cho lệnh cất cánh lấy cao độ khoảng hai ngàn bộ, trực chỉ hướng Tây Nam vào thẳng Tống Lệ Chân. Ðại Úy Cầu ra lệnh cho Trung Sĩ Hoàng lên đạn hai khẩu đại liên để sẵn sàng tác xạ. Ðèn Navigation bên ngoài phi cơ đã tắt, chiếc phi cơ hiên ngang như một dũng tướng ngày xưa đơn thương độc mã tiến vào trận địa.

Ðại Úy Hùng chỉ về phía trước mặt đèn báo hiệu bãi đáp đã nhấp nháy dưới hầm, tiền đồn Tống Lệ Chân gần kề trước mặt.

- OK! “Pitch down”!

Toàn thân phi cơ như hụp xuống khỏi mặt nước, xoay tròn thật gắt 360 độ về phía trái như muốn vỡ tung, hết sức khó chịu vì sức rơi lúc đáp quá nhanh từ trên cao độ.
“Rầm... Rầm...!!!”

Nhiều khối lửa to lớn đang chớp nhoáng phía dưới, chúng đang pháo kích vào bãi đáp. Ðịa ngục trần gian bắt đầu cơn bão lửa! Ðạn phòng không dưới chân đồi đã tập trung giăng chằng chịt cả màn đêm, những viên đạn đỏ tươi như màu máu vọt lên đan vào nhau thành những tia sáng như hình rẻ quạt quét cả trọn vùng trời, nhắm về hướng phi cơ đang lơ lửng xoay tròn giữa không gian; vì trời quá tối nên nhiều trái sáng được địch quân bắn lên để cho chúng dễ dàng nhận diện phi cơ.

Dưới sức sáng nhân tạo của các trái hỏa châu, con tàu thật lẻ loi đơn độc không thể dấu mình trong màn đêm được nữa, đã gánh chịu hàng trăm viên đạn của loài quỷ đỏ hung hăng ghim vào thân xác như một con đại bàng bị tên trúng vào tử huyệt, nhưng oai hùng dang cánh thản nhiên đáp trên đầu địch.

Ðại Úy Hùng không còn liên lạc qua tần số vô tuyến với C&C được nữa, cơ phận phát điện bị trúng đạn phát hỏa, hệ thống thủy điều bị bể ống hoàn toàn ngưng hoạt động, cần lái bị “locked” chặt cứng không còn điều khiển được. Ðại Úy Cầu như tê dại nhìn thẳng phía trước, dùng hết sức còn lại với phản ứng tự nhiên của mình, cố điều khiển để cho con tàu rơi từ trên cao hơn 30 bộ xuống bãi đáp. Thân phi cơ chạm mạnh trên đất nhảy dựng trở lên, uốn mình như con khủng long hung hăng giãy chết, những cánh quạt phía trước chặt mạnh vào ụ súng của tiền đồn tan nát văng từng mảnh vụn. Lửa khói đã cuồn cuộn cháy ở phía sau đuôi, đạn súng cối, hỏa tiễn địch quân liên tiếp pháo vào, những chuỗi dài nối tiếp nhau chớp sáng của tạc đạn nổ long trời, cát bụi tung bay mù mịt cả bốn bề.

Con tàu sau vài giây đồng hồ mới chịu đứng yên, chấp nhận ngày cuối cùng của đời mãnh long trên ngọn đồi xa lạ này. Lửa đã cháy dữ dội hơn, một số Biệt Ðộng Quân còn sống sót chạy tràn ngập ra phía trước phòng lái, tìm cách thoát ra ngoài. Ðại Úy Cầu cảm thấy đau đớn nhức nhối ở gót chân mặt nhưng vì sự sống còn, anh cố gắng lết ra từ phía bên trái cửa sổ phi cơ. Bên ghế phải Ðại Úy Hùng đang bị buộc chặt vì dây an toàn bị gãy chốt, ghì chặt anh vào thành ghế với áo giáp, súng đạn mang lỉnh kỉnh bên hông, lại bị lính Biệt Ðộng Quân chen lấn thoát thân đè chặt anh xuống ghế, lửa đã cháy sát bên lưng, sức nóng hừng hực của cả ngàn lít dầu JP-4 táp vào mặt, anh cảm thấy gần như tuyệt vọng.

Trong lúc đó một anh lính Biệt Ðộng sau cùng vừa trèo lên để chui ra thì bị một mảnh đạn pháo kích trúng vào đầu bị thương ngã người lại phía sau, tay anh lính níu chặt lấy chiếc gối nệm phía sau lưng Ðại Úy Hùng để khỏi ngã quỵ xuống sàn tàu, chiếc gối sút ra văng xuống theo tay anh lính. Nhờ cơ hội may mắn hiếm hoi này, Ðại Úy Hùng lòn mình thoát ra được từ phía lỗ trống trên nóc phòng lái. Trung Sĩ Hoàng nhờ Trời, Phật che chở nên chui ra ngoài được an toàn trước khi phi cơ phát nổ.

Tất cả những anh em thoát chết đều cố gắng bò nhanh xuống hầm trú ẩn gần đó, đạn pháo vẫn tiếp tục rú lên trong gió gây ra những âm thanh thật kỳ dị nghe như tiếng ma tru, quỷ rống rợn cả người. Lửa cháy phi cơ soi sáng cả góc trời, có lẽ giờ phút đó dưới chân đồi trong các hang hóc chằng chịt, loài quỷ đỏ đang ăn mừng nhảy múa bên các vong linh oan hồn mà chúng vừa mới sát hại.

Trung Tá Ngôn cho anh em Biệt Ðộng Quân ra khiêng Ðại Úy Cầu vào băng bó, kiểm điểm quân số phi hành đoàn không thấy Thượng Sĩ Tranh, mọi người nghĩ rằng anh đã chết. Sáng hôm sau mọi việc tương đối yên lặng, anh em lần mò bò ra phi cơ để lấy xác vì có rất nhiều quân nhân Biệt Ðộng đã bị súng phòng không của Việt Cộng bắn chết trong lúc đáp, cũng như bị thương chạy ra ngoài không được bị chết cháy trong tàu. Phi hành đoàn nhận diện được dấu tích của Thượng Sĩ Tranh mặc dầu đã bị cháy tan biến, nhưng thẻ bài kim loại và súng đạn anh mang theo, cho biết rằng anh đang đứng gần cửa phía sau thân tàu, có thể anh bị đạn phòng không chết trước khi đáp. Ðại Úy Hùng thu nhận cẩn thận tất cả thân xác còn lại của anh chờ ngày mang về để mai táng.

Khoảng ba ngày sau, phi hành đoàn được báo là sẽ có một phi hành đoàn UH-1 vào rước về, mọi người thức suốt đêm chờ đợi sau cùng được báo là phi vụ cứu cấp bị lộ nên bãi bỏ, không thể nào rước các anh ra được. Những giờ phút ở đây thật dài vô tận, những giấc ngủ chập chờn, tử thần luôn luôn rình rập, ranh giới giữa sự sống và chết gần như lẫn lộn không giới tuyến rõ rệt. Các anh lính Mũ Nâu anh hùng chiến đấu thật cô đơn, cam khổ, đạn pháo địch ngày đêm từng chập không ngơi nghỉ, tiếng trống, tiếng loa của loài quỷ đỏ vẫn hò hét, kêu gào dưới triền núi vọng lên như tiếng khóc than từ địa ngục. Những anh lính Biệt Ðộng Việt Nam Cộng Hòa ngày đêm kìm chặt tay súng, núp sâu dưới lòng đất sẵn sàng đứng lên để đập vỡ cái mưu toan của chúng muốn biến nơi này thành mồ chôn tập thể.

Vào khoảng chín giờ tối của đêm thứ năm, Trung Tá Ngôn cho phi hành đoàn biết lệnh mật từ Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân là sẽ có người vào rước anh em trong giờ giao thừa của đầu năm Dương lịch. Mọi trách nhiệm và kế hoạch di tản được chuẩn bị đầy đủ. Trung Sĩ Hoàng sẽ cõng Ðại Úy Cầu bị thương chân không đi được, Ðại Úy Hùng sẽ ôm xác Thượng Sĩ Tranh cố gắng chạy nhanh ra tàu.

Bây giờ là 23 giờ 55 đêm 31 tháng 12, 1972, chỉ còn năm phút nữa là một năm mới sẽ ra đời. Trong những giây phút thiêng liêng này ở các quốc gia khác, người ta đang hạnh phúc sung sướng bên những ly sâm-banh sùi bọt, những lời chúc an lành, những nụ hôn ấm cúng, những dạ hội, những vũ điệu, những bài ca gần như bất tận trong đêm nay. Còn tại nơi đây, nơi một quốc gia nhỏ bé, một tiền đồn heo hút nằm giữa rừng hoang vắng, nơi mà những căm thù được dựng lên bằng những suy luận vô lý của hai ý thức hệ ngoại lai.

Hỡi những người Việt Nam da vàng máu đỏ, tại sao?... Và tại sao?...

Tiếng động cơ trực thăng đã bắt đầu nghe rõ từ hướng Ðông Bắc, như một thiên thần từ trời cao đang ngang nhiên tiến vào chiến tuyến giữa đêm trừ tịch để cứu người lâm nạn. Ðạn lửa phòng không nổ ròn như pháo Tết, hỏa tiễn ì ầm rơi vào bãi đáp. Cộng Sản đang làm lễ đăng quang để tiếp rước thiên thần đang giáng thế. Thật bình tĩnh với nụ cười ngạo mạn, Trung Úy Phát tự “Phát Sứt,” đã nhiều lần vào sinh ra tử khéo léo đặt con tàu vào bãi đáp một cách dễ dàng, bên ghế trái, hoa tiêu phụ là Trung Úy Bằng, một cựu Biệt Ðộng Quân Biên Phòng, một người anh hùng luôn luôn đặt nặng trách nhiệm và bổn phận của Tổ Quốc giao phó trước sự sống còn của đời mình.

Ðạn pháo kích vẫn tiếp tục rơi tới tấp, những cái chớp nhoáng, lập lòe gây ra một thứ ánh sáng cực kỳ man rợ. Trung Sĩ Hoàng hết sức khó khăn vất vả mới đưa được Ðại Úy Cầu lên tàu. Ðại Úy Hùng nhất quyết ôm chặt tro xác của Thượng Sĩ Tranh lần mò chạy theo sau. Phi hành đoàn đã lên tàu đầy đủ. Trung Úy Bằng đưa ngón tay lên trời ra dấu cho trưởng phi cơ Trung Úy Phát sẵn sàng cất cánh. Như một con chiến mã thật hiên ngang nhảy vọt lên không trung, chỉ trong tích tắc sau đó đã lặng lẽ biến mình trong màn đêm dày đặc

Xin giã biệt Tống Lệ Chân, giã biệt những anh hùng Mũ Nâu Biệt Ðộng. Qua tần số radio của đài phát thanh Sàigòn, chuông kiểng nhà thờ đã rộn rã khua lên từng hồi để chào đón một năm mới vừa ra đời.

Các anh: Cầu, Hùng, Hoàng và vong linh của Thượng Sĩ Tranh, cũng như phi hành đoàn UH-1 cấp cứu, anh Phát, anh Bằng... Hôm nay tôi viết bài này để nhắc nhở những thành tích oanh liệt, can trường của các anh. Các anh là những anh hùng của Không Quân nói riêng và của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa nói chung. Vì vận nước không may các anh đã chia tay nhau mỗi người mỗi nẻo khắp nơi trên thế giới, nhưng “tinh thần Tống Lệ Chân” của trên hai mươi ba năm về trước các anh đã thể hiện được tình huynh đệ chi binh, quên thân mình để cứu giúp đồng đội, chiến hữu. Tôi cầu nguyện và chúc lành các anh em gặp được nhiều may mắn và hạnh phúc trong quãng đời còn lại.

Riêng Thượng sĩ Tranh, tôi xin thành tâm khấn vái và cầu nguyện cho vong linh anh được yên lãnh trong thế giới vĩnh cửu, hãy vui trong giấc ngủ bình yên...

Nguyễn Văn Ba
Cựu Lôi Thanh II/ Phi đoàn 237


__._,_.___

Posted by: truc nguyen <

RMS Đúng 1:30pm khai mạc May 15......HỒI KÝ NHỮNG NGƯỜI TÙ CUỐI CÙNG CỦA PHẠM GIA ĐẠI

$
0
0

FYI.

On Sunday, May 8, 2016 4:02 PM, VietHai Tran <> wrote:


---------- Forwarded message ----------
From: VietHai Tran<>
Date: 2016-05-08 15:33 GMT-07:00
Subject: Fwd: RMS Đúng 1:30pm khai mạc May 15
To: Dai Pham <


Đọc Hồi Ký Những Người Từ Cuối Cùng của Phạm Gia Đại để thấy rằng khí phách của người quân nhân QLVNCH dù bị sa cơ thất thế nhưng sức chịu đựng thật bền bỉ những đòn thù của kẻ thù đầy đọa lên xác thân và tinh thần của họ, những nhục hình trong các trại lao động khổ sai của người CSVN. Điển hình những Ba Sao Nam Hà và Hàm Tân Z-30D, những mãnh hổ bị sa cơ như Lê Minh Đảo, Trần Bá Di, Lê Văn Thân và Đỗ Kế Giai,... dẫu có bị giam cầm nhưng hùng khí đã bất tử:

...“Ý thức hệ miền Nam kiếp nạn
Chín năm (1984) cố quốc dạ nào quên.
Không xoay thế cuộc, anh hùng lụy
Hào kiệt ngục trung, nợ nước đền.
Anh hùng mưu sự chẳng nên
Cúi xuống thẹn Đất, ngước lên thẹn Trời.
Mài gươm rồi để hận đời
Chôn vùi thế hệ lụy người tù chung.
Oán thế nhân, xin đừng trách nữa
Lỗi lầm này hãy sửa sai chung.
Đem xương máu học bài đắt giá
Chi đem thành bại luận anh hùng.
(thơ Đỗ Kế Giai-1984)

Chiến tranh có thắng có thua, có thành có bại, trong quân sử thế giới cổ kim với những chiến tích Waterloo, Austerlitz, Normandie, Alamo, Bataille de Verdun, Bataille de Somme hay Bataille de Xuân Lộc, Long Khánh,... Trang sử 30 tháng 4, năm 1975, QLVNCH đã hào hùng vẽ nên trang sử vẻ vang để những nhận xét quốc tế ghi nhận lại về trận đánh vang danh tại Xuân Lộc như sau:

"L'esprit des soldats de la République du Viêtnam à Xuan Loc était très élevé, le système de communication était très bon. Les unités de Parachutistes et de Rangers sont arrivés. La route à Saigon a été autorisé. Les officiers de l'Armée du Sud-Vietnam demandait pour la soutien d'artillerie et de l'air visant les cibles ennemies très précisément, rapidement, leur situation de combat était presque identique à l'époque où l'armée américaine a soutenu... " (par Oliver Todd, Cruel Avril).

"At the battle of Long Khanh, it's clearly the Republican Vietnam Army has demonstrated their determination and heroic fight against the enemy overwhelmed many times... " (Gen. Homer D. Smith, Chief of Military attaché, the US Armed Forces Joint Chiefs of Staff).

Trần Việt Hải Los Angeles.


Inline image 3



HỒI KÝ NHỮNG NGƯỜI TÙ CUỐI CÙNG CỦA PHẠM GIA ĐẠI
Là người trai thế hệ trước tình hình binh biến của đất nước, nhà văn Phạm Gia Ðại cũng như bao thanh niên miền Nam trước năm 1975 đã phải giã từ học đường, dù ngưỡng cửa đại học còn đó, nhưng anh đã gia nhập vào quân đội bảo vệ miền Nam tự do. Trong phạm vi nghề nghiệp cẩn mật của tác giả khi phục vụ trong ngành tình báo và được thuyên chuyển vào Ðoàn Liên Lạc của chính phủ VNCH tại Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ. Địa chỉ email của tác giả khá dễ nhớ gồm 2 chi tiết: "người tù cuối cùng" và con số oái oăm oan khiên "17" tức thời hạn 17 năm bị bức bách lao tù dưới chế độ CS.

 Người tù cuối cùng 17 năm Phạm Gia Đại ghi nhận lại những ký ức khắc nghiệt sống dưới sự hà khắc của chế độ CS như bao tác phẩm đã tố cáo bọn CSBV ác ôn bán nước hại dân, như Trại Đầm Đùn, tác giả Trần Văn Thái; Hồi Ký Trại Cải Tạo của KALE (tên thật là Lê Anh Kiệt); Hồi Ký Trại Giam Cổng Trời, dữ liệu Kiều Duy Vĩnh; Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện; Đai Học Máu của Hà Thúc Sinh; Hồi Ký 26 Năm Lưu Đày của Thượng Tọa Thích Thiện Minh; Trại Ái Tử và Bình Điền của Dương Viết Điền;....

Tôi đọc Phần I - Khu Rừng Lá Buông, tác giả viết:
"với thời gian khi mới chuyển trại từ Nam ra Bắc sau khi mất miền Nam, và phải ở chung với bên hình sự với sự đối xử như muốn nhận chúng tôi xuống bùn đen. Ban ngày thì lao động và khẩu phần ăn thiếu thốn đã làm chúng tôi kiệt quệ về sức khoẻ, ban chiều về trại lại phải nghe những tiếng mắng chửi thậm tệ nào là "bán nước" nào là "Mỹ Ngụy",v.v., từ phiá các đội lao động hình sự mà tôi tin là có bàn tay khích động của các cán bộ của họ đằng sau lưng. Mục đích là làm cho chúng tôi thêm ê chề và là một hình thức trả thù cả về thể xác lẫn tinh thần đối với những người bại trận. 

Nhìn lại bốn năm trước, khi chuyển trại từ Ba Sao Nam Hà về Hàm Tân Z-30D, miền Nam, chúng tôi chín mươi người tù cuối cùng tại miền Bắc được tập trung với những anh em còn lại trong Nam thành tổng số khoảng một trăm năm mươi tư người và chia ra thành hai đội để đi lao động. Đội 23 gồm các tướng và các anh tuổi từ năm mươi lăm trở lên và được lao động nhẹ hơn, và phần còn lại dưới năm mươi lăm tuổi thì được "biên chế" về Đội 20 và lao động chỉ tiêu theo như bên hình sự. 

Được cái thuận lợi là khí hậu miền Nam dù ban ngày có nóng nực đi chăng nữa nhưng ban đêm thì rất dễ chịu chứ không nóng như nung người về đêm của mùa Hè hay giá lạnh căm căm của mùa Đông mưa phùn gió bấc của xứ Bắc nên sức khoẻ chúng tôi cũng dần dần khá lên. Gia đình cũng ở gần nên sự tiếp tế được thường xuyên hơn.

Nhưng sau mười ba năm lưu đầy từ Nam ra Bắc, không ngờ cuối cùng về Hàm Tân chúng tôi lại bị cưỡng bách lao động khổ sai trong khi tay trưởng trại công khai tuyên bố là các anh về đây để được ở gần gia đình và chờ ngày được thả về mà thôi. Một hôm, có bão rớt ở miền Trung và vùng khu rừng lá Buông này thì chỉ mưa lất phất nhưng gió mạnh, và tụi tôi được lệnh "vô thung" tức là theo các đội hình sự vào sâu trong thung lũng để trồng cây đào lộn hột bấy giờ là mục tiêu sản xuất chính của trại. Khi đi qua một khu rừng thưa, dù là vác trên vai cuốc xẻng mà chúng tôi vẫn cố lần từng bước một để bám chặt chân xuống đất vì gió thổi quét ngang rất nguy hiểm. Mãi mới di chuyển ra khỏi được vùng gió xoáy đó..."

Do vậy, cuốn hồi ký "Những Người Tù Cuối Cùng" nói lên tinh thần bất khuất, sức chịu đựng phi thường cùng sự kiện người tù giữ dũng khí trước cai tù và sự tương thân tương ái của những quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã bị giam giữ, lưu đầy trong các trại tù dưới tên hoa mỹ mà CS gọi là "Trại Tập Trung Cải Tạo". Cuốn hồi ký này cũng nêu lên những sự diệu kỳ và linh thiêng của Ơn Trên, của Trời Phật, của Mẹ Việt Nam đã che chở cho những người tù chính trị trong nhà tù oan khiên "Xã Hội Chủ Nghĩa". Đọc tiếp để tìm hiểu sách này, chúng ta sẽ thấy những âm mưu thâm độc tuyên truyền xuyên tạc của Cộng Sản nhắm vào chế độ VNCH để trả thù tàn bạo của Cộng Sản nhắm giết dần mòn những người tù chế độ cũ từng ngày một trong trại giam đã không thành công như ý họ muốn và thế cờ đã được lật ngược như thế nào.

Nhà văn Phạm Gia Đại cũng vừa cho ấn hành ấn bản Anh ngữ dành cho độc giả không đọc Việt ngữ được. Xin xem poster kèm chi tiết của buổi RMS. Dù quý vị muốn có phiên bản Anh ngữ hay Việt ngữ, xin liên lạc thẳng tác giả Phạm Gia Đại qua điện thoại: (714) 262-6128 hay email: dpham93@yahoo.com.
VHLA

Những Người Tù Cuối Cùng, Hồi ký Phạm Gia Đại:
http://gopnang.ning.com/page/nhung-ngoi-tu-cuoi-cung-1


Inline image 6

Nhớ Mẹ

Sáng Tác: Thiếu Tướng Lê Minh Đảo - Đỗ Trọng Huề.
Trình bày: Quốc Khanh, Đan Nguyên).

Những chiều buồn trên đất Bắc con hướng về Nam con nhớ mẹ nhiều
Mẹ ơi bao nhiêu năm tháng cứ trôi, cứ trôi cho bạc mái đầu
Không gian rưng rưng như sắp đứt
Gió về nghẹn ngào như tím ngắt
Còn đâu quê hương hoa gấm thơm làn tóc
Giã từ Miền Nam tang tóc, con sống trầm luân kiếp sống lưu đày
Hằng đêm con nghe thương tiếc xót xa đắng cay dâng ngạt tháng ngày
Trăng sao tin yêu ai dối trá
Đất trời hiền hòa ai đốt phá
Và đem thê lương che kín núi sông này

Mẹ ơi, mẹ biết không !
Còn cháy mãi trong con những lời mẹ cầm tay nói
Nắng sẽ về đẩy lùi bóng tối
Và yêu thương, và tự do sẽ còn mãi mãi, nhé con !

Giờ này hoàng hôn sắp tắt, con nghĩ gì đây, con nhớ mẹ nhiều
Mẹ ơi bao nhiêu năm tháng cứ trôi, cứ trôi phiêu dạt mái đầu
Quê hương điêu linh con vẫn khóc
Trông chờ ngày về con vẫn thắp
từng đôi sao đêm như ánh mắt mẹ hiền
Trời mây lung linh soi ánh mắt mẹ hiền
Hồn con lưng lưng con nhớ mắt mẹ hiền
Mẹ mến yêu con thương nhớ nhiều

Inline image 7Inline image 8Inline image 9
Tuyến thép Xuân Lộc (Long Khánh) với 12 ngày đêm ác chiến với quân CSBV 
(từ 8/4/1975 đến 20/4/1975 liên tục quần thảo tại trận địa.)
-------------------------------------------------------------------------------------

---------- Forwarded message ----------
From: Dai Pham<>
Date: 2016-05-08 9:11 GMT-07:00
Subject: RMS Đúng 1:30pm khai mạc May 15
To: VietHai Tran <>
Cc: Dat Pham <>, Lưu Anh Tuấn <>
​Hi anh Việt Hải,

RMS The Last Prisoners vào Chủ Nhật tuần sau May 15th, 2016, sẽ khai mạc chào Cờ Việt-Mỹ đúng 1:30pm tại City Westminster Recreation Center.

FYI and Thanks!
PGĐ

Inline image 1
Inline image 4Inline image 5

Đọc Thiên Hồi Ký về "Những Người Tù Cuối Cùng" nhằm nói lên tinh thần bất khuất, sức chịu đựng phi thường cùng lòng dũng cảm và sự tương thân tương ái của những quân dân cán chính VNCH đã bị giam giữ, lưu đầy trong các trại gọi là "Tập Trung Cải Tạo" của Cộng Sản sau khi miền Nam sụp đổ vào ngày 30-4-1975.

Thiên Hồi Ký cũng để nêu lên những sự diệu kỳ và linh thiêng của Ơn Trên, của Trời Phật của Mẹ Việt Nam đã che chở cho những người tù....trong nhà tù CS.

Đọc xong thiên Hồi Ký này, chúng ta sẽ thấy những sự tuyên truyền xuyên tạc của Cộng sản nhắm vào chế độ VNCH đã từ từ tan rã như bọt nước; và những sự trả thù tàn bạo của Cộng Sản dành cho những người tù chế độ cũ đã không thành công như ý chúng muốn và thế cờ đã được lật ngược như thế nào.

Lời Tác Giả: Để kỷ niệm 35 năm ngày 30-4-1975 mất miền Nam vào tay Cộng Sản, hồi ký "Những Người Tù Cuối Cùng" sẽ được khởi đăng Phần I ngày hôm nay trên những diễn đàn thân hữu và gửi đến gia đình và bạn bè xa gần. 
- PHẠM GIA ĐẠI

Trời đã sẫm lại từ lúc nào, bóng tối đã bao phủ cả khu vực trại giam Z-30D Hàm Tân,Thuận Hải, tất cả đều yên tĩnh và chỉ còn nghe vẳng từ thật xa tiếng gió xào xạc qua những khu rừng lá.
Bên phía các buồng giam tù hình sự im ắng lạ thường bởi vì hầu hết đều kéo lên hội trường để xem phim bộ và những ngọn đèn vàng không đủ chiếu sáng cái sân trại quá rộng.
Tôi ngồi trên chiếc ghế đá trước cửa buồng và nhìn lên bầu trời xanh thẳm không một gợn mây với những ngôi sao lung linh như muốn đem thêm chút ánh sáng xuống cho một vùng trái đất đang đi vào bóng đêm.
Chợt một ngôi sao đang đổi ngôi. Tôi nhớ có ai đó nói với tôi rằng nếu mình ước nguyện điều gì khi có một vì sao đang đổi ngôi thì sẽ được toại nguyện, nên vừa nhìn ngôi sao đó tôi vừa cầu nguyện cho tất cả các tù nhân chính trị chế độ cũ đang bị giam giữ ngay chính trên quê hương họ sẽ sớm được trả tự do.
Sau bữa cơm chiều, tôi đã ngồi đó một mình trên ghế đá.
Trong buồng, các bạn tôi đang đọc sách báo, nằm nghỉ trên giường, hay đang ngồi uống trà hàn huyên để chuẩn bị đi ngủ.
Phía bên phải căn buồng là một căn phòng được xây cao hơn với bực tam cấp và dành cho bốn ông Tướng còn lại là Lê Minh Đảo, Trần Bá Di, Lê Văn Thân và Đỗ Kế Giai.
Mỗi ông tướng đều có một nét riêng mà anh em chúng tôi đều kính mến như những người anh cả trong gia đình.
Anh Đảo thì văn nghệ, và là người hùng của trận Xuân Lộc nơi mà sư đoàn 18 bộ binh của ông dù súng đạn đã cạn nhưng tinh thần vẫn bất khuất và vẫn anh dũng chặn đứng và cầm chân bốn sư đoàn Bắc Việt trong tỉnh Long Khánh hơn hai tuần lễ và chúng đã không thể tiến thêm được một bước nào về Sàigòn như kế hoạch đã chỉ thị. Anh Di thì luôn tươi cười khi nói chuyện với anh em. Anh Thân thì hoà nhã, và anh Giai thì luôn thâm trầm nhưng lại rất cởi mở và rôm rả khi chúng tôi ghé lên mấy bậc tam cấp thăm các anh.

Tôi nghe thấy tiếng sáo du dương của ông Thân hòa với tiếng đàn ghi ta của ông Đảo vẳng xuống trong một bản nhạc mà ông Đảo đã sáng tác riêng để tặng cho Mẹ. Chợt tôi thấy lòng mình như lâng lâng theo tiếng đàn và tiếng sáo và một nỗi buồn man mác từ đâu đưa tới vì mới đó mà đã bốn năm rồi kể từ khi chuyển trại vào miền Nam và chúng tôi vẫn còn ở lại nơi đây.

Quả là thời gian thật vô tình và lạnh lùng như giòng suối ngày đêm róc rách không ngừng chảy qua khu rừng lá Buông này vậy.
Bây giờ là tháng Tư năm một chín chín hai và chúng tôi vỏn vẹn chỉ còn đúng hai mươi người trong đó có bốn tướng và mười sáu anh em từ cấp đại tá, trung tá, thiếu tá, trung úy, một anh hồi chánh viên, một thiếu úy trinh sát tỉnh (PRU), hai anh trong Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo (PĐUTƯTB) và một anh về từ tầu Việt Nam Thương Tín (VNTT).

Mỗi người đúng là một vẻ khác nhau nhưng thẩy đều có một điểm chung là đang đi trên quãng đường gian nan cuối cùng của một cuộc hành trình tưởng rằng sẽ không bao giờ tới đích.
Đây là những người tù cuối cùng đã bị bắt hay "tập trung cải tạo" từ sau khi mất miền Nam, những người đã cùng tôi đi suốt chặng đường dài lịch sử của mười bẩy năm "tập trung cải tạo" ròng rã. Một quãng thời gian mà không một ai dù là có một trí tưởng tượng phong phú đến cách mấy có thể hình dung được chiều dài của nó với bao nhiêu là biến động thăng trầm và sóng gió của một đời người trong trại giam Cộng Sản, nhất là ở một đất nước nghèo đói và lạc hậu nhất thế giới như tại Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ngoài các vị tướng lãnh và đại tá, trung tá An Ninh Quân Đội (ANQĐ) hay các thiếu tá Cảnh Sát Đặc Biệt (CSĐB) là những người mang "nợ máu với nhân dân" như Cộng Sản vẫn tuyên truyền thì anh Hoà chỉ là thiếu úy trinh sát tỉnh (PRU) và anh Miên một hồi chánh viên hay anh Bửu Uy, một nhân viên PĐUTƯTB mà không hiểu vì sao cũng mang một lý lịch thật "nặng ký" mà Bộ Nội Vụ họ không muốn thả.
Cũng như anh Hiểu, người về từ tầu VNTT, chỉ vì nhớ vợ nhớ con mà đã nhất định bỏ bến bờ Tự Do mà mình vừa đặt chân tới để bước lên con tầu định mệnh mà trở về.
Nhưng than ôi khi tầu vừa vào hải phận Nha Trang thì các người trên tầu đều bị điệu ngay vào bờ và nhốt ngay vào trại giam không cần xét hỏi gì trước. Anh Hiểu thì bị kiên giam ngay trong điều kiện vô cùng ngặt nghèo bởi vì lý lịch anh là làm việc cho toà lãnh sự Mỹ tại Vùng II trước đó, cho nên họ nghi anh và các người trên tầu đều là gián điệp của Mỹ gửi về để đánh phá "Cách Mạng"?

Anh không những không về được căn nhà cũ để thăm vợ con để được nhìn mặt những người thân yêu một lần nữa mà cũng không ra khỏi khu biệt giam để rồi bất ngờ bị ném vào một cuộc hành trình kéo dài tới mười bẩy năm "tập trung cải tạo" tưởng như dài vô tận đầy những gian nan và uất hận.

Tổng kết một cách sơ lược thì thấy số tù nhân còn lại đều thuộc về những ngành dính dáng đến an ninh và tình báo như ANQĐ, CSĐB, và PĐUTƯTB, họ được xem như những nhân vật "nặng ký" nên được "chiếu cố" một cách kỹ lưỡng suốt mười bẩy năm, qua bao nhiêu là trại giam từ Nam ra Bắc và lại từ Bắc xuôi về Nam.
Nhưng nhìn những nét mặt bình thản có vẻ vô tư của họ và những nụ cười mà họ trao đổi với nhau, ít ai hiểu được bao nhiêu là gian truân hiểm nguy, nhọc nhằn, và tủi nhục mà họ đã phải đi qua trong suốt chiều dài của mười bẩy năm tù đầy và lao động khổ sai triền miên trên chính đất nước và quê hương của họ dưới mũi súng của quân thù nay là kẻ chiến thắng. Nhiều lúc nhìn lại chính tôi cũng không hiểu tại sao mà mình còn sống sót đến giờ phút này.
Phải chăng ông Trời phú cho con người một sức chịu đựng phi thường, một tiềm năng vô tận để đáp ứng lại mọi tình huống khó khăn nhất, căng thẳng nhất cả về tinh thần lẫn vật chất?

Phải chăng những lời cầu nguyện của chúng tôi hằng đêm đã động đến lòng thương xót của Trời Phật và Ơn Trên đã cứu giúp?
Có những tai nạn xẩy ra hầu như hàng ngày mà chúng tôi vẫn thoát khỏi trong đường tơ kẽ tóc bao nhiêu năm qua có phải đã có bàn tay mầu nhiệm nào che chở?
Tôi chợt nhớ tới một đoạn trong thông điệp gửi nhân dân Mỹ vào dịp Giáng Sinh vào khoảng năm một chín tám ba, Tổng Thống Ronald Reagan "đã đề cập đến tình hình thế giới, chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga Sô, và cuối bản thông điệp Tổng Thống có gửi lời thăm hỏi đến gia đình và những tù nhân chính trị tại Việt Nam; những con người trước kia đã hằng ngày đối mặt với quân thù ngoài chiến trường, và nay trong trại giam vẫn hằng ngày đối diện với kẻ thù, đang phải chịu những sự trả thù một cách tàn bạo và hy sinh trong lặng lẽ âm thầm, và Tổng Thống nhắn nhủ rằng ông và chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ quên họ - những vị anh hùng".
Sau đợt thả Tết năm Nhâm Thân đầu năm một chín chín hai thì tổng số những người tù cuối cùng của Ba Sao chuyển vào Hàm Tân bốn năm trước từ một trăm năm mươi tư người bây giờ chỉ còn lại đúng hai mươi người. Hai mươi người này được tập trung hết vào đội 23 để tiếp tục lao động mỗi ngày, nhưng tình hình đã hoàn toàn đổi khác thuận lơị một cách bất ngờ. Chúng tôi chỉ đi ra hiện trường lao động cho có lệ chứ không còn phải lao động theo chỉ tiêu như trước.
Quân số đội 23 là hai mươi người, nhưng đúng ra phải kể cả con chó Pepsi rất là dễ thương của Hoàng Hiểu -người về từ VNTT- nữa là hai mươi mốt.
Con Pepsi này anh Hiểu đã xin khi nó mới sanh ra và nuôi nó lớn lên thành con vật được cưng chiều nhất của đội, được mọi người yêu thích và mỗi khi đội xuất trại lao động là nó chạy theo.

Anh đặt tên cho nó là Pepsi không biết có phải để nhớ lại vùng đất Tự Do mà anh vừa đặt chân đến nhưng đã chối bỏ nó rồi bước lên tầu VNTT để tìm về với vợ con và sa chân vào gông cùm xiềng xích?

Khi anh Hiểu vào rừng đi đốn củi cho đội thì con Pepsi cũng chạy theo, hay lẽo đẽo theo tôi ra chỗ lao động nằm trong bóng mát nhìn các ông chủ của nó cuốc đất hay trồng cây, hoặc theo anh Thắng, đầu bếp của đội nằm trong lán để chờ đến chiều trước khi về trại là được anh Hiểu, tôi hay anh Thắng tắm cho nó bên cạnh giòng suối. Những lúc nó được tôi sát sà bông và tắm rửa sạch sẽ xong thì thường nhìn tôi với cặp mắt biết ơn rồi lon ton theo đội vào trại.

Có lần nó chạy vào rừng sâu rỡn chơi cái gì không biết, khi về thì ôi thôi hôi hám chịu không nổi và tôi đã phải nhấn đầu nó xuống giòng suối một lúc rồi mới dám sát sà bông và cọ rửa cho nó. Bực quá, tôi phát cho nó mấy cái thật mạnh vào mông vậy mà nó biết lỗi và im lặng chịu đòn đuôi cúp xuống va không dám phản ứng gì.
Có những lần tôi được gọi ra khu thăm nuôi và trong khi đang ngồi nói chuyện với gia đình, tôi nghe thấy tiếng cào cào vào cánh cửa và cái đầu của con Pepsi ngó vào trong để cho tôi thấy là nó cũng có mặt như là một thành viên trong gia đình vậy, thật là dễ thương hết sức. Nó chờ cho đến khi tôi bước ra vuốt đầu nó khen ngoan thì mới vẫy đuôi chạy mất về đội.

Nhiều lúc tôi cũng không giải thích được, y như là nó nghe được tiếng người vậy nên khi thấy tôi chuẩn bị vô trại thì sau đó nó chạy theo và ra tận khu thăm nuôi để tìm tôi cho bằng được.

Trong thời gian tại trại Hàm Tân, một điều đặc biệt là buồng giam chúng tôi không có khoá cửa ban đêm, trong khi cứ sáu giờ chiều là khu bên trại hình sự cửa ngõ đều khoá trái. Chỉ có điều là đúng chín giờ tối thì có một cán binh bảo vệ đi tuần ngang qua và nhắc chúng tôi vào trong buồng không ở ngoài sân nữa và khép hờ cửa lại mà thôi. Điều này làm tôi nhớ lại khi mới bị tập trung vào "cải tạo" tại trại cô nhi Long Thành thì chung quanh chỉ có một hàng rào dựng lên với những tấm liếp bằng tôn đơn sơ mà thôi và các căn phòng thì không có cả cửa sổ và cửa ra vào nữa, không khóa cửa y như bây giờ, một chu kỳ đã khép kín lại chăng?

Một đặc biệt nữa của trại Hàm Tân này mà thiếu tá Nhu trưởng trại dành cho chúng tôi là tù nhân chính trị được mời đi xem các phim bộ mỗi đêm trên hội trường miễn phí trong khi hình sự nam và nữ phải mua vé. Đây cũng là một hình thức kinh doanh rất thành công của thiếu tá Nhu vì trong tù có gì mà giải trí đâu cho nên tối đến là hội trường đông nghẹt tù nam và tù nữ trong những bộ quần áo thời trang và cũng là dịp cho họ hò hẹn gập gỡ nhau.

Một nhóm chúng tôi thường hay đi cùng với nhau những buổi tối để xem những phim bộ nổi tiếng lúc bấy giờ như "Võ Tắc Thiên", "Thái Bình Công Chúa",v.v., và mỗi khi đến cổng hội trường thì các anh chị trật tự đều chào hỏi chúng tôi một cách trân trọng, và đứng qua một bên nhường đường cho chúng tôi vào và hai hàng ghế trên cùng là ưu tiên để trống dành cho các bác, các chú, các anh tù chính trị.
Nơi ăn ở của chúng tôi vì số lượng còn lại quá ít nên được dành cho hai buồng nhỏ nhưng sạch sẽ trong một góc trại, và có giường đơn riêng cho mỗi người chứ không còn phải nằm xếp lớp như cá mòi trước kia trên những phản gỗ hay xi măng; còn toàn khu trại rộng mênh mông là dành cho tù hình sự nam và nữ.

Trong thời gian này, chúng tôi có phần may mắn vì dù là ít người nhưng phía bên hình sự từ trật tự viên đến tù nhân nam nữ thẩy đều tỏ ra có thiện cảm với chúng tôi nên những năm tháng cuối cùng ở đây cũng dễ chịu và không có gì nguy hiểm. Một phần cũng do khi họ có cần gì thì anh em chúng tôi đều bảo nhau giúp đỡ cho họ về thuốc men hay thực phẩm khô khi gia đình họ chưa tới thăm kịp thời. Đây cũng là phẩm chất của người Quốc Gia trong con người tù nhân chính trị, cho nên khi đi đến đâu cũng đối xử với lòng hảo tâm và nhờ đó mà chiếm được nhân tâm mọi người, làm dịu đi sự căm thù của tuyên truyền chống lại họ hay chuyển thù thành bạn.
Thật là hoàn toàn trái ngược với thời gian khi mới chuyển trại từ Nam ra Bắc sau khi mất miền Nam, và phải ở chung với bên hình sự với sự đối xử như muốn nhận chúng tôi xuống bùn đen.

Ban ngày thì lao động và khẩu phần ăn thiếu thốn đã làm chúng tôi kiệt quệ về sức khoẻ, ban chiều về trại lại phải nghe những tiếng mắng chửi thậm tệ nào là "bán nước" nào là "Mỹ Ngụy",v.v., từ phiá các đội lao động hình sự mà tôi tin là có bàn tay khích động của các cán bộ của họ đằng sau lưng. Mục đích là làm cho chúng tôi thêm ê chề và là một hình thức trả thù cả về thể xác lẫn tinh thần đối với những người bại trận.

Nhìn lại bốn năm trước, khi chuyển trại từ Ba Sao Nam Hà về Hàm Tân Z-30D, miền Nam, chúng tôi chín mươi người tù cuối cùng tại miền Bắc được tập trung với những anh em còn lại trong Nam thành tổng số khoảng một trăm năm mươi tư người và chia ra thành hai đội để đi lao động.

Đội 23 gồm các tướng và các anh tuổi từ năm mươi lăm trở lên và được lao động nhẹ hơn, và phần còn lại dưới năm mươi lăm tuổi thì được "biên chế" về Đội 20 và lao động chỉ tiêu theo như bên hình sự. Được cái thuận lợi là khí hậu miền Nam dù ban ngày có nóng nực đi chăng nữa nhưng ban đêm thì rất dễ chịu chứ không nóng như nung người về đêm của mùa Hè hay giá lạnh căm căm của mùa Đông mưa phùn gió bấc của xứ Bắc nên sức khoẻ chúng tôi cũng dần dần khá lên. Gia đình cũng ở gần nên sự tiếp tế được thường xuyên hơn.

Nhưng sau mười ba năm lưu đầy từ Nam ra Bắc, không ngờ cuối cùng về Hàm Tân chúng tôi lại bị cưỡng bách lao động khổ sai trong khi tay trưởng trại công khai tuyên bố là các anh về đây để được ở gần gia đình và chờ ngày được thả về mà thôi.
Một hôm, có bão rớt ở miền Trung và vùng khu rừng lá Buông này thì chỉ mưa lất phất nhưng gió mạnh, và tụi tôi được lệnh "vô thung" tức là theo các đội hình sự vào sâu trong thung lũng để trồng cây đào lộn hột bấy giờ là mục tiêu sản xuất chính của trại.
Khi đi qua một khu rừng thưa, dù là vác trên vai cuốc xẻng mà chúng tôi vẫn cố lần từng bước một để bám chặt chân xuống đất vì gió thổi quét ngang rất nguy hiểm. Mãi mới di chuyển ra khỏi được vùng gió xoáy đó.
Không ai bảo ai chúng tôi đều quẳng các đồ nghề xuống bên đường và ngồi nghỉ, người vấn điếu thuốc, người nhấp ngụm nước trước cặp mắt ngạc nhiên của tay quản giáo và bảo vệ trong khi các đội hình sự khác vẫn từ từ qua mặt. Tay quản giáo kêu anh đội trưởng cho đội tiếp tục lên đường để vào khu sản xuất, anh đội trưởng nói là anh em đều đã mệt và phải nghỉ một chút rồi mới đi được. Thường thì bao giờ quản giáo ra lệnh thì đội mới được nghỉ ngơi, bây giờ tự dưng tất cả đội nghỉ ngang xương làm cho tay quản giáo vừa tức giận vừa ngạc nhiên. Y sợ trách nhiệm nên hối thúc mọi người đứng dậy.
Có lẽ tức nước vỡ bờ vì tuổi đời đều đã cao, sức khoẻ không còn mà vẫn bị cưỡng bách lao động theo các đội hình sự trẻ tuổi nên anh em mỗi người một câu để chống đối lại sự cưỡng bức lao động phi lý đó nên như ngọn sóng càng lúc càng lên cao dần và bùng nổ ra thành một cuộc biểu tình ngồi lần đầu tiên xẩy ra của đội 20 trước con mắt tròn xoe của tay quản giáo và đám cán bộ của các đội khác đang xúm lại chỉ chỏ.
-"Các ông phải biết rằng con vật mà dồn nó vào chân tường thì nó cũng phản ứng chứ đừng nói gì con người" .
-"Ông vào trong trại thông báo cho Ban biết rằng chúng tôi không thể lao động như thế này được nữa và tùy Ban quyết định."
Tay quản giáo đành phải bảo chúng tôi vào một căn nhà hoang bên đường để tạm nghỉ trong khi hắn đạp xe đạp vào trại để xin chỉ thị.
Đến nước này rồi thì không thể lui lại được nữa và anh em chúng tôi nhìn nhau và sẽ chấp nhận bất cứ hình phạt nào chứ nhất quyết không lao động ngày hôm đó.
Một giờ đồng hồ trôi qua không thấy gì, rồi một giờ nữa thì có tay thượng úy, phó trại và hai cán bộ đến nói chuyện. Sau khi nghe các anh em trong đội phân tích và phản đối cách lao động không hợp lý dành cho đội 20 thì tay thượng úy có lẽ đã được chỉ thị trước, đồng ý cho đội rút về trại.

Kể từ ngày hôm đó thì đội 20 sẽ chỉ lao động chung quanh trại mà thôi và không phải theo chỉ tiêu như bên hình sự nữa. Anh em chúng tôi thở ra nhẹ nhõm với chiến thắng bất ngờ đó và lục tục kéo về trại trước những cặp mắt ngạc nhiên của các tay cán bộ và cán binh bảo vệ vì nếu như bên hình sự mà chống đối như vậy thì cùm ít nhất hai tuần lễ, biệt giam và cắt thăm nuôi.
Trong bốn năm chúng tôi ở trại Hàm Tân, quy chế về thăm nuôi cũng được nới lỏng nên gia đình đến thăm có thể truyện trò thoải mái chứ không bị khó chịu vì sự hiện diện của tay cán bộ phụ trách như những năm mới được gia đình đến thăm tại các trại ở miền Bắc.
Tay trại trưởng thiếu tá Nhu cũng tỏ ra rất nể trọng các cấp chỉ huy của tù chính trị và thỉnh thoảng buổi tối lại mời mấy ông tướng tù chính trị ra nhà riêng để uống trà và thăm hỏi.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, vậy mà chúng tôi đã trải qua bốn năm rồi ở trại Hàm Tân, ngồi trên chiếc ghế đá hơi sương đêm bắt đầu thấm lạnh. Tôi đứng dậy bước vào buồng để lại một đêm nữa sắp qua đi. Cái lạnh làm cho tôi nhớ lại một đêm về sáng, một đêm mà suốt cuộc đời tôi không sao quên được.

Phần II: Cánh Cửa Địa Ngục
Chúng tôi ngồi đó trên dốc đồi thoai thoải nhìn xuống hướng xa lộ chạy về Sàigòn phía bên ngoài của một lớp hàng rào đan vào nhau bằng những tấm tôn mỏng chạy vòng chung quanh khu làng cô nhi Long Thành nay đã được biến thành trại tạm giam cho các tù "cải tạo" thuộc chế độ cũ .
Trời đã mát và bóng nắng đang lùi xa dần về hướng xa lộ, hơn ngàn anh em chúng tôi - những người đang bị tập trung tại cái cô nhi viện hoang vắng này đã một năm rồi - thường vẫn hay đi tản bộ quanh khu nhà hay ngồi bên dốc đồi mà mắt hướng về phía Sàigòn sau bữa cơm chiều. Có lẽ trong mỗi người, tuy không nói ra nhưng ai cũng tự hỏi bây giờ những người thân yêu của họ đang làm gì và có nhớ đến họ như họ đang thương nhớ đây không? Và cuộc sống của những người thân thương ấy bây giờ ra sao sau một năm dài không tin tức?

Tôi nhớ lại một năm trước, hôm xách ba lô và nhờ cậu em họ chở đến nơi tập trung là trường Chu Văn An trước đôi mắt mở to ngạc nhiên của hai đứa con lúc đó mới bốn và năm tuổi và chúng hỏi tôi rằng Bố đi đâu vậy và bao giờ thì Bố về? Tôi cố ngăn niềm xúc động đang dâng lên trong lòng và bảo cậu em họ nổ máy xe ra đi mà không dám ngoảnh nhìn lại và cũng không ngờ rằng tôi sẽ chẳng bao giờ còn trở về mái nhà đó nữa.
Ngày ra đi ấy theo như lời tuyên truyền của Uỷ Ban Quân Quản thành phố thì sẽ kéo dài một tháng, nhưng không ngờ thời gian đó đã thành như thiên thu bất tận nhằm nghiền nát cuộc đời của hàng trăm ngàn thanh niên miền Nam trong những trại giam mà được khoác cho chiếc áo lừa bịp cả trong nước và thế giới là "khoan hồng nhân đạo" và "tập trung cải tạo".

Khi bước chân vào ngôi trường Chu Văn An năm xưa, lòng tôi không khỏi bồi hồi nhìn lại ngôi trường thân yêu mà đúng mười năm trước tôi đã thi đậu Tú Tài II để rồi trôi vào giòng đời. Mười năm rồi, thời gian đủ để cho vật đổi sao dời nhưng sao ngôi trường vẫn những hình nét ấy không đổi thay.

Một người dáng thư sinh vừa đi ngang qua chỗ tôi ngồi ngoài hành lang, đúng là ông thầy trẻ tuổi dậy Anh văn chúng tôi năm Đệ Tam. Vẫn cái dáng thư sinh và gọng kính trắng ấy, nhưng hình như thầy gầy ốm đi nhiều và tâm trí thì để nơi đâu nên cứ lầm lũi bước đi qua đám người trong đó có tôi, đang nằm ngồi ngổn ngang bên trong và ngoài các lớp học, những con người với một tương lai vô định.

Sau khi chiếm được miền Nam, với cái chiến thắng quá nhanh và hầu như bất chiến tự nhiên thành đó, Cộng quân quá ngỡ ngàng nên có nhiều thành phố bỏ ngỏ cả tuần lễ sau Cộng quân mới dám lò dò đến để "tiếp thu" vì vẫn còn e ngại là người Mỹ chưa thực tâm bỏ rơi miền Nam hay dụ họ vào thành phố bỏ hoang để tiêu diệt như một số cán binh họ nói lại sau này.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


--

.

__._,_.___

Posted by: VietHai Tran

Chuyện Mới Lạ Mùa Bầu Cử 2016: Mỹ và Việt

$
0
0
 
Chuyện Mới Lạ Mùa Bầu Cử 2016: Mỹ và Việt
Trong tiến trình bầu cử của dòng chính tại San Jose có rất nhiều điều lý thú trong tiến trình lớn mạnh về dân chủ mà ít ai để ý đến.

Tôi xin trình bày một vài điều mà tôi nhận thấy qua 40 năm cư trú tại San Jose và theo dõi rất kỹ những sinh hoạt bầu cử dân chủ này. Đây là một tiến trình văn minh rất ư là quan trọng của xã hội Tây Phương.

Qua cuộc bầu cử đang diễn ra tại Mỹ mà cư dân Việt tại San Jose đang chuẩn bị để bỏ phiếu vào tháng 6 và tháng 11 năm nay để chọn người làm đầy tớ dân là Tổng Thống Hoa Kỳ.

Chúng ta đã thấy một Ứng Cử Viên (UCV) lạ nhất trên đời chưa từng có trong lịch sử Mỹ và Âu Châu đó là ông Donal Trump, một tỉ phú bạo mồm, bạo phổi đã làm rung chuyển và lo sợ cả Châu Âu, Trung Cộng và Mễ Tây Cơ qua những lời phát biểu nổ còn hơn bom nguyên tử của Bắc Hàn mới thử nghiệm thành công.

Ông Trump còn làm cho cái đảng Cộng Hòa của ông phát điên lên và chạy theo ông để đối phó. Chuyện chưa từng có một UCV nào dám qua mặt đảng như Ô. Trump đã làm. Tuy đảng Cộng Hòa rất sợ ông thắng mà đảng lại không thể nào ngăn chặn được bước tiến của Ô. Trump. Ai cản đường là bị Ô. Trump chửi thẳng vào mặt như tạt nước làm cho ai nấy đều lo lắng, hoảng sợ.
Dù bị cả Âu Châu, Do Thái, giới tư Bản Mỹ và giới tài tử Mỹ, cả đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa Mỹ chỉ trích, tấn công nhưng một mình Ô. Trump vẫn được lòng dân Mỹ và thắng lớn trên hầu hết các cuộc tranh cử sơ bộ tại các tiểu bang Hoa Kỳ. Tại sao lạ vậy?

Theo nhiều giáo sư về chính trị cho biết có lẽ Ô. Trump có cái phong độ của hai cố Tổng Thống (TT) nổi tiếng của Hoa Kỳ là TT. Franklin D. Roosevelt và TT. Ronald Reagan. Một người đánh tan tành đế quốc Nhật và Đức trong trận Đệ Nhị Thế Chiến và một người đánh tan tành Đế Quốc Liên Sô trong chiến tranh lạnh với câu ra lệnh bất hủ mà dân Đông Đức phải làm ngay: “Tear it down”. Cái lệnh truyền đó làm sập bức tường Bá Linh và Liên Xô chỉ trong vòng vài tháng. Cả hai vị TT này đều có khả năng xây dựng và phục hồi kinh tế Mỹ thoát khỏi những cuộc suy thoái trầm trọng của kinh tế Mỹ.

Với tinh thần biết lắng nghe, chịu thay đổi và tuyển chọn cái mới-mẻ (American Idol) của người Mỹ mà những nhân tài như Ô. Bill Gates, Steve Jobs, Donald Trump ... mới có cơ hội trổ tài để đưa nước Mỹ đến chỗ huy hoàng và lãnh đạo cả thế giới như ngày nay.

Đối với cộng đồng Việt Nam chúng ta cũng nên học hỏi và bước theo những cái hay của người Mỹ để chọn nhân tài phục vụ cộng đồng thì người Việt mình mới có cơ hội vươn lên. Vì tôi là cư dân San Jose nên trong cuộc bầu cử chức vụ State Assembly của khu vực 27 có liên quan đến 3 UCV Việt Nam nên tôi xin đưa ra một vài nhận xét để cho cử tri Việt Nam có ý tưởng về cuộc bầu cử này.

1.-UCV Madison Nguyễn, có khuôn mặt nhọn, hình quả trám, cánh mũi phình to, gò má cao, môi thâm là nhân dáng của người suy nghĩ nông cạn, tham lam, tàn nhẫn, khinh người, nịnh trên nạt dưới nên không có hậu. Do dó những ai giúp bà ta và có cơ hội gần gũi với bà ta trong công việc thì sẽ bỏ và chống lại bà ta. Kết quả hiển nhiên cho thấy là Công Đoàn Lao Động, Sở Cảnh Sát San Jose, Giám Sát Viên Cindy Chavez, gia đình triệu phú Sơn Nguyễn rất thù bà Madison Nguyễn vì họ đã giúp bà ta tận lực nhưng bà phản lại họ ngay lập tức chỉ vì quyền lợi riêng tư. 

Chính vì số mạng này nên bà Madison Nguyễn đã từng được cộng đồng Việt nâng đỡ giúp thắng cử làm Ủy Viên Học Khu Franklin McKinley, Nghị viên TP. San Jose khu vực 7 (9 năm), Phó Thị Trưởng San Jose (3 năm) và bà được Thị Trưởng Chuck Reed chọn làm phụ tá ăn ý nhất của ông ta nhưng đi đâu bà cũng bị đa số cử tri ghét bỏ. 

Bà Madison Nguyễn nắm rất nhiều quyền hành với ngân sách khổng lồ của San Jose và thế lực của Thị Trưởng Chuck Reed, tiền của county Santa Clara, State of Califronia nhiều như thế mà bà ta đã để cho công trình Vườn Văn Hóa Việt và Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Việt Nam đi đến sụp đổ. Khi bà Madison Nguyễn đến thì cộng đồng ủng hộ mạnh mẽ vì tuổi trẻ nhưng khi bà ra đi thì bà đã để lại hai đống rác lớn đó là thất thoát công quỹ hàng triệu đô la là Vườn Văn Hóa Việt và TT Sinh Hoạt Cộng Đồng Việt Nam. Bà cũng còn để lại một thất bại khổng lồ khác là vụ Little San Jose với hàng trăm cuộc biểu tình Thứ Ba Đen và tuyệt thực ngày đêm của cộng đồng Việt Nam (đọc Hồi Chuông Báo Tử). 

Kết quả là bà Madison Nguyễn thất cử đau đớn khi ra tranh cử chức vụ Thị Trưởng San Jose sau đó. Bà Madison Nguyễn chán nản không dám tranh cử chức vụ County Supervisor khu vực 2 với bà Cindy Chavez. Dù trước đây bà Madison được bà Cindy Chavez, gia đình triệu phú địa ốc Nguyễn Sơn giúp đỡ tận lực coi như con nuôi nhưng sau đó bà Madison lại ủng hộ kẻ đối đầu với bà Cindy. Dù ra tranh cử ở đâu bà Madison Nguyễn cũng bị những người này và cộng đồng Việt Nam chống lại mãnh liệt.

Nhiều người cho rằng với khả năng và được Thị Trưởng Chuck Reed cưng chiều như vậy mà bà Madison Nguyễn còn không làm được gì thì UCV Madison Nguyễn sẽ làm được gì cho cộng đồng ở sân khấu Quốc Hội? Người ta tin rằng bà Madison sẽ về thứ ba trong kỳ bầu cử này vì cộng đồng Việt không ủng hộ bà ta. Cộng đồng Mỹ da mầu, Mễ, Á Châu và Mỹ da Trắng thêm cảnh sát và Công Đoàn Lao Động chống đối và đa số họ không muốn chọc giận cộng đồng Việt Nam. Vả lại có cộng đồng nào không biết câu: “Phù thắng hơn phù suy”, vừa tốn tiền vừa mang tai tiếng. 

Mỗi khi ra tranh cử bà Madison Nguyễn không có kể công bất cứ chuyện gì mà bà đã làm cho cộng đồng Việt-Mễ và Mỹ. Vì có tính lợi dụng rối chà đạp khi xong chuyện nên bà Madison Nguyễn còn bị các giới luật sư trẻ thành công người Việt khinh ghét không cho tới gần các sinh hoạt của họ.  408-512-9497 ha khanh phuong
Phuong nguyen 408  270-3964

2.-UCV Vân Lê, bà Vân Lê thì không ồn ào như bà Madison Nguyễn mà bà còn có hơn 10 ngàn lá phiếu tín nhiệm của các kỳ bầu cử học khu Eastside nhưng bà Vân Lê lại không có số “Tham Linh Tịnh Thủ, tướng tướng chi tài”. Bà Vân Lê có khuôn mặt vuông và bèn bẹt, giọng nói trầm- yếu, không thao tao; đầu chân mày thì gần mí mắt quá trong khi cuối chân mày thì xa mí mắt do đó khi bà làm việc với ai ban đầu thì thân thiết nhưng vì tướng số nên dần dần xích mích và xa nhau không duy trì được sự thân thiện lâu dài nên bà rất ít bạn tri âm, tri kỷ và vì vậy nên con đường làm quan của bà không có. Do đó trong cuộc tranh cử Nghị viên khu vực 8 bà đứng cuối danh sách 3 UCV Việt là Ô. Minh Dương và Ô. Nguyễn Hoàng Lân. Tôi còn nhớ kỹ sư Nguyễn Tấn Thọ nói trước đây là bà làm Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ cho Chủ Tịch Cộng Đồng là Ô. Nguyễn Ngọc Tiên nhưng khi bà Vân ra tranh cử Nghị viên khu vực 7 mà Ô. Tiên lại endorse Ô. Johnny Lee và nhất định không endorse (vận động cho) bà Vân. Năm nay Ô. Chủ tịch Little Saigon Foundation là bạn rất thân với bà cũng tiến cử (endorse) UCV Đỗ Thành Công để đối đầu với bà. Đó là điều mà ai cũng tin là bà Vân không có số làm quan. Bạn thân không có thì làm sao bà Vân Lê có sức làm việc trong Quốc Hội? Người Việt, bạn thân của bà Vân Lê, họ biết và không ủng hộ bà thì làm sao người xa lạ ủng hộ đây? Chính vì thế mà 2 UCV Ted Cruz và John Kasich phải đau đớn bỏ cuộc đua làm TT Mỹ.

3.-UCV Đỗ Thành Công là một UCV hoàn toàn chưa từng ra ứng cử dòng chính nhưng Ông có uy tín trong chính giới Hoa Kỳ. Ô. Công là một kỹ sư Mỹ có công ty riêng, mặc dầu bận rộn lo cho con nhỏ, lo cho cộng đồng, lo cho nước Việt, đi dạy học, lo đủ thứ nhưng ông vẫn theo đuổi các sinh hoạt văn nghệ đấu tranh cho Việt Nam tự do, lập đảng phái rồi về Việt Nam chống cộng. 

Uy tín của Ô. Công đã làm cho giới chính trị gia Hoa Kỳ nhẩy vào can thiệp buộc việt cộng thả ông ra. Khi trở về Mỹ thì Quốc Hội và Tổng Thống Mỹ yêu cầu ông hội kiến và điều trần về vấn nạn áp bức ở Việt Nam. Ô. Công có khuôn mặt vuông, chân mày, râu, tóc rất đen và rậm là dấu hiệu của sự sung sức, thành công. Miệng, mũi, mắt rất cân đối kích thích và tạo cảm tình tốt cho người đối diện. Cặp mắt sâu để lộ người có tính suy nghỉ rất nhiều, cương quyết và không sợ hiểm nguy cho tính mạng là người không biết luồn cúi để đạp đầu người khác đi lên. 

Ô. Công về Việt Nam bị bắt vì làm chính trị còn bà Madison Nguyễn về Việt Nam ung dung đi chơi như đi chợ. Tại sao lại lạ thế? Theo phong tục người Tây Phương luôn luôn tìm kiếm nhân tài mới là những yếu tố dẫn đến thành công của nước Mỹ như hôm nay sẽ giúp cử tri Việt Nam đi đến việc chọn lựa nhân tài dễ dàng hơn. Mọi người sẽ bầu cho ai đã có đóng góp cho cộng đồng và có hy vọng thay đổi được vận mệnh của cộng đồng người Việt. Nhiều người luôn mong đợi cái mới để thay đổi không khí, để hy vọng cuộc đời khá hơn.

Phạm Triết
__._,_.___

Posted by: <nguyen_ngoctu75@yahoo.com

1- Thư Mời Tham Dự Cuộc Tuần Hành

$
0
0


--
Kính chuyển và kính mời Quý Đồng Hương cũng như Du Khách VN tại Hawaii tham dự cuộc tuần hành và biểu tình " chống thảm họa môi trường tại VN "đồng thời kính nhờ phổ biến rộng rãi.
Kính
HĐ/MG
Đại diện Hội Tương Trợ TPB Bình Thuận, ủng hộ và đồng hành cùng Hawaì trong mọi cuộc đấu tranh vì Tổ Quốc VN trước thãm họa diệt chủng gần kề.

Nhóm Tuổi Trẻ Hawaii.

Honolulu, ngày 16 tháng 5, 2016.

1- Thư Mời Tham Dự Cuộc Tuần Hành

Trân Trọng Kính Mời:

Quý Vị Lãnh đạo tinh thần các Tôn Giáo.
Quý Vi đại diện các Hội Đoàn, Đảng Phái Đấu Tranh Chính Trị.
Quý Vị đại diện Cơ quan Truyền thông Báo chí.
Quý Thân hào Nhân Sĩ, Các Bạn Trẻ và Quý Đồng Hương tại Hawaii.

Kính thưa quý vị,

Trước thảm họa do chất độc thải ra từ Nhà Máy Thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, đang làm hàng trăm tấn cá bị nhiễm độc chết trôi dạt vào bờ biển trải dài hàng trăm cây số.

Tình trạng này đang lây lan làm nguy hại đến nhiều sinh vật khác: ngầm sâu dưới đáy biển như những rạn san hô lâu đời,  những loài hải sản quí hiếm, cũng như chim muông ăn phải cá bị nhiễm độc bay đi khắp nơi chết gieo lây lan  khắp núi rừng, ảnh hưởng đến nhiều sinh vật thiên nhiên sống trên rừng sâu cũng như đất liền v...v..., và làm ảnh hưởng đến môi sinh, hủy hoại môi trường sống của cư dân ở nhiều tình Miền Trung và nay đã lan tràn xuống tận nhiều tỉnh Miền Tây, nước mặn cũng xâm vào tận sông ngòi làm lây chết luôn tôm cá toàn vùng.

Nghiêm trọng hơn hết là chất độc này còn hủy diệt môi trường sống của nhiều thế hệ mai sau với hậu quả khủng khiếp khó lường.

Trước những nguy cơ đe dọa đến cuộc sống và an nguy sinh mạng của cả dân tộc mà nhà cầm quyền Việt Nam vẫn thờ ơ, cố tình bưng bít thông tin, không công khai sự thật, không chỉ dẫn người dân tìm cách ngăn ngừa, ngược lại còn cố gắng khỏa lấp tội lỗi cho Formosa và lừa người dân vào chỗ chết bằng cách dụ tắm biển và ăn hải sản.

Đứng trước nguy cơ không lối thoát,  người dân Việt Nam đã đồng loạt đứng lên biểu tình trong nhiều tuần lễ vừa qua, mục đích là để đòi chính quyền phải có trách nhiệm với dân, phải minh bạch và công khai sự thật, ngăn chặn ngay những tác hại khôn lường từ nhà máy Formosa cũng như các tác hại tương tự về môi trường trên cùng khắp đất nước. 

Nhiều Kiến Nghị của các Tôn Giáo, chuyên gia, trí thức, các nhà hoạt động cũng đã lên tiếng trước sự vô trách nhiệm và vô cảm của nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN).

Thay vì có những đáp ứng đúng đắn để cùng toàn dân giải quyết sự việc cấp bách và đại họa môi sinh đang ập xuống lên đầu dân tộc, nhà nước CSVN lại ra tay đàn áp mãnh liệt những người biểu tình ôn hòa đòi hỏi an toàn môi trường sống. 

Đứng trước an nguy của đồng bào cả nước, giới trẻ Hawaii nguyện đồng hành và đứng ra tổ chức cuộc Tuần Hành nhằm nói lên sự hỗ trợ cho đồng bào ruột thịt của chúng ta, đồng thời tố cáo trước công luận Quốc Tế sự vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam, đã thẳng tay trấn áp người dân biểu tình ôn hoà trong những tuần lễ vừa qua. Ban vận động mong đón nhận được sự hỗ trợ nồng nhiệt của quý Tôn Giáo, Hội Đoàn, Đảng Phái cùng toàn thể quý ông bà cô bác, và các bạn trẻ cùng tham gia tổ chức và vận động để cuộc Tuần Hành ý nghĩa của chúng ta thật thành công.

Địa điểm : Góc đường Kekaulike và N. King st: ngày Chủ Nhật  22-5-2016 lúc10:00 sáng .

Sự hiện diện của quý vị sẽ là một sức mạnh cho Tuổi Trẻ Hawaii nói riêng cũng như thông tin truyền đi khắp nơi sẽ tạo thêm sức mạnh và nghị lực cho đồng bào trong nước, và đặc biệt giới trẻ Việt Nam toàn cầu hăng hái góp phần vào tiến trình dân chủ và xây dựng  đất nước sau này.

Chương trình gồm Phát biểu của Giới Trẻ, các Tôn Giáo, Hội Đoàn tham dự và những chi tiết khác sẽ được thông báo sau.

Trân Trọng.

Thay mặt Ban Tổ Chức

Nguyễn Hoàng Quyên                 Bùi T. Duyên
(cell) 1-808 223-7558.                (cell) 1-916-501-9877

    
Danh sách gồm những Tôn Gíáo, Hội Đoàn
 Ủng Hộ và cùng đứng tên chung:



Mục Sư Huỳnh Ngọc Thạch - Quản Nhiệm Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Hawaii.1-808-284-3262  
Ông Trần Trung Tấn Đại Diện Cơ Sở Đảng Việt Tân Hawaii. 
Anh Paul Hanh Nguyễn CT Cộng Đồng Việt Nam Tự Do tại Hawaii 1-808-768-7373;1-808-292-1313; 1-808-523-8408
Ông Lê Văn Kỳ Hội Ái Hữu Gia Đình Người Việt Cao Niên Email :levankylan@yahoo.com
Ông Ngô Xuân Tâm Chủ Tịch Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam Tại Hawaii 1-808-737-0610  tamxuanngo@gmail.com
Anh Hoàng Chị Thủy - Hội Trưởng Hội Nhân Ái Tình Thương Hawaii 1-808-726-7168 
Bà Dạ Hương - Hội Trưởng Hội Nghệ Sĩ Hawaii 1-808-381-1991  
Ông Bà Xuân Trọng Đại diện Nhóm Anh Em Thân Hữu Hawaii 1-808-753-1074 xuantrong.p@gmail.com
Ông Xuân Trường Việt Ngữ Lạc Hồng thuộc CĐVNTD Hawaii.
Nghệ Sĩ Lê Hoàng Trúc.
Anh Tuấn và Anh Chị Em Ban Nhạc Bảo Cát và Ca Sĩ.  ngotuanhawaii93@yahoo.com 
Anh Xuân Kỳ và anh Chị em Ban Nhạc Paradise và Ca Sĩ. 
Anh Dũng AC Hội Tennis Hawaii.




2-Thông Báo Biểu Tình “Vì Một Việt Nam Sạch” Chủ Nhật 22/5

Quê hương VN đang ngập tràn đau thương khi hàng triệu triệu tôm cá và thủy sản đã chết, đồng thời đời sống người dân bị đe dọa trầm trọng vì độc chất hóa học tràn lan do  nhà máy thép Formosa thải vào biển, đất và không khí quanh Vũng Áng, Hà Tĩnh, và hiện đang lây lan tới nhiều tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam.

Trước đại họa khôn lường của dân tộc, nhà cầm quyền CSVN không những khỏa lấp, che dấu sự thật và bao che cho tập đoàn Formosa, mà họ còn đàn áp người dân dã man khi tham gia biểu tình vì môi trường và tương lai của đất nước.

Chúng ta hãy cùng đồng hành với Quốc Nội để đòi hỏi “Một môi trường sạch và một chính quyền minh bạch,thực sự vì dân,vì nước.”  

Trân trọng kính mời quý đồng hương tại Hawaii cùng chung tay, góp sức trong công cuộc đấu tranh chung này để buộc nhà cầm quyền CSVN phải minh bạch và công bố sự thật cũng như truy tố tội phạm,bồi thường thiệt hại cho đồng bào và bảo đảm an nguy cho thế hệ mai hậu.

Kính mời quý vị cùng xuống đường tham gia cuộc tuần hành “Vì cá,vì môi trường sạch, và vì một Việt Nam tự do, dân chủ”.

Thời điểm:  10AM đến 12PM
       Ngày chủ nhật 22 tháng 5 năm 2016.
Địa điểm:     Ngay trung tâm chợ Tàu (bên mặt đường  Kekaulike và North King St)

Trân trọng cám ơn.
Ban Tổ Chức

Một Nhóm Trẻ Tái Hawaii
Quan Tâm Về Môi Trường Và Tình Hình Việt Nam

Xin liên lạc:

Duyên Bùi (916-501-9877)


Danh sách gồm những Tôn Gíáo, Hội Đoàn
Ủng Hộ và cùng đứng tên chung:



Mục Sư Huỳnh Ngọc Thạch - Quản Nhiệm Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Hawaii.1-808-284-3262  
Ông Trần Trung Tấn Đại Diện Cơ Sở Đảng Việt Tân Hawaii. 
Anh Paul Hanh Nguyễn CT Cộng Đồng Việt Nam Tự Do tại Hawaii 1-808-768-7373;1-808-292-1313; 1-808-523-8408
Ông Lê Văn Kỳ Hội Ái Hữu Gia Đình Người Việt Cao Niên Email :levankylan@yahoo.com
Ông Ngô Xuân Tâm Chủ Tịch Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam Tại Hawaii 1-808-737-0610  tamxuanngo@gmail.com
Anh Hoàng Chị Thủy - Hội Trưởng Hội Nhân Ái Tình Thương Hawaii 1-808-726-7168 
Bà Dạ Hương - Hội Trưởng Hội Nghệ Sĩ Hawaii 1-808-381-1991  
Ông Bà Xuân Trọng Đại diện Nhóm Anh Em Thân Hữu Hawaii 1-808-753-1074 xuantrong.p@gmail.com
Ông Xuân Trường Việt Ngữ Lạc Hồng thuộc CĐVNTD Hawaii.
Nghệ Sĩ Lê Hoàng Trúc.
Anh Tuấn và Anh Chị Em Ban Nhạc Bảo Cát và Ca Sĩ.  ngotuanhawaii93@yahoo.com 
Anh Xuân Kỳ và anh Chị em Ban Nhạc Paradise và Ca Sĩ.


&
Viewing all 674 articles
Browse latest View live